Những hiểu biết chung về chất thải nguy hại
Thứ tư – 21/11/2007 00 : 01
Sản phẩm của nền công nghiệp đem lại những lợi ích trong cuộc sống hiện đại. Các dược phẩm mang lại sức khoẻ, các trang thiết bị gia dụng tiết kiệm sức lao động. Ô tô, tàu thuỷ, sơn, chất tẩy rửa, sợ tổng hợp, bao bì, nhựa tổng hợp, máy tính cá nhân … một danh sách vô tận của các hàng hoá hữu ích được sản xuất ra.
Nhưng song song với mặt tốt của hàng hoá là mặt trái của nó. Sản xuất công nghiệp phát sinh hàng trăm triệu tấn chất thải mỗi năm. Các chất thải này chứa các phụ phẩm hoá học, các yếu tố có tính nguy hại cho sức khoẻ con người và môi trường vì chúng có độc tính, độc hại sinh thái, dễ cháy nổ, ăn mòn hoặc gây nhiễm trùng. Chúng được phát tán từ ống khói, ống xả, hay được vứt bỏ ra các bãi rác hoặc chứa trong thùng phi rò rỉ, từ rác thải hạt nhân, rò rỉ phóng xạ. Đôi khi chất thải được vận chuyển trái phép tới một nơi khác, đưa các mối nguy hiểm đáng sợ tới các cộng đồng vốn không biết gì về chúng.
Chất thải nguy hại là chất thải chứa yếu tố độc hại, phóng xạ, dễ cháy, dễ nổ, dễ ăn mòn, dễ lây nhiễm, gây ngộ độc hoặc đặc tính nguy hại khác.
Chất thải nguy hại (theo qui chế quản lý chất thải nguy hại) là chất thải có chứa các chất hoặc các hợp chất có một trong các đặc tính gây nguy hại trực tiếp (dễ cháy, dễ nổ, làm ngộ độc, dễ ăn mòn, dễ lây nhiễm và các đặc tính gây nguy hại khác) hoặc tương tác với các chất khác gây nguy hại tới môi trường và sức khoẻ con người.
Theo Công ước Basel, chất thải nguy hại được phân làm 7 nhóm, với 236 danh mục hoá chất độc hại.
1. Nguồn gốc phát sinh chất thải nguy hại:
Các chất thải nguy hại có thể phát sinh từ rất nhiều nguồn như: sản xuất công nghiệp, nông nghiệp; hoạt động của công sở, cửa hiệu, trường học; từ các bệnh viện; các hoạt động sinh hoạt khác.
* Quá trình sinh ra chất thải nguy hại từ hoạt động sinh hoạt và hoá chất tồn đọng: Thành phần nguy hại trong chất thải rắn từ các hoạt động sinh hoạt bao gồm:
Các thành phần nilon, bao bì bằng chất dẻo: Tỷ lệ nilon, đồ nhựa trong rác thải sinh hoạt chiếm từ 2,7% – 8,8%;
Thành phần pin (có chứa thành phần chì và thủy ngân bên trong) hay keo diệt chuột (có chứa thành phần hóa chất độc hại): Những thành phần này chiếm khối lượng không đáng kể nhưng có nguy cơ gây hại không nhỏ;
Các chi tiết điện và điện tử thải chứa những bộ phận như pin, ác qui thải ở dạng bẹp, vỡ chiếm từ 0,07% – 1,12%.
Ô nhiễm phóng xạ từ sự rò rỉ phóng xạ, rác thải hạt nhân …
Các thành phần nguy hại từ các cơ sở dịch vụ chủ yếu bao gồm các cặn kim loại, dầu mỡ, giấy, giẻ có thấm dầu mỡ từ dịch vụ sửa chữa xe, lõi nhựa chứa mực in từ các cơ sở photocopy và các loại vỏ hộp. Tổng lượng chất thải rắn nguy hại từ các cơ sở dịch vụ thông thường chiếm khoảng 36,9% (trong đó, cặn kim loại chiếm 1,6%; dầu mỡ thải, giấy, giẻ thấm dầu chiếm 23,4%; nhựa, hoá chất, sơn chiếm 11,1 %; vỏ hộp hoá chất chiếm 0,8 %). Các lõi mực in của máy photocopy, biến thế hỏng được các chủ phát sinh thu gom và bán lại cho người thu mua phế liệu.
* Quá trình sinh ra chất thải nguy hại từ hoạt động công nghiệp:
* Quá trình sinh ra chất thải nguy hại từ hoạt động y tế:
Các loại chất thải nguy hại điển hình phát sinh từ các hoạt động của bệnh viện gồm:
– Các chất thải trong quá trình phẫu thuật người, động vật, bao gồm các bộ phận cơ thể và các tổ chức nội tạng; – Các vật nhọn sắc và dễ gãy có tiếp xúc với máu, mủ trong quá trình mổ xẻ; các chất lỏng sinh học hoặc giấy thấm đã được sử dụng trong y tế, nha khoa;
– Các gạc bông băng có máu, mủ của bệnh nhân;
– Các loại ống nghiệm nuôi cấy vi trùng trong các phòng xét nghiệm;
– Các chất thải ra trong quá trình xét nghiệm;
– Các loại thuốc quá hạn sử dụng …
Hầu hết các chất thải bệnh viện là các chất thải sinh học độc hại và mang tính đặc thù khác với các loại khác, nếu không được phân loại cẩn thận trước khi xả chung với chất thải sinh hoạt sẽ gây ra những nguy hại đáng kể. Các nguồn xả chất lây lan độc hại chủ yếu là các khu vực xét nghiệm, khu phẫu thuật, bào chế dược.
* Ô nhiễm phóng xạ từ sự rò rỉ phóng xạ, rác thải hạt nhân: đang là mối đe dọa nghiêm trọng cho sự an toàn của cuộc sống con người trên hành tinh. Trong cuộc sống hiện đại, nhân loại đang hứng chịu nhiều tai họa, trong đó họa do chính con người gây ra ô nhiễm do rò rỉ phóng xạ, rác thải hạt nhân và việc sử dụng vũ khí hạt nhân.
2. Các tác nhân chính gây hại chứa trong chất thải nguy hại:
Chất thải nguy hại chứa một hoặc nhiều tác nhân chính gây hại cho con người như sau:
1. Arsenic (Thạch tín – As) được sử dụng trong hợp kim của mạch điện, trong thuốc trừ sâu và chất bảo quản gỗ; có độc tính mạnh và khả năng gây ung thư cao.
2. Amiang đã từng được sử dụng rộng rãi làm làm vật liệu cách nhiệt trong ngành xây dựng; vẫn được sử dụng trong các miếng đệm, má phanh, tấm lợp và các vật liệu khác. Khi hít phải có thể gây ung thư và trung biểu mô.
3. Cađimi (Cd) được sử dụng trong pin, chất nhuộm, lớp phủ bề mặt kim loại và nhựa. Cơ thể con người tiếp xúc với Cd từ các hoạt động tại nơi làm việc, từ khói thuốc lá và thức ăn bị nhiễm độc. Cd là tác nhân gây huỷ hoại phổi, gây bệnh thận và làm kích ứng đường tiêu hoá.
4. Crôm (Cr) kết hợp dễ dàng với các kim loại khác hình thành các hợp kim, ví dụ thép không gỉ. Cr được sử dụng làm lớp phủ chống gỉ lên các kim loại khác, tạo màu trong sơn, chứa trong chất bảo quản gỗ và các dung dịch thuộc da. Khi nhiễm Cr(VI) sẽ gây ung thư, rối loạn gen và nhiều bệnh khác.
5. Chất thải y tế: Các loại chất thải y tế nếu không xử lý trước khi đưa ra môi trường có thể gây nhiễm trùng, truyền mầm bệnh và các vi khuẩn có hại.
6. Xyanua (CN-) là một chất độc mà ở liều cao có thể gây ra tê liệt, rối loạn và ngừng thở; tiếp xúc lâu dài ở liều thấp có thể gây mệt mỏi và làm giảm sức khoẻ. Khí hydro xyanua nén được sử dụng để trừ các loại động vật gặm nấm, côn trùng trên tầu thuỷ và trên cây cối.
7. Chì (Pb) được sử dụng trong sản xuất pin, đạn dược, sản phẩm kim loại (như que hàn và ống thép), các thiết bị chắn tia X- quang … Nếu ăn hay hít phải Pb có thể gây hại cho hệ thần kinh, thận và hệ sinh sản.
8. Thuỷ ngân (Hg) được sử dụng trong sản xuất khí clo, sôđa ăn da, nhiệt kế, chất hàn răng và pin. Hg tiếp xúc với cơ thể thường xảy ra qua đường không khí, nước, thức ăn bị nhiễm thuỷ ngân hoặc chữa trị y khoa và nha khoa. Nhiễm độc mức cao có thể huỷ hoại não, thận và bào thai.
9. PCB (PolyChloritnated Biphenyls) là các hợp chất được sử dụng trong công nghiệp làm chất lỏng trao đổi nhiệt, trong biến thế và tụ điện, làm phụ da trong sơn, giấy sao chụp không có các bon, chất bịt kín và nhựa. PCB gây tác động xấu đến hệ thần kinh, hệ sinh sản, hệ miễn dịch và gan.
10. POP (Persistent Organic Polutants – Chất ô nhiễm hữu cơ khó phân huỷ): Các chất ô nhiễm hữu cơ khó phân huỷ là một nhóm các hoá chất và thuốc bảo vệ thực vật có thể tồn tại nhiều năm trong môi trường, có khả năng phát thải và tích luỹ sinh học lớn; do vậy đe dọa con người và động vật ở cuối chuỗi thức ăn, gây một loạt tác hại về sức khoẻ.
11. Axit và kiềm mạnh: Các dung dịch ăn mòn mạnh được sử dụng trong công nghiệp có thể ăn mòn kim loại và phá huỷ các mô sinh vật sống.
12. Phóng xạ với sức khỏe con người: Những tác hại của tai nạn hạt nhân là vô cùng nguy hiểm, từ việc gây sát thương trực tiếp đến gây bệnh do nhiễm phóng xạ cấp tính, mãn tính, hỗn hợp, tổn thương các bộ phận trên cơ thể con người, tàn phá môi trường trên diện rộng, gây tác hại lâu dài.
Trên thực tế, phóng xạ được phát ra trong tự nhiên từ lòng đất, trong không khí và ở mọi nơi trên trái đất. Ngoài ra, liều lượng phóng xạ còn có thể tăng lên do bị rò rỉ trong quá trình sử dụng các yếu tố phóng xạ vào các mục đích (sử dụng chế tạo vũ khí trong quân sự, điều trị bệnh trong y học, sản xuất năng lượng hạt nhân …). Phóng xạ tự nhiên là yếu tố cấu thành môi trường sống của con người và những khu vực khác nhau thì có mức độ phóng xạ khác nhau. Phóng xạ có thể có ích hoặc có hại, tùy thuộc liều lượng. Nếu liều lượng cao sẽ gây nguy hiểm cho con người. Các nguy hiểm khi tiếp xúc với phóng xạ suốt đời sẽ ảnh hưởng nhiều nhất tới phổi, vú (ở phụ nữ), gan, dạ dày, ruột kết, tủy xương … Phóng xạ ảnh hưởng đến đặc tính di truyền của con người.
Các nhà khoa học đã khẳng định, phóng xạ có thể làm tổn thương tế bào, chết tế bào, tổn thương nhiễm sắc thể, làm chậm phát triển hệ thần kinh và hệ vận động. Mức độ tổn thương tùy liều lượng phóng xạ và giai đoạn nhiễm.
Nhiều trường hợp thai nhi bị nhiễm phóng xạ (hàng trăm đến hàng ngàn rads) do một số bệnh nhân nữ xạ trị bệnh ung thư tử cung nhưng không biết có thai. Hầu hết thai nhi đều chết hay bị dị tật như não nhỏ, nứt đốt sống, nứt vòm họng, dị dạng xương, thiểu năng tinh thần…
3. Giảm thiểu và xử lý chất thải nguy hại:
* Thu gom và lưu giữ chất thải nguy hại:
Lưu giữ chất thải nguy hại tại các cơ sở công nghiệp:
Việc lưu giữ chất thải nguy hại trong các cơ sở công nghiệp phải được áp dụng ngay từ khâu đầu phát sinh ra rác thải. Tại khu vực xí nghiệp công nghiệp phải bố trí khu lưu giữ chất thải nguy hại riêng biệt, chất thải nguy hại phải được lưu giữ an toàn, không gây ra những hủy hoại môi trường trong khi chờ được thu hồi để tái chế hay xử lý.
Các thùng lưu chứa thường phải được hàn kín và có dán nhãn mác. Việc rò rỉ các kim loại nặng từ việc lưu giữ lâu dài các xỉ kim loại đã tạo ra một số tác động đối với các lưu vực xung quanh. Xỉ kim loại được sử dụng như là nguyên liệu để làm đường có thể dẫn đến việc rò rỉ các kim loại nặng, gây ô nhiễm nguồn nước mặt và nước ngầm.
Thu gom và lưu giữ chất thải nguy hại tại các cơ sở y tế:
Thu gom chất thải bệnh viện là mấu chốt trong toàn bộ quá trình quản lý, bởi vì ở giai đoạn này, chất thải được chia thành nhiều loại khác nhau và việc phân loại chất thải không đúng có thể dẫn tới nhiều vấn đề nguy hại sau này. Những chất thải sắc nhọn cần được đựng trong các túi đựng riêng, không chọc thủng được để tránh phát tán mầm bệnh nguy hiểm.
Các chất thải nguy hại phải được lưu giữ trong phòng lạnh để tránh sự phân huỷ trong quá trình lưu giữ.
* Vận chuyển chất thải nguy hại:
Khi vận chuyển các chất thải nguy hại cần phải tuân thủ các qui định của Nhà nước về vận chuyển chất thải nguy hại.
* Xử lý và tiêu huỷ chất thải nguy hại:
Sự phát sinh chất thải là một kết quả không thể tránh khỏi của sản xuất công nghiệp, bởi vì không có một qui trình sản xuất nào đạt hiệu suất 100% và vì thế vẫn rất cần phải có các giải pháp kỹ thuật để xử lý chất thải nguy hại.
Nguyên tắc chung để xử lý chất thải nguy hại:
– Giảm lượng và độ độc của chất thải nguy hại tại nguồn thải.
– Xử lý chất thải:
+ Tách các chất thải nguy hại;
+ Biến đổi hóa tính, sinh học nhằm phá huỷ các chất thải nguy hại hoặc biến thành các chất ít nguy hại hơn hoặc không gây nguy hại;
+ Thải bỏ các chất thải nguy hại theo đúng kỹ thuật để không gây tác hại tới môi trường và sức khoẻ cộng đồng. Xử lý theo phương pháp cơ học: Xử lý cơ học thông thường được dùng để chuẩn bị chất thải trong quá trình xử lý sơ bộ của phương pháp xử lý hoá lý hay xử lý nhiệt.
Phương pháp hoá lý: Tách chất thải nguy hại từ pha này sang pha khác, hoặc để tách pha nhằm giảm thể tích dòng thải chứa chất thải nguy hại. Xử lý hóa lý là phương pháp thông dụng nhất để xử lý các chất thải vô cơ nguy hại.
Phương pháp sinh học: Phân huỷ sinh học các chất thải hữu cơ độc hại.
Phương pháp nhiệt (thiêu đốt): Xử lý chất thải bằng phương pháp nhiệt là quá trình biến đổi chất thải rắn dưới tác động của nhiệt thành các chất ở thể khí, lỏng và rắn (tro, xỉ) đồng thời với việc tỏa nhiệt.
Trong tất cả các phương pháp trên thì phương pháp thiêu đốt là phương pháp hay được sử dụng nhất, nó cho phép xử lý triệt để nhất; tuy nhiên giá thành của phương pháp này lớn nên ở nước ta mới chỉ xây dựng được công trình xử lý nhiệt ở một số nơi.
Việc quản lý an toàn bức xạ được thực hiện theo Pháp lệnh An toàn và kiểm soát bức xạ, các cơ sở khi sử dụng nguồn bức xạ cũng như các máy phát tia bức xạ phải đăng ký và xin cấp phép. Ngoài việc cấp giấy phép, kiểm tra việc tuân thủ của các cơ sở bức xạ đối với Pháp lệnh An toàn & kiểm soát bức xạ và các điều kiện ghi trong giấy phép cần được làm thường xuyên. Hầu hết các nguồn phóng xạ hiện đang dùng là nguồn phóng xạ kín nên khả năng gây nhiễm xạ thấp.
Điều quan trọng là không để gây ra thất thoát nguồn. Để tăng cường công tác quản lý đối với các nguồn phóng xạ, ngày 07/6/2006, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ đã ban hành Chỉ thị số 13/2006/CT-BKHCN về tăng cường công tác quản lý an toàn và an ninh các nguồn phóng xạ
Tài liệu tham khảo:
1. Giảm thiểu chất thải nguy hại: Một chỉ dẫn giản lược cho Công ước Basel
2. Chương trình Nghị sự 21 của Việt Nam
3. PGS.TS Nguyễn Thị Kim Thái: Quản lý chất thải nguy hại
4. Tiêu chuẩn Việt Nam: TCVN 6707:2000
5. Nguyễn Thị Thìn – Tuấn Lan, 2001: Môi trường ô nhiễm và hậu quả
6. NXB Khoa học và kỹ thuật
7. Qui định mới về môi trường, 2005
NXB Chính trị quốc gia.
Tác giả bài viết: Ngô Gia bảo