1. Du lịch trong xu hướng phát triển bền vững
Phát triển bền vững đã và đang là xu thế tất yếu trong mọi lĩnh vực, nhất là trong bối cảnh hội nhập quốc tế và sự tồn tại những vấn đề về ô nhiễm môi trường, cạn kiệt nguồn tài nguyên, phá hủy sự đa dạng sinh học, biến đổi khí hậu, bảo tồn những giá trị văn hóa truyền thống và đảm bảo đời sống cho người dân.
Theo quan điểm của Tổ chức bảo tồn Thiên nhiên Thế giới (IUCN) đưa ra năm 1980 “Phát triển bền vững phải cân nhắc đến trạng thái các nguồn tài nguyên tái tạo và không tái tạo, đến các điều kiện thuận lợi cũng như khó khăn trong việc tổ chức các kế hoạch hành động ngắn hạn và dài hạn đan xen nhau”. Còn tại Hội nghị môi trường toàn cầu RIO – 92 và RIO – 95, quan niệm “Phát triển bền vững được hình thành trong sự hòa nhập, xen cài và thỏa hiệp của 3 hệ thống tương tác là hệ tự nhiên, hệ kinh tế và hệ văn hóa – xã hội” [1].
Trong lĩnh vực du lịch, khái niệm về Phát triển du lịch bền vững cũng không tách rời khỏi khái niệm phát triển bền vững trên nguyên tắc bảo tồn tài nguyên, môi trường và văn hóa. Theo định nghĩa của Tổ chức Du lịch Thế giới – UNWTO (1992) có xác định “Du lịch bền vững là việc phát triển các hoạt động du lịch nhằm đáp ứng các nhu cầu hiện tại của khách du lịch và người dân bản địa trong khi vẫn quan tâm đến việc bảo tồn và tôn tạo các nguồn tài nguyên cho việc phát triển các hoạt động du lịch trong tương lai. Du lịch bền vững sẽ có kế hoạch quản lý các nguồn tài nguyên nhằm thỏa mãn các nhu cầu về kinh tế, xã hội, thẩm mỹ của con người trong khi đó vẫn duy trì được sự toàn vẹn về văn hóa, đa dạng sinh học, sự phát triển của các hệ sinh thái và các hệ thống hỗ trợ cho cuộc sống của con người”. Còn các nhà khoa học Việt Nam cho rằng “Phát triển du lịch bền vững được hiểu là hoạt động khai thác có quản lý các giá trị tự nhiên và nhân văn nhằm thỏa mãn các nhu cầu đa dạng của khách du lịch, có quan tâm đến các lợi ích kinh tế dài hạn trong khi vẫn đảm bảo sự đóng góp cho bảo tồn và tôn tạo các nguồn tài nguyên, duy trì được sự toàn vẹn về văn hóa để phát triển hoạt động du lịch trong tương lai; cho công tác bảo vệ môi trường và góp phần nâng cao mức sống của cộng đồng địa phương” [1].
Phát triển du lịch bền vững cũng là một trong những quan điểm đã được xác định rõ ràng trong Quyết định số 2473/QĐ – TTG ngày 30 tháng 12 năm 2011 của Thủ tướng Chính phủ: Phê duyệt “Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, cụ thể: “Phát triển du lịch bền vững gắn chặt với việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa dân tộc; giữ gìn cảnh quan, bảo vệ môi trường; bảo đảm an ninh, quốc phòng, trật tự an toàn xã hội.” [2] Trong dự thảo Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 cũng xác định “Phát triển du lịch bền vững trên nền tảng tăng trưởng xanh” là yêu cầu xuyên suốt. Trong đó, phát triển du lịch phải gắn với bảo tồn, phát huy các giá trị, bản sắc văn hóa dân tộc; quản lý, khai thác bền vững, sử dụng hiệu quả tài nguyên thiên nhiên và bảo vệ môi trường, bảo tồn đa dạng sinh học, phát triển du lịch xanh, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu; giải quyết tốt vấn đề lao động, việc làm và an sinh xã hội, đảm bảo quốc phòng an ninh, trật tự an toàn xã hội [3].
Như vậy, phát triển du lịch bền vững cần phải đảm bảo 3 mục tiêu cơ bản sau:
– Đảm bảo sự bền vững về tài nguyên và môi trường, cụ thể là sử dụng hợp lý những tài nguyên trong phát triển du lịch, song song với việc khai thác là bảo tồn, tôn tạo và phát huy. Phát triển du lịch vừa phải đảm bảo đáp ứng nhu cầu của du khách đồng thời cũng phải gìn giữ môi trường, cảnh quan điểm đến, bảo tồn sự đa dạng sinh học và đảm bảo ứng phó với biến đổi khí hậu, để những giá trị tự nhiên còn trường tồn mãi và đem lại lợi ích cho những thế hệ sau này.
– Đảm bảo sự bền vững về xã hội trước hết là đảm bảo sự an ninh, an toàn cho người dân địa phương cũng như khách du lịch trong các hoạt động du lịch, tiếp đó phát triển du lịch phải đi đôi với việc tôn trọng, giữ gìn những giá trị văn hóa truyền thống, thúc đẩy tuyên truyền và quảng bá những nét đẹp vốn có của nó, đồng thời phải hạn chế những tác động tiêu cực từ các hoạt động du lịch đến lối sống, tập quán, văn hóa của địa phương. Bên cạnh đó, đảm bảo sự bền vững về xã hội cũng là đảm bảo sự công bằng trong phát triển giữa những đối tượng tham gia vào tổ chức các hoạt động và cung cấp các dịch vụ du lịch. Đối với cộng đồng dân cư địa phương, phát triển du lịch bền vững còn phải đảm bảo nâng cao chất lượng cuộc sống (y tế, giáo dục, giao thông, môi trường…), nâng cao nhận thức của người dân về quyền lợi, vai trò, trách nhiệm của mình trong việc giữ gìn những giá trị tự nhiên và văn hóa truyền thống – chính là tiềm năng vô giá đối với việc phát triển du lịch.
– Đảm bảo sự phát triển kinh tế bền vững ở tầm vĩ mô là đảm bảo về sự tăng trưởng và cả phát triển lâu dài, đồng thời cũng là tăng khả năng cạnh tranh, khả năng thích ứng, khả năng phục hồi sau những biến cố của nền kinh tế trong nước cũng như thế giới trong bối cảnh hội nhập quốc tế. Ở tầm vi mô, phát triển du lịch bền vững phải đảm bảo cải thiện được mức thu nhập cho người dân địa phương, góp phần vào sự tăng trưởng và phát triển kinh tế của địa phương, khu vực có hoạt động du lịch được diễn ra.
Phát triển du lịch bền vững phải được thực hiện theo các nguyên tắc cơ bản như: Khai thác, sử dụng nguồn lực một cách bền vững; Giảm sự tiêu thụ quá mức tài nguyên và giảm thiểu chất thải; Duy trì tính đa dạng, cả đa dạng thiên nhiên, đa dạng xã hội và đa dạng văn hóa; Phát triển du lịch phải đặt trong quy hoạch phát triển tổng thể kinh tế – xã hội; Phát triển du lịch phải hỗ trợ kinh tế địa phương phát triển; Lôi kéo sự tham gia của cộng đồng địa phương; Lấy ý kiến quần chúng và các đối tượng có liên quan; Chú trọng công tác đào tạo nguồn lực; Tiếp thị du lịch một cách có trách nhiệm; Coi trọng công tác nghiên cứu [1].
Có thể thấy rằng, phát triển du lịch bền vững đã và đang là nhu cầu cấp thiết của các quốc gia trên thế giới, trong đó có cả Việt Nam. Chính vì thế, việc xây dựng các sản phẩm du lịch, xúc tiến các loại hình du lịch đều phải trên cơ sở đảm bảo những mục tiêu cơ bản của phát triển du lịch bền vững và tuân thủ những nguyên tắc phát triển du lịch bền vững.
2. Sự phát triển của du lịch tình nguyện và những tác động của nó đến môi trường tự nhiên, kinh tế và văn hóa – xã hội
2.1. Du lịch tình nguyện và sự phát triển của loại hình du lịch này
Trong những năm gần đây, “du lịch tình nguyện” đã trở thành một trong những khái niệm không quá xa lạ. Tuy nhiên, để hiểu rõ bản chất của loại hình du lịch này, cần phải xem xét từ khái niệm “tình nguyện” – một dạng hoạt động được xã hội khẳng định và công nhận như một hành vi xã hội mang tính vị tha/ đồng cảm với đặc trưng là mức độ đạo đức và sáng tạo của hoạt động xã hội được biểu hiện trong các sự kiện có ích cho cộng đồng nhằm mục đích thay đổi thế giới xung quanh[5]. Hoạt động tình nguyện là một trong những điều kiện để phát triển trí tuệ và nhân cách tích cực của cá nhân, xác định lập trường sống nhân văn. Đặc điểm đặc trưng của “tình nguyện” là hướng giá trị đạo đức tích cực, tính tự nguyện, không nhất thiết phải có kĩ năng chuyên môn, chuyển mối quan tâm từ chính bản thân mình đến những người khác[5].
Về lịch sử hình thành và phát triển của các hoạt động tình nguyện, phần lớn các nhà khoa học đều có cùng quan điểm rằng, những hoạt động tình nguyện xuất hiện từ những năm 20 của thế kỉ XX ở Châu Âu, khi mà những thanh niên người Pháp, Đức sau chiến tranh thế giới thứ nhất nhận thức được những hậu quả của chiến tranh và mong muốn cùng nhau khắc phục những hậu quả đó. Dự án tình nguyện đầu tiên được thực hiện vào năm 1920 ở Strasbourg – Pháp. Khi đó, những thanh niên người Đức và Pháp cùng nhau khôi phục lại những trang trại đã bị phá hủy sau chiến tranh mà không nhận tiền thù lao, và chỉ được đảm bảo những nhu cầu cần thiết như ăn, ở và bảo hiểm. Từ đó, ý tưởng này trở nên phố biến và ngày càng được lan rộng: vào những năm 60 của thế kỉ XX là dự án tình nguyện “sáng tạo thế giới”, vào những năm 80 là các chương trình tình nguyện sinh thái. Và cho đến nay, các hoạt động tình nguyện đều tuân thủ những nguyên tắc không tiền thù lao, đồng cảm, phi lợi nhuận và thỏa mãn những nhu cầu xã hội (vật chất và tinh thần). Trong những năm gần đây, tình nguyện đã mở rộng quy mô toàn cầu. Và hơn thế nữa, nhất là ở những nước phát triển, tình nguyện đã trở thành một hình thức tận dụng thời gian rảnh rỗi, hay nói cách khác chính là “du lịch tình nguyện”[5].
Cần phân biệt rõ bản chất của hai khái niệm “hoạt động du lịch tình nguyện” và “du lịch tình nguyện”, trong đó, du lịch tình nguyện – là những chuyến đi du lịch với sự kết hợp mục đích nghỉ ngơi tham quan, tìm hiểu văn hóa với một số các hoạt động từ thiện, tình nguyện như bảo vệ môi trường, đóng góp tiền hoặc sức lao động trong việc xây dựng các trường học, các công trình xã hội… Còn hoạt động du lịch tình nguyện là sự tham gia của cá nhân vào những dự án/ hoạt động tình nguyện có hướng du lịch ở các nước khác hay các vùng, khu vực khác ngoài nơi cư trú thường xuyên[5], ví dụ như những hoạt động hướng dẫn, phiên dịch của các tình nguyện viên từ các nước trên thế giới trong thế vận hội Olympic ở Trung Quốc (2008), World cup ở Nga (2018)…; các hoạt động hỗ trợ, giúp đỡ nhằm bảo tồn loài rùa biển của Turtle Teams trải rộng trên toàn thế giới, hay dự án Appalachian Trail Confernce (Mỹ) – với các hoạt động nhằm giúp đỡ xây dựng con đường mòn dài 3200 km giữa núi Appalachia ở miền Đông nước Mỹ để gìn giữ thiên nhiên và bảo tồn sự đa dạng sinh học nơi đây; các dự án giúp đỡ, dạy học cho trẻ em vùng sâu, vùng xa…Tuy nhiên, hoạt động du lịch tình nguyện không hề tách rời khỏi khái niệm du lịch tình nguyện. Nhưng từ việc phân biệt rõ bản chất của hai khái niệm này có thể thấy rằng, du lịch tình nguyện đang phát triển theo những hướng khác nhau, cụ thể như hoạt động tình nguyện có hướng du lịch – trong đó phần lớn thời gian khách du lịch (người tham gia tình nguyện) tích cực tham gia các hoạt động giúp đỡ cộng đồng địa phương, hay cải tạo môi trường. Hoạt động này thường được thực hiện bởi các hội, tổ chức phi chính phủ, tổ chức tình nguyện nhằm mục đích từ thiện và người tham gia không phải chi trả hoặc chi trả một phần chi phí trong chuyến đi. Một hướng phát triển khác của du lịch tình nguyện là hoạt động du lịch có hướng tới các hoạt động thiện nguyện – trong đó khách du lịch tự chi trả chi phí cho chuyến đi của mình, phần lớn thời gian của tour vẫn là nghỉ ngơi, tham quan thắng cảnh, thiên nhiên, tìm hiểu văn hóa cộng đồng, và có kết hợp với một vài hoạt động tình nguyện như quyên góp tiền, hiện vật, hay trực tiếp tham gia các công tác tình nguyện…Dù là theo hướng nào, thì tựu chung lại chúng vẫn thuộc về loại hình du lịch tình nguyện. Tuy nhiên, việc xác định các hướng phát triển, để thấy rõ hơn những tác động hai mặt của du lịch tình nguyện đến môi trường, văn hóa – xã hội và kinh tế, để từ đó khẳng định được vị trí của loại hình du lịch này trong xu hướng phát triển bền vững.
Ngày nay, loại hình du lịch tình nguyện đang phát triển một cách nhanh chóng và đã trở thành một trong những xu hướng hàng đầu thu hút hơn 1,6 triệu tình nguyện viên du lịch, là ngành công nghiệp đạt doanh thu gần 200 tỷ USD mỗi năm [8]. Theo điều tra của Marriot International và ngân hàng Chase, 84% thanh niên từ 18 – 34 tuổi sẵn sàng đi du lịch nước ngoài để tham gia vào các hoạt động tình nguyện, con số này ở lứa tuổi từ 35 – 49 là 68% và ở lứa tuổi 50 – 67 là 50% [7]. Những con số này cho thấy, du lịch tình nguyện thực sự là một loại hình du lịch hấp dẫn và thu hút trong xã hội hiện đại ngày nay. Bởi lẽ du lịch tình nguyện là cách để tìm hiểu và trải nghiệm những luồng văn hóa tốt nhất, là dịp để tích lũy thêm những kinh nghiệm sống và làm bàn đạp cho sự nghiệp của mỗi cá nhân đồng thời giúp họ khám phá những tiềm năng của chính bản thân mình. Tuy nhiên, thực tế thì vai trò và ý nghĩa của du lịch tình nguyện đối với cộng đồng còn lớn hơn nhiều. Chính vì thế mà trên thế giới đã và đang có rất nhiều dự án du lịch tình nguyện với quy mô lớn trên nhiều quốc gia như: Tổ chức WWOOF (World Wide Opportunities on Organic Farms) – nơi liên kết những người tình nguyện với các trang trại trồng trọt hữu cơ, giúp mọi người chia sẻ cách sống bền vững; hay tình nguyện viên tham gia công tác bảo vệ môi trường sống và quảng bá hình thức du lịch sinh thái ở Australia và New Zealand; Dự án tình nguyện viên dạy tiếng Anh tại các trường học ở Sudan – một trong những quốc gia nghèo nhất thế giới và đem đến cho người dân nơi đây những thay đổi tích cực trong cuộc sống; Hướng dẫn viên du lịch các tour đi bộ đường dài ở châu Âu cho hãng du lịch HF Holidays
(Nguồn: http://veo.com.vn/du-lich-tinh-nguyen)
Tại Việt Nam, mô hình du lịch tình nguyện cũng đã bước đầu được khai thác ở những mức độ khác nhau, từ việc kết hợp đưa khách đến những vùng sâu vùng xa để tặng quà cho những đồng bào có hoàn cảnh khó khăn, quyên góp tiền để xây dựng trường học cho trẻ em…, cho đến những chương trình, dự án thu hút tình nguyện viên giúp đỡ dạy tiếng Anh, và các kĩ năng cho các em học sinh ở vùng núi… Điển hình như Tổ chức tình nguyện vì Giáo dục (VEO) hoạt động theo mô hình của doanh nghiệp xã hội. VEO hướng tới 3 mục đích chính là cung cấp dịch vụ du lịch thuần túy cho khách hàng, mang đến những cơ hội trải nghiệm, phát triển bản thân cho đối tượng thanh thiếu niên và hỗ trợ cộng đồng. Trong các chuyến trải nghiệm du lịch do VEO tổ chức, du khách sẽ dành 50% cho hoạt động cộng đồng gồm giáo dục, hỗ trợ sửa chữa điện, đường, trường, trạm, quảng bá du lịch địa phương. VEO đã thực hiện các dự án vì cộng đồng tại Bản Cỏi (Phú Thọ), Sa Pa, Thác Bà (Yên Bái), Hà Thành (Hà Giang), biển Quy Nhơn. Có đến 70% lợi nhuận hàng năm được VEO tái đầu tư cho các dự án, chương trình cộng đồng tại các địa phương, điểm du lịch. VEO đã thu hút gần 14.000 tình nguyện viên du lịch thường xuyên tham gia vào hoạt động của các dự án. Doanh thu của VEO năm 2015 đạt 1,2 tỷ đồng, sang đến năm 2016 con số này là là 2,9 tỷ đồng và năm 2017 là 4,9 tỷ đồng. Đối tượng khách hàng của VEO chủ yếu là các bạn trẻ 18 – 24 tuổi, trong đó khoảng 10% khách hàng là du khách nước ngoài[4].
2.2 Tác động tích cực của du lịch tình nguyện
Du lịch tình nguyện và việc phát triển sản phẩm du lịch tình nguyện đảm bảo những mục tiêu và nguyên tắc của phát triển bền vững có ý nghĩa hết sức to lớn đối với môi trường, văn hóa – xã hội và kinh tế, cụ thể:
– Góp phần đẩy mạnh các hoạt động bảo vệ môi trường, giữ gìn cảnh quan thiên nhiên điểm đến, bảo tồn sự đa dạng sinh học, bảo tồn những giá trị tự nhiên – là tiềm năng, là tiền đề để phát triển du lịch.
– Đẩy mạnh việc tuyên truyền, tôn trọng, gìn giữ và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống của cộng đồng địa phương – một trong những trụ cột phát triển du lịch bền vững.
– Giúp đỡ, hỗ trợ cộng đồng dân cư cải thiện đời sống, nâng cao dân trí, nhận thức về môi trường, văn hóa, nhận định được vai trò của mình trong việc bảo tồn những giá trị tự nhiên, văn hóa và phát triển du lịch nói riêng và kinh tế nói chung của địa phương.
– Hoạt động du lịch tình nguyện mang tính giáo dục lớn đối với những du khách trực tiếp tham gia, không những chỉ tăng cường sự giao lưu văn hóa, mở mang kiến thức xã hội, nâng cao kĩ năng sống mà hơn thế giúp họ nhận thức rõ những giá trị của tự nhiên, văn hóa địa phương, nâng cao ý thức trách nhiệm cá nhân đối với môi trường và xã hội, nhất là đối với thế hệ trẻ, điều này sẽ ảnh hưởng rất lớn đối với việc hình thành tính cách, giá trị sống, quan niệm và lập trường sống nhân văn. Từ đó giúp hình thành nên những thế hệ tương lai có nhân cách sống tích cực, góp phần xây dựng một xã hội nhân văn.
– Các hoạt động du lịch tình nguyện góp phần tích cực vào việc phát triển kinh tế địa phương, huy động được nguồn vốn, vật chất từ các cá nhân, tập thể, tổ chức để hỗ trợ cải thiện cơ sở hạ tầng, thu hút đầu tư vào du lịch của vùng, tạo công ăn việc làm cho người dân, đồng thời giúp giảm gánh nặng cho ngân sách nhà nước.
(Nguồn: https://www.worldnomads.com/explore/southeast-asia/cambodia/voluntourism-in-cambodia-what-to-consider-before-going)
2.3. Tác động tiêu cực của du lịch tình nguyện không đúng hướng
Tuy nhiên, bên cạnh những tác động tích cực có ý nghĩa to lớn trong sự phát triển bền vững của du lịch nói riêng và kinh tế nói chung, du lịch tình nguyện cũng gây ra những tác động tiêu cực không nhỏ nếu không được định hướng phát triển một cách đúng đắn. Những tác động tiêu cực đó có xuất phát chính từ hai vấn đề sau:
– Nguồn nhân lực chất lượng cho du lịch tình nguyện
Không giống các loại hình du lịch khác, nguồn nhân lực của du lịch tình nguyện không chỉ là những người trực tiếp hoặc gián tiếp tham gia cung cấp các dịch vụ du lịch cho du khách, mà còn chính là du khách, những người tham gia các hoạt động tình nguyện với mục đích đem lại lợi ích cho cộng đồng và cho chính bản thân mình. Tuy nhiên, một thực trạng vẫn còn tồn tại không chỉ ở Việt Nam mà trên toàn thế giới, đó là du lịch tình nguyện không vì cộng đồng, hay nói cách khác, mục đích của chuyến du lịch tình nguyện chưa thực chất là vì môi trường, vì cộng đồng mà chủ yếu vì lợi ích cá nhân những người tham gia tình nguyện, thậm chí nó cũng dễ bị lợi dụng, biến tướng để phục vụ cho những mục đích không chính đáng. Họ mong muốn làm dày bản thành tích cá nhân, muốn cảm thấy được giá trị của bản thân, thể hiện bản thân, hay chỉ hướng tới mục tiêu lợi nhuận Chính vì thế, những tình nguyện viên tham gia thậm chí không hề biết gì về lịch sử, văn hóa, ngôn ngữ, những giá trị tự nhiên và nhân văn ở những nước, khu vực hay vùng, nơi mình tới làm tình nguyện. Điều này sẽ gây nên những tác động không nhỏ đến hiệu quả của công tác tình nguyện, cũng như vai trò và ý nghĩa của du lịch tình nguyện đối với việc bảo tồn thiên nhiên và phát triển cộng đồng địa phương.
Mục đích tốt là chưa đủ đối với một tình nguyện viên du lịch. Một sản phẩm du lịch tình nguyện đảm bảo những mục tiêu của phát triển bền vững phải thực sự đem lại tác động tích cực đối với môi trường và cộng đồng. Chính vì thế, những người là tình nguyện viên ngoài những phẩm chất đạo đức, còn cần chuẩn bị những kĩ năng, chuyên môn ở một mức độ nhất định, mặc dù trên lý thuyết, một trong những đặc trưng của tình nguyện là không nhất thiết phải có kĩ năng chuyên môn. Tuy nhiên, đa phần các tình nguyện viên du lịch chưa trang bị hoặc chưa được trang bị những kiến thức cơ bản nhất về y tế, sư phạm, tâm lí, hay một lĩnh vực nào đó chuyên môn để có thể hỗ trợ, giúp đỡ cộng đồng địa phương một cách hiệu quả. Hay nói một cách khác, nếu tham gia các hoạt động du lịch tình nguyện mà thiếu những kĩ năng cơ bản cần thiết để thực hiện công tác thì những du khách này cũng chỉ là nguồn nhân lực du lịch chưa có tay nghề. Bên cạnh đó còn chưa kể đến một thực tế đang tồn tại đó là tình nguyện viên từ các nước phát triển đến du lịch tại các nước đang phát triển hoặc từ thành thị đến các vùng sâu vùng xa có thể gián tiếp lấy mất công việc của những lao động có kĩ năng nghề tại điểm đến.
– Cách thức tổ chức và thực hiện các hoạt động du lịch tình nguyện
Du lịch tình nguyên tự phát, thiếu tính tổ chức, thiếu những quy định, nguyên tắc cụ thể và thống nhất có thể dẫn đến những tác động tiêu cực nhiều hơn là tích cực đối với môi trường và cộng đồng địa phương. Cũng như các hoạt động du lịch khác, các du khách tình nguyện viên cũng đến lưu trú tại địa phương. Điều này đồng nghĩa với việc là nhu cầu về sử dụng nước sạch, nhu cầu rác thải, nước thải cũng sẽ gia tăng tại điểm đến, gây sức ép đối với môi trường, nhất là những vùng có cơ sở hạ tầng chưa phát triển.
Bên cạnh đó, còn phải kể đến những tác động về mặt tâm lý đối với đối tượng được giúp đỡ tại địa phương, cụ thể như với các trẻ mồ côi ở cô nhi viện. Các nhà nghiên cứu chỉ rõ rằng, những chuyến du lịch tình nguyện đến trại trẻ mồ côi nhằm giúp đỡ, dạy học cho các em nhỏ tại đây thường diễn ra trong khoảng thời gian ngắn. Trong khi đó trẻ mồ côi cũng rất nhanh chóng gắn kết với các tình nguyện viên để tìm kiếm sự thân thuộc và bảo vệ. Sự luân phiên thay đổi các tình nguyện viên tham gia sẽ dẫn đến chuỗi thất vọng liên tục, ảnh hưởng không nhỏ đến sự phát triển tâm lý, cảm xúc và sức khỏe các em, gây nên những vấn đề về tạo dựng các mối quan hệ xã hội của trẻ sau này[7].
Một vấn đề nữa xuất phát từ các hoạt động du lịch tình nguyện tự phát, thiếu tính tổ chức, không có định hướng, mục tiêu rõ ràng đó là việc cộng đồng dân cư địa phương trở nên phụ thuộc vào nguồn vật chất được nhận từ các khách du lịch, tình nguyện viên du lịch và mất đi ý chí, mong muốn lao động. Đây là thực tế đã và đang diễn ra ở những bản làng, những địa phương nghèo vùng sâu vùng xa. Rất nhiều những tour du lịch mang danh nghĩa tình nguyện, trong đó, những quà tặng, hiện vật đã được nhà tổ chức tour chuẩn bị sẵn, thậm chí bản thân khách du lịch cũng không biết bên trong gói quà đó có gì, họ chỉ đi theo sự hướng dẫn của hướng dẫn viễn, đến trao quà, hiện vật trong chớp nhoáng rồi rời đi. Ở Siemreap – Cambodia, làn sóng khách du lịch tới cho tiền các trại mồ côi đã tạo nên “trào lưu” khuyến khích các gia đình nghèo đẩy con mình vào trại. Theo nghiên cứu của các nhà hoạt động xã hội thuộc dự án “Orphanages Not the solution”, thành phố Siemreap có dân số khoảng 100 nghìn người và có đến 35 trại trẻ mồ côi, gần 75% trẻ em sống trong các trại trẻ mồ côi không phải là trẻ mồ côi[9]. Trẻ em nghèo Sapa nghỉ học xếp hàng xin kẹo, xin tiền từ các khách du lịch làm thiện nguyện. Đó chỉ là một vài ví dụ điển hình từ việc hoạt động du lịch tự phát của du khách hoặc việc tổ chức các tour du lịch tình nguyện với mục đích lợi nhuận mà không vì cộng đồng.
3. Định hướng phát triển du lịch tình nguyện trong xu hướng phát triển bền vững
– Xây dựng sản phẩm du lịch tình nguyện trên cơ sở đảm bảo những mục tiêu và nguyên tắc cơ bản của phát triển bền vững.
+ Du lịch tình nguyện trước hết phải xuất phát từ chính lợi ích của cộng đồng địa phương nơi diễn ra các hoạt động du lịch. Trong đó bao gồm việc đảm bảo một môi trường trong sạch, cảnh quan thiên nhiên không bị “biến dạng” vì khai thác hoạt động du lịch, nỗ lực chung tay bảo tồn sự đa dạng sinh học, gìn giữ những giá trị thiên nhiên và văn hóa vốn có của địa phương, hỗ trợ, giúp đỡ cộng đồng dân cư ổn định kinh tế, nâng cao đời sống.
+ Hoạt động du lịch tình nguyện không đơn thuần chỉ là hỗ trợ cộng đồng về mặt vật chất mà hơn thế là khuyến khích, nâng cao nhận thức, tạo điều kiện, tạo động lực cho cộng đồng địa phương tự lực phát triển, giúp đỡ mà qua đó người nhận vẫn giữ được lòng tự trọng và nhân phẩm của mình bằng việc hướng dẫn, hỗ trợ địa phương trong việc khai thác tài nguyên thiên nhiên một cách hợp lí nhằm đảm bảo sinh kế lâu dài và ổn định cho đời sống người dân, tôn trọng những giá trị văn hóa truyền thống địa phương, giúp đỡ cộng đồng dân cư trong việc tuyên truyền, gìn giữ và phát huy những giá trị văn hóa đó. Đồng thời các hoạt động du lịch tình nguyện cũng phải mang tính giáo dục nhằm mục đích nâng cao nhận thức của cộng đồng về vai trò của mình trong việc gìn giữ những giá trị văn hóa, thiên nhiên địa phương cũng như phát triển kinh tế vùng.
+ Hoạt động du lịch tình nguyện phải thực hiện một cách có tổ chức, quy củ, đưa ra những nguyên tắc hoạt động rõ ràng, tránh tình trạng tự phát nhằm đảm bảo tính giáo dục đối với cộng đồng địa phương và cả đối với những du khách – tình nguyện viên, hạn chế những tác động tiêu cực đến môi trường, đến cộng đồng địa phương.
Phát triển nguồn nhân lực du lịch tình nguyện với đầy đủ kĩ năng, phẩm chất.
– Nguồn nhân lực có ý nghĩa hết sức quan trọng trong việc phát triển du lịch nói chung và du lịch tình nguyện nói riêng. Bởi lẽ, nguồn nhân lực du lịch đối với một sản phẩm du lịch tình nguyện không đơn thuần chỉ là những người tham gia trực tiếp hay gián tiếp trong việc cung cấp sản phẩm, dịch vụ mà còn chính là những du khách, những tình nguyện viên – những người trực tiếp đem đến lợi ích vật chất và phi vật chất cho cộng đồng tại điểm đến. Chính vì thế những người tham gia vào việc tổ chức, thực hiện các hoạt động du lịch tình nguyện trước hết phải nhận thức được một cách rõ ràng mục đích, trách nhiệm, vai trò của cá nhân mình đối với cộng đồng, xã hội, không chỉ vì những mục tiêu cá nhân mà tham gia tình nguyện, phải là những người biết đồng cảm, sẻ chia, tôn trọng những giá trị thiên nhiên và văn hóa truyền thống của cộng đồng dân cư, có hiểu biết nhất định về văn hóa, tập quán địa phương nơi mình sẽ đến, và sau cùng là phải được trang bị những kĩ năng nhất định để thực hiện tốt những mục tiêu đề ra trong chuyến đi, đồng thời đảm bảo những mục tiêu và nguyên tắc phát triển du lịch bền vững.
– Tăng cường quảng bá và xúc tiến các sản phẩm du lịch tình nguyện như một phần của du lịch trách nhiệm và phát triển bền vững
Cũng như bất cứ sản phẩm du lịch nào khác, để phát triển sản phẩm du lịch tình nguyện thì công tác xúc tiến, quảng bá đóng vai trò hết sức quan trọng nhằm thu hút những cộng tác viên, tình nguyện viên với mong muốn du lịch trải nghiệm và tham gia hoạt động đem lại lợi ích thiết thực cho cộng đồng, đồng thời thu hút đầu tư vào các dự án du lịch tình nguyện nhằm phát triển hơn nữa các sản phẩm du lịch tình nguyện có chất lượng. Trong bối cảnh phát triển mạnh mẽ của công nghệ thông tin và các phương tiện thông tin đại chúng, việc tuyên truyền về những hoạt động du lịch tình nguyện càng trở nên có ý nghĩa nhằm phổ biến đến toàn xã hội vai trò và ý nghĩa của du lịch tình nguyện trong xu hướng phát triển bền vững.
4. Giải pháp nhằm phát triển du lịch tình nguyện như một sản phẩm du lịch hướng tới mục tiêu phát triển bền vững.
– Ban hành chính thức những quy định, hướng dẫn cụ thể đối với việc xây dựng các sản phẩm du lịch tình nguyện, tổ chức các hoạt động du lịch tình nguyện nhằm tăng cường tác động tích cực cũng như hạn chế những tác động tiêu cực của du lịch tình nguyện đối với môi trường, kinh tế và văn hóa – xã hội, hướng tới những sản phẩm du lịch tình nguyện có chất lượng, tính giáo dục cao đối với cộng đồng.
– Hình thành nên các mạng lưới du lịch tình nguyện nhằm liên kết các tổ chức xã hội, tổ chức tình nguyện, những doanh nghiệp du lịch hướng tới du lịch có trách nhiệm và phát triển bền vững cùng thực hiện những dự án, những chương trình du lịch tình nguyện đem lại hiệu quả tuyên truyền và lợi ích thiết thực cho cộng đồng địa phương tại các điểm, vùng du lịch, đồng thời kết hợp với các phương tiện thông tin đại chúng nhằm tăng cường giới thiệu và quảng bá những sản phẩm du lịch tình nguyện có chất lượng, thu hút sự quan tâm và đầu tư của các doanh nghiệp trong lĩnh vực này.
– Xây dựng văn hóa “du lịch tình nguyện” nhằm khuyến khích các hoạt động du lịch trải nghiệm kết hợp với làm tình nguyện, nhất là đối với thế hệ trẻ nhằm qua đó tăng cường tính giáo dục của hoạt động du lịch, góp phần hình thành nhân cách sống tích cực và quan điểm nhân văn của thế hệ tương lai, đồng thời cũng đem lại những lợi ích to lớn đối với môi trường và cộng đồng địa phương.
– Khuyến khích các công trình nghiên cứu khoa học, các ý tưởng sáng tạo, startup hướng tới phát triển và xúc tiến các sản phẩm du lịch tình nguyện đảm bảo mục tiêu phát triển bền vững. Đồng thời thường xuyên tổ chức các hội thảo nhằm tổng hợp kinh nghiệm và thu hút những sáng kiến về phát triển du lịch tình nguyện.
– Hoàn thiện các chương trình đào tạo đối với cử nhân, chuyên gia trong lĩnh vực du lịch, xã hội thông qua việc đưa vào chương trình các học phần về du lịch tình nguyện để giảng dạy cho sinh viên, đồng thời thông qua các hoạt động tình nguyện tại các cơ sở giáo dục đại học, cao đẳng trang bị cho sinh viên những kĩ năng, chuyên môn, giúp các em rèn luyện phẩm chất, để hướng giới trẻ tới các giá trị tốt đẹp và xây dựng lối sống nhân văn.
5. Kết luận
Du lịch tình nguyện là loại hình du lịch trách nhiệm vừa mang tính giáo dục cao, vừa hướng đến lợi ích của cộng đồng địa phương tại các điểm đến. Chính vì thế, trong xu thế phát triển bền vững, du lịch tình nguyện là một trong những sản phẩm du lịch đáng chú ý, là một xu hướng đang chứng kiến những sự tăng trưởng đầy tiềm năng, góp phần làm đa dạng hóa sản phẩm du lịch Việt Nam.Tuy nhiên, việc xây dựng và xúc tiến các sản phẩm du lịch này cần phải được nghiên cứu kĩ lưỡng để đảm bảo những tác động tích cực của nó đối với xã hội đồng thời cũng hạn chế tối đa những tác động tiêu cực có thể xảy ra. Ngoài ra, phát triển nguồn nhân lực đối với du lịch tình nguyện cũng là một vấn đề đáng để quan tâm. Do đó, để phát triển loại hình du lịch đầy tiềm năng này, cần có sự tham gia hỗ trợ của Nhà nước, các tổ chức xã hội, các cơ sở đào tạo, các doanh nghiệp, nhà nghiên cứu và sự quan tâm của toàn xã hội./.
TÀI LIỆU THAM KHẢO:
[1]. Nguyễn Trung Lương (2002), “Cơ sở khoa học và giải pháp phát triển du lịch bền vững ở Việt Nam”, Viện Nghiên cứu Phát triển Du lịch, Hà Nội.
[2]. Quyết định số 2473/QĐ – TTG của Thủ tướng Chính phủ : Phê duyệt “Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030”.
[3]. Dự thảo Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
[4]. Trần Thảo, Khởi nghiệp từ mô hình du lịch thiện nguyện, Báo điện tử “Kinh tế và đô thị”, [URL]: http://kinhtedothi.vn/khoi-nghiep-tu-mo-hinh-du-lich-thien-nguyen-315499.html (accessed on 14 july 2019).
[5]. Svetlana Kovzova (2015), “Volunteering in tourism” and “voluntourism”: Current state and prospects of development, Services in Russia and abroad, No. 3 (59).
[6]. Kristína Pompurová, Radka Marˇceková *, L’ubica Šebová, Jana Sokolová and Matej Žofaj (2018), Volunteer Tourism as a Sustainable Form of Tourism – The Case of Organized Events, MDPI, Basel, Switzerland.
[7]. Ekaterina Izmesteva, Voluntourism does more harm than good, [URL]: https://www.businesswire.com/news/home/20150527005936/en/Millennials-Tra. (accessed on 15 july 2019).
[8]. Sujan Pariyar, Annual $173 Billion Worth Of Volunteer Tourism Industry Is Enough To Make A Change, [URL]: https://thriveglobal.com/stories/annual-173-billion-worth-of-volunteer-tourism-industry-is-enough-to-make-a-change/ (accessed on 14 july 2019).
[9]. https://web.archive.org/web/20170707195357/http://orphanages.no/Facts.html (accessed on 19 july 2019).
TS. Phương Mai
Phòng Quản lý khoa học và Hợp tác quốc tế