Thứ hai – 22/10/2007 23:52
1. TỔNG QUAN VỀ HIỆN TRẠNG PHÁT SINH CHẤT THẢI
Nước ta đang trong tiến trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước. Cùng với sự tăng thêm các cơ sở sản xuất với quy mô ngày càng lớn, các khu tập trung dân cư càng ngày nhiều, nhu cầu tiêu dùng các sản phẩm vật chất cũng ngày càng lớn. Tất cả những điều đó tạo điều kiện kích thích các ngành sản xuất, kinh doanh và dịch vụ được mở rộng và phát triển nhanh chóng, đóng góp tích cực cho sự phát triển kinh tế của đất nước, nâng cao mức sống chung của xã hội; mặt khác cũng tạo ra một số lượng lớn chất thải bao gồm: Chất thải sinh hoạt, chất thải công nghiệp, chất thải y tế, chất thải nông nghiệp, chất thải xây dựng, v.v…
Về chất thải rắn, theo báo cáo diễn biến môi trường Việt Nam năm 2004 về chất thải rắn thì lượng chất rắn phát sinh trên toàn quốc ước tính khoảng 15 triệu tấn/năm, trong đó khoảng hơn 150.000 tấn là chất thải nguy hại. Dự báo đến năm 2010 lượng chất thải rắn có thể tăng từ 24% đến 30%.
Trên thực tế, việc xử lý ô nhiễm môi trường và quản lý nguy cơ ô nhiễm môi trường do chất thải gây ra đang trở thành vấn đề cấp bách của công tác bảo vệ môi trường ở nước ta hiện nay.
Trước tiên nói về chất thải công nghiệp, đến tháng 6 năm 2006, cả nước đã có 134 khu công nghiệp (KCN), khu chế xuất (KCX) được Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập, phân bố trên 47 tỉnh, thành trong cả nước và thu hút được hơn 1,2 triệu lao động trực tiếp và gián tiếp. Quá trình xây dựng và phát triển các KCN, KCX đã có đóng góp đáng kể vào công cuộc hiện đại hoá, công nghiệp hoá đất nước; góp phần đặc biệt quan trọng trong phát triển kinh tế nước ta. Tuy nhiên, vấn đề môi trường tại các KCN, KCX hiện nay đang còn nhiều điều bất cập và ngày càng trở nên bức xúc. Số liệu điều tra cho thấy, trong số 134 KCN, KCX chỉ có 33 khu đã có công trình xử lý nước thải tập trung, 10 khu đang xây dựng, các khu còn lại chưa đầu tư cho công trình xử lý nước thải.
Đối với chất rắn, đa số các KCN chưa tổ chức được hệ thống phân loại, thu gom và xử lý chất thải rắn và chất thải nguy hại một cách an toàn về môi trường.
Về khí thải công nghiệp, ô nhiễm không khí do khí thải công nghiệp gây ra chủ yếu là bụi, SO2, NO2,CO…. Nồng độ bụi có xu hướng tăng theo thời gian và hầu hết đều vượt qua giới hạn cho phép, một số nhà máy sản xuất vật liệu xây dựng (vượt tiêu chuẩn cho phép từ 20 đến 435 lần), công nghiệp khai thác than, các nhà máy luyện kim (vượt từ 5 đến 125 lần), khai thác và chế biến khoáng sản như than đá, apatit, cao lanh (vượt từ 10 đến 15 lần), các nhà máy cơ khí, đóng tàu (vượt khoảng 10 đến 15 lần), các nhà máy dệt, may (vượt từ 3 đến 5 lần). Tại một số khu vực dân cư gần khu công nghiệp, nồng độ khí SO2, CO, NO2 đã vượt tiêu chuẩn cho phép. Việc xả khí thải vượt tiêu chuẩn cho phép, gây ô nhiễm nội vi, khu vực và ảnh hưởng tới sức khoẻ của cộng đồng dân cư xung quanh đang có xu hướng ngày càng gia tăng.
Bên cạnh việc phát triển công nghiệp, các hoạt động trong lĩnh vực dịch vụ như du lịch, thương mại, nhà hàng, khách sạn, v.v… cũng phát triển nhanh. Chất lượng cuộc sống và nhu cầu tiêu thụ của người dân cũng ngày một tăng cao, dẫn đến chất lượng chất thải sinh hoạt phát sinh tăng đáng kể. Về nước thải, các thành phố cũng như tất cả các đô thị ở Việt Nam đều chưa có hệ thống xử lý tập trung và toàn bộ nước thải sinh hoạt được xả thẳng vào môi trường. Cùng với nước thải từ hoạt động sản xuất công nghiệp, nước thải sinh hoạt từ các đô thị cũng đang góp phần làm cho các nguồn nước mặt (sông, hồ) ô nhiễm hơn. Tổng lượng rác thải sinh hoạt phát sinh trên cả nước ước tính 12,8 triệu tấn/năm và mức sống càng cao thì lượng rác thải cũng càng nhiều.
Về chất thải nguy hại: Một trong những nguy cơ lớn nhất gây ô nhiễm môi trường và ảnh hưởng xấu tới sức khoẻ cộng đồng là việc quản lý không an toàn, triệt để đối với chất thải nguy hại. Kết quả điều tra ban đầu về chất thải rắn nguy hại cho thấy:
+ Về chất thải công nghiệp nguy hại: ở nước ta hiện nay, các cơ sở sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp phát triển rất đa dạng và phong phú về loại hình, ngành nghề như công nghiệp hoá chất, luyện kim, dệt nhuộm, giấy và bột giấy, nhựa, cao su, công nghiệp thực phẩm, dược phẩm, v.v… Các cơ sở này thuộc nhiều thành phần kinh tế do các ngành, các cấp quản lý khác nhau, như Trung ương, địa phương và tư nhân. Theo báo cáo diễn biến môi trường Việt Nam năm 2004 về chất thải rắn thì tổng lượng chất thải phát sinh từ các cơ sở công nghiệp mỗi năm khoảng 2,6 triệu tấn, trong đó CTNH công nghiệp vào khoảng 130.000 tấn/năm. Phần lớn chất thải công nghiệp nguy hại phát sinh từ miền Nam, đặc biệt là khu vực Kinh tế trọng điểm phía Nam, chiếm khoảng 64% tổng lượng CTNH phát sinh của cả nước. Tiếp theo là các tỉnh miền Bắc với lượng CTNH phát sinh chiếm 31%. Thêm vào đó, gần 1.500 làng miền Bắc với CTNH phát sinh chiếm 31%. Thêm vào đó, gần 1.500 làng nghề mà chủ yếu tập trung ở các vùng nông thôn miền Bắc mỗi năm phát sinh cỡ 774.000 tấn chất thải rắn sản xuất, bao gồm cả CTNH và không nguy hại.
+ Về chất thải rắn y tế: Hiện nay cả nước có khoảng hơn 12.500 cơ sở khám chữa bệnh, trong đó có khoảng 850 cơ sở là các bệnh viện với quy mô khác nhau. Phần lớn các bệnh viện đặt trong các khu dân cư đông đúc. Trong năm 2001, Bộ Y tế đã tiến hành khảo sát tại 280 tại bệnh viện đại diện cho tất cả các tỉnh, thành phố trên cả nước về vấn đề quản lý và xử lý chất thải rắn y tế. Kết quả khảo sát ban đầu cho thấy tỷ lệ phát sinh chất thải rắn y tế theo từng tuyến, loại bệnh viện, cơ sở y tế rất khác nhau. Lượng chất thải rắn bệnh viện phát sinh trong quá trình khám chữa bệnh mỗi ngày vào khoảng 429 tấn chất thải rắn y tế, trong đó lượng chất thải rắn y tế nguy hại phát sinh ước tính khoảng 34 tấn/ngày. Nếu phân chia lượng chất thải rắn y tế nguy hại theo địa bàn thì 35% lượng chất thải y tế nguy hại tập trung ở Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh; 65% còn lại ở các tỉnh, thành khác. Mặt khác, nếu phân lượng chất thải rắn y tế phát sinh theo khu vực của các tỉnh, thành thì 70% lượng chất thải y tế nguy hại tập trung ở các tỉnh thành phố, thị xã thuộc các đô thị và 30% ở các huyện, xã, nông thôn, miền núi. Ước tính, trong tổng lượng khoảng 15 triệu tấn chất thải rắn phát sinh hàng năm thì chất thải y tế nguy hại vào khoảng 21.000 tấn. Dự báo đến năm 2010 thì lượng chất thải rắn y tế nguy hại vào khoảng 25.000 tấn/năm.
+ Về chất thải nông nghiệp nguy hại: Chất thải rắn từ hoạt động nông nghiệp chủ yếu do thuốc bảo vệ thực vật tồn lưu và việc quản lý, sử dụng phân bón hoá học và các loại bao bì. ở nước ta, thuốc BVTV đã được sử dụng từ những năm 40 của thế kỷ trước để phòng trừ các loại dịch bệnh. Vào những năm cuối của thập kỷ 80, số lượng thuốc BVTV sử dụng là 10.000 tấn/năm, thì khi bước sang những năm của thập kỷ 90, số lượng thuốc BVTV đã tăng lên gấp đôi (21.600 tấn vào năm 1990), thậm chí tăng lên gấp ba (33.000 tấn/năm vào năm 1995). Diện tích đất canh tác sử dụng thuốc BVTV cũng tăng theo thời gian từ 0,48% (năm 1960) đến nay là 100%. Đến những năm gần đây, việc sử dụng thuốc BVTV đã tăng lên đáng kể cả về khối lượng lẫn chủng loại, với hơn 1.000 loại hoá chất BVTV đang được lưu hành trên thị trường.
Theo báo cáo diễn biến môi trường Việt Nam năm 2004, các hoạt đông nông nghiệp mỗi năm phát sinh một lượng khá lớn chất thải nguy hại, gồm các loại thuốc trừ sâu, bao bì và thùng chứa thuốc trừ sâu, trong đó có nhiều loại thuốc trừ sâu đã bị cấm sử dụng, tồn lưu từ trước đây hoặc bị tịch thu đang được lưu giữ tại các kho chờ xử lý.
Tuy nhiên, trên đây mới chỉ là những thống kê và ước tính sơ bộ về chất thải rắn nguy hại. Trên thực tế, chất thải được phát sinh từ rất nhiều nguồn đa dạng, trong đó đặc biệt phải kể đến các làng nghề, chưa được điều tra, thống kê một cách đầy đủ.
2. Ô NHIỄM MÔI TRƯỜNG DO CHẤT THẢI
Có thể nói, do một thời gian dài trước đây chúng ta chưa thực sự quan tâm đến vấn đề xử lý chất thải, bảo vệ môi trường mà chỉ tập trung phát triển kinh tế và đáp ứng nhu cầu của cuộc sống, nguy cơ ô nhiễm môi trường do các chất thải gây ra đã và đang trở thành một vấn đề cấp bách trong công tác bảo vệ môi trường ở nước ta hiện nay. Chất thải thải ra không được xử lý an toàn đã tích tụ lâu dài trong môi trường, gây ô nhiễm đất, nước mặt, nước ngầm và không khí, ảnh hưởng đến các hệ sinh thái và ảnh hưởng trực tiếp đến sức khoẻ con người. Ví dụ điển hình như: Khu vực xã Thạch Sơn, Lâm Thao, tỉnh Phú Thọ, thị trấn Mỹ Đức thành phố Hải Phòng, một số khu vực tồn lưu thuốc bảo vệ thực vật, v.v…
Về xử lý nước thải: Hiện nay, đã có các công nghệ xử lý phù hợp cho nước thải từ nhiều loại hình công nghiệp sản xuất khác nhau. Tuy nhiên, việc đầu tư xây dung và vận hành các công trình xử lý nước chưa được đa số các doanh nghiệp thực hiện đáp ứng yêu cầu bảo vệ môi trường: 70% các KCN không có hệ thống xử lý và nhiều cơ sở sản xuất có xử lý nước thải nhưng không đạt tiêu chuẩn môi trường. Hoạt động thanh tra, kiểm tra về mức độ gây ô nhiễm môi trường tại một số lưu vực sông do Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ chì, phối hợp với các Sở Tài nguyên và Môi trường địa phương đã cho thấy, nước thải sản xuất và nước sinh hoạt không được xử lý đạt tiêu chuẩn đã gây ô nhiễm các vực nước. Ví dụ như: Đợt kiểm tra các cơ sở sản xuất hoá chất trên toàn quốc cho thấy, chỉ có 12% các cơ sở xử lý nước thải đạt tiêu chuẩn môi trường; nước thải sinh hoạt từ các đô thị trên lưu vực sông Nhuệ – Đáy chiếm 50% lượng nước thải đổ vào lưu vực nhưng chưa hề được xử lý..
Về năng lực xử lý chất thải rắn: ở nước ta hiện nay, việc xử lý rác thải dùng công nghệ chôn lấp là chính. Kết quả thống kê cho thấy, đa số các bãi rác trên cả nước vẫn là các bãi đổ rác tự nhiên, trong đó có 1 số bãi rác có kiểm soát, khống chế được một phần ô nhiễm do mùi, côn trùng và nước rác. Rất ít các bãi rác được coi là chôn lấp hợp vệ sinh, phù hợp với quy định của Thông tư liên tịch số 01/2001/TTLT-BKHCNMT-BXD ngày 18/01/2001 về hướng dẫn các quy định về bảo vệ môi trường đối với việc lựa chọn địa điểm, xây dựng và vận hành bãi chôn lấp chất thải rắn. Các bãi rác thải lộ thiên, không có sự kiểm soát về môi trường, gây ô nhiễm mùi nặng và không xử lý nước rác cũng làm ô nhiễm cho môi trường đất, nước xung quanh.
Việc áp dụng các công nghệ tái chế chất thải còn rất hạn chế, hiện nay ước tính chất thải được tái chế chỉ chiếm 10-12%, hầu hết là các hoạt động tự phát do các cơ sở tư nhân và kinh doanh ở các làng nghề thực hiện. Các nhà máy chế biến rác thành phân vi sinh đã và đang được xây dựng ở nhiều tỉnh, thành phố. Tuy nhiên việc chưa tổ chức được phân loại rác tại nguồn và chưa có đánh giá kỹ lưỡng về chất lượng của phân bón sản xuất ra đang là những cản trở hướng phát triển này. Gần đây, Nhà nước đã bắt đầu quan tâm, đầu tư và hỗ trợ các hoạt động xây dựng các nhà máy tái chế chất thải, các công nghệ phân loại và xử lý rác ngay tại bãi rác; đặc biệt đã nhận thức đúng hơn về giá thành xử lý rác thải. Những điều đó tạo tiền đề cho việc phát triển các công nghệ tái chế rác thải an toàn về môi trường và giảm diện tích đất dành cho các bãi chôn lấp rác thải.
Đối với chất thải nguy hại, các công nghệ xử lý còn nhiều bất cập. Việc thu gom, xử lý chất thải nguy hại chưa có được quy hoạch, đầu tư của Nhà nước. Hiện nay, đa số chất thải nguy hại đang được một số công ty tư nhân nhận xử lý với năng lực hạn chế, chưa đáp ứng được các yêu cầu bảo vệ môi trường.
Trong những năm gần đây, chất thải y tế nguy hại được Nhà nước quan tâm đầu tư xây dựng một số lò đốt để thiêu huỷ an toàn. Tuy nhiên vẫn còn nhiều vấn đề cần tiếp tục nghiên cứu như lựa chọn thiết bị, công nghệ hiện đại để không gây ô nhiễm thứ cấp, giảm bớt kinh phí vận hành.
Như vậy, có thể kết luận rằng, việc không đầu tư thích đáng để xử lý các loại chất thải sinh ra do sản xuất và sinh hoạt đã gây ô nhiễm môi trường nặng nề và tác động tiêu cực đến sức khoẻ cộng đồng, và chúng ta cần có biện pháp kịp thời, hiệu quả để giảm thiểu ô nhiễm và hạn chế mức độ ảnh hưởng đối với sức khoẻ. Đồng thời, các biện pháp bảo vệ môi trường cũng cần cân đối với các hoạt động phát triển kinh tế và xã hội để đảm bảo phát triển bền vững.
3. ĐỀ XUẤT GIẢI QUYẾT VẤN ĐỀ
Để khắc phục được tình trạng ô nhiễm môi trường do chất thải, công tác bảo vệ môi trường cần tập trung vào việc xây dựng hệ thống văn bản hướng dẫn thi hành Luật Bảo vệ Môi trường, kiểm tra giám sát việc thực hiện và cưỡng chế tuân thủ các quy định về bảo vệ môi trường, nhằm vừa kiểm soát được mọi nguồn phát sinh chất thải (bao gồm cả chất thải từ sản xuất và chất thải sinh hoạt), vừa khuyến khích và tập trung mọi nguồn lực cho việc tham gia xử lý các loại chất thải.
Trong thời gian trước mắt, một số hoạt động cụ thể sau đây sẽ được tập trung triển khai thực hiện:
– Tiếp tục xây dựng các tiêu chuẩn môi trường đối với chất thải, kiểm tra chặt chẽ việc xử lý chất thải đạt tiêu chuẩn môi trường; giám sát việc phát sinh, thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải nguy hại; tiến tới đầu tư các Trung tâm xử lý chất thải nguy hại tập trung.
– Hỗ trợ các doanh nghiệp áp dụng sản xuất sạch hơn, kiểm toán chất thải nhằm giảm thiểu chất thải phát sinh.
– Hỗ trợ cho các hoạt động phát triển công nghệ tái chế, xử lý chất thải giảm lượng chất thải phải chôn lấp.
– Tuyên truyền để thay đổi thói quen tiêu dùng, phân loại chất thải tại nguồn,
– Tăng dần mức phí thu gom, xử lý rác thải.
– Khoanh vùng, cô lập và xử lý các khu vực bị ô nhiễm do chất thải, hoá chất tồn lưu đã được phát hiện.