–
Từ một ông giáo dạy Vật lý nghèo khó trút cạn tiền để mua những chiếc quạt thanh lý, ông chủ cửa hiệu Marelli ngày ấy có lẽ cũng không ngờ một ngày ông trở thành nhà sưu tập có tiếng ở đất Hà Thành nhờ cái kho quạt tưởng chừng chỉ chứa toàn “sắt vụn”.
Thăm ngôi nhà có hàng ngàn đồng hồ cổ
Bộ sưu tập đồ sộ của nhạc sĩ An Thuyên
Bộ sưu tập “đồ hiếm” có một không hai
Bộ sưu tập siêu xe của nhà thiết kế có 7,5 tỉ đô
Coi quạt cổ như bảo bối
Giới chơi quạt cổ Hà Nội không ai là không biết tới ông Lê Tấn ở Hàng Bồ. Đợi ngoài cửa khá lâu cuối cùng cũng thấy ông xuất hiện với túi đồ nghề lỉnh kỉnh trên tay. Ngay khi ngồi xuống, ông kể một mạch không ngừng về đam mê của mình: những chiếc quạt Marelli cổ.
“Các bạn đến viết về quạt Marelli thì tôi mới cho xem những chiếc quạt của tôi đấy nhé, chứ bình thường tôi phải cất hoặc giấu đi đấy. Vì tôi nhiều bạn bè, để ra không phải khoe nhưng họ biết họ lại cứ đòi mua, mà đấy là bảo bối của mình, bán đi mất thì tiếc, mà từ chối người ta lại dỗi với giận, mệt lắm!”, ông Tấn mở đầu câu chuyện.
Ngôi nhà la liệt những chiếc quạt cổ khiến người xem thích thú. Marelli là thương hiệu quạt nổi tiếng của Ý vốn được người Hà Nội hết sức ưa chuộng ở thế kỷ trước bởi kiểu dáng đẹp, từ chiếc lồng quạt được uốn vô cùng tinh tế đến chiếc cánh duyên dáng. Do vậy mỗi chiếc quạt thực sự là một tác phẩm nghệ thuật.
Những cánh quạt có kiểu dáng cong cong kì lạ khi thì có 3 cánh, 4 cánh thậm chí là 2 cánh. Tất cả đều được tính toán khí động học sao cho khi quay ở tốc độ thấp đề không tạo nên tiếng động mà vẫn tạo gió. Cũng dễ hiểu vì sao mà Marelli lại từng được yêu mến như vậy.
Quạt trần Marelli cũng được sử dụng nhiều trong những căn biệt thự Pháp cổ cũng như các công trình nổi tiếng như Nhà hát lớn Hà Nội, Ngân hàng Nhà nước và Phủ Chủ tịch.
Bộ sưu tập quạt cổ của ông Lê Tấn nay lên đến cả trăm cái, nhiều chiếc chúng tôi chưa được thấy bao giờ. Có trong tay cả một kho quạt mà thật kỳ lạ là ông không quên xuất xứ của bất cứ chiếc nào. Ông chỉ vào một chiếc quạt rồi nói: “Cái này tôi mua lại từ một nhà ở phía sau phố Hàng Trống. Họ dùng được 3 đời rồi. Bà cụ 70 tuổi biết tôi thích nên để lại. Quạt chạy chổi than, điện 1 chiều dùng các đăng để xoay đấy. Đây là chiếc quạt cổ nhất của tôi đấy”.
Nói rồi ông dẫn chúng tôi lên kho chứa quạt của ông. Đa phần đều là những chiếc quạt cũ, được tháo rời từng bộ phận treo và để ở khắp nơi trên những chiếc kệ sắt lớn. Mỗi ngăn ông đều chia theo từng dòng quạt, từ kiểu dáng khác nhau đến hoa cả mắt.
Đã xác định giữ để chơi thì nhất quyết không bán
Làm sao ông có được từng này chiếc quạt?, tôi hỏi. “Tôi hay mò mẫm tìm mua những nhà nào thải ra hoặc thanh lý. Tôi kiếm được nhiều nhất vào cái thời mà điện lưới quốc gia nâng từ điện 110V lên 220V. Ngày ấy nhiều nhà họ đổi quạt nên thanh lý nhiều lắm. Phần lớn kho của tôi kiếm được từ thời đấy. Còn bình thường nếu họ không đổi, còn lâu mới mua được”, ông nói.
Tại sao ông mê và biết sửa những chiếc quạt này? – “Đơn giản vì mình thấy nó đẹp. Tôi thích chúng từ nhỏ. Mê nữa vì tôi từng học về điện, sau lại chuyển nghề dạy môn Vật lý. Nên dần ngày càng hiểu rõ về chúng, thế là mày mò rồi biết sửa. Thế là mê. Sửa cái này có nhiều người cũng biết sửa nhưng để hiểu và bắt được bệnh thì không phải ai cũng biết đâu đấy. Quạt quay phải êm, trục không lắc, đều gió và đặc biệt là đúng theo nguyên bản”.
Ông Tấn cũng bộc bạch một cách chân thành mà không giấu giếm: “Ngày xưa sưu tầm để chơi, giờ khi về hưu lôi chúng ra phục chế không ngờ nhiều người thích nên cũng là một cái nghề kiếm thêm cho vui vẻ khi già. Vừa được thỏa niềm đam mê, vừa có thêm thu nhập cũng thật vui.”
Vì sao ông không bán? – Ông cười rồi nói: “Mình bán nhưng không phải bán hết. Những chiếc đẹp, hiếm phải giữ lại chứ. Giữ cho mình, giữ làm kỉ niệm. Những chiếc đấy tuyệt đối không bán. Có thể giá trị khi mua chẳng bao nhiêu. Người ta trả giá có cái cũng rất cao nhưng tôi chẳng thiết. Đã xác định giữ để chơi thì nhất quyết không bán”.
“ Tôi phục chế lại và bán những chiếc quạt tôi có nhiều vì cũng muốn để nhiều người biết đến một thú chơi mà đơn cử ở đây là những chiếc quạt Marelli. Tôi giữ lại những chiếc quý cũng để cho con tôi biết và nhìn thấy được những chiếc quạt đẹp nhất. Giữ lại cho đời sau, mang đến cái đẹp cho đời, đấy là ước vọng của mình. Đơn giản có vậy thôi ”. Nói rồi ông Tấn liên tục dắt tôi đi mày mò “ kho tàng ” của mình .
Từ những chiếc quạt cũ chỏng chơ…
Sẽ được phục chế một cách nguyên bản để trở thành những chiếc quạt có giá trị sử dụng .
Nguyễn Hoàng