Đề cương ôn tập cơ sở văn hóa Việt Nam k30 ppt
Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (333.67 KB, 64 trang )
Câu 1
1. Khái niệm
– Thuật ngữ “giao lưu và tiếp biến văn hoá” được sử dụng khá rộng rãi trong
nhiều ngành khoa học xã hội như dân tộc học, xã hội học, văn hoá học.v.v ở phương
Tây, khái niệm này được dùng bởi những từ khác nhau. Người Anh dùng Cultural
Change (trao đổi văn hoá). Khái niệm Acculturation của người Hoa Kỳ được các nhà
nghiên cứu ở Việt Nam dịch với những nét nghĩa khác nhau: đan xen văn hoá, hỗn
dung văn hoá, giao thoa văn hoá. Cách dịch được nhiều người chấp nhận là giao lưu
và tiếp biến văn hoá.
– Nếu quy luật kế thừa là sự khái quát hoá quá trình phát triển văn hoá diễn ra
theo trục thời gian thì giao lưu và tiếp biến văn hoá nhìn nhận sự phát triển văn hoá
trong mối quan hệ không gian với nhiều phạm vi rộng hẹp khác nhau, tuỳ trình độ phát
triển và đặc điểm riêng của mỗi dân tộc.
– Khái niệm: Giao lưu và tiếp biến văn hoá là sự gặp gỡ, thâm nhập và học
hỏi lẫn nhau giữa các nền văn hóa. Trong quá trình này, các nền văn hoá bổ sung,
tiếp nhận và làm giàu cho nhau, dẫn đến sự biến đổi, phát triển và tiến bộ văn hoá.
– Giao lưu văn hoá thực chất là sự gặp gỡ, đối thoại giữa các nền văn hoá. Quá
trình này đòi hỏi mỗi nền văn hoá phải biết dựa trên cái nội sinh để lựa chọn tiếp nhận
cái ngoại sinh, từng bước bản địa hoá nó để làm giàu, phát triển văn hoá dân tộc.
Trong tiếp nhận các yếu tố văn hoá ngoại sinh, hệ giá trị xã hội và tâm thức dân tộc có
vai trò rất quan trọng. Nó là “màng lọc” để tiếp nhận những yếu tố văn hoá của các
dân tộc khác, giúp cho văn hoá dân tộc phát triển mà vẫn giữ được sắc thái riêng của
mình.
– Quá trình tiếp xúc và giao lưu văn hoá thường diễn ra theo hai hình thức:
+ Hình thức tự nguyện: Thông qua các hoạt động như buôn bán, thăm hỏi, du
lịch, hôn nhân, quà tặng…mà văn hoá được trao đổi trên tinh thần tự nguyện.
+ Còn hình thức cưỡng bức: thường gắn liền với các cuộc chiến tranh xâm lược
thôn tính đất đai và đồng hoá văn hoá của một quốc gia này đối với một quốc gia khác.
Tuy nhiên, trên thực tế, các hình thức này lắm khi không thuần nhất. Có khi trong cái
vẻ tự nguyện, có những yếu tố mang tính cưỡng bức. Hoặc trong quá trình bị cưỡng
bức văn hoá, vẫn có những yếu tố tiếp nhận mang tính tự nguyện.
2. Giao lưu và tiếp biến trong văn hóa Việt Nam
Trong quá trình phát triển của lịch sử dân tộc, văn hóa Việt Nam đã có những
cuộc tiếp xúc và giao lưu với các nền văn hóa phương Đông và phương Tây bằng
những con đường và hình thức khác nhau. Cùng với sự hình thành các yếu tố văn hóa
bản địa, giao lưu và tiếp biến với văn hóa Đông – Tây đã trở thành động lực to lớn cho
sự biến đổi, phát triển và làm nên những sắc thái riêng của nền văn hóa Việt Nam.
a. Giao lưu và tiếp biến với văn hoá Đông Nam Á
– Quá trình tiếp xúc và giao lưu với văn hoá Đông Nam á của người Việt cổ,
theo GS Hà Văn Tấn(1), diễn ra qua hai giai đoạn: Giai đoạn thứ nhất, trước nền văn
hoá Đông Sơn, và giai đoạn thứ hai là từ văn hoá Đông Sơn (thiên niên kỷ thứ I tr.CN)
trở đi đến thế kỷ cuối của thiên niên kỷ thứ I tr.CN.
+ Giai đoạn thứ nhất, việc tiếp xúc và giao lưu văn hoá chủ yếu diễn ra giữa các
bộ lạc hay nhóm bộ lạc trong phạm vi đất nước ta. Lúc ấy văn hoá Việt Nam vẫn
mang các đặc trưng Đông Nam Á cả về vật chất cũng như tinh thần.
– Dựa vào cứ liệu của cỏc ngành khoa học xã hội và nhân văn, khoa học ngày
hôm nay đó xác định được vùng Đông Nam Á có một cơ tầng văn hoá riêng biệt, phi
Hoa, phi Ấn. Vùng Đông Nam Á tiền sử đã sáng tạo nên một nền văn hoá có những
nét tương đồng:
+ Thứ nhất, đó là một phức thể văn hóa lúa nước với ba yếu tố: văn hóa núi, văn
hóa đồng bằng, văn hóa biển, trong đó yếu tố đồng bằng ra đời sau, chiếm diện tích
không lớn nhưng đóng vai trò chủ đạo. Đông Nam Á trong lịch sử đã từng được mệnh
danh là cái nôi của cây lúa nước và một trong năm trung tâm cây trồng lớn nhất thế
giới. Vì vậy, Đông Nam Á mang những đặc trưng của vùng văn hóa, văn minh nông
nghiệp lúa nước. Cùng với sản xuất lúa nước, trâu bò được thuần hóa và dùng làm sức
kéo, đặc biệt là trâu. Công cụ dùng trong sản xuất, sinh hoạt, chiến đấu, dụng cụ nghi
lễ chủ yếu được chế tác bằng đồng và sắt .v.v
+ Thứ hai: Hoạt động kinh tế chính của Đông Nam Á là sản xuất nông nghiệp.
Cư dân thành thạo nghề trông lúa nước và nghề đi biển.
+ Thứ ba: Trong cơ cấu gia đình truyền thống Đông Nam Á, người phụ nữ có
vai trò quyết định trong hoạt động gia đình. Đây cũng là một đặc điểm tạo nên dấu ấn
riêng của văn hóa Đông Nam Á so với các quốc gia trong khu vực văn hóa phương
Đông và phương Tây.
+ Thứ tư: Về mặt văn hóa tinh thần, ngay từ buổi đầu cư dân Đông Nam Á đã
hình thành cho mình một diện mạo văn hóa tinh thần khá phong phú và phát triển ở
trình độ cao. Điều đó thể hiện ở sự phát triển của tư duy nhận thức về xã hội và thế
giới, quan niệm về tính chất lưỡng phân, lưỡng hợp của thế giới .v.v Tín ngưỡng
Đông Nam Á buổi đầu là bái vật giáo với việc thờ các thần: thần đất, thần mưa, thần
lúa, thờ mặt trời, thờ cây, thờ đá, thờ cá sấu, đặc biệt là tín ngưỡng phồn thực và thờ
cúng tổ tiên.
– Giai đoạn thứ hai, vào thời kỳ Đông Sơn- thời kỳ kết tinh tinh thần dân tộc, kết
tinh văn hoá. Không chỉ giữa các nền văn hoá Đông Sơn, văn hoá Sa Huỳnh và văn
hoá Đồng Nai có sự trao đổi, tiếp xúc lẫn nhau, mà các nền văn hoá này đã có trao đổi
tiếp xúc khá mạnh mẽ với văn hoá Đông Nam Á. Chứng cứ là, người ta tìm thấy khá
nhiều trống đồng Đông Sơn ở Thái Lan, Ma Lai, Inđônêxia, và miền nam Trung Quốc
(thuộc khu vực văn hoá Đông Nam Á). Nhiều trống đồng có hoa văn, hình người,
hình chim tìm thấy ở Tấn Ninh (Nam Trung Quốc) mang phong cách Đông Sơn. Rất
nhiều rìu đồng đuôi én tìm thấy ở Inđônêxia được sản xuất theo phong cách Đông Sơn
(kiểu rìu làng Vạc- Nghệ An). Các đồ đồng này hoặc bằng con đường buôn bán mà có
mặt ở các nước trong khu vực, hoặc được chế tạo tại chỗ theo phong cách Đông Sơn
mà họ chịu ảnh hưởng.
– Nằm trong khu vực Đông Nam Á, văn hóa Việt Nam ngay từ thời kỳ tiền sử
và sơ sử đã mang những sắc thái của văn hóa Đông Nam Á.Tuy nhiên, trong quá trình
phát triển của lịch sử, giao lưu với văn hóa Trung Hoa, Ấn Độ, những ảnh hưởng
mạnh mẽ của chúng đã khiến cho văn hóa cổ Đông Nam Á bị giải thể về mặt cấu trúc.
Những yếu tố, những mảnh vụn của chúng trở thành cơ tầng sâu văn hóa Đông Nam Á
trong các nền văn hóa của mọi quốc gia trong khu vực và được bảo lưu như các yếu tố,
các giá trị chung tạo nên những nét tương đồng văn hóa.
– Vào thời kỳ sơ sử, người Việt Nam đã tạo dựng cho mình một nền văn hóa bản
địa rực rỡ: văn hóa Đông Sơn, văn hóa Sa Huỳnh, văn hoá Đồng Nai. Trước khi tiếp
xúc và giao lưu với văn hoá Trung Hoa và Ấn Độ, Việt Nam đã hình thành một nền
văn hoá bản địa vừa có những nét tương đồng với Đông Nam Á vừa có cá tính, bản
sắc riêng. Điều này được thể hiện ở một số điểm như sau:
+ Địa bàn cư trú của người Việt đã tương đối ổn định, theo mô hình làng.
+ Phương thức sản xuất chính là nông nghiệp, trồng trọt, có kết hợp với chăn
nuôi và đánh bắt thuỷ hải sản. Trong sản xuất nông nghiệp, nổi bật là nền văn minh lúa
nước, dùng sức kéo là trâu bò.
+ Trình độ luyện kim đồng, sắt, chế tác các dụng cụ lao động, vật dụng, các đồ
trang sức…bằng đồng, sắt đạt đến một trình độ điêu luyện và có cá tính văn hoá Việt.
+ Đã có tiếng nói tương đối ổn định, đó là hệ ngôn ngữ Việt- Mường.
+ Đã có một hệ thống huyền thoại trở thành “mẫu gốc”, thành tâm thức cộng
đồng trong đời sống tinh thần người Việt. Hệ thống huyền thoại này phản ánh năm
lĩnh vực trụ cột lớn của đời sống cộng đồng dân tộc quan tâm như : nguồn gốc giống
nòi, làm ăn dựng xây đất nước, đánh giặc giữ nước, đời sống tâm linh và tình yêu lứa
đôi của con người. Tất cả, hoặc từng phần những nội dung đó được thể hiện trong
những huyền thoại rực rỡ như: Lạc Long Quân và Âu Cơ, Sơn Tinh- Thuỷ Tinh,
Thánh Gióng, An Dương Vương, Chử Đồng Tử và Tiên Dung… Đó là một tài sản
tinh thần to lớn có ý nghĩa tập hợp sức mạnh đoàn kết, ý thức tự cường văn hoá của
dân tộc Việt Nam trong suốt hành trình lịch sử.
– Một nghìn năm dưới ách đô hộ của các đế chế phương Bắc, văn hóa Đông Sơn
bị giải thể về mặt cấu trúc nhưng văn hóa Việt Nam vẫn phát triển. Những yếu tố của
văn hóa Đông Sơn vẫn được lưu giữ trong các xóm làng. Đây chính là sức mạnh để
chủ nhân văn hóa Việt Nam đủ bản lĩnh trong giao lưu tiếp biến với văn hóa Trung
Hoa mà vẫn giữ được bản sắc văn hóa dân tộc.
b. Giao lưu và tiếp biến với văn hóa Trung Hoa
Giao lưu và tiếp biến giữa văn hóa Việt Nam và văn hóa Trung Hoa là sự giao
lưu, tiếp biến liên tục qua nhiều thời kỳ của lịch sử. Trung Hoa là một trong những
trung tâm văn hóa lớn ở phương Đông, có nền văn hóa lâu đời và phát triển rực rỡ.
– Văn hóa Trung Hoa là nền văn hóa nông nghiệp xuất phát từ nông nghiệp
trồng khô (trồng kê và lúa mạch) trên đất hoàng thổ của vùng trung du Hoàng Hà. Do
nằm trên ngã ba đường của các luồng giao lưu kinh tế – văn hóa Đông – Tây, Nam –
Bắc trong đại lục Châu Á và miền bình nguyên Âu – Á, nên văn hóa Trung Hoa vừa
mang những đặc điểm văn hóa du mục của các cư dân phương Bắc và Tây Bắc, vừa
thâu hóa nhiều tinh hoa của văn hóa nông nghiệp trồng lúa nước của các cư dân
phương Nam. Lịch sử hình thành và phát triển của văn hóa Trung Hoa gắn liền với
lịch sử mở rộng lãnh thổ bằng các cuộc chinh phạt về mặt quân sự và truyền bá văn
hóa của tổ tiên người Trung Hoa từ phía Tây lưu vực sông Hoàng Hà theo hướng từ
Tây sang Đông, từ Bắc xuống Nam. Cùng với sự bành trướng về phương Nam của các
triều đại phong kiến Trung Hoa, đã diễn ra quá trình Trung Hoa thâu hóa văn hóa
phương Nam, Hán hóa các nền văn hóa phương Nam. Vị trí địa lý và những diễn biến
của lịch sử đã tạo các điều kiện gặp gỡ và tiếp xúc thường xuyên giữa văn hóa Việt
Nam và văn hóa Trung Hoa. Ngày nay, không thể phủ nhận ảnh hưởng của văn hóa
Trung Hoa đối với văn hóa Việt Nam là rất lớn. Vấn đề đặt ra là trong cuộc tiếp xúc
không cân sức này, người Việt làm thế nào để văn hóa dân tộc vẫn tồn tại và phát
triển, vẫn khẳng định được bản sắc văn hóa của mình?
– Quá trình giao lưu tiếp biến giữa văn hóa Việt Nam và văn hóa Trung Hoa
diễn ra với hai hình thức: giao lưu cưỡng bức và giao lưu tự nguyện.
+ Giao lưu cưỡng bức diễn ra ở hai giai đoạn lịch sử điển hình: từ thế kỷ I đến
thế kỷ X và từ 1.407 đến 1.427. Suốt thiên niên kỷ thứ nhất sau Công nguyên, các đế
chế phương Bắc ra sức thực hiện các chính sách đồng hoá về phương diện văn hoá
nhằm biến nước ta trở thành một quận, huyện của Trung Hoa. Từ 1.407 đến 1.427 là
giai đoạn nhà Minh xâm lược Đại Việt. Trong số các kẻ thù từ phương Bắc, giặc Minh
là kẻ thù tàn bạo nhất đối với văn hóa Đại Việt. Minh Thành tổ ban lệnh cho viên
tướng Trương Phụ chỉ huy binh lính vào xâm lược Việt Nam: “Binh lính vào Việt
Nam, trừ sách vở và bản in đạo Phật, đạo Lão thì không thiêu hủy, ngoài ra hết thảy
mọi sách vở khác, văn tự cho đến ca lý dân gian hay sách dạy trẻ nhỏ một mảnh,
một chữ đều phải đốt hết. Khắp trong nước, phàm những bia do người Trung Quốc
dựng từ xưa đến nay thì đều giữ gìn cẩn thận, còn các bia do An Nam dựng thì phá
hủy tất cả, một chữ chớ để còn”.
+ Giao lưu tiếp biến văn hóa một cách tự nguyện là dạng thức thứ hai của quan
hệ giữa văn hóa Việt Nam và văn hóa Trung Hoa. Trước thời kỳ Bắc thuộc đã từng
diễn ra giao lưu tự nhiên giữa tộc người Hán với cư dân Bách Việt. Nghiên cứu lịch
sử văn minh Trung Hoa người ta thấy có nhiều yếu tố văn hóa phương Nam đã được
người Hán tiếp nhận từ thời cổ đại, những yếu tố này nhập sâu vào văn hóa Hán, được
hệ thống hóa, nâng cao “chữ nghĩa hóa” rồi truyền bá trở lại phương Nam dưới dáng
vẻ mới. Có thể nói, đó là sự giao lưu tiếp xúc hai chiều học hỏi lẫn nhau giữa các nền
văn hóa. Hiện nay đã phát hiện được trống đồng và nhiều đồ đồng Đông Sơn trên đất
Trung Hoa, đồng thời cũng phát hiện nhiều vật phẩm mang dấu ấn Trung Hoa trong
các di chỉ khảo cổ học ở Việt Nam. Trong nền văn hóa Đông Sơn, người ta đã nhận
thấy khá nhiều di vật của văn hóa phương Bắc nằm cạnh những hiện vật của văn hóa
Đông Sơn. Chẳng hạn những đồng tiền thời Tần Hán, tiền Ngũ thù đời Hán, các dụng
cụ sinh hoạt của quý tộc Hán như gương đồng, ấm đồng .v.v Có thể những sản phẩm
ấy là kết quả của sự trao đổi, thông thương giữa hai nước.
– Ở thời kỳ độc lập tự chủ, nhà nước quân chủ Đại Việt được mô phỏng theo mô
hình nhà nước phong kiến Trung Hoa. Nhà Lý, nhà Trần về tổ chức chính trị xã hội
lấy cơ chế Nho giáo làm gốc tuy vẫn chịu ảnh hưởng rất đậm của Phật giáo. Đến nhà
Lê đã hoàn toàn tự nguyện và chịu ảnh hưởng của Nho giáo sâu sắc.
– Cũng cần nhận thức rõ rằng ngay cả trong giao lưu cưỡng bức, người Việt
luôn có ý thức chống lại sự đồng hóa về phương diện văn hóa, chuyển thế bị động
thành thế chủ động bằng cách bản địa hóa văn hóa Hán để tự làm giàu cho bản thân
mình mà không bị đồng hóa về phương diện văn hóa.
– Cả hai dạng thức của giao lưu, tiếp biến văn hóa cưỡng bức và tự nguyện giữa
văn hóa Việt Nam với văn hóa Trung Hoa đều là nhân tố cho sự vận động của văn hóa
Việt Nam trong diễn trình lịch sử. Người Việt luôn có ý thức vượt lên, thâu hóa những
giá trị văn hóa Trung Hoa để làm giàu cho văn hóa dân tộc và đã đạt được những
thành tựu đáng kể trong giao lưu tiếp biến với văn hóa Trung Hoa.
+ Về văn hóa vật thể: Người Việt tiếp nhận một số kỹ thuật trong sản xuất như:
kỹ thuật rèn đúc sắt gang để làm ra công cụ sản xuất và sinh hoạt, kỹ thuật dùng phân
bón để tăng độ màu mỡ cho đất, kỹ thuật xây cất nơi ở bằng gạch ngói. Người Việt
còn học hỏi kinh nghiệm dùng đá đắp đê ngăn sóng biển, biết cải tiến kỹ thuật làm đồ
gốm (gốm tráng men)…
+ Về văn hóa phi vật thể: Việt Nam tiếp nhận ngôn ngữ của người Trung Hoa
(cả từ vựng và chữ viết), tiếp thu hệ tư tưởng Trung Hoa cổ đại (Nho gia, Đạo gia) trên
tinh thần hỗn dung, hòa hợp với tín ngưỡng bản địa và các hệ tư tưởng khác, mô
phỏng hệ thống giáo dục theo tinh thần Nho giáo, tiếp nhận một số phong tục lễ Tết, lễ
hội .v.v
c Giao lưu tiếp biến với văn hóa Ấn Độ
Ấn Độ là một trung tâm văn hóa văn minh lớn của khu vực phương Đông và thế
giới. Văn minh Ấn Độ lan tỏa khắp khu vực Đông Nam Á và trên nhiều bình diện có
ảnh hưởng sâu đậm đến văn hóa Việt Nam bằng nhiều hình thức.
Giao lưu và tiếp biến với văn hóa Ấn Độ diễn ra bằng con đường hòa bình. Các
thương gia, các nhà sư Ấn Độ đến Việt Nam với mục đích thương mại, truyền bá, văn
hóa, tôn giáo.
– Giao lưu với văn hóa Ấn Độ ở những thời kỳ lịch sử khác nhau, không gian
văn hóa khác nhau thì nội dung giao lưu cũng khác nhau. Ở thiên niên kỷ đầu Công
nguyên, trên lãnh thổ Việt Nam hiện nay có ba nền văn hóa: Văn hóa cùng châu thổ
Bắc bộ, văn hóa Chăm Pa và văn hóa Óc Eo. Ảnh hưởng của văn hóa Ấn Độ đến ba
vùng văn hóa này có khác nhau. Văn hóa Óc Eo chịu ảnh hưởng của văn hóa Ấn Độ
khá toàn diện. Trên nền tảng cơ tầng văn hóa bản địa, các đạo sĩ Bà la môn đến từ Ấn
Độ đã tổ chức, xây dựng một quốc gia mô phỏng mô hình của Ấn Độ ở tất cả các mặt:
tổ chức chính trị, thiết chế xã hội, đô thị, giao thông cùng với việc truyền bá các thành
tố văn hóa tinh thần như chữ viết, tôn giáo .v.v
– Văn hóa Ấn Độ đã góp phần quan trọng vào quá trình hình thành vương quốc
Chăm Pa và một nền văn hóa Chăm Pa phát triển rực rỡ. Người Chăm đã tiếp nhận mô
hình văn hóa Ấn Độ từ việc tổ chức nhà nước cho đến việc tạo dựng và phát triển các
thành tố văn hóa. Họ đã rất linh hoạt trong tiếp biến văn hóa Ấn Độ để tạo dựng nên
nền văn hóa Chăm Pa với những sắc thái văn hóa đan xen giữa Ấn Độ, Đông Nam Á
và văn hóa bản địa Chăm đặc sắc. Điều này thể hiện trên các lĩnh vực, đặc biệt là chữ
viết, tôn giáo, kiến trúc và nghệ thuật.
– Giao lưu và tiếp biến với văn hóa Ấn Độ của người Việt ở vùng châu thổ Bắc
bộ lại diễn ra trong đặc điểm hoàn cảnh lịch sử riêng. Trước khi tiếp xúc với văn hóa
Ấn Độ, văn hóa của người Việt đã định hình và phát triển. Dưới thời Bắc thuộc, người
Việt tiếp nhận văn hóa Ấn Độ vừa trực tiếp qua các thương gia, các nhà sư từ Ấn Độ
sang và vừa gián tiếp qua Trung Hoa. Những thế kỷ đầu Công nguyên, người Việt tiếp
nhận văn hóa Ấn Độ trong hoàn cảnh đặc biệt: nước mất và phải đối mặt với văn hóa
Hán. Bởi vậy, ảnh hưởng của văn hóa Ấn Độ chỉ diễn ra trong tầng lớp dân chúng
nhưng lại có sức phát triển lớn. Vùng châu thổ Bắc Bộ trở thành địa bàn trung chuyển
văn hóa Ấn Độ, đặc biệt là tôn giáo. Giao Châu trở thành trung tâm Phật giáo lớn ở
Đông Nam Á. Người Việt tiếp nhận Phật giáo một cách dung dị bởi đạo Phật ở một số
nội dung giáo lý phù hợp với tín ngưỡng bản địa Việt Nam.
***Nghiên cứu giao lưu tiếp biến giữa văn hóa Việt Nam và văn hóa Ấn Độ cần
chú ý những đặc điểm sau:
+ Người Việt đã tiếp nhận văn hóa Ấn Độ và đặc biệt là đạo Phật trên tinh thần
cơ bản là hỗn dung tôn giáo. Khi vào Việt Nam, Phật giáo đã tiếp xúc ngay với tín
ngưỡng bản địa của dân tộc và đã chung sống với chúng. Từ tín ngưỡng thờ các hiện
tượng tự nhiên, thờ nữ thần nông nghiệp, tín ngưỡng phồn thực của văn hóa bản địa,
người Việt đã thâu thái những yếu tố của đạo Phật và tạo nên một dòng Phật giáo dân
gian thờ Tứ Pháp hết sức đặc sắc .v.v
+ Phật giáo Ấn Độ đến Giao Châu không chỉ là một hiện tượng tôn giáo mà còn
là một hiện tượng văn hóa. Cùng với đạo Phật, một tổng thể văn hóa Ấn Độ ảnh
hưởng đến Việt Nam ngay từ đầu Công nguyên như: ngôn ngữ, âm nhạc, vũ đạo, nghệ
thuật .v.v Cũng hình thành ở Việt Nam những công trình văn hóa, nghệ thuật có giá
trị: hệ thống chùa, tháp .v.v
+ Tiếp nhận văn hóa Ấn Độ ở thời kỳ Bắc thuộc có thể xem là một đối trọng với
ảnh hưởng của văn hóa Hán, thể hiện tinh thần chống đồng hóa văn hoá của người
Việt.
d. Giao lưu và tiếp biến với văn hóa phương Tây
Giao lưu và tiếp biến với văn hóa phương Tây đặc biệt ở nửa sau của thế kỷ XIX đã
tạo bước chuyển có tính chất bước ngoặt trong sự phát triển của văn hóa Việt Nam.
– Giao lưu với văn hóa phương Tây đã từng diễn ra rất sớm trong lịch sử.
Nghiên cứu văn hóa khảo cổ, người ta thấy trong văn hóa Óc Eo có nhiều di vật của
các cư dân La Mã cổ đại, chứng tỏ đã có những quan hệ thương mại quốc tế rộng rãi.
Thế kỷ XVI, các linh mục phương Tây đã vào truyền giáo ở vùng Hải Hậu (nay thuộc
tỉnh Nam Định) và chúa Trịnh vua Lê ở Đàng Ngoài cũng như các chúa Nguyễn ở
Đàng Trong, rồi nhà Tây Sơn đều có quan hệ với phương Tây. Tuy nhiên, giao lưu
văn hóa toàn diện thực sự diễn ra khi Pháp xâm lược Việt Nam.
– Về phía người Pháp, sau khi đã lập được ách đô hộ ở Việt Nam, họ rất có ý
thức dùng văn hóa như một công cụ để cai trị. Víi tinh thần yêu nước và lòng tự trọng
dân tộc, thái độ trước hết của người Việt Nam là chống trả quyết liệt cả về phương
diện chính trị và văn hóa. Có thể thấy thái độ ấy ở các nhà nho yêu nước ở Nam Bộ
cuối thế kỷ XIX như Nguyễn Đình Chiểu, Trương Công Định, Nguyễn Trung Trực
Trong hoàn cảnh mất nước, người Việt có ý thức chống lại văn hóa mà đội quân xâm
lược định áp đặt cho họ: thái độ không học tiếng Tây, không mặc đồ Tây, không dùng
hàng Tây Tuy nhiên, bằng thái độ mềm dẻo, cởi mở, dần dần họ đã tiếp nhận những
giá trị văn hóa mới để phát triển văn hóa dân tộc, sử dụng chúng trong công cuộc đấu
tranh chống ngoại xâm giành độc lập dân tộc.
– Trong lịch sử mấy ngàn năm, các cuộc giao lưu và tiếp biến với các nền văn
hóa trong khu vực chỉ làm đổi thay về phương diện yếu tố của văn hóa Việt Nam. Lần
đầu tiên trong lịch sử, quá trình tiếp xúc toàn diện với văn hóa phương Tây giai đoạn
1858 – 1945 đã khiến người Việt cấu trúc lại nền văn hóa của mình, đi vào vòng quay
của văn minh công nghiệp phương Tây. Diện mạo văn hóa Việt Nam thay đổi trên các
phương diện: Thứ nhất là chữ Quốc ngữ, từ chỗ là loại chữ viết dùng trong nội bộ một
tôn giáo được dùng như chữ viết của một nền văn hóa. Thứ hai là sự xuất hiện của các
phương tiện văn hóa như nhà in, máy in ở Việt Nam Thứ ba là sự xuất hiện của báo
chí, nhà xuất bản. Thứ tư là sự xuất hiện của một loạt các thể loại, loại hình văn nghệ
mới như tiểu thuyết, thơ mới, điện ảnh, kịch nói, hội họa
Như vậy, với lối ứng xử thông minh, mềm dẻo, qua mỗi chặng đường thử thách,
văn hóa dân tộc lại trưởng thành và phát triển lên một bước mới. Cuộc hội nhập lần
thứ nhất, tiếp biến với văn hóa Ấn Độ và văn hóa Hán đã làm giàu cho văn hóa Việt
Nam, khiến cho dân tộc đủ mạnh, tạo cơ sở cho sự phát triển trong kỷ nguyên Đại
Việt. Hội nhập lần thứ hai, tiếp biến với văn hóa phương Tây đã góp phần hiện đại hóa
văn hóa dân tộc trên mọi phương diện.
e. Giao lưu và tiếp biến trong giai đoạn hiện nay
Hiện nay, chúng ta đang bước vào cuộc hội nhập lần thứ ba, hướng tới mục tiêu
xây dựng một nền văn hóa “tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”.
– Những thuận lợi
+ Chúng ta có một quốc gia độc lập thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ, từ Mục
Nam Quan đến mũi Cà Mau. GLTBVH trong thời đại ngày nay là hoàn toàn tự
nguyện.
+ Cả dân tộc là một khối thống nhất với một nền văn hoá đa dạng phong phú
+ Sau hơn 20 năm đổi mới, đất nước ta đã có những bước phát triển đáng kể
trên tất cả các mặt, kinh tế, chính trị, khoa học, giáo dục, công nghệ.
+ Trình độ học vấn, nhận thức về văn hoá và vai trò của văn hoá của tất cả các
cấp lãnh đạo cũng như người dân được nâng cao, ý thức về quốc gia, lòng tự hào dân
tộc được khơi dậy mạnh mẽ, người dân được thoả sức sáng tạo và hưởng thụ những
giá trị văn hoá vật chất, tinh thần ở mọi khía cạnh.
+ Vị thế của đất nước được nâng cao, bình đẳng với tất cả các quốc gia trên thế
giới
+ Nghị quyết trung ương 5 khoá VIII đã xác định rõ: Văn hoá vừa là nền tảng,
vừa là động lực phát triển xã hội.
+ Đảng ta chủ trương mở cửa giao lưu quốc tế trên nhiều lĩnh vực. Đối với lĩnh
vực văn hóa vừa tiếp thu, học hỏi những tinh hoa văn hoá thế giới dưới mọi hình thức,
vừa kiên quyết chống văn hoá độc hại. Đồng thời ra sức gìn gữ và phát huy các giá trị
văn hoá truyền thống của dân tộc.
– Những khó khăn
+ Việc tiếp thu những giá trị văn hoá tiên tiến của thế giới với mục đích: Đưa
nước ta ngày càng phát triển, nhất là hạ tầng cơ sở vật chất và khoa học công nghệ,
song một vấn đề lớn đặt ra và ngày càng trở lên gay gắt là sự mâu thuẫn giữa bảo tồn
và phát triển.
+ Tiếp thu khoa học công nghệ cũng đồng nghĩa với việc tiếp thu lối sống, tác
phong công nghiệp => nếp nghĩ, lối sống, đến cả không gian thôn dã của một nền văn
hoá nông nghiệp lúa nước đang bị mất dần.
+ Một hệ tư tưởng đạo đức không phù hợp với thuần phong mỹ tục, với các giá
trị đạo đức nhân văn truyền thống đang từng ngày thâm nhập vào đời sống văn hoá
của nhân dân ta.
+ Môt bộ phận dân chúng, nhất là thanh thiếu niên đang chạy theo lối sống
hưởng thụ, trong quan hệ ứng xử phai nhạt nghĩa tình, tất cả đều nhuốm màu thương
mại, tiếp thu văn hoá ngoại lai một cách thái quá, phủ nhận các giá trị truyền thống.
+ Một số cấp lãnh đạo quản lý cũng còn chưa nhận thức được đầy đủ vai trò của
văn hoá đối với đời sống xã hội
+ Hoàn cảnh lịch sử => giao lưu tiếp biến VH thay đổi trên nhiều phương diện:
+ Giao lưu TBVH trong thời đại tin học, kinh tế tri thức=> GLTBVH trở lên đa
dang và phức tạp cả về nội dung, loại hình lẫn phương thức
+ Các thế lực thù địch, phản động quốc tế không ngừng tìm cách chống phá
chúng ta về mọi mặt thông qua con đường giao lưu tiếp biến văn hoá, nhằm từng bước
chuyển hoá về tư tưởng ý thức hệ, đạo đức lối sống của nhân dân ta.
Câu 2:
. Môi trường tự nhiên tác động đến văn hoá Việt Nam
Có 3 đặc điểm cơ bản của môi trường tự nhiên Việt Nam đã tác động và ảnh
hưởng sâu sắc đến sự hình thành và phát triển nền văn hoá dân tộc:
– Nước ta nằm ở vị trí địa lý là trung tâm điểm của các trục đường giao lưu
quốc tế. Các nước từ phương Bắc muốn tiến xuống phương Nam, các nước từ phương
Tây sang phương Đông, và ngược lại, đều đi qua Việt Nam hoặc lấy Việt Nam làm
một vị trí trung chuyển đều rất thuận lợi. Trước đây, nhiều triều đại phong kiến Trung
Hoa đã tiến đánh xâm chiếm Việt Nam, và từ Việt Nam thực hiện ý đồ mở rộng về
phía Nam và Đông Nam á. Từ cuối thế kỷ XVI một số nhà buôn phương Tây đã đi
theo đường biển vào Việt Nam để buôn bán, và từ Việt Nam, mở rộng buôn bán với
các nước khác trong khu vực. Sau này thực dân Pháp và đế quốc Mỹ đã xâm lược
nước ta cũng thực hiện mưu đồ làm chủ Đông Nam Á Việt Nam đã trở thành vị trí
có ý nghĩa chiến lược trên bản đồ thế giới. Điều này tạo thuận lợi cho nước ta có ưu
thế giao lưu văn hoá, thương mại, du lịch Nhưng nó cũng cắt nghĩa một điều là tại
sao Việt Nam trong suốt hàng chục thế kỷ lại hứng chịu những cơn bão táp ngoại xâm
liên tục và khốc liệt đến vậy.
– Nước ta có một hệ sinh thái phồn tạp, nghiêng về phía thực vật, thực vật ưu
trội hơn động vật. Cũng chính vì thế, ngành kinh tế trồng trọt, nông nghiệp mạnh hơn
chăn nuôi. Điều này ảnh hưởng tới việc hình thành và phát triển của văn hoá Việt Nam
rất đậm với những biểu hiện cơ bản sau:
+ Việt Nam có một nền văn minh nông nghiệp trồng trọt mà đỉnh cao là trồng
cây lúa nước. Từ đây nó quy định mô hình bữa ăn điển hình của người Việt là cơm –
rau – cá. Hai trong ba thức ăn đó là thực vật. Cây lúa liên quan rất mật thiết đến văn
hoá ẩm thực (các sản phẩm vô cùng đa dạng làm ra từ hạt gạo, rượu nấu từ gạo ). Cây
lúa, hạt gạo trở thành biểu tượng tinh thần trong tâm thức Việt
+ Chúng ta có cả một tín ngưỡng thờ cây. Có hai thứ cây quan trọng nhất được
người Việt biến thành cây thiêng liêng: Cây lúa và cây cau. Xôi, bánh chưng bánh dầy
để thờ cúng, cau cũng trở thành đồ thờ cúng, dẫn cưới Người dân Bắc bộ có câu:
“Thần cây đa, ma cây gạo, cú cáo cây đề”. Tết Nguyên Đán dân ta có tục hái lộc
xuân Đặc biệt, ngày Tết mùng Năm tháng Năm được coi là ngày kết tinh tín ngưỡng
thờ cây của người Việt. Vào ngày này, người dân ăn rượu nếp cái, ăn các thứ hoa quả
để “giết sâu bọ”, gọi cây bói quả, hái “lá mùng Năm”
+ Cảm quan của con người đối với thiên nhiên đặc biệt gắn bó với cây cối, hoa
cỏ. Người Việt hay ví con người với hoa cỏ, lấy hoa cỏ làm thước đo để đo vẻ đẹp con
người. Ca dao hay ví người phụ nữ với chẽn lúa đòng đòng, củ ấu gai, cây quế giữa
rừng, hoa ngâu, hoa sen
– Nước ta có một hệ thống sông ngòi, kênh rạch chằng chịt khắp Bắc, Trung,
Nam. Riêng Nam Bộ chẳng hạn, theo GS. Lê Bá Thảo đã có 5.700 km đường kênh
rạch. Thêm nữa, lại có trên 3.000 km chiều dài bờ biển. Đặc điểm sông nước đã để lại
dấu ấn rất đậm lên diện mạo văn hoá Việt Nam. Dưới đây là một vài biểu hiện:
+ Thành phần thứ ba trong cơ cấu bữa ăn điển hình của người Việt là cá, các
loài thuỷ hải sản khác, và các chế phẩm của chúng, tiêu biểu là nước mắm.
+ Hình thức cộng cư của người Việt hoặc chọn vị trí gần sông theo kiểu “Nhất
cận thị, nhì cận giang”, hoặc quần tụ trên sông thành các “vạn chài”. Người Nam Bộ
còn có nghề “Thương hồ”- người buôn bán trên sông nước; hình thức chợ nổi trên
sông
+ Cư dân Bắc và Trung bộ phải thường xuyên đối mặt với nạn lũ lụt. Ngay từ
thời xa xưa, công cuộc chinh phục lũ lụt đã đi vào huyền thoại “Sơn Tinh Thuỷ Tinh”.
Chưa bao giờ các triều đại và người dân Việt Nam dám coi nhẹ việc đắp đê chống lụt.
Công cuộc đắp đê trị thuỷ là một kỳ tích vĩ đại của người Việt.
+ Tín ngưỡng thờ sông nước: Thần sông thần suối, “Đất có thổ công, sông có
Hà Bá”. Nhân dân miền duyên hải còn thờ “cá Ông” như một con vật thiêng phù trợ
cho cuộc sống của những người làm nghề đánh cá
+ Từ đặc điểm sông nước này mà nhà học giả Cao Xuân Huy nói tới “tính thuỷ”
trong tính cách người Việt, rộng ra là trong văn hoá Việt.
Ngoài 3 đặc điểm chính trên, có nhà nghiên cứu còn nhắc đến đặc điểm địa
hình của nước ta rất đa dạng bao gồm cả miền núi, đồng bằng và biển cả, giữa chúng
có vùng trung chuyển. Đặc điểm này khiến cảm thụ về thiên nhiên của người Việt khá
phong phú. Trong các địa hình đó không thể không nhắc đến hang động vùng rừng núi
và cảng vịnh dưới biển. Hệ thống hang động Việt Nam kỳ vĩ, phong phú trải dài từ
Bắc vào Nam, trong đó Phong Nha (Quảng Bình) đã trở thành Di sản thiên nhiên thế
giới. Người Việt đến với hang động không chỉ để thưởng thức mà con thiêng liêng hoá
chúng, biến thành nơi cầu nguyện, đáp ứng nhu cầu tâm linh. Các cảng vịnh cũng dồi
dào, đa dạng, trải dài từ Móng Cái đến Hà Tiên. Vịnh Hạ Long và Nha Trang đã mang
đẳng cấp quốc tế. Hang động và cảng vịnh thực sự là những món quà vô giá của tạo
hoá ban tặng cho nước Việt chúng ta. Cũng cần lưu ý, nhìn trên tổng thể thì như vậy,
nhưng đi vào mỗi vùng miền Tổ quốc lại thấy có những điều kiện tự nhiên cụ thể khác
nhau, do đó diện mạo văn hoá ở mỗi vùng cũng có những nét độc đáo khác biệt. Đến
lượt người nghiên cứu văn hoá, trên mẫu số chung đó, phải chỉ ra được những nét độc
đáo khác nhau của mỗi vùng văn hoá.
Câu 5
. Nho giáo Trung Quốc ảnh hưởng đến gia đình Việt Nam, tạo cho gia đình Việt
Nam mang tính chất phụ quyền, tư tưởng trọng nam khinh nữ. Nhưng nhiều khi ảnh
hưởng của Nho giáo đến gia đình truyền thống của người Việt chỉ mang tính hình thức
mà nhiều người đã dùng hình ảnh “vỏ Tàu lõi Việt” để so sánh.
Điều đó được thể hiện rõ nét qua vai trò, vị trí của người phụ nữ trong gia đình
người Việt (khác với vị trí, vai trò người phụ nữ trong gia đình Trung Quốc: người vợ,
người mẹ thường không có quyền và không hưởng một chút quyền lợi nào cả).
Ví dụ: Luật Hồng Đức và Luật Gia Long là hai bộ luật chịu ảnh hưởng đáng kể
của luật Trung Hoa, ra đời vào thời kỳ Nho giáo được xem là Quốc giáo. Nhưng
những nội dung của 2 luật này cũng có những sáng tạo thuộc Việt Nam. Luật của
Trung Quốc đề cao quan hệ cha – con; Luật Việt Nam đề cao quan hệ vợ chồng, trọng
phụ nữ.
~ Luật Hồng Đức:
Về kinh tế: Bảo đảm con gái được hưởng quyền thừa kế tài sản bình đẳng như
con trai.
Về tâm linh: Con gái, cháu gái có quyền hương khói cho cha mẹ trong trường
hợp nhà không có con trai. Nếu con trai trưởng còn nhỏ, bà quả phụ có quyền thay con
tế tự tổ tiên.
Trong hôn nhân: Người phụ nữ có quyền từ hôn nếu vị hôn phu chẳng may bị ác
tật, phạm tội hoặc phá sản; có quyền bỏ chồng nếu trong 5 tháng chồng bỏ rơi vợ,
không đi lại.
~ Luật Gia Long: Cho phép đàn ông có 7 cớ để bỏ vợ (thất xuất theo luân lý
Trung Quốc): Không con; Dâm dật; Không thờ cha mẹ chồng; Lắm điều; Trộm cắp;
Ghen tuông; Có ác tật.
Nhưng lại đặt ra 3 điều không được đuổi vợ (tam bất khả xuất): Đàn bà từng để
tang ở nhà chồng 3 năm; Khi lấy nhau nghèo mà sau giàu có; Nếu sau khi bị đuổi
không còn nơi nương tựa.
Người phụ nữ là nơi hội tụ của tất cả những phẩm chất tốt đẹp, là linh hồn của
cả gia đình.
– Vai trò, vị trí người phụ nữ trong gia đình người Việt được thể hiện:
* Về quan hệ với các thành viên trong gia đình
– Với chồng:
+ Là vợ, là bạn, là tri âm tri kỷ, là người nâng khăn sửa túi.
+ Có mặt trong mọi lúc buồn vui của chồng, trong mọi lúc thành công hay thất
bại. “Đằng sau mọi thành công của đàn ông bao giờ cũng có bóng dáng của người
phụ nữ”…
+ Hi sinh hết lòng vì chồng, ngay cả từ những điều nhỏ nhất. Không chỉ gắn
bó với chồng bằng tình mà còn gắn bó với nhau bằng nghĩa.
Ví dụ: Bữa ăn trong gia đình, người phụ nữ bao giờ cũng ngồi ở đầu nồi, hạnh
phúc của họ là được chăm chút cho chồng con, được nhìn thấy chồng con khỏe mạnh,
hạnh phúc. Vì chàng thiếp phải ăn mâm – Như thiếp ăn đứng ăn nằm cũng nên…
Văn hóa Việt Nam và tư duy người Việt đặc biệt đề cao sự đồng thuận của tình
nghĩa vợ chồng trong quan hệ hai giới nam – nữ: Thuận vợ thuận chồng tát bể đông
cũng cạn; Râu tôm nấu với ruột bầu – Chồng chan vợ húp gật đầu khen ngon…
– Với con:
+ Yêu thương, lo lắng và chăm sóc cho con từ khi con còn trong bụng mẹ đến
khi con sinh ra, khôn lớn, trưởng thành.
+ Là chỗ dựa bình yên và vững chắc nhất của con người: “trên thế giới có
nhiều kỳ quan nhưng kỳ quan đẹp nhất là tấm lòng người mẹ”…
+ Vai trò quan trọng trong việc giáo dục, hình thành tính cách và nhân cách
cho con, trao cho con những giá trị văn hóa từ đời này sang đời khác. => người Việt
đúc kết: Phúc đức tại mẫu; Con dại cái mang; Con hư tại mẹ, cháu hư tại bà…
Liên hệ mở rộng: Ngày nay, vi trò, vị trí của người phụ nữ trong gia đình vẫn
được đề cao, coi trọng. Người phụ nữ vẫn được xem là người giữ lửa trong gia đình, vẫn
là người giữ vai trò quan trọng trong việc duy trì cuộc sống hạnh phúc gia đình. Tuy
nhiên, cũng có một số luồng ý kiến khác nhau xung quanh vấn đề này: nhiều người phụ
nữ đòi hỏi được giải phóng mình, không muốn bị rằng buộc bởi những lời ngợi ca, bởi sự
tôn vinh trách nhiệm. Họ muốn được sống thoải mái là chính mình, muốn thoát khỏi
những công việc nội trợ hàng ngày, giảm bớt thời gian chăm sóc chồng con để phấn đấu
có vị trí trong xã hội …
* Về kinh tế, lao động sản xuất:
– Trong lao động sản xuất, người phụ nữ là bạn của đàn ông, cùng bình đẳng
như đàn ông: Trên đồng cạn dưới đồng sâu – Chồng cày vợ cấy con trâu đi bừa…
– Những công việc mà người phụ nữ đảm nhiệm cũng vất vả, nặng nhọc và quan
trọng không kém đàn ông: đàn ông cày bừa, phụ nữ gieo mạ, cấy lúa; đàn ông săn bắt,
hái lượm, đàn bà gieo trồng, dệt vải, quay tơ…
– Trong gia đình, người phụ nữ giữ vai trò là người quản lý kinh tế, là người giữ
tay hòm chìa khóa: tính toán từng khoản chi tiêu cho hợp lý với thu nhập kinh tế của
gia đình; dành dụm, chắt bóp đề phòng những lúc khó khăn và còn tích lũy để lo và để
dành cho con cháu: đàn ông như cái giỏ, đàn bà như cái hom; Một trăm chìa khóa em
đeo – Việc giang san em gánh, sự đói nghèo mặc em…
* Về tín ngưỡng, tâm linh:
– Mặc dù không trực tiếp thực hiện các công việc giao tế với thần linh, với trời
đất, tổ tiên… Nhưng mọi cỗ bàn, hương hoa, cỗ mặn, cỗ chay dâng lên bàn thờ tổ tiên
đều có bàn tay chuẩn bị chu đáo của người phụ nữ.
Luật Hồng Đức còn quy định: con gái, cháu gái có quyền hương khói cha mẹ
trong trường hợp nhà không có con trai. Nếu con trai trưởng còn nhỏ, bà quả phụ có
quyền thay con tế tự tổ tiên.
Câu 6.
Làng được định nghĩa trên 3 khía cạnh chủ yếu, đó là:
+ Dân cư: Làng đơn vị sinh sống, làm việc, sinh hoạt văn hóa của chủ yếu những người
làm nghề nông nghiệp.
+ Vùng lãnh thổ: Làng có một vùng đất chung, có ranh giới rõ ràng.
+ Tổ chức xã hội: Làng có chung một tổ chức xã hội nhất định.
Làng là một đơn vị cộng cư của chủ yếu những người làm nghề nông nghiệp,
có một vùng đất chung xác định và có chung một tổ chức xã hội nông nghiệp.
Giải thích:
+ Làng là đơn vị cộng cư: Đơn vị cùng chung sống, cùng làm việc, cùng sinh
hoạt văn hóa của một cộng đồng dân cư. Vì thực tế ở làng ngoài bộ phận chính những
người làm nghề nông nghiệp, còn có một bộ phận dân cư sinh sống bằng các nghề
khác nữa như: làm gốm, làm mộc, làm nề, làm dệt, làm lụa, làm chiếu…
+ Vùng đất chung xác định, bao gồm: đất cư trú để người dân sinh sống; đất
trồng trọt, thâm canh, người ta có chung sở hữu về tài nguyên thiên nhiên như: nguồn
nước, ruộng đồng, sông ngòi, đê điều, bãi cỏ…
+ Làng có chung một tổ chức xã hội nông nghiệp vì cư dân sống chủ yếu ở làng
là cư dân nông nghiệp, nền kinh tế chủ yếu ở làng là nền kinh tế nông nghiệp. Và tổ
chức xã hội nông nghiệp ấy phải thích ứng với sản xuất tiểu nông, với gia đình, với
dòng họ.
Khái niệm này chủ yếu gắn với làng quê truyền thống ở Bắc Bộ và Bắc Trung
Bộ, với khoảng thời gian hình thành hàng nghìn năm; còn ở Nam Bộ chưa hẳn đã vậy.
+ Làng được hình thành, tổ chức dựa vào hai nguyên lý cơ bản:
– Nguyên lý cùng huyết thống:
– Nguyên lý cùng nơi chốn
Người trong làng đều có họ, đều có quan hệ máu mủ, huyết thống với nhau.
Nguyên lý cùng huyết thống này xuất hiện chủ yếu ở thời công xã thị tộc. Lúc đầu
làng là nơi ở của 1 họ, về sau có nhiều dòng họ cùng cư trú, trong đó thường có 2-3
dòng họ lớn. Có nhiều làng là nơi ở của một họ mà cho đến nay người ta vẫn còn tìm
thấy dấu vết qua hệ thống các tên gọi của làng như: Làng Đặng Xá, Ngô Xá, Nguyễn
Xá, Lê Xá… Vì thế dân gian có câu Một giọt máu đào hơn ao nước lã.
Khi công xã thị tộc tan rã, công xã nông thôn xuất hiện, các thành viên trong
làng còn gắn bó với nhau bằng quan hệ sản xuất để đối phó với môi trường tự nhiên,
môi trường xã hội. Vì thế, bên cạnh câu Một giọt máu đào hơn ao nước lã còn có câu
Bán anh em xa mua láng giềng gần. Hai câu tục ngữ, hai cách ứng xử tưởng như mâu
thuẫn nhưng thực chất lại là một cách kết hợp độc đáo cùa làng Việt Nam.
Cơ cấu dân cư và tổ chức hành chính
– Kỳ mục (Hội đồng kỳ mục. Miền Nam gọi là Hội tề): Gồm Tiên chỉ, Thứ
chỉ… có trách nhiệm bàn bạc tập thể và quyết định các công việc của làng xã. (cơ
quan lập pháp).
– Kỳ dịch (Lý dịch): Gồm Lý trưởng, xã trưởng, Hương trưởng, Trương tuần,
Cai lệ Do Hội đồng kỳ mục cử ra, trực tiếp thi hành các quyết định của Kỳ mục, trực
tiếp tổ chức, quản lý đời sống của dân làng. (cơ quan hành pháp).
– Cộng đồng dân cư: Chiếm số lượng đông đảo nhất, góp phần tạo nên diện
mạo văn hoá của mỗi làng. Gồm có: Dân chính cư (dân gốc ở làng); Dân ngụ cư (dân
từ nơi khác đến trú ngụ).
Mối quan hệ giữa dân chính cư và dân ngụ cư: Dân ngụ cư luôn bị cái nhìn định
kiến của dân chính cư, bị xem thường, nghi ngờ về nhân cách. Họ bị đối xử bất công:
Phải sống ở rìa làng, phải làm tất cả các nghĩa vụ với làng nhưng không được hưởng
quyền lợi gì; muốn trở thành dân chính cư họ phải thoả mãn các điều kiện: phải cư trú
ở làng từ ba đời trở lên, phải có một ít điền sản, phải nộp lệ phí và khao làng.
Việc phân biệt dân chính cư và dân ngụ cư cũng tạo nên đặc điểm của Làng
Việt và tính cách người Việt truyền thống: thích suốt đời gắn bó với quê cha đất tổ, sợ
rơi vào thân phận dân ngụ cư tạo nên tính chất khép kín, hạn chế sự phát triển của làng
xã; tạo nên tư tưởng bản vị, địa phương chủ nghĩa, tẩy chay người khác đến, tư tưởng
“ma cũ bắt nạt ma mới”…
– Ngoài các tổ chức hành chính do Kỳ mục, Kỳ dịch điều hành, làng xã Việt
Nam xưa còn có các tổ chức ẩn tàng, do dân lập ra như: Giáp, Phường, Hội. Giáp: Tổ
chức nông thôn theo truyền thống nam giới, chỉ có đàn ông tham gia. Phường: Tổ
chức nông thôn theo nghề nghiệp. Hội: Liên kết những người cùng thú vui, đẳng cấp,
sở thích. Những tổ chức này, nếu hoạt động đúng sẽ có lợi cho người dân. Nhưng
cũng có nhiều trường hợp gây phiền hà cho dân cư, tạo nên nạn cường hào ác bá ở
thôn quê.
Chức năng của làng
Làng gồm nhiều chức năng. Ở đây, tập trung làm rõ hai chức năng
+ Sản xuất nông nghiệp
– Lãng xã Việt Nam chủ yếu sản xuất nông nghiệp trồng lúa nước mang tính
chất tự cấp, tự túc, trình độ sản xuất thấp, nâng suất bấp bênh, phụ thuộc nhiều vào
thiên nhiên, thời tiết.
– Chính vì sản xuất nông nghiệp là chủ yếu, trong đó cây lúa là chủ đạo, cho nên
vấn đề ruộng đất là vấn đề quan trọng nhất, là đặc trưng của nền kinh tế nông nghiệp
làng xã. Mâu thuẫn cơ bản ở làng xã là mâu thuẫn về ruộng đất. Vì thế, chức năng
kinh tế của làng được thể hiện rõ nét qua việc phân chia ruộng đất theo định kỳ và theo
lệ làng. Làng đứng ra phân chia ruộng đất theo định kỳ và theo lệ làng.
+ Quản lý đất đai
Cách quản lý và phân chia đất của làng xã rất đa dạng, làng nào quản lý đất của
làng đó. Trước khi phân chia ruộng đất, làng thường dành một phần đất công để dùng
vào việc công cộng. Số đất còn lại được phân chia theo nhiều loại người khác nhau
(gồm 3 hạng: nhất đẳng, nhị đẳng, tam đẳng) để người dân cày cấy, hưởng hoa lợi và
nộp thuế. Đất ở làng cũng gồm nhiều loại khác nhau (như: Thượng đẳng điền, Trung
đẳng điền, Hạ đẳng điền). Việc phân chia đất phải diễn ra đồng đều, tốt – xấu cùng san
sẻ.
Ví dụ: Bộ luật Hồng Đức quy định 3 hoặc 5 năm chia đất 1 lần theo suất đinh, và
chỉ có con trai mới được chia đất.
– Làng có vai trò bảo vệ môi trường sinh thái; bảo vệ, quản lý tài nguyên của địa
phương. Điều này được thể hiện rõ qua hệ thống các hương ước của làng với những
quy định về thưởng – phạt rõ ràng.
+ Nghề thủ công nghiệp
– Ngoài ra, còn có một số làng nghề thủ công (người dân tranh thủ lúc nông
nhàn để làm nghề). Hệ thống các làng nghề nước ta khá phong phú, đa dạng. VD:
Làng gốm Bát Tràng (Gia Lâm, Hà Nội), Làng Đồ gỗ Đồng Kỵ (Từ Sơn, Bắc Ninh),
Làng tranh Đông Hồ (Thuận Thành, Bắc Ninh), Làng Chiếu (Nga Sơn, Thanh Hoá).
Làng Lụa (Vạn Phúc, Hà Đông)… Một số làng nghề nổi tiếng, một số làng nghề mai
một theo thời gian, một số làng nghề có khuynh hướng tiến ra đô thị để lập nghiệp, sản
xuất, buôn bán các mặt hàng thủ công.
– Nói về chức năng kinh tế của làng, chúng ta cần chú ý một hiện tượng đáng
đặc biệt, đó là: Các phiên chợ quê.
+ Chợ quê chủ yếu buôn bán các mặt hàng nông sản, hoạt động buôn bán diễn
ra khiêm tốn, chưa đủ mạnh để biến thành hoạt động thương mại.
+ Chợ quê thể hiện rõ chức năng văn hoá của làng, đặc biệt là qua các phiên chợ
tết. Chợ không chỉ diễn ra hoạt động mua bán mà còn chứa đựng tình làng nghĩa xóm.
Nếu như không gian hàng ngày ở các làng quê là không gian khép kín, thì chợ chính là
không gian mở, là nơi tiếp thu, kiểm chứng và phát tán các giá trị văn hóa. Đặc biệt rõ
nét qua các phiên chợ tết, bày bán các mặt hàng đặc trưng của mỗi vùng và bày bán
các vật phẩm văn hoá: cho chữ, bán chữ, bán câu đối, tranh dân gian. Đến chợ người
dân còn có thể được tham gia vào các trò chơi như đánh đu, chọi gà, đấu vật, cuối mỗi
buổi chợ có khi còn có các cuộc hát giao duyên…
– Chức năng tâm linh của làng:
+ Xem xét chức năng tâm linh của làng tức là muốn nói đến các hoạt động tâm
linh của cộng đồng làng mà bất cứ người dân nào cũng hướng tới và tự nguyện tham
gia nhằm thoả mãn nhu cầu tinh thần của họ.
+ Biểu hiện tiêu biểu nhất của chức năng tâm linh này là tín ngưỡng thờ thần
thành hoàng làng. Tục này do tiếp nhận từ văn hoá Trung Hoa. Những nhân vật được
cộng đồng làng suy tôn bao gồm: Những bậc anh hùng, dũng tướng trong huyền thoại,
truyền thuyết và trong lịch sử; những người có công lập làng hoặc các vị tổ nghề;
những người làm nghề hèn mọn như ăn xin ăn mày, hoặc ăn trộm ăn cướp bị chết vào
giờ linh cũng được dân làng suy tôn là thần. Hoạt động thờ thần diễn ra ở đình làng.
Trước kia đình làng mang tinh thần dân chủ làng xã khá đậm đà, sau này chịu ảnh
hưởng của Nho giáo (nhất là từ thế kỷ XV khi Nho giáo trở thành quốc giáo) thì việc
thờ thành hoàng đã bị thể thức hoá theo tinh thần Nho giáo rất đậm. Vào đời Lê Trung
hưng, 1.572, nhà vua đã giao cho viên đại thần Nguyễn Bính tiến hành san định, kê
cứu, phân loại và ban sắc phong cho các đình làng trên cả nước. Tương ứng với 3 loại
thần kể trên, trong các sắc phong được gọi là Thượng đẳng thần, Trung đẳng thần và
Hạ đẳng thần, cùng với các quy định về tế lễ rất nghiêm ngặt. Điều đó cho thấy tinh
thần Nho giáo đã can thiệp rất sâu vào đình làng. Đình làng từ bấy trở đi là nơi hiện
thân cho thần quyền và cường quyền của chốn thôn quê. Bao nhiêu tội ác, bao nhiêu
cảnh đời thê thảm diễn ra ở nơi đình làng (Xem thêm những tác phẩm như Tắt đèn,
Việc làng, Tập án cái đình của Ngô Tất Tố)
– Không gian văn hoá làng Việt
*** Không gian vật chất :
+ Ngoài làng có đồng ruộng (môi trường lao động sản xuất)
+ Cổng làng
+ Đường làng, ngõ xóm, cây đa giếng nước (bến nước), sân đình.
Những không gian vật chất của làng đã trở thành biểu tượng đậm nét văn hoá,
không gian vật chất này đã là điểm tựa vật chất cho văn hoá phi vật thể của làng phát
triển, nhiều loại hình nghệ thuật dân gian có giá trị đã xuất hiện trong không gian này
*** Không gian văn hoá tinh thần:
Ngoài không gian đình làng, trong mỗi làng còn có những nơi thờ cúng khác ở
các miếu, am, điếm (chưa kể đền thờ thánh hoặc chùa thờ Phật có làng có, có làng
không). Những nơi thờ tế đó chủ yếu nhằm vào các thần thánh dân gian, do quan niệm
đa thần giáo mà thành. Ví dụ thờ thần sông, thần núi, thần cây đa, thần trăn tinh, thần
hổ, thờ người chết trôi
+ Biểu hiện rõ nhất là làng đã tạo ra cảm quan tinh thần phong phú, giầu tình
cảm, mang đậm tính nhân văn.
+ Làng là nơi tiếp nhận kiểm chứng sự tồn tại của các ý thức hệ, các quan điểm ,
quan niệm về nhân sinh quan, thế giới quan, tôn giáo, tín ngưỡng.
– Hai đặc trưng tổng quát của làng Việt truyền thống: tính cộng đồng và tính tự
trị tự quản.
+ Trước hết nói về tính cộng đồng, nó được thể hiện qua tính cộng cư, cộng
cảm, cộng mệnh, cộng sản (cùng chung một số tài sản như công điền công thổ, công
quỹ ). Nó có những mặt tích cực như tinh thần tương thân tương ái, tinh thần đoàn
kết gắn bó, nghĩa vụ và trách nhiệm đối với cộng đồng. Nhất là trong những lúc lâm
nguy, tinh thần cộng đồng phát huy cao độ sức mạnh của nó. Tuy nhiên, cũng phải
thấy những biểu hiện cực đoan của nó như: Tư tưởng bình quân chủ nghĩa, cào bằng,
“Hoà cả làng”; tư tưởng dựa dẫm, ỷ lại, thiếu trách nhiệm cá nhân, “Cha chung không
ai khóc”; tư tưởng bầy đàn, a dua, ăn theo nói leo, không dám sống đúng là mình,
+ Tính tự trị tự quản trước hết được biểu hiện bằng hình thức hương ước của
làng do những chức sắc và những người đàn ông trong làng bàn soạn. Nội dung hương
ước tuy mỗi làng có những điểm khác biệt, nhưng tựu trung lại bao gồm mấy nội dung
sau:
1. Những điều khoản quy định về sản xuất, kinh tế liên quan đến ruộng đất, sức
kéo trâu bò, đường xá ;
2. Những điều khoản về phong hoá, đạo lý;
3. Những điều khoản về an ninh;
4. Những điều khoản về tế tự;
5. Cuối cùng là những điều khoản về học hành khoa cử.
Tất cả những điều đó đều có thưởng phạt cụ thể. Hương ước là luật tục của mỗi
làng, có ý nghĩa điều hành cuộc sống của dân làng. Nó thể hiện những nét văn hoá
riêng của mỗi làng.
+ Tính tự trị tự quản mang ý nghĩa tích cực khi nó góp phần củng cố tình cảm,
sức mạnh cộng đồng làng, tạo nên những nét văn hoá đặc sắc của mỗi làng. Song
những biểu hiện cực đoan của nó là khó tránh khỏi như: Sống theo lệ mà không sống
theo luật, “Phép vua thua lệ làng”; tư tưởng cục bộ bản vị, địa phương chủ nghĩa, lòng
tự tôn thái quá trở thành tự thị Ngày hôm nay, cái tâm lý sống theo lệ thâm căn cố đế
này đã tác động và cản trở rất nhiều tới cuộc sống hiện đại.
Câu 7.
– Thành Hoàng là vị thần cai quản, che chở, định đoạt họa phúc cho một cộng đồng
người sống trong một đơn vị hành chính. Thành Hoàng là một từ Hán Việt, vốn là một
từ chỉ vị thần bảo hộ thành trì của Trung Quốc được du nhập vào Việt Nam từ thời
Đường và tiếp tục phát triển trong các triều đại VN.
– Biểu hiện rõ nhất, tiêu biểu nhất là tín ngưỡng thờ Thành hoàng làng. Thành
hoàng làng chỉ chung một vị thần được thờ trong một làng xã Việt Nam, mà theo quan
niệm của người dân, thần có thể bao quát, chứng kiến toàn bộ đời sống của dân làng
và quyết định hoạ phúc của một làng.
– Những nhân vật được cộng đồng làng suy tôn là Thành hoàng làng bao gồm:
anh hùng dân tộc (trong thần thoại, truyền thuyết, lịch sử), ví dụ: Đổng Thiên Vương,
Chử Đồng Tử, Liễu Hạnh công chúa, Lý Thường Kiệt, Trần Hưng Đạo…; những
người khai hoang lập ấp, những người có công với làng, với đất nước, với triều
đìnhphong kiến, những người được tôn vinh là tổ nghề; hoặc có khi là những người
làm nghề hèn mọn, vô danh những chết vào giờ linh, giờ thiêng thì cũng được suy tôn
là Thành hoàng làng. Thành hoàng làng thậm chí còn bao gồm cả những thần có
nguồn gốc phức tạp như: tà thần, yêu thần, dân thần….
– Thành hoàng làng thường được thờ cúng ở đình làng – trung tâm hành chính,
trung tâm văn hoá, trung tâm tín ngưỡng của cả làng, hoặc thờ ở đình miếu. Hàng
năm, ngày giỗ Thành hoàng làng là ngày hội đông vui nhất của làng, của xã. Trong
những ngày hội làng, ngoài việc làm cỗ, ăn uống còn diễn ra các nghi thức khác như:
tế lễ, rước kiệu hay các trò vui dân gian… Bàn thờ Thành hoàng làng bao giờ cũng
được đặt trang trọng, linh thiêng, trên bệ thờ thường có lư hương, đèn, lọ hoa và trên
vách có một chữ Thần bằng chữ Hán. Có nơi thờ áo mũ của thành hoàng. Hai bên có
Tả Ban, Hữu Ban
Thành Hoàng là biểu hiện của lịch sử, phong tục đạo đức, pháp luật cũng hy
vọng của cả làng. Thờ Thành hoàng làng, cũng chính là sự thờ phụng luật lệ làng xã,
lề thói gia phong của làng, thờ Thành hoàng làng để bảo vệ và phát triển cộng đồng
làng, để xóm làng phát triển thành một cộng đồng có tổ chức chặt chẽ. Dân làng đối
với thành hoàng cũng kính cẩn như con cháu đối với tổ tiên vậy.
Câu 8.
1. Tính cộng đồng:
– Là đặc trưng số một của làng truyền thống Việt Nam. Cuộc sống nông nghiệp
phụ thuộc vào thiên nhiên, vì vậy người dân phải liên kết với nhau, dưa vào nhau mà
sống. Chính điều đó đã tạo nên tính cộng đồng.
– Biểu hiện của tính cộng đồng
Tính cộng đồng nhấn mạnh vào sự đồng nhất, tạo nên những tính cách tốt đẹp
của người Việt Nam.
+ Luôn sẵn sàng đoàn kết, giúp đỡ nhau, coi mọi người như anh em trong
nhà: Lá lành đùm lá rách; Một con ngựa đau cả tàu bỏ cỏ; Thương người như thể
thương thân…
VD: Một người đi xa lâu ngày trở về làng, cả làng đến hỏi thăm; có ấm nước
chè tươi, ngon, cả làng đến uống; một người lên đường nhập ngũ, cả làng đến hỏi
thăm, chia tay, động viên…
+ Tạo nên tính tập thể cao, mang đến sức mạnh to lớn cho dân tộc, đặc
biệt là trong những trường hợp cần thiết như chống thiên tai, lũ lụt, chống giặc ngoại
xâm
+ Ý thức cá nhân bị thủ tiêu, hoà tan vào các mối quan hệ xã hội, giải
quyết xung đột theo lối “hoà cả làng” (khác phương Tây: Con người được rèn luyện ý
thức cá nhân ngay từ nhỏ).
+ Tư tưởng ỷ lại, dựa dẫm vào tập thể, tư tưởng an phận thủ thường, cả
nể, làm việc gì cũng sợ rút dây động rừng: Nước trôi thì bèo trôi, nước nổi thì bèo nổi;
Cha chung không ai khóc; Lắm sãi không ai đóng cửa chùa… Những hệ luỵ này vẫn
còn ảnh hưởng trong rất nhiều lĩnh vực của cuộc sống hôm nay.
Ví dụ: Việc sử dụng các thiết bị cơ sở vật chất chung như: điện, điện thoại, máy
tính… ở một số người còn bừa bãi, thiếu ý thức tiết kiệm.
+ Thói cào bằng, đố kị (không muốn cho ai hơn mình, muốn để cho tất cả
đều đồng nhất giống nhau): Xấu đều hơn tốt lỏi; Chết một đống hơn sống một người…
2. Tính tự trị, tự quản
– Tính cộng đồng nhấn mạnh vào cái chung thì tính tự trị nhấn mạnh vào nét
khác biệt của cộng đồng làng này so với cộng đồng làng kia. Mỗi làng có thể coi như
một “vương quốc” nhỏ khép kín với những tập quán riêng biệt.
– Biểu hiện :
– Tính tự trị được biểu hiện qua các hương ước của làng. Hương ước do những
người có chức sắc và những người đàn ông trong làng bàn soạn để rang buộc từng cá
nhân vào cộng đồng làng xã. Hương ước quy định một số nhiệm vụ và điều cấm đoán
mà mọi người dân phải tuân thủ, như: quy định về sản xuất, về kinh tế, về phong hóa,
địa lý, về an ninh, tế tự, về học hành khoa cử… Tất cả những điều này đều có thưởng
phạt cụ thể. Hương ước có tác dụng điều hành cuộc sống của dân làng. Nhưng cũng
không ít trường hợp những điều lệ của hương ước lại chỉ phục vụ cho quyền lợi của
giai cấp thống trị.
– Ý nghĩa:
+ Tạo nên nét riêng, mang bản sắc văn hoá của mỗi làng. Có khi hai làng
ở gần nhau nhưng lại không hề giống nhau.
+ Tạo nên tinh thần tự lập cộng đồng, nếp sống tự cấp tự túc: mỗi làng,
mỗi tập thể phải tự lo liệu lấy mọi việc; mỗi làng, mỗi nhà có thể tự đáp ứng lấy nhu
cầu cuộc sống của mình. Vì thế người Việt Nam có truyền thống cần cù, chịu thương
chịu khó, đầu tắt mặt tối, bán mặt cho đất, bán lưng cho trời…
– Mặt trái của tính tự trị, tự quản:
+ Tư tưởng cục bộ, địa phương chủ nghĩa, làng nào biết làng ấy, chỉ biết lo
vun vén cho địa phương mình: Trống làng nào làng ấy đánh, thánh làng nào làng ấy
thờ… Đặc điểm này còn lan truyền đến cả tính cách của mỗi cá nhân: ích kỷ, khôn lỏi,
chỉ biết nghĩ đến mình, cho được việc mình: Ai có thân người ấy lo, ai có bò người ấy
liệu; Thân trâu trâu lo, thân bò bò liệu
+Lòng tự tôn thái quá nhiều khi trở thành tự thị, gia trưởng, áp đặt ý muốn
của mình cho người khác, tạo nên tư tưởng thứ bậc vô lý: Sống lâu lên lão làng; Áo
mặc không qua khỏi đầu…
2. Giao lưu và tiếp biến trong văn hóa Việt NamTrong quy trình tăng trưởng của lịch sử dân tộc dân tộc bản địa, văn hóa Nước Ta đã có nhữngcuộc tiếp xúc và giao lưu với những nền văn hóa phương Đông và phương Tây bằngnhững con đường và hình thức khác nhau. Cùng với sự hình thành những yếu tố văn hóabản địa, giao lưu và tiếp biến với văn hóa Đông – Tây đã trở thành động lực to lớn chosự đổi khác, tăng trưởng và tạo ra sự những sắc thái riêng của nền văn hóa Nước Ta. a. Giao lưu và tiếp biến với văn hoá Khu vực Đông Nam Á – Quá trình tiếp xúc và giao lưu với văn hoá Đông Nam á của người Việt cổ, theo GS Hà Văn Tấn ( 1 ), diễn ra qua hai quá trình : Giai đoạn thứ nhất, trước nền vănhoá Đông Sơn, và quá trình thứ hai là từ văn hoá Đông Sơn ( thiên niên kỷ thứ I tr. CN ) trở đi đến thế kỷ cuối của thiên niên kỷ thứ I tr. CN. + Giai đoạn thứ nhất, việc tiếp xúc và giao lưu văn hoá hầu hết diễn ra giữa cácbộ lạc hay nhóm bộ lạc trong khoanh vùng phạm vi quốc gia ta. Lúc ấy văn hoá Nước Ta vẫnmang những đặc trưng Khu vực Đông Nam Á cả về vật chất cũng như niềm tin. – Dựa vào cứ liệu của cỏc ngành khoa học xã hội và nhân văn, khoa học ngàyhôm nay đó xác lập được vùng Khu vực Đông Nam Á có một cơ tầng văn hoá riêng không liên quan gì đến nhau, phiHoa, phi Ấn. Vùng Khu vực Đông Nam Á tiền sử đã phát minh sáng tạo nên một nền văn hoá có nhữngnét tương đương : + Thứ nhất, đó là một phức thể văn hóa lúa nước với ba yếu tố : văn hóa núi, vănhóa đồng bằng, văn hóa biển, trong đó yếu tố đồng bằng sinh ra sau, chiếm diện tíchkhông lớn nhưng đóng vai trò chủ yếu. Khu vực Đông Nam Á trong lịch sử dân tộc đã từng được mệnhdanh là cái nôi của cây lúa nước và một trong năm TT cây xanh lớn nhất thếgiới. Vì vậy, Khu vực Đông Nam Á mang những đặc trưng của vùng văn hóa, văn minh nôngnghiệp lúa nước. Cùng với sản xuất lúa nước, trâu bò được thuần hóa và dùng làm sứckéo, đặc biệt quan trọng là trâu. Công cụ dùng trong sản xuất, hoạt động và sinh hoạt, chiến đấu, dụng cụ nghilễ hầu hết được chế tác bằng đồng và sắt. v.v + Thứ hai : Hoạt động kinh tế tài chính chính của Khu vực Đông Nam Á là sản xuất nông nghiệp. Cư dân thành thạo nghề trông lúa nước và nghề đi biển. + Thứ ba : Trong cơ cấu tổ chức mái ấm gia đình truyền thống cuội nguồn Khu vực Đông Nam Á, người phụ nữ cóvai trò quyết định hành động trong hoạt động giải trí mái ấm gia đình. Đây cũng là một đặc thù tạo nên dấu ấnriêng của văn hóa Khu vực Đông Nam Á so với những vương quốc trong khu vực văn hóa phươngĐông và phương Tây. + Thứ tư : Về mặt văn hóa ý thức, ngay từ buổi đầu dân cư Khu vực Đông Nam Á đãhình thành cho mình một diện mạo văn hóa ý thức khá đa dạng chủng loại và tăng trưởng ởtrình độ cao. Điều đó biểu lộ ở sự tăng trưởng của tư duy nhận thức về xã hội và thếgiới, ý niệm về đặc thù lưỡng phân, lưỡng hợp của quốc tế. v.v Tín ngưỡngĐông Nam Á buổi đầu là bái vật giáo với việc thờ những thần : thần đất, thần mưa, thầnlúa, thờ mặt trời, thờ cây, thờ đá, thờ cá sấu, đặc biệt quan trọng là tín ngưỡng phồn thực và thờcúng tổ tiên. – Giai đoạn thứ hai, vào thời kỳ Đông Sơn – thời kỳ kết tinh tinh thần dân tộc bản địa, kếttinh văn hoá. Không chỉ giữa những nền văn hoá Đông Sơn, văn hoá Sa Huỳnh và vănhoá Đồng Nai có sự trao đổi, tiếp xúc lẫn nhau, mà những nền văn hoá này đã có trao đổitiếp xúc khá can đảm và mạnh mẽ với văn hoá Khu vực Đông Nam Á. Chứng cứ là, người ta tìm thấy khánhiều trống đồng Đông Sơn ở Thailand, Ma Lai, Inđônêxia, và miền nam Trung Quốc ( thuộc khu vực văn hoá Khu vực Đông Nam Á ). Nhiều trống đồng có hoa văn, hình người, hình chim tìm thấy ở Tấn Ninh ( Nam Trung Quốc ) mang phong thái Đông Sơn. Rấtnhiều rìu đồng đuôi én tìm thấy ở Inđônêxia được sản xuất theo phong thái Đông Sơn ( kiểu rìu làng Vạc – Nghệ An ). Các đồ đồng này hoặc bằng con đường kinh doanh mà cómặt ở những nước trong khu vực, hoặc được sản xuất tại chỗ theo phong thái Đông Sơnmà họ chịu ảnh hưởng tác động. – Nằm trong khu vực Khu vực Đông Nam Á, văn hóa Nước Ta ngay từ thời kỳ tiền sửvà sơ sử đã mang những sắc thái của văn hóa Đông Nam Á.Tuy nhiên, trong quá trìnhphát triển của lịch sử vẻ vang, giao lưu với văn hóa Trung Quốc, Ấn Độ, những ảnh hưởngmạnh mẽ của chúng đã khiến cho văn hóa cổ Đông Nam Á bị giải thể về mặt cấu trúc. Những yếu tố, những mảnh vụn của chúng trở thành cơ tầng sâu văn hóa Đông Nam Átrong những nền văn hóa của mọi vương quốc trong khu vực và được bảo lưu như những yếu tố, những giá trị chung tạo nên những nét tương đồng văn hóa. – Vào thời kỳ sơ sử, người Nước Ta đã tạo dựng cho mình một nền văn hóa bảnđịa tỏa nắng rực rỡ : văn hóa Đông Sơn, văn hóa Sa Huỳnh, văn hoá Đồng Nai. Trước khi tiếpxúc và giao lưu với văn hoá Nước Trung Hoa và Ấn Độ, Nước Ta đã hình thành một nềnvăn hoá địa phương vừa có những nét tương đương với Khu vực Đông Nam Á vừa có đậm cá tính, bảnsắc riêng. Điều này được bộc lộ ở một số ít điểm như sau : + Địa bàn cư trú của người Việt đã tương đối không thay đổi, theo quy mô làng. + Phương thức sản xuất chính là nông nghiệp, trồng trọt, có phối hợp với chănnuôi và đánh bắt cá thuỷ món ăn hải sản. Trong sản xuất nông nghiệp, điển hình nổi bật là nền văn minh lúanước, dùng sức kéo là trâu bò. + Trình độ luyện kim đồng, sắt, chế tác những dụng cụ lao động, đồ vật, những đồtrang sức … bằng đồng, sắt đạt đến một trình độ điêu luyện và có đậm chất ngầu văn hoá Việt. + Đã có lời nói tương đối không thay đổi, đó là hệ ngôn từ Việt – Mường. + Đã có một mạng lưới hệ thống lịch sử một thời trở thành ” mẫu gốc “, thành tâm thức cộngđồng trong đời sống niềm tin người Việt. Hệ thống lịch sử một thời này phản ánh nămlĩnh vực trụ cột lớn của đời sống hội đồng dân tộc bản địa chăm sóc như : nguồn gốc giốngnòi, làm ăn dựng xây quốc gia, đánh giặc giữ nước, đời sống tâm linh và tình yêu lứađôi của con người. Tất cả, hoặc từng phần những nội dung đó được bộc lộ trongnhững lịch sử một thời bùng cháy rực rỡ như : Lạc Long Quân và Âu Cơ, Sơn Tinh – Thuỷ Tinh, Thánh Gióng, An Dương Vương, Chử Đồng Tử và Tiên Dung … Đó là một tài sảntinh thần to lớn có ý nghĩa tập hợp sức mạnh đoàn kết, ý thức tự cường văn hoá củadân tộc Nước Ta trong suốt hành trình dài lịch sử vẻ vang. – Một nghìn năm dưới ách đô hộ của những đế chế phương Bắc, văn hóa Đông Sơnbị giải thể về mặt cấu trúc nhưng văn hóa Nước Ta vẫn tăng trưởng. Những yếu tố củavăn hóa Đông Sơn vẫn được lưu giữ trong những xóm làng. Đây chính là sức mạnh đểchủ nhân văn hóa Nước Ta đủ bản lĩnh trong giao lưu tiếp biến với văn hóa TrungHoa mà vẫn giữ được truyền thống văn hóa dân tộc bản địa. b. Giao lưu và tiếp biến với văn hóa Trung HoaGiao lưu và tiếp biến giữa văn hóa Nước Ta và văn hóa Trung Quốc là sự giaolưu, tiếp biến liên tục qua nhiều thời kỳ của lịch sử dân tộc. Trung Quốc là một trong nhữngtrung tâm văn hóa lớn ở phương Đông, có nền văn hóa truyền kiếp và tăng trưởng bùng cháy rực rỡ. – Văn hóa Nước Trung Hoa là nền văn hóa nông nghiệp xuất phát từ nông nghiệptrồng khô ( trồng kê và lúa mạch ) trên đất hoàng thổ của vùng trung du Hoàng Hà. Donằm trên ngã ba đường của những luồng giao lưu kinh tế tài chính – văn hóa Đông – Tây, Nam – Bắc trong đại lục Châu Á Thái Bình Dương và miền bình nguyên Âu – Á, nên văn hóa Trung Hoa vừamang những đặc thù văn hóa du mục của những dân cư phương Bắc và Tây Bắc, vừathâu hóa nhiều tinh hoa của văn hóa nông nghiệp trồng lúa nước của những cư dânphương Nam. Lịch sử hình thành và tăng trưởng của văn hóa Nước Trung Hoa gắn liền vớilịch sử lan rộng ra chủ quyền lãnh thổ bằng những cuộc chinh phạt về mặt quân sự chiến lược và truyền bá vănhóa của tổ tiên người Trung Quốc từ phía Tây lưu vực sông Hoàng Hà theo hướng từTây sang Đông, từ Bắc xuống Nam. Cùng với sự bành trướng về phương Nam của cáctriều đại phong kiến Trung Quốc, đã diễn ra quy trình Nước Trung Hoa thâu hóa văn hóaphương Nam, Hán hóa những nền văn hóa phương Nam. Vị trí địa lý và những diễn biếncủa lịch sử dân tộc đã tạo những điều kiện kèm theo gặp gỡ và tiếp xúc tiếp tục giữa văn hóa ViệtNam và văn hóa Trung Hoa. Ngày nay, không hề phủ nhận tác động ảnh hưởng của văn hóaTrung Hoa so với văn hóa Nước Ta là rất lớn. Vấn đề đặt ra là trong cuộc tiếp xúckhông cân sức này, người Việt làm thế nào để văn hóa dân tộc bản địa vẫn sống sót và pháttriển, vẫn chứng minh và khẳng định được truyền thống văn hóa của mình ? – Quá trình giao lưu tiếp biến giữa văn hóa Nước Ta và văn hóa Trung Hoadiễn ra với hai hình thức : giao lưu cưỡng bức và giao lưu tự nguyện. + Giao lưu cưỡng bức diễn ra ở hai quy trình tiến độ lịch sử dân tộc nổi bật : từ thế kỷ I đếnthế kỷ X và từ 1.407 đến 1.427. Suốt thiên niên kỷ thứ nhất sau Công nguyên, những đếchế phương Bắc ra sức triển khai những chủ trương đồng hoá về phương diện văn hoánhằm biến nước ta trở thành một Q., huyện của Nước Trung Hoa. Từ 1.407 đến 1.427 làgiai đoạn nhà Minh xâm lược Đại Việt. Trong số những quân địch từ phương Bắc, giặc Minhlà quân địch tàn khốc nhất so với văn hóa Đại Việt. Minh Thành tổ ban lệnh cho viêntướng Trương Phụ chỉ huy binh lính vào xâm lược Nước Ta : ” Binh lính vào ViệtNam, trừ sách vở và bản in đạo Phật, đạo Lão thì không thiêu hủy, ngoài những hết thảymọi sách vở khác, văn tự cho đến ca lý dân gian hay sách dạy trẻ nhỏ một mảnh, một chữ đều phải đốt hết. Khắp trong nước, phàm những bia do người Trung Quốcdựng từ xưa đến nay thì đều giữ gìn cẩn trọng, còn những bia do An Nam dựng thì pháhủy toàn bộ, một chữ chớ để còn “. + Giao lưu tiếp biến văn hóa một cách tự nguyện là dạng thức thứ hai của quanhệ giữa văn hóa Nước Ta và văn hóa Trung Hoa. Trước thời kỳ Bắc thuộc đã từngdiễn ra giao lưu tự nhiên giữa tộc người Hán với dân cư Bách Việt. Nghiên cứu lịchsử văn minh Nước Trung Hoa người ta thấy có nhiều yếu tố văn hóa phương Nam đã đượcngười Hán đảm nhiệm từ thời cổ đại, những yếu tố này nhập sâu vào văn hóa Hán, đượchệ thống hóa, nâng cao ” chữ nghĩa hóa ” rồi truyền bá trở lại phương Nam dưới dángvẻ mới. Có thể nói, đó là sự giao lưu tiếp xúc hai chiều học hỏi lẫn nhau giữa những nềnvăn hóa. Hiện nay đã phát hiện được trống đồng và nhiều đồ đồng Đông Sơn trên đấtTrung Hoa, đồng thời cũng phát hiện nhiều vật phẩm mang dấu ấn Trung Hoa trongcác di chỉ khảo cổ học ở Nước Ta. Trong nền văn hóa Đông Sơn, người ta đã nhậnthấy khá nhiều di vật của văn hóa phương Bắc nằm cạnh những hiện vật của văn hóaĐông Sơn. Chẳng hạn những đồng xu tiền thời Tần Hán, tiền Ngũ thù đời Hán, những dụngcụ hoạt động và sinh hoạt của quý tộc Hán như gương đồng, ấm đồng. v.v Có thể những sản phẩmấy là hiệu quả của sự trao đổi, thông thương giữa hai nước. – Ở thời kỳ độc lập tự chủ, nhà nước quân chủ Đại Việt được mô phỏng theo môhình nhà nước phong kiến Nước Trung Hoa. Nhà Lý, nhà Trần về tổ chức triển khai chính trị xã hộilấy chính sách Nho giáo làm gốc tuy vẫn chịu tác động ảnh hưởng rất đậm của Phật giáo. Đến nhàLê đã trọn vẹn tự nguyện và chịu tác động ảnh hưởng của Nho giáo thâm thúy. – Cũng cần nhận thức rõ rằng ngay cả trong giao lưu cưỡng bức, người Việtluôn có ý thức chống lại sự đồng nhất về phương diện văn hóa, chuyển thế bị độngthành thế dữ thế chủ động bằng cách bản địa hóa văn hóa Hán để tự làm giàu cho bản thânmình mà không bị đồng điệu về phương diện văn hóa. – Cả hai dạng thức của giao lưu, tiếp biến văn hóa cưỡng bức và tự nguyện giữavăn hóa Nước Ta với văn hóa Nước Trung Hoa đều là tác nhân cho sự hoạt động của văn hóaViệt Nam trong diễn trình lịch sử vẻ vang. Người Việt luôn có ý thức vượt lên, thâu hóa nhữnggiá trị văn hóa Trung Quốc để làm giàu cho văn hóa dân tộc bản địa và đã đạt được nhữngthành tựu đáng kể trong giao lưu tiếp biến với văn hóa Trung Hoa. + Về văn hóa vật thể : Người Việt tiếp đón một số ít kỹ thuật trong sản xuất như : kỹ thuật rèn đúc sắt gang để làm ra công cụ sản xuất và hoạt động và sinh hoạt, kỹ thuật dùng phânbón để tăng độ phì nhiêu cho đất, kỹ thuật kiến thiết nơi ở bằng gạch ngói. Người Việtcòn học hỏi kinh nghiệm tay nghề dùng đá đắp đê ngăn sóng biển, biết nâng cấp cải tiến kỹ thuật làm đồgốm ( gốm tráng men ) … + Về văn hóa phi vật thể : Nước Ta tiếp đón ngôn từ của người Nước Trung Hoa ( cả từ vựng và chữ viết ), tiếp thu hệ tư tưởng Trung Quốc cổ đại ( Nho gia, Đạo gia ) trêntinh thần hỗn dung, hòa hợp với tín ngưỡng địa phương và những hệ tư tưởng khác, môphỏng mạng lưới hệ thống giáo dục theo ý thức Nho giáo, đảm nhiệm 1 số ít phong tục lễ Tết, lễhội. v.v c Giao lưu tiếp biến với văn hóa Ấn ĐộẤn Độ là một TT văn hóa văn minh lớn của khu vực phương Đông và thếgiới. Văn minh Ấn Độ lan tỏa khắp khu vực Khu vực Đông Nam Á và trên nhiều bình diện cóảnh hưởng sâu đậm đến văn hóa Việt Nam bằng nhiều hình thức. Giao lưu và tiếp biến với văn hóa Ấn Độ diễn ra bằng con đường độc lập. Cácthương gia, những nhà sư Ấn Độ đến Nước Ta với mục tiêu thương mại, truyền bá, vănhóa, tôn giáo. – Giao lưu với văn hóa Ấn Độ ở những thời kỳ lịch sử vẻ vang khác nhau, không gianvăn hóa khác nhau thì nội dung giao lưu cũng khác nhau. Ở thiên niên kỷ đầu Côngnguyên, trên chủ quyền lãnh thổ Nước Ta lúc bấy giờ có ba nền văn hóa : Văn hóa cùng châu thổBắc bộ, văn hóa Chăm Pa và văn hóa Óc Eo. Ảnh hưởng của văn hóa Ấn Độ đến bavùng văn hóa này có khác nhau. Văn hóa Óc Eo chịu tác động ảnh hưởng của văn hóa Ấn Độkhá tổng lực. Trên nền tảng cơ tầng văn hóa địa phương, những đạo sĩ Bà la môn đến từ ẤnĐộ đã tổ chức triển khai, kiến thiết xây dựng một vương quốc mô phỏng quy mô của Ấn Độ ở tổng thể những mặt : tổ chức triển khai chính trị, thiết chế xã hội, đô thị, giao thông vận tải cùng với việc truyền bá những thànhtố văn hóa ý thức như chữ viết, tôn giáo. v.v – Văn hóa Ấn Độ đã góp thêm phần quan trọng vào quy trình hình thành vương quốcChăm Pa và một nền văn hóa Chăm Pa tăng trưởng rực rỡ tỏa nắng. Người Chăm đã đảm nhiệm môhình văn hóa Ấn Độ từ việc tổ chức triển khai nhà nước cho đến việc tạo dựng và tăng trưởng cácthành tố văn hóa. Họ đã rất linh động trong tiếp biến văn hóa Ấn Độ để tạo dựng nênnền văn hóa Chăm Pa với những sắc thái văn hóa đan xen giữa Ấn Độ, Đông Nam Ávà văn hóa địa phương Chăm rực rỡ. Điều này bộc lộ trên những nghành, đặc biệt quan trọng là chữviết, tôn giáo, kiến trúc và thẩm mỹ và nghệ thuật. – Giao lưu và tiếp biến với văn hóa Ấn Độ của người Việt ở vùng châu thổ Bắcbộ lại diễn ra trong đặc thù thực trạng lịch sử dân tộc riêng. Trước khi tiếp xúc với văn hóaẤn Độ, văn hóa của người Việt đã định hình và tăng trưởng. Dưới thời Bắc thuộc, ngườiViệt đảm nhiệm văn hóa Ấn Độ vừa trực tiếp qua những thương gia, những nhà sư từ Ấn Độsang và vừa gián tiếp qua Trung Quốc. Những thế kỷ đầu Công nguyên, người Việt tiếpnhận văn hóa Ấn Độ trong thực trạng đặc biệt quan trọng : nước mất và phải đương đầu với văn hóaHán. Bởi vậy, tác động ảnh hưởng của văn hóa Ấn Độ chỉ diễn ra trong những tầng lớp dân chúngnhưng lại có sức tăng trưởng lớn. Vùng châu thổ Bắc Bộ trở thành địa phận trung chuyểnvăn hóa Ấn Độ, đặc biệt quan trọng là tôn giáo. Giao Châu trở thành TT Phật giáo lớn ởĐông Nam Á. Người Việt tiếp đón Phật giáo một cách dung dị bởi đạo Phật ở một sốnội dung giáo lý tương thích với tín ngưỡng địa phương Nước Ta. * * * Nghiên cứu giao lưu tiếp biến giữa văn hóa Nước Ta và văn hóa Ấn Độ cầnchú ý những đặc thù sau : + Người Việt đã đảm nhiệm văn hóa Ấn Độ và đặc biệt quan trọng là đạo Phật trên tinh thầncơ bản là hỗn dung tôn giáo. Khi vào Nước Ta, Phật giáo đã tiếp xúc ngay với tínngưỡng địa phương của dân tộc bản địa và đã chung sống với chúng. Từ tín ngưỡng thờ những hiệntượng tự nhiên, thờ nữ thần nông nghiệp, tín ngưỡng phồn thực của văn hóa địa phương, người Việt đã thâu thái những yếu tố của đạo Phật và tạo nên một dòng Phật giáo dângian thờ Tứ Pháp rất là rực rỡ. v.v + Phật giáo Ấn Độ đến Giao Châu không chỉ là một hiện tượng kỳ lạ tôn giáo mà cònlà một hiện tượng văn hóa. Cùng với đạo Phật, một toàn diện và tổng thể văn hóa Ấn Độ ảnhhưởng đến Nước Ta ngay từ đầu Công nguyên như : ngôn từ, âm nhạc, vũ đạo, nghệthuật. v.v Cũng hình thành ở Nước Ta những khu công trình văn hóa, nghệ thuật và thẩm mỹ có giátrị : mạng lưới hệ thống chùa, tháp. v.v + Tiếp nhận văn hóa Ấn Độ ở thời kỳ Bắc thuộc hoàn toàn có thể xem là một đối trọng vớiảnh hưởng của văn hóa Hán, biểu lộ niềm tin chống đồng điệu văn hoá của ngườiViệt. d. Giao lưu và tiếp biến với văn hóa phương TâyGiao lưu và tiếp biến với văn hóa phương Tây đặc biệt quan trọng ở nửa sau của thế kỷ XIX đãtạo bước chuyển có đặc thù bước ngoặt trong sự tăng trưởng của văn hóa Nước Ta. – Giao lưu với văn hóa phương Tây đã từng diễn ra rất sớm trong lịch sử vẻ vang. Nghiên cứu văn hóa khảo cổ, người ta thấy trong văn hóa Óc Eo có nhiều di vật củacác dân cư La Mã cổ đại, chứng tỏ đã có những quan hệ thương mại quốc tế thoáng đãng. Thế kỷ XVI, những linh mục phương Tây đã vào truyền giáo ở vùng Hải Hậu ( nay thuộctỉnh Tỉnh Nam Định ) và chúa Trịnh vua Lê ở Đàng Ngoài cũng như những chúa Nguyễn ởĐàng Trong, rồi nhà Tây Sơn đều có quan hệ với phương Tây. Tuy nhiên, giao lưuvăn hóa tổng lực thực sự diễn ra khi Pháp xâm lược Nước Ta. – Về phía người Pháp, sau khi đã lập được ách đô hộ ở Nước Ta, họ rất có ýthức dùng văn hóa như một công cụ để quản lý. Víi ý thức yêu nước và lòng tự trọngdân tộc, thái độ trước hết của người Nước Ta là chống trả kinh khủng cả về phươngdiện chính trị và văn hóa. Có thể thấy thái độ ấy ở những nhà nho yêu nước ở Nam Bộcuối thế kỷ XIX như Nguyễn Đình Chiểu, Trương Công Định, Nguyễn Trung TrựcTrong thực trạng mất nước, người Việt có ý thức chống lại văn hóa mà đội quân xâmlược định áp đặt cho họ : thái độ không học tiếng Tây, không mặc đồ Tây, không dùnghàng Tây Tuy nhiên, bằng thái độ mềm dẻo, cởi mở, từ từ họ đã tiếp đón nhữnggiá trị văn hóa mới để tăng trưởng văn hóa dân tộc bản địa, sử dụng chúng trong công cuộc đấutranh chống ngoại xâm giành độc lập dân tộc bản địa. – Trong lịch sử dân tộc mấy ngàn năm, những cuộc giao lưu và tiếp biến với những nền vănhóa trong khu vực chỉ làm thay đổi về phương diện yếu tố của văn hóa Nước Ta. Lầnđầu tiên trong lịch sử vẻ vang, quy trình tiếp xúc tổng lực với văn hóa phương Tây giai đoạn1858 – 1945 đã khiến người Việt cấu trúc lại nền văn hóa của mình, đi vào vòng quaycủa văn minh công nghiệp phương Tây. Diện mạo văn hóa Nước Ta đổi khác trên cácphương diện : Thứ nhất là chữ Quốc ngữ, từ chỗ là loại chữ viết dùng trong nội bộ mộttôn giáo được dùng như chữ viết của một nền văn hóa. Thứ hai là sự Open của cácphương tiện văn hóa như nhà in, máy in ở Nước Ta Thứ ba là sự Open của báochí, nhà xuất bản. Thứ tư là sự Open của một loạt những thể loại, mô hình văn nghệmới như tiểu thuyết, thơ mới, điện ảnh, kịch nói, hội họaNhư vậy, với lối ứng xử mưu trí, mềm dẻo, qua mỗi chặng đường thử thách, văn hóa dân tộc bản địa lại trưởng thành và tăng trưởng lên một bước mới. Cuộc hội nhập lầnthứ nhất, tiếp biến với văn hóa Ấn Độ và văn hóa Hán đã làm giàu cho văn hóa ViệtNam, khiến cho dân tộc bản địa đủ mạnh, tạo cơ sở cho sự tăng trưởng trong kỷ nguyên ĐạiViệt. Hội nhập lần thứ hai, tiếp biến với văn hóa phương Tây đã góp thêm phần tân tiến hóavăn hóa dân tộc bản địa trên mọi phương diện. e. Giao lưu và tiếp biến trong tiến trình hiện nayHiện nay, tất cả chúng ta đang bước vào cuộc hội nhập lần thứ ba, hướng tới mục tiêuxây dựng một nền văn hóa ” tiên tiến và phát triển, đậm đà truyền thống dân tộc bản địa “. – Những thuận tiện + Chúng ta có một vương quốc độc lập thống nhất và toàn vẹn chủ quyền lãnh thổ, từ MụcNam Quan đến mũi Cà Mau. GLTBVH trong thời đại ngày này là trọn vẹn tựnguyện. + Cả dân tộc bản địa là một khối thống nhất với một nền văn hoá phong phú đa dạng và phong phú + Sau hơn 20 năm thay đổi, quốc gia ta đã có những bước tăng trưởng đáng kểtrên tổng thể những mặt, kinh tế tài chính, chính trị, khoa học, giáo dục, công nghệ tiên tiến. + Trình độ học vấn, nhận thức về văn hoá và vai trò của văn hoá của toàn bộ cáccấp chỉ huy cũng như người dân được nâng cao, ý thức về vương quốc, lòng tự hào dântộc được khơi dậy can đảm và mạnh mẽ, người dân được thoả sức phát minh sáng tạo và tận hưởng nhữnggiá trị văn hoá vật chất, ý thức ở mọi góc nhìn. + Vị thế của quốc gia được nâng cao, bình đẳng với tổng thể những vương quốc trên thếgiới + Nghị quyết TW 5 khoá VIII đã xác lập rõ : Văn hoá vừa là nền tảng, vừa là động lực tăng trưởng xã hội. + Đảng ta chủ trương Open giao lưu quốc tế trên nhiều nghành nghề dịch vụ. Đối với lĩnhvực văn hóa vừa tiếp thu, học hỏi những tinh hoa văn hoá quốc tế dưới mọi hình thức, vừa nhất quyết chống văn hoá ô nhiễm. Đồng thời ra sức gìn gữ và phát huy những giá trịvăn hoá truyền thống lịch sử của dân tộc bản địa. – Những khó khăn vất vả + Việc tiếp thu những giá trị văn hoá tiên tiến và phát triển của quốc tế với mục tiêu : Đưanước ta ngày càng tăng trưởng, nhất là hạ tầng cơ sở vật chất và khoa học công nghệ tiên tiến, tuy nhiên một yếu tố lớn đặt ra và ngày càng trở lên nóng bức là sự xích míc giữa bảo tồnvà tăng trưởng. + Tiếp thu khoa học công nghệ tiên tiến cũng đồng nghĩa tương quan với việc tiếp thu lối sống, tácphong công nghiệp => nếp nghĩ, lối sống, đến cả khoảng trống thôn dã của một nền vănhoá nông nghiệp lúa nước đang bị mất dần. + Một hệ tư tưởng đạo đức không tương thích với thuần phong mỹ tục, với những giátrị đạo đức nhân văn truyền thống cuội nguồn đang từng ngày xâm nhập vào đời sống văn hoácủa nhân dân ta. + Môt bộ phận dân chúng, nhất là thanh thiếu niên đang chạy theo lối sốnghưởng thụ, trong quan hệ ứng xử phai nhạt nghĩa tình, tổng thể đều nhuốm màu thươngmại, tiếp thu văn hoá ngoại lai một cách thái quá, phủ nhận những giá trị truyền thống cuội nguồn. + Một số cấp chỉ huy quản trị cũng còn chưa nhận thức được khá đầy đủ vai trò củavăn hoá so với đời sống xã hội + Hoàn cảnh lịch sử vẻ vang => giao lưu tiếp biến VH đổi khác trên nhiều phương diện : + Giao lưu TBVH trong thời đại tin học, kinh tế tri thức => GLTBVH trở lên đadang và phức tạp cả về nội dung, mô hình lẫn phương pháp + Các thế lực thù địch, phản động quốc tế không ngừng tìm cách chống pháchúng ta về mọi mặt trải qua con đường giao lưu tiếp biến văn hoá, nhằm mục đích từng bướcchuyển hoá về tư tưởng ý thức hệ, đạo đức lối sống của nhân dân ta. Câu 2 :. Môi trường tự nhiên tác động ảnh hưởng đến văn hoá Việt NamCó 3 đặc thù cơ bản của thiên nhiên và môi trường tự nhiên Nước Ta đã ảnh hưởng tác động và ảnhhưởng thâm thúy đến sự hình thành và tăng trưởng nền văn hoá dân tộc bản địa : – Nước ta nằm ở vị trí địa lý là trung tâm điểm của những trục đường giao lưuquốc tế. Các nước từ phương Bắc muốn tiến xuống phương Nam, những nước từ phươngTây sang phương Đông, và ngược lại, đều đi qua Nước Ta hoặc lấy Nước Ta làmmột vị trí trung chuyển đều rất thuận tiện. Trước đây, nhiều triều đại phong kiến TrungHoa đã tiến đánh lấn chiếm Nước Ta, và từ Nước Ta triển khai ý đồ lan rộng ra vềphía Nam và Đông Nam á. Từ cuối thế kỷ XVI một số ít nhà buôn phương Tây đã đitheo đường thủy vào Nước Ta để kinh doanh, và từ Nước Ta, lan rộng ra kinh doanh vớicác nước khác trong khu vực. Sau này thực dân Pháp và đế quốc Mỹ đã xâm lượcnước ta cũng thực thi mưu đồ làm chủ Khu vực Đông Nam Á Nước Ta đã trở thành vị trícó ý nghĩa kế hoạch trên map quốc tế. Điều này tạo thuận tiện cho nước ta có ưuthế giao lưu văn hoá, thương mại, du lịch Nhưng nó cũng cắt nghĩa một điều là tạisao Nước Ta trong suốt hàng chục thế kỷ lại hứng chịu những cơn bão táp ngoại xâmliên tục và quyết liệt đến vậy. – Nước ta có một hệ sinh thái phồn tạp, nghiêng về phía thực vật, thực vật ưutrội hơn động vật hoang dã. Cũng chính vì vậy, ngành kinh tế tài chính trồng trọt, nông nghiệp mạnh hơnchăn nuôi. Điều này ảnh hưởng tác động tới việc hình thành và tăng trưởng của văn hoá Việt Namrất đậm với những biểu lộ cơ bản sau : + Nước Ta có một nền văn minh nông nghiệp trồng trọt mà đỉnh điểm là trồngcây lúa nước. Từ đây nó pháp luật quy mô bữa ăn nổi bật của người Việt là cơm – rau – cá. Hai trong ba thức ăn đó là thực vật. Cây lúa tương quan rất mật thiết đến vănhoá nhà hàng siêu thị ( những mẫu sản phẩm vô cùng phong phú làm ra từ hạt gạo, rượu nấu từ gạo ). Câylúa, hạt gạo trở thành hình tượng niềm tin trong tâm thức Việt + Chúng ta có cả một tín ngưỡng thờ cây. Có hai thứ cây quan trọng nhất đượcngười Việt biến thành cây thiêng liêng : Cây lúa và cây cau. Xôi, bánh chưng bánh dầyđể thờ cúng, cau cũng trở thành đồ thờ cúng, dẫn cưới Người dân Bắc bộ có câu : “ Thần cây đa, ma cây gạo, cú cáo cây đề ”. Tết Nguyên Đán dân ta có tục hái lộcxuân Đặc biệt, ngày Tết mùng Năm tháng Năm được coi là ngày kết tinh tín ngưỡngthờ cây của người Việt. Vào ngày này, người dân ăn rượu nếp cái, ăn những thứ hoa quảđể “ giết sâu bọ ”, gọi cây bói quả, hái “ lá mùng Năm ” + Cảm quan của con người so với vạn vật thiên nhiên đặc biệt quan trọng gắn bó với cây cối, hoacỏ. Người Việt hay ví con người với hoa cỏ, lấy hoa cỏ làm thước đo để đo vẻ đẹp conngười. Ca dao hay ví người phụ nữ với chẽn lúa đòng đòng, củ ấu gai, cây quế giữarừng, hoa ngâu, hoa sen – Nước ta có một mạng lưới hệ thống sông ngòi, kênh rạch chằng chịt khắp Bắc, Trung, Nam. Riêng Nam Bộ ví dụ điển hình, theo GS. Lê Bá Thảo đã có 5.700 km đường kênhrạch. Thêm nữa, lại có trên 3.000 km chiều dài bờ biển. Đặc điểm sông nước đã để lạidấu ấn rất đậm lên diện mạo văn hoá Nước Ta. Dưới đây là một vài biểu lộ : + Thành phần thứ ba trong cơ cấu tổ chức bữa ăn nổi bật của người Việt là cá, cácloài thuỷ món ăn hải sản khác, và những chế phẩm của chúng, tiêu biểu vượt trội là nước mắm. + Hình thức cộng cư của người Việt hoặc chọn vị trí gần sông theo kiểu “ Nhấtcận thị, nhì cận giang ”, hoặc quần tụ trên sông thành những “ vạn chài ”. Người Nam Bộcòn có nghề “ Thương hồ ” – người kinh doanh trên sông nước ; hình thức chợ nổi trênsông + Cư dân Bắc và Trung bộ phải liên tục đương đầu với nạn lũ lụt. Ngay từthời thời xưa, công cuộc chinh phục lũ lụt đã đi vào lịch sử một thời “ Sơn Tinh Thuỷ Tinh ”. Chưa khi nào những triều đại và dân cư Nước Ta dám coi nhẹ việc đắp đê chống lụt. Công cuộc đắp đê trị thuỷ là một kỳ tích vĩ đại của người Việt. + Tín ngưỡng thờ sông nước : Thần sông thần suối, “ Đất có ông thổ ông địa, sông cóHà Bá ”. Nhân dân miền duyên hải còn thờ “ cá Ông ” như một con vật thiêng phù trợcho đời sống của những người làm nghề đánh cá + Từ đặc thù sông nước này mà nhà học giả Cao Xuân Huy nói tới “ tính thuỷ ” trong tính cách người Việt, rộng ra là trong văn hoá Việt. Ngoài 3 đặc thù chính trên, có nhà nghiên cứu và điều tra còn nhắc đến đặc thù địahình của nước ta rất phong phú gồm có cả miền núi, đồng bằng và biển cả, giữa chúngcó vùng trung chuyển. Đặc điểm này khiến cảm thụ về vạn vật thiên nhiên của người Việt kháphong phú. Trong những địa hình đó không hề không nhắc đến hang động vùng rừng núivà cảng vịnh dưới biển. Hệ thống hang động Nước Ta kỳ vĩ, đa dạng chủng loại trải dài từBắc vào Nam, trong đó Phong Nha ( Quảng Bình ) đã trở thành Di sản vạn vật thiên nhiên thếgiới. Người Việt đến với hang động không riêng gì để chiêm ngưỡng và thưởng thức mà con thiêng liêng hoáchúng, biến thành nơi cầu nguyện, phân phối nhu yếu tâm linh. Các cảng vịnh cũng dồidào, phong phú, trải dài từ Móng Cái đến Hà Tiên. Vịnh Hạ Long và Nha Trang đã mangđẳng cấp quốc tế. Hang động và cảng vịnh thực sự là những món quà vô giá của tạohoá ban tặng cho nước Việt tất cả chúng ta. Cũng cần chú ý quan tâm, nhìn trên toàn diện và tổng thể thì như vậy, nhưng đi vào mỗi vùng miền Tổ quốc lại thấy có những điều kiện kèm theo tự nhiên đơn cử khácnhau, do đó diện mạo văn hoá ở mỗi vùng cũng có những nét độc lạ độc lạ. Đếnlượt người điều tra và nghiên cứu văn hoá, trên mẫu số chung đó, phải chỉ ra được những nét độcđáo khác nhau của mỗi vùng văn hoá. Câu 5. Nho giáo Trung Quốc ảnh hưởng tác động đến mái ấm gia đình Nước Ta, tạo cho mái ấm gia đình ViệtNam mang đặc thù phụ quyền, tư tưởng trọng nam khinh nữ. Nhưng nhiều khi ảnhhưởng của Nho giáo đến mái ấm gia đình truyền thống lịch sử của người Việt chỉ mang tính hình thứcmà nhiều người đã dùng hình ảnh “ vỏ Tàu lõi Việt ” để so sánh. Điều đó được biểu lộ rõ nét qua vai trò, vị trí của người phụ nữ trong gia đìnhngười Việt ( khác với vị trí, vai trò người phụ nữ trong mái ấm gia đình Trung Quốc : người vợ, người mẹ thường không có quyền và không hưởng một chút ít quyền lợi và nghĩa vụ nào cả ). Ví dụ : Luật Hồng Đức và Luật Gia Long là hai bộ luật chịu ảnh hưởng tác động đáng kểcủa luật Nước Trung Hoa, sinh ra vào thời kỳ Nho giáo được xem là Quốc giáo. Nhưngnhững nội dung của 2 luật này cũng có những phát minh sáng tạo thuộc Nước Ta. Luật củaTrung Quốc tôn vinh quan hệ cha – con ; Luật Việt Nam tôn vinh quan hệ vợ chồng, trọngphụ nữ. ~ Luật Hồng Đức : Về kinh tế tài chính : Bảo đảm con gái được hưởng quyền thừa kế gia tài bình đẳng nhưcon trai. Về tâm linh : Con gái, cháu gái có quyền hương khói cho cha mẹ trong trườnghợp nhà không có con trai. Nếu con trai trưởng còn nhỏ, bà quả phụ có quyền thay contế tự tổ tiên. Trong hôn nhân gia đình : Người phụ nữ có quyền từ hôn nếu vị hôn phu chẳng may bị áctật, phạm tội hoặc phá sản ; có quyền bỏ chồng nếu trong 5 tháng chồng bỏ rơi vợ, không đi lại. ~ Luật Gia Long : Cho phép đàn ông có 7 cớ để bỏ vợ ( thất xuất theo luân lýTrung Quốc ) : Không con ; Dâm dật ; Không thờ cha mẹ chồng ; Lắm điều ; Trộm cắp ; Ghen tuông ; Có ác tật. Nhưng lại đặt ra 3 điều không được đuổi vợ ( tam bất khả xuất ) : Đàn bà từng đểtang ở nhà chồng 3 năm ; Khi lấy nhau nghèo mà sau giàu sang ; Nếu sau khi bị đuổikhông còn nơi lệ thuộc. Người phụ nữ là nơi quy tụ của toàn bộ những phẩm chất tốt đẹp, là linh hồn củacả mái ấm gia đình. – Vai trò, vị trí người phụ nữ trong mái ấm gia đình người Việt được biểu lộ : * Về quan hệ với những thành viên trong mái ấm gia đình – Với chồng : + Là vợ, là bạn, là tri âm tri kỷ, là người nâng khăn sửa túi. + Có mặt trong mọi lúc buồn vui của chồng, trong mọi lúc thành công xuất sắc hay thấtbại. “ Đằng sau mọi thành công xuất sắc của đàn ông khi nào cũng có bóng hình của ngườiphụ nữ ” … + Hi sinh hết lòng vì chồng, ngay cả từ những điều nhỏ nhất. Không chỉ gắnbó với chồng bằng tình mà còn gắn bó với nhau bằng nghĩa. Ví dụ : Bữa ăn trong mái ấm gia đình, người phụ nữ khi nào cũng ngồi ở đầu nồi, hạnhphúc của họ là được chăm chút cho chồng con, được nhìn thấy chồng con khỏe mạnh, niềm hạnh phúc. Vì chàng thiếp phải ăn mâm – Như thiếp ăn đứng ăn nằm cũng nên … Văn hóa Nước Ta và tư duy người Việt đặc biệt quan trọng tôn vinh sự đồng thuận của tìnhnghĩa vợ chồng trong quan hệ hai giới nam – nữ : Thuận vợ thuận chồng tát bể đôngcũng cạn ; Râu tôm nấu với ruột bầu – Chồng chan vợ húp gật đầu khen ngon … – Với con : + Yêu thương, lo ngại và chăm nom cho con từ khi con còn trong bụng mẹ đếnkhi con sinh ra, khôn lớn, trưởng thành. + Là chỗ dựa bình yên và vững chãi nhất của con người : “ trên quốc tế cónhiều kỳ quan nhưng kỳ quan đẹp nhất là tấm lòng người mẹ ” … + Vai trò quan trọng trong việc giáo dục, hình thành tính cách và nhân cáchcho con, trao cho con những giá trị văn hóa từ đời này sang đời khác. => người Việtđúc kết : Phúc đức tại mẫu ; Con dại cái mang ; Con hư tại mẹ, cháu hư tại bà … Liên hệ lan rộng ra : Ngày nay, vi trò, vị trí của người phụ nữ trong mái ấm gia đình vẫnđược tôn vinh, coi trọng. Người phụ nữ vẫn được xem là người giữ lửa trong mái ấm gia đình, vẫnlà người giữ vai trò quan trọng trong việc duy trì đời sống niềm hạnh phúc mái ấm gia đình. Tuynhiên, cũng có 1 số ít luồng quan điểm khác nhau xung quanh yếu tố này : nhiều người phụnữ yên cầu được giải phóng mình, không muốn bị rằng buộc bởi những lời ngợi ca, bởi sựtôn vinh nghĩa vụ và trách nhiệm. Họ muốn được sống tự do là chính mình, muốn thoát khỏinhững việc làm nội trợ hàng ngày, giảm bớt thời hạn chăm nom chồng con để phấn đấucó vị trí trong xã hội … * Về kinh tế tài chính, lao động sản xuất : – Trong lao động sản xuất, người phụ nữ là bạn của đàn ông, cùng bình đẳngnhư đàn ông : Trên đồng cạn dưới đồng sâu – Chồng cày vợ cấy con trâu đi bừa … – Những việc làm mà người phụ nữ đảm nhiệm cũng khó khăn vất vả, nặng nhọc và quantrọng không kém đàn ông : đàn ông cày bừa, phụ nữ gieo mạ, cấy lúa ; đàn ông săn bắt, hái lượm, đàn bà gieo trồng, dệt vải, quay tơ … – Trong mái ấm gia đình, người phụ nữ giữ vai trò là người quản trị kinh tế tài chính, là người giữtay hòm chìa khóa : giám sát từng khoản tiêu tốn cho hài hòa và hợp lý với thu nhập kinh tế tài chính củagia đình ; tích góp, chắt bóp đề phòng những lúc khó khăn vất vả và còn tích góp để lo và đểdành cho con cháu : đàn ông như cái giỏ, đàn bà như cái hom ; Một trăm chìa khóa emđeo – Việc giang san em gánh, sự đói nghèo mặc em … * Về tín ngưỡng, tâm linh : – Mặc dù không trực tiếp thực thi những việc làm giao tế với thần linh, với trờiđất, tổ tiên … Nhưng mọi cỗ bàn, hương hoa, cỗ mặn, cỗ chay dâng lên bàn thờ cúng tổ tiênđều có bàn tay sẵn sàng chuẩn bị chu đáo của người phụ nữ. Luật Hồng Đức còn lao lý : con gái, cháu gái có quyền hương khói cha mẹtrong trường hợp nhà không có con trai. Nếu con trai trưởng còn nhỏ, bà quả phụ cóquyền thay con tế tự tổ tiên. Câu 6. Làng được định nghĩa trên 3 góc nhìn đa phần, đó là : + Dân cư : Làng đơn vị chức năng sinh sống, thao tác, hoạt động và sinh hoạt văn hóa của đa phần những ngườilàm nghề nông nghiệp. + Vùng chủ quyền lãnh thổ : Làng có một vùng đất chung, có ranh giới rõ ràng. + Tổ chức xã hội : Làng có chung một tổ chức triển khai xã hội nhất định. Làng là một đơn vị chức năng cộng cư của hầu hết những người làm nghề nông nghiệp, có một vùng đất chung xác lập và có chung một tổ chức triển khai xã hội nông nghiệp. Giải thích : + Làng là đơn vị chức năng cộng cư : Đơn vị cùng chung sống, cùng thao tác, cùng sinhhoạt văn hóa của một hội đồng dân cư. Vì trong thực tiễn ở làng ngoài bộ phận chính nhữngngười làm nghề nông nghiệp, còn có một bộ phận dân cư sinh sống bằng những nghềkhác nữa như : làm gốm, làm mộc, làm nề, làm dệt, làm lụa, làm chiếu … + Vùng đất chung xác lập, gồm có : đất cư trú để người dân sinh sống ; đấttrồng trọt, thâm canh, người ta có chung chiếm hữu về tài nguyên vạn vật thiên nhiên như : nguồnnước, ruộng đồng, sông ngòi, đê điều, bãi cỏ … + Làng có chung một tổ chức triển khai xã hội nông nghiệp vì dân cư sống đa phần ở lànglà dân cư nông nghiệp, nền kinh tế tài chính hầu hết ở làng là nền kinh tế tài chính nông nghiệp. Và tổchức xã hội nông nghiệp ấy phải thích ứng với sản xuất tiểu nông, với mái ấm gia đình, vớidòng họ. Khái niệm này đa phần gắn với làng quê truyền thống cuội nguồn ở Bắc Bộ và Bắc TrungBộ, với khoảng chừng thời hạn hình thành hàng nghìn năm ; còn ở Nam Bộ chưa hẳn đã vậy. + Làng được hình thành, tổ chức triển khai dựa vào hai nguyên tắc cơ bản : – Nguyên lý cùng huyết thống : – Nguyên lý cùng nơi chốnNgười trong làng đều có họ, đều có quan hệ máu mủ, huyết thống với nhau. Nguyên lý cùng huyết thống này Open hầu hết ở thời công xã thị tộc. Lúc đầulàng là nơi ở của 1 họ, về sau có nhiều dòng họ cùng cư trú, trong đó thường có 2-3 dòng họ lớn. Có nhiều làng là nơi ở của một họ mà cho đến nay người ta vẫn còn tìmthấy dấu vết qua mạng lưới hệ thống những tên gọi của làng như : Làng Đặng Xá, Ngô Xá, NguyễnXá, Lê Xá … Vì thế dân gian có câu Một giọt máu đào hơn ao nước lã. Khi công xã thị tộc tan rã, công xã nông thôn Open, những thành viên tronglàng còn gắn bó với nhau bằng quan hệ sản xuất để đối phó với môi trường tự nhiên tự nhiên, thiên nhiên và môi trường xã hội. Vì thế, bên cạnh câu Một giọt máu đào hơn ao nước lã còn có câuBán bạn bè xa mua láng giềng gần. Hai câu tục ngữ, hai cách ứng xử tưởng như mâuthuẫn nhưng thực ra lại là một cách tích hợp độc lạ cùa làng Nước Ta. Cơ cấu dân cư và tổ chức triển khai hành chính – Kỳ mục ( Hội đồng kỳ mục. Miền Nam gọi là Hội tề ) : Gồm Tiên chỉ, Thứchỉ … có nghĩa vụ và trách nhiệm luận bàn tập thể và quyết định hành động những việc làm của làng xã. ( cơquan lập pháp ). – Kỳ dịch ( Lý dịch ) : Gồm Lý trưởng, xã trưởng, Hương trưởng, Trương tuần, Cai lệ Do Hội đồng kỳ mục cử ra, trực tiếp thi hành những quyết định hành động của Kỳ mục, trựctiếp tổ chức triển khai, quản trị đời sống của dân làng. ( cơ quan hành pháp ). – Cộng đồng dân cư : Chiếm số lượng phần đông nhất, góp thêm phần tạo nên diệnmạo văn hoá của mỗi làng. Gồm có : Dân chính cư ( dân gốc ở làng ) ; Dân ngụ cư ( dântừ nơi khác đến trú ngụ ). Mối quan hệ giữa dân chính cư và dân ngụ cư : Dân ngụ cư luôn bị cái nhìn địnhkiến của dân chính cư, bị xem thường, hoài nghi về nhân cách. Họ bị đối xử bất công : Phải sống ở rìa làng, phải làm tổng thể những nghĩa vụ và trách nhiệm với làng nhưng không được hưởngquyền lợi gì ; muốn trở thành dân chính cư họ phải thoả mãn những điều kiện kèm theo : phải cư trúở làng từ ba đời trở lên, phải có một chút ít điền sản, phải nộp lệ phí và khao làng. Việc phân biệt dân chính cư và dân ngụ cư cũng tạo nên đặc thù của LàngViệt và tính cách người Việt truyền thống cuội nguồn : thích suốt đời gắn bó với quê cha đất tổ, sợrơi vào thân phận dân ngụ cư tạo nên đặc thù khép kín, hạn chế sự tăng trưởng của làngxã ; tạo nên tư tưởng bản vị, địa phương chủ nghĩa, tẩy chay người khác đến, tư tưởng “ ma cũ bắt nạt ma mới ” … – Ngoài những tổ chức triển khai hành chính do Kỳ mục, Kỳ dịch điều hành quản lý, làng xã ViệtNam xưa còn có những tổ chức triển khai ẩn tàng, do dân lập ra như : Giáp, P., Hội. Giáp : Tổchức nông thôn theo truyền thống cuội nguồn phái mạnh, chỉ có đàn ông tham gia. Phường : Tổchức nông thôn theo nghề nghiệp. Hội : Liên kết những người cùng nụ cười, quý phái, sở trường thích nghi. Những tổ chức triển khai này, nếu hoạt động giải trí đúng sẽ có lợi cho người dân. Nhưngcũng có nhiều trường hợp gây phiền hà cho dân cư, tạo nên nạn cường hào ác bá ởthôn quê. Chức năng của làngLàng gồm nhiều công dụng. Ở đây, tập trung chuyên sâu làm rõ hai công dụng + Sản xuất nông nghiệp – Lãng xã Nước Ta đa phần sản xuất nông nghiệp trồng lúa nước mang tínhchất tự cấp, tự cung tự túc, trình độ sản xuất thấp, nâng suất bấp bênh, nhờ vào nhiều vàothiên nhiên, thời tiết. – Chính vì sản xuất nông nghiệp là đa phần, trong đó cây lúa là chủ yếu, cho nênvấn đề ruộng đất là yếu tố quan trọng nhất, là đặc trưng của nền kinh tế tài chính nông nghiệplàng xã. Mâu thuẫn cơ bản ở làng xã là xích míc về ruộng đất. Vì thế, chức năngkinh tế của làng được biểu lộ rõ nét qua việc phân loại ruộng đất theo định kỳ và theolệ làng. Làng đứng ra phân loại ruộng đất theo định kỳ và theo lệ làng. + Quản lý đất đaiCách quản trị và phân loại đất của làng xã rất phong phú, làng nào quản trị đất củalàng đó. Trước khi phân loại ruộng đất, làng thường dành một phần đất công để dùngvào việc công cộng. Số đất còn lại được phân loại theo nhiều loại người khác nhau ( gồm 3 hạng : nhất đẳng, nhị đẳng, tam đẳng ) để người dân cày cấy, hưởng hoa lợi vànộp thuế. Đất ở làng cũng gồm nhiều loại khác nhau ( như : Thượng đẳng điền, Trungđẳng điền, Hạ đẳng điền ). Việc phân loại đất phải diễn ra đồng đều, tốt – xấu cùng sansẻ. Ví dụ : Bộ luật Hồng Đức lao lý 3 hoặc 5 năm chia đất 1 lần theo suất đinh, vàchỉ có con trai mới được chia đất. – Làng có vai trò bảo vệ môi trường sinh thái ; bảo vệ, quản trị tài nguyên của địaphương. Điều này được bộc lộ rõ qua mạng lưới hệ thống những hương ước của làng với nhữngquy định về thưởng – phạt rõ ràng. + Nghề thủ công nghiệp – Ngoài ra, còn có một số ít làng nghề thủ công bằng tay ( người dân tranh thủ lúc nôngnhàn để làm nghề ). Hệ thống những làng nghề nước ta khá phong phú và đa dạng, phong phú. VD : Làng gốm Bát Tràng ( Gia Lâm, TP. Hà Nội ), Làng Đồ gỗ Đồng Kỵ ( Từ Sơn, TP Bắc Ninh ), Làng tranh Đông Hồ ( Thuận Thành, Thành Phố Bắc Ninh ), Làng Chiếu ( Nga Sơn, Thanh Hoá ). Làng Lụa ( Vạn Phúc, HĐ Hà Đông ) … Một số làng nghề nổi tiếng, một số ít làng nghề maimột theo thời hạn, một số ít làng nghề có khuynh hướng tiến ra đô thị để lập nghiệp, sảnxuất, kinh doanh những loại sản phẩm bằng tay thủ công. – Nói về công dụng kinh tế tài chính của làng, tất cả chúng ta cần quan tâm một hiện tượng kỳ lạ đángđặc biệt, đó là : Các phiên chợ quê. + Chợ quê đa phần kinh doanh những loại sản phẩm nông sản, hoạt động giải trí kinh doanh diễnra nhã nhặn, chưa đủ mạnh để biến thành hoạt động giải trí thương mại. + Chợ quê bộc lộ rõ tính năng văn hoá của làng, đặc biệt quan trọng là qua những phiên chợtết. Chợ không riêng gì diễn ra hoạt động giải trí mua và bán mà còn tiềm ẩn tình làng nghĩa xóm. Nếu như khoảng trống hàng ngày ở những làng quê là khoảng trống khép kín, thì chợ chính làkhông gian mở, là nơi tiếp thu, kiểm chứng và phát tán những giá trị văn hóa. Đặc biệt rõnét qua những phiên chợ tết, bày bán những loại sản phẩm đặc trưng của mỗi vùng và bày báncác vật phẩm văn hoá : cho chữ, bán chữ, bán câu đối, tranh dân gian. Đến chợ ngườidân còn hoàn toàn có thể được tham gia vào những game show như đánh đu, chọi gà, đấu vật, cuối mỗibuổi chợ có khi còn có những cuộc hát giao duyên … – Chức năng tâm linh của làng : + Xem xét công dụng tâm linh của làng tức là muốn nói đến những hoạt động giải trí tâmlinh của hội đồng làng mà bất kỳ người dân nào cũng hướng tới và tự nguyện thamgia nhằm mục đích thoả mãn nhu yếu ý thức của họ. + Biểu hiện tiêu biểu vượt trội nhất của công dụng tâm linh này là tín ngưỡng thờ thầnthành hoàng làng. Tục này do đảm nhiệm từ văn hoá Nước Trung Hoa. Những nhân vật đượccộng đồng làng suy tôn gồm có : Những bậc anh hùng, dũng tướng trong lịch sử một thời, thần thoại cổ xưa và trong lịch sử vẻ vang ; những người có công lập làng hoặc những vị tổ nghề ; những người làm nghề hèn mọn như ăn xin ăn mày, hoặc ăn trộm ăn cướp bị chết vàogiờ linh cũng được dân làng suy tôn là thần. Hoạt động thờ thần diễn ra ở đình làng. Trước kia đình làng mang niềm tin dân chủ làng xã khá đậm đà, sau này chịu ảnhhưởng của Nho giáo ( nhất là từ thế kỷ XV khi Nho giáo trở thành quốc giáo ) thì việcthờ thành hoàng đã bị thể thức hoá theo ý thức Nho giáo rất đậm. Vào đời Lê Trunghưng, 1.572, nhà vua đã giao cho viên đại thần Nguyễn Bính triển khai san định, kêcứu, phân loại và ban sắc phong cho những đình làng trên cả nước. Tương ứng với 3 loạithần kể trên, trong những sắc phong được gọi là Thượng đẳng thần, Trung đẳng thần vàHạ đẳng thần, cùng với những pháp luật về tế lễ rất khắt khe. Điều đó cho thấy tinhthần Nho giáo đã can thiệp rất sâu vào đình làng. Đình làng từ bấy trở đi là nơi hiệnthân cho thần quyền và cường quyền của chốn thôn quê. Bao nhiêu tội ác, bao nhiêucảnh đời thê thảm diễn ra ở nơi đình làng ( Xem thêm những tác phẩm như Tắt đèn, Việc làng, Tập án cái đình của Ngô Tất Tố ) – Không gian văn hoá làng Việt * * * Không gian vật chất : + Ngoài làng có đồng ruộng ( thiên nhiên và môi trường lao động sản xuất ) + Cổng làng + Đường làng, ngõ xóm, cây đa giếng nước ( bến nước ), sân đình. Những khoảng trống vật chất của làng đã trở thành hình tượng đậm nét văn hoá, khoảng trống vật chất này đã là điểm tựa vật chất cho văn hoá phi vật thể của làng pháttriển, nhiều mô hình thẩm mỹ và nghệ thuật dân gian có giá trị đã Open trong khoảng trống này * * * Không gian văn hoá niềm tin : Ngoài khoảng trống đình làng, trong mỗi làng còn có những nơi thờ cúng khác ởcác miếu, am, điếm ( chưa kể đền thờ thánh hoặc chùa thờ Phật có làng có, có làngkhông ). Những nơi thờ tế đó hầu hết nhằm mục đích vào những thần thánh dân gian, do quan niệmđa thần giáo mà thành. Ví dụ thờ thần sông, thần núi, thần cây đa, thần trăn tinh, thầnhổ, thờ người chết trôi + Biểu hiện rõ nhất là làng đã tạo ra cảm quan niềm tin nhiều mẫu mã, giầu tìnhcảm, mang đậm tính nhân văn. + Làng là nơi đảm nhiệm kiểm chứng sự sống sót của những ý thức hệ, những quan điểm, ý niệm về nhân sinh quan, thế giới quan, tôn giáo, tín ngưỡng. – Hai đặc trưng tổng quát của làng Việt truyền thống lịch sử : tính hội đồng và tính tựtrị tự quản. + Trước hết nói về tính hội đồng, nó được biểu lộ qua tính cộng cư, cộngcảm, cộng mệnh, cộng sản ( cùng chung một số ít gia tài như công điền công thổ, côngquỹ ). Nó có những mặt tích cực như ý thức tương thân tương ái, niềm tin đoànkết gắn bó, nghĩa vụ và trách nhiệm và nghĩa vụ và trách nhiệm so với hội đồng. Nhất là trong những lúc lâmnguy, niềm tin cộng đồng phát huy cao độ sức mạnh của nó. Tuy nhiên, cũng phảithấy những biểu lộ cực đoan của nó như : Tư tưởng bình quân chủ nghĩa, cào bằng, “ Hoà cả làng ” ; tư tưởng phụ thuộc, ỷ lại, thiếu nghĩa vụ và trách nhiệm cá thể, “ Cha chung khôngai khóc ” ; tư tưởng bầy đàn, a dua, ăn theo nói leo, không dám sống đúng là mình, + Tính tự trị tự quản trước hết được bộc lộ bằng hình thức hương ước củalàng do những chức sắc và những người đàn ông trong làng bàn soạn. Nội dung hươngước tuy mỗi làng có những điểm độc lạ, nhưng tựu trung lại gồm có mấy nội dungsau : 1. Những pháp luật lao lý về sản xuất, kinh tế tài chính tương quan đến ruộng đất, sứckéo trâu bò, đường xá ; 2. Những lao lý về phong hoá, đạo lý ; 3. Những pháp luật về bảo mật an ninh ; 4. Những lao lý về tế tự ; 5. Cuối cùng là những lao lý về học tập khoa cử. Tất cả những điều đó đều có thưởng phạt đơn cử. Hương ước là luật tục của mỗilàng, có ý nghĩa quản lý và điều hành đời sống của dân làng. Nó biểu lộ những nét văn hoáriêng của mỗi làng. + Tính tự trị tự quản mang ý nghĩa tích cực khi nó góp thêm phần củng cố tình cảm, sức mạnh hội đồng làng, tạo nên những nét văn hoá rực rỡ của mỗi làng. Songnhững bộc lộ cực đoan của nó là khó tránh khỏi như : Sống theo lệ mà không sốngtheo luật, “ Phép vua thua lệ làng ” ; tư tưởng cục bộ bản vị, địa phương chủ nghĩa, lòngtự tôn thái quá trở thành tự thị Ngày thời điểm ngày hôm nay, cái tâm ý sống theo lệ thâm căn cố đếnày đã tác động ảnh hưởng và cản trở rất nhiều tới đời sống tân tiến. Câu 7. – Thành Hoàng là vị thần quản lý, che chở, định đoạt họa phúc cho một cộng đồngngười sống trong một đơn vị chức năng hành chính. Thành Hoàng là một từ Hán Việt, vốn là mộttừ chỉ vị thần bảo lãnh thành trì của Trung Quốc được gia nhập vào Nước Ta từ thờiĐường và liên tục tăng trưởng trong những triều đại VN. – Biểu hiện rõ nhất, tiêu biểu vượt trội nhất là tín ngưỡng thờ Thành hoàng làng. Thànhhoàng làng chỉ chung một vị thần được thờ trong một làng xã Nước Ta, mà theo quanniệm của dân cư, thần hoàn toàn có thể bao quát, tận mắt chứng kiến hàng loạt đời sống của dân làngvà quyết định hành động hoạ phúc của một làng. – Những nhân vật được hội đồng làng suy tôn là Thành hoàng làng gồm có : anh hùng dân tộc bản địa ( trong thần thoại cổ xưa, thần thoại cổ xưa, lịch sử vẻ vang ), ví dụ : Đổng Thiên Vương, Chử Đồng Tử, Liễu Hạnh công chúa, Lý Thường Kiệt, Trần Hưng Đạo … ; nhữngngười khai hoang lập ấp, những người có công với làng, với quốc gia, với triềuđìnhphong kiến, những người được tôn vinh là tổ nghề ; hoặc có khi là những ngườilàm nghề hèn mọn, vô danh những chết vào giờ linh, giờ thiêng thì cũng được suy tônlà Thành hoàng làng. Thành hoàng làng thậm chí còn còn gồm có cả những thần cónguồn gốc phức tạp như : tà thần, yêu thần, dân thần …. – Thành hoàng làng thường được thờ cúng ở đình làng – TT hành chính, TT văn hoá, TT tín ngưỡng của cả làng, hoặc thờ ở đình miếu. Hàngnăm, ngày giỗ Thành hoàng làng là ngày hội đông vui nhất của làng, của xã. Trongnhững ngày hội làng, ngoài việc làm cỗ, nhà hàng còn diễn ra những nghi thức khác như : tế lễ, rước kiệu hay những trò vui dân gian … Bàn thờ Thành hoàng làng khi nào cũngđược đặt sang trọng và quý phái, rất thiêng, trên bệ thờ thường có lư hương, đèn, lọ hoa và trênvách có một chữ Thần bằng chữ Hán. Có nơi thờ áo mũ của thành hoàng. Hai bên cóTả Ban, Hữu BanThành Hoàng là biểu lộ của lịch sử vẻ vang, phong tục đạo đức, pháp lý cũng hyvọng của cả làng. Thờ Thành hoàng làng, cũng chính là sự thờ phụng luật lệ làng xã, lề thói gia phong của làng, thờ Thành hoàng làng để bảo vệ và tăng trưởng cộng đồnglàng, để xóm làng tăng trưởng thành một hội đồng có tổ chức triển khai ngặt nghèo. Dân làng đốivới thành hoàng cũng kính cẩn như con cháu so với tổ tiên vậy. Câu 8.1. Tính hội đồng : – Là đặc trưng số một của làng truyền thống lịch sử Nước Ta. Cuộc sống nông nghiệpphụ thuộc vào vạn vật thiên nhiên, thế cho nên người dân phải link với nhau, dưa vào nhau màsống. Chính điều đó đã tạo nên tính hội đồng. – Biểu hiện của tính cộng đồngTính hội đồng nhấn mạnh vấn đề vào sự giống hệt, tạo nên những tính cách tốt đẹpcủa người Nước Ta. + Luôn chuẩn bị sẵn sàng đoàn kết, giúp sức nhau, coi mọi người như đồng đội trongnhà : Lá lành đùm lá rách nát ; Một con ngựa đau cả tàu bỏ cỏ ; Thương người như thểthương thân … VD : Một người đi xa lâu ngày trở lại làng, cả làng đến hỏi thăm ; có ấm nướcchè tươi, ngon, cả làng đến uống ; một người lên đường nhập ngũ, cả làng đến hỏithăm, chia tay, động viên … + Tạo nên tính tập thể cao, mang đến sức mạnh to lớn cho dân tộc bản địa, đặcbiệt là trong những trường hợp thiết yếu như chống thiên tai, lũ lụt, chống giặc ngoạixâm + Ý thức cá thể bị thủ tiêu, hoà tan vào những mối quan hệ xã hội, giảiquyết xung đột theo lối “ hoà cả làng ” ( khác phương Tây : Con người được rèn luyện ýthức cá thể ngay từ nhỏ ). + Tư tưởng ỷ lại, phụ thuộc vào tập thể, tư tưởng an phận thủ thường, cảnể, thao tác gì cũng sợ rút dây động rừng : Nước trôi thì bèo trôi, nước nổi thì bèo nổi ; Cha chung không ai khóc ; Lắm sãi không ai ngừng hoạt động chùa … Những hệ luỵ này vẫncòn tác động ảnh hưởng trong rất nhiều nghành của đời sống thời điểm ngày hôm nay. Ví dụ : Việc sử dụng những thiết bị cơ sở vật chất chung như : điện, điện thoại cảm ứng, máytính … ở 1 số ít người còn bừa bãi, thiếu ý thức tiết kiệm ngân sách và chi phí. + Thói cào bằng, đố kị ( không muốn cho ai hơn mình, muốn để cho tất cảđều như nhau giống nhau ) : Xấu đều hơn tốt lỏi ; Chết một đống hơn sống một người … 2. Tính tự trị, tự quản – Tính hội đồng nhấn mạnh vấn đề vào cái chung thì tính tự trị nhấn mạnh vấn đề vào nétkhác biệt của hội đồng làng này so với hội đồng làng kia. Mỗi làng hoàn toàn có thể coi nhưmột “ vương quốc ” nhỏ khép kín với những tập quán riêng không liên quan gì đến nhau. – Biểu hiện : – Tính tự trị được biểu lộ qua những hương ước của làng. Hương ước do nhữngngười có chức sắc và những người đàn ông trong làng bàn soạn để rang buộc từng cánhân vào hội đồng làng xã. Hương ước lao lý một số ít trách nhiệm và điều cấm đoánmà mọi người dân phải tuân thủ, như : lao lý về sản xuất, về kinh tế tài chính, về phong hóa, địa lý, về bảo mật an ninh, tế tự, về học tập khoa cử … Tất cả những điều này đều có thưởngphạt đơn cử. Hương ước có tính năng điều hành quản lý đời sống của dân làng. Nhưng cũngkhông ít trường hợp những điều lệ của hương ước lại chỉ Giao hàng cho quyền hạn củagiai cấp thống trị. – Ý nghĩa : + Tạo nên nét riêng, mang truyền thống văn hoá của mỗi làng. Có khi hai làngở gần nhau nhưng lại không hề giống nhau. + Tạo nên ý thức tự lập hội đồng, nếp sống tự cấp tự cung tự túc : mỗi làng, mỗi tập thể phải tự lo liệu lấy mọi việc ; mỗi làng, mỗi nhà hoàn toàn có thể tự phân phối lấy nhucầu đời sống của mình. Vì thế người Nước Ta có truyền thống cuội nguồn siêng năng, chịu thươngchịu khó, đầu tắt mặt tối, bán mặt cho đất, bán sống lưng cho trời … – Mặt trái của tính tự trị, tự quản : + Tư tưởng cục bộ, địa phương chủ nghĩa, làng nào biết làng ấy, chỉ biết lovun vén cho địa phương mình : Trống làng nào làng ấy đánh, thánh làng nào làng ấythờ … Đặc điểm này còn Viral đến cả tính cách của mỗi cá thể : ích kỷ, khôn lỏi, chỉ biết nghĩ đến mình, cho được việc mình : Ai có thân người ấy lo, ai có bò người ấyliệu ; Thân trâu trâu lo, thân bò bò liệu + Lòng tự tôn thái quá nhiều khi trở thành tự thị, gia trưởng, áp đặt ý muốncủa mình cho người khác, tạo nên tư tưởng thứ bậc vô lý : Sống lâu lên lão làng ; Áomặc không qua khỏi đầu …