Ban hành Luật thuế môi trường trên cơ sở nguyên tắc người gây ô nhiễm phải trả tiền – Ths Võ Trung Tín – Trường Đại học Luật TP HCM – VIB Online

BAN
HÀNH LUẬT THUẾ MÔI TRƯỜNG TRÊN CƠ SỞ NGUYÊN TẮC NGƯỜI GÂY Ô NHIỄM PHẢI TRẢ TIỀN

Th.S Võ Trung Tín

Giảng viên Khoa Luật Thương mại,

Trường Đại học Luật Tp. Hồ Chí Minh

1. Đặt vấn đề

Nguyên tắc
“Người gây ô nhiễm phải trả tiền” (còn gọi là nguyên tắc PP – The Polluter Pays
Principle) là một trong những nguyên tắc đặc thù của pháp luật môi trường. Đây
là nguyên tắc thể hiện rõ nét nhất biện pháp kinh tế trong bảo vệ môi trường,
dùng lợi ích kinh tế tác động vào chính hành vi của các chủ thể theo hướng có lợi
cho môi trường. Pháp luật môi trường của nhiều nước sử dụng nguyên tắc này như
một trong những cách thức chính nhằm cụ thể hóa sự “trả giá” của những chủ thể
gây ra ô nhiễm môi trường. Trong điều kiện Việt Nam đang xây dựng Luật Thuế môi
trường, nguyên tắc này cũng cần được xem xét trong việc cụ thể hóa các quy định
mang tính chất cụ thể.

2. Khái quát về Nguyên
tắc người gây ô nhiễm phải trả tiền

            Nguyên
tắc Người gây ô nhiễm phải trả tiền lần
đầu tiên được ghi nhận trong văn kiện của Tổ chức hợp tác và phát triển kinh tế
(Organisation
for Economic Co-operation and Development – OECD). Nguyên tắc này xuất
phát từ quan điểm cho rằng môi trường là một loại hàng hóa đặc biệt
(vì nó
mang tính cộng đồng, ai cũng đều sử dụng). Khi khai thác, sử dụng môi trường
thì phải trả tiền (tiền bỏ ra để mua quyền khai thác, sử dụng, quyền tác động
đến môi trường). Nhà nước đứng ra để bán quyền tác động đó. Người được hưởng
lợi từ việc trả giá này là toàn thể cộng đồng và nhà nước là người đại diện
đứng ra thu tiền và sử dụng tiền để tiếp tục đảm bảo việc bảo vệ môi trường.

            Luật Bảo vệ
môi trường tại Khoản 4 Điều 4 quy định:
Tổ chức, hộ gia đình, cá nhân gây ô nhiễm, suy thoái môi trường có trách nhiệm
khắc phục, bồi thường thiệt hại và chịu các trách nhiệm khác theo quy định của
pháp luật
”. Chủ thể phải phải
trả tiền là những chủ thể khai thác, sử dụng tài nguyên thiên nhiên (được xác
định chủ yếu vào mục đích, quy mô của việc sử dụng và ảnh hưởng đến môi trường
của việc sử dụng) và những chủ thể gây ô nhiễm môi trường theo nghĩa rộng (gây
ô nhiễm trong phạm vi khuôn khổ pháp luật cho phép). Không phải mọi trường hợp
gây ô nhiễm môi trường đều phải trả tiền. Những trường hợp không phải trả tiền
phụ thuộc vào pháp luật của mỗi quốc gia, thông thường là những chủ thể khai
thác, sử dụng môi trường, tác động vào môi trường để phục vụ cho nhu cầu thiết
yếu mang tính tự nhiên thì không phải trả tiền. Ví dụ, Luật Tài nguyên nước tại
Điều 24 quy định những trường hợp khai thác, sử dụng tài nguyên nước với quy mô
nhỏ trong phạm vi gia đình hoặc khai thác, sử dụng không nhằm mục đích kinh
doanh thì không phải thực hiện nghĩa vụ tài chính. Như vậy có thể hiểu họ cũng
không phải trả tiền mặc dù có hành vi khai thác sử dụng tài nguyên. Hay như một
doanh nghiệp có hành vi xả nước thải vào môi trường, họ được xem là chủ thể gây
ô nhiễm và phải trả tiền cho hành vi gây ô nhiễm dưới dạng phí bảo vệ môi
trường đối với nước thải nhưng cùng hành vi xả thải của cá nhân, thậm chí hộ
gia đình nhưng quy mô nhỏ thì cũng được xem là hành vi gây ô nhiễm nhưng các
chủ thể này không phải trả tiền.

Nguyên tắc này trước hết nhằm mục đích đảm bảo sự công bằng trong
việc khai thác, sử dụng và bảo vệ môi trường
vì môi trường là của chung,
nếu như môi trường xấu đi thì tất cả các thành viên trong phạm vi ảnh hưởng đều
phải gánh chịu trong khi sự đóng góp vào việc làm xấu đi của môi trường là
không giống nhau. Nguyên tắc này còn tác
động vào lợi ích kinh tế của các chủ thể
thông qua đó tác động đến hành vi
xử sự của các chủ thể đối với môi trường theo hướng có lợi cho môi trường. Nếu
có một sự so sánh ví von thì giữa chai bia và lon bia nếu có cùng dung tích thì
giá thành của lon bia bao giờ cũng cao hơn chai bia. Sở dĩ bia lon đắt hơn vì
tiền bỏ ra mua bia không chỉ là tiền mua bia trong lon mà còn tiền mua vỏ lon
trong khi chai bia thì không và thuế đánh vào lon bia bao giờ cũng cao hơn chai
bia vì lon bia là sản phẩm không thân thiện với môi trường, nhà nước phải bỏ ra
khoản tiền để xử lý lon bia sau khi tiêu thụ. Hay như giữa hai doanh nghiệp
cùng nhập khẩu dây chuyền sản xuất ra một loại sản phẩm có khấu hao nguyên liệu
như nhau, độ bền như nhau, mẫu mã như nhau nhưng có thể việc xử lý nước thải
của hai doanh nghiệp khác nhau. Điều này có thể dẫn đến giá thành bán sản phẩm
khác nhau vì có sự cạnh tranh về công nghệ, sự hỗ trợ của nhà nước trong việc
quy định phí bảo vệ môi trường đối với nước thải. Như thể có thể kích thích
được hành vi của người sản xuất và người tiêu dùng theo hướng có lợi cho môi
trường.

Để thực
hiện nguyên tắc thì phải đảm bảo những yêu cầu: Số
tiền phải trả cho hành vi gây ô nhiễm phải tương xứng với tính chất và mức độ
gây tác động xấu đến môi trường; tiền phải trả cho hành vi gây ô nhiễm phải đủ
sức tác động đến lợi ích, đến hành vi của các chủ thể
. Tiền ở đây phải
mang tính ngang giá nhưng không phải thu mang tính tượng trưng. Đã từng có một
đề án của một địa phương về việc áp dụng thí điểm thu phí bảo vệ môi trường đối
với các phương tiện giao thông cơ giới, chủ yếu áp dụng đối với xe gắn máy –
300.000đ/xe/năm – và xe hơi – 5.000.000đ/xe/năm. Việc thu như thế này là thu
bình quân và không thể làm giảm lượng xe lưu thông vì có xe sử dụng nhiều, xe
sử dụng ít, mức độ tác động xâu đến môi trường của từng xe là khác nhau. Nếu
thu phí bảo vệ môi trường  bằng cách tính
vào giá xăng dầu thì sẽ đảm bảo mức độ gây ô nhiễm môi trường của các phương
tiện giao thông cơ giới tỷ lệ thuận với lượng xăng dầu được tiêu thụ và tỷ lệ
thuận với tiền chủ xe phải trả. Lúc này sẽ góp phần hạn chế lưu thông vừa đảm
bảo nguồn thu ngân sách. Tuy nhiên nếu việc thu phí này thấp quá (100đ/1lít
xăng chẳng hạn) thì cũng không tác động đáng kể gì và người ta vẫn chấp nhận bỏ
tiền ra để nộp vì thu như thế cũng là thu tượng trưng.

Luật Bảo
vệ môi trường 2005 quy định nhiều hình thức trả tiền cho hành vi gây ô nhiễm,
tựu chung gắn liền với cách hiểu về chủ thể gây ô nhiễm, đó là tiền phải trả cho việc khai thác tài nguyên (thuế tài nguyên,
đấu giá quyền khai thác tài nguyên) hay tiền
phải trả cho việc phát thải vào môi trường, sử dụng một số dịch vụ môi trường

(thuế môi trường; phí bảo vệ môi trường; phí xả thải; các loại phí dịch vụ môi
trường;…). Ví dụ như phí dịch vụ thu gom chất thải rắn là loại phí dịch vụ
môi trường, được áp dụng khi các chủ thể sử dụng dịch vụ môi trường (thu gom
chất thải). Chất thải rắn ở đây được hiểu là rác thải sinh hoạt, rác thải dịch
vụ thương mại, kể cả các chất thải đô thị độc hại. Dịch vụ liên quan đến chất
thải rắn sẽ có tác dụng tích cực không chỉ riêng cho môi trường mà còn cho cả
phát triển kinh tế. Chính vì thế việc xác định giá dịch vụ thu gom, vận chuyển
và xử lý chất thải rắn được nghiên cứu, xem xét kỹ trên cơ sở vừa đảm bảo được
chi phí thu gom, vận chuyển xử lý vừa gián tiếp khuyến khích các hộ gia đình
giảm thiểu rác thải. Việc xác định mức phí của dịch vụ môi trường có thể thuận
lợi khi cân nhắc, phân tích các chi phí cần thiết và dựa trên trọng lượng hoặc
thể tích của rác thải. Nếu tiếp cận theo khối lượng rác thải thì các hộ gia
đình phải có thùng đựng rác riêng đặt ở một vị trí cố định và việc trả phí phải
hoàn toàn tự nguyện trên cơ sở khối lượng rác thải sản sinh ra hàng ngày hoặc
hàng tuần. Còn một cách tiếp cận khác là theo số lượng người trong một gia
đình, căn cứ vào số người, ví dụ 3 người 1 suất phí dịch vụ môi trường,… để xác
định mức phí dịch vụ môi trường. Theo cách này có thể không được công bằng
nhưng thuận lợi hơn, tuy nhiên không khuyến khích được các hộ gia đình giảm
thiểu rác thải.

Hay như tiền ký
quỹ môi trường là công cụ kinh tế áp dụng cho các ngành kinh tế dễ gây ra ô
nhiễm môi trường. Nội dung chính của ký quỹ môi trường là yếu cầu các doanh
nghiệp trước khi đầu tư phải đặt cọc tại ngân hàng một khoản tiền nào đó đủ lớn
để đảm bảo cho việc thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ và công tác bảo vệ môi
trường. Số tiền ký quỹ phải lớn hơn hoặc xấp xỉ với kinh phí cần để khắc phụ
môi trường nếu doanh nghiệp gây ra ô nhiễm hoặc suy thoái môi trường. Trong quá
trình thực hiện đầu tư và sản xuất, nếu cơ sở có các biện pháp chủ động khắc
phục, không để gây ra ô nhiễm môi trường hoặc suy thoái môi trường đúng như cam
kết, thì số tiền ký quỹ sẽ được hoàn trả lại cho doanh nghiệp. Nếu doanh nghiệp
không thực hiện đúng cam kết hoặc phá sản, số tiền trên được rút ra từ tài
khoản ngân hàng chi cho công tác khắc phục sự cố ô nhiễm đồng thời với việc
đóng cửa doanh nghiệp. Ký quỹ môi trường tạo ra lợi ích, đối với nhà nước không
phải đầu tư kinh phí khắc phục môi trường từ ngân sách, khuyến khích các chủ
thể hoạt động bảo vệ môi trường.

3. Các vấn đề cần đặt ra khi xây dựng Luật Thuế môi trường

Thứ nhất, về đối
tượng chịu thuế: Dự thảo xây dựng còn mang tính chung chung, chưa bao quát hết.
Bản thân các chất (sản phẩm) gây ra ô nhiễm môi trường kho6gn đơn thuần là 5
nhóm được liệt kê trong Dự thảo Luật.

Thứ hai, đối tượng
không chịu thuế chưa gắn liền với cách hiểu người gây ô nhiễm được miễn trừ
nghĩa vụ phải trả tiền, là những chủ thể gây tác động xấu hoặc khai thác, sử
dụng tài nguyên với quy mô nhỏ, nhằm phục vụ nhu cầu thiết yếu của bản thân.

Thứ ba, căn cứ
tính thuế và biểu khung thuế môi trường còn chưa tương cứng với yêu cầu của
nguyên tắc. Với cách tính của Dự thảo thì việc thu Thuế môi trường còn chưa đảm
bảo sự công bằng trong việc khai thác và bảo vệ môi trường.

Thứ tư, về các vấn
đề khác: Cần xem xét tên gọi của Luật là “Luật Thuế môi trường” hay “Luật Thuế
bảo vệ môi trường”, tính cụ thể của một văn bản luật hay yêu cầu cần thiết phải
ban hành một văn bản để đáp ứng nhu cầu xã hội, các quy định mang tính chung
chung, thiếu sự cụ thể hóa đến mức cần thiết.

Source: https://vvc.vn
Category : Môi trường

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Alternate Text Gọi ngay