Nội dung, đặc điểm của cuộc cách mạng khoa học kỹ thuật và những thành tựu cụ thể của khoa học công nghệ

Thế giới đã trải qua hai cuộc cách mạng lớn trong lĩnh vực khoa học và kỹ thuật, đó là: Cuộc cách mạng kĩ thuật – cách mạng công nghiệp ở thế kỉ XVIII-XIX và Cuộc cách mạng khoa học – kĩ thuật diễn ra từ những năm 40 đến những năm 90 của thế kỉ XX. Với quy mô to lớn, nội dung sâu sắc và toàn diện, nhịp điệu vô cùng nhanh chóng, cuộc CMKHKT đã đưa lại nhiều thành tựu và tạo ra bước nhảy vô cùng to lớn trên nhiều mặt của đời sống nhân loại.

a) Nội dung của cách mạng khoa học kỹ thuật

Xem thêm: Đại học Kinh tế Kỹ thuật – Công nghiệp tuyển sinh – Điểm chuẩn 2022

Nội dung chủ yếu của cuộc cách mạng KHKT là tự động hoá cao độ bằng cách sử dụng rộng rãi máy tính điện tử, hiện đại hoá kỹ thuật và sản xuất trên cơ sở những phát minh khoa học mới nhất, sử dụng những nguồn năng lượng mới, những vật liệu mới, những công cụ sản xuất mới, tấn công vào lòng các đại dương, đi sâu vào lòng đất, nghiên cứu những bí mật của sự sống, nghiên cứu thế giới vô cùng nhỏ bé của hạt nhân, đồng thời thám hiểm vũ trụ bao la.

b) Đặc điểm

– Khoa học đã trở thành lực lượng sản xuất trực tiếp: mọi phát minh về kĩ thuật đều bắt nguồn từ khoa học, khoa học đã tham gia trực tiếp vào sản xuất trở thành nguồn gốc chính của những tiến bộ kĩ thuật và cuộc sống.

– Thời gian từ phát minh khoa học đến ứng dụng vào sản xuất ngày càng rút ngắn. Công tác nghiên cứu khoa học có hiệu quả kinh tế ngày càng cao. Nó đòi hỏi cần được kết hợp chặt chẽ giữa chiến lược khoa học – công nghệ với chiến lược kinh tế – xã hội.

– Cuộc cách mạng công nghệ trở thành cốt lõi của cuộc CMKHKT và đã thu được những thành tựu kỳ diệu.

Công nghệ được hiểu tổng quát là tập hợp các công cụ, phương tiện nhằm biến đổi nguồn lực tự nhiên thành sản phẩm hàng hoá. Công nghệ cũng được hiểu cụ thể là kĩ năng và các thủ tục nhằm chế tạo và sử dụng những sản phẩm mới. Ngoài ra, công nghệ còn bao hàm cả kĩ năng quản lý, tổ chức, tài chính và tiếp thị.

c) Thành tựu cụ thể của cuộc cách mạng KH công nghệ

Cuộc cách mạng khoa học công nghệ đã đạt được những thành tựu kì diệu trong mọi ngành khoa học cơ bản và trong mọi lĩnh vực của cuộc sống, rõ nét nhất là trong các ngành điện tử – tin học, năng lượng mới, vật liệu mới, công nghệ sinh học, kĩ thuật lade, khoa học vũ trụ.

Máy tính và rôbôt là những sản phẩm tiêu biểu của công nghệ điện tử-tin học.

– Máy vi tính điện tử: chiếc máy vi tính (computer) đầu tiên ra đời vào năm 1946; đến nay, máy tính đã trải qua bốn thế hệ. Từ những chiếc máy tính điện tử đầu tiên sử dụng bóng đèn điện tử chân không, rồi chất bán dẫn, vi mạch (mạch tích hợp IC – Integrated Circuit), vi mạch với độ tích hợp cao. Từ máy tính điện tử dẫn tới sự kết nối Internet, tạo ra mạng thông tin toàn cầu với khả năng trao đổi thông tin cực nhanh, giá rẻ.

– Rôbôt (người máy): được chế tạo đầu tiên tại Mỹ năm 1961 chỉ với những cánh tay làm việc như một công nhân đơn giản. Ngày nay, rôbốt ngày càng hoàn thiện, thông minh hơn và tham gia vào nhiều lĩnh vực hoạt động của con người, kể cả những việc đòi hỏi công nghệ chế tạo chính xác và những nơi lao động độc hại, nguy hiểm.

– Văn minh vật liệu: nhiều loại vật liệu mới ra đời trong hoàn cảnh vật liệu thiên nhiên ngày càng vơi cạn dần. Những loại vật liệu mới này còn có những tính năng hơn hẳn vật liệu tự nhiên như siêu bền, siêu cứng, siêu nhẹ… Tên các loại vật liệu mới như composit, polyme, silic, sợi cáp quang… ngày càng trở nên phổ biến. Nhiều loại năng lượng mới đã được con người sử dụng để biến thành điện năng như năng lượng nguyên tử, năng lượng Mặt Trời, năng lượng gió…

– Tia lade (laser-khuyếch đại ánh sáng bằng bức xạ cưỡng bức): mới được phát minh ra từ những năm 60 của thế kỉ XX nhưng đến nay đã được áp dụng trong nhiều lĩnh vực, từ quân sự, thiên văn, y học, công nghệ in, thông tin liên lạc…

– Sợi thuỷ tinh quang dẫn: sử dụng trong truyền tải thông tin với khối lượng truyền tin gấp hàng trăm lần so với sóng điện trong sợi dây đồng.

– Công nghệ sinh học: đã đạt được nhiều thành tựu đáng kinh ngạc, thậm chí đáng sợ. Công nghệ sinh học tập trung vào bốn lĩnh vực : công nghệ gien, công nghệ tế bào, công nghệ vi sinh, công nghệ enzim. Nhờ công nghệ sinh học, người ta đã tạo ra nhiều giống cây, con mới với những đặc tính ưu điểm khác hẳn các giống trong tự nhiên; nhiều loại dược phẩm mới ra đời, nhiều loại chất xúc tác mới xuất hiện…

– Nghiên cứu vũ trụ: con người đã tiến những bước dài mà đi đầu là hai nước Liên Xô và Mĩ. Các tàu vũ trụ của Liên Xô và Mĩ đã đi thăm dò những hành tinh xa xôi ngoài Trái Đất. Liên Xô, Mĩ và giờ đây đang thêm nhiều nước khác đã phóng các vệ tinh nhân tạo đáp ứng nhu cầu truyền hình, thông tin toàn cầu, điều tra tài nguyên, dự báo thời tiết, mạng định vị qua vệ tinh…

Source: https://vvc.vn
Category : Kỹ Thuật Số

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Alternate Text Gọi ngay
Liên kết:SXMB