Tư tưởng Hồ Chí Minh về vai trò của thế hệ trẻ

Muốn thức tỉnh một dân tộc, trước hết phải thức tỉnh thanh niên. Ngay sau khi tiếp thu lý luận Mác – Lênin, Hồ Chí Minh quan tâm đầu tiên đến việc giác ngộ thanh niên. Người đã mở các lớp huấn luyện tại Quảng Châu – Trung Quốc (1925 – 1927) dành cho thanh niên yêu nước Việt Nam. Người luôn kêu gọi thanh niên phải ý thức được trách nhiệm trước dân tộc để đấu tranh giành độc lập cho đất nước.

Trong quan niệm của Hồ Chí Minh thì tuổi trẻ là mùa xuân của xã hội, của dân tộc. Hồ Chí Minh chỉ rõ tuổi trẻ không những là người kế tục các thế hệ trước, mà còn là tương lai của đất nước, của dân tộc. Người đã ví tuổi trẻ như mùa xuân, bắt đầu của một năm. Trong Tư tưởng Hồ Chí Minh, thanh niên có vai trò đặc biệt quan trọng đối với sự phát triển của xã hội.

Sự phát triển của xã hội phần lớn phụ thuộc vào thanh niên. Hồ Chí Minh đã viết “Người ta thường nói: Thanh niên là người chủ tương lai của nước nhà. Thật vậy nước nhà thịnh hay suy, yếu hay mạnh một phần lớn là do các thanh niên. Thanh niên muốn là người chủ tương lai cho xứng đáng thì ngay hiện tại phải rèn luyện tinh thần và lực lượng của mình, phải ra sức làm việc để chuẩn bị cho cái tương lai đó”. Người yêu cầu thanh niên phải thấm nhuần tinh thần làm chủ nước nhà và học tập trau dồi đạo đức cách mạng, vì “Cũng như sông thì có nguồn mới có nước, không có nguồn thì sông cạn. Cây phải có gốc, không có gốc thì cây héo. Người cách mạng phải có đạo đức, không có đạo đức thì dù tài giỏi mấy cũng không lãnh đạo được nhân dân”. Chính nhờ đạo đức cách mạng mà mỗi thanh niên có thể tự phấn đấu hoàn thiện mình, hình thành năng lực để hoàn thành nhiệm vụ cách mạng vẻ vang. Trong mối quan hệ giữa cá nhân và xã hội, Hồ Chí Minh yêu cầu thanh niên phải tự hỏi mình đã làm gì cho nước nhà, chứ đừng hỏi nước nhà đã cho mình những gì? Là thanh niên của thời đại mới phải có tình thương và trách nhiệm với mọi người, với xã hội

Việc học tập, rèn luyện của thế hệ trẻ góp phần quan trọng đến tương lai phát triển của đất nước. Hồ Chí Minh rất chú trọng đến việc học tập phấn đấu vươn lên của thế hệ trẻ. Trong thư gửi thanh niên nhân dịp kỷ niệm lần thứ 20, ngày Cách mạng Tháng Tám thành công, Người viết “Ra sức học tập nâng cao trình độ chính trị, văn hóa, khoa học kỹ thuật và quân sự để cống hiến ngày càng nhiều cho Tổ quốc, cho nhân dân”. Người còn chỉ rõ: làm nghề gì cũng phải học, mục đích của học không phải gì khác hơn là để nâng cao năng lực, làm cho kinh tế phát triển, chiến đấu thắng lợi, đời sống nhân dân ngày càng được ấm no, vui tươi. Mặt khác, Người luôn phê phán một bộ phận không nhỏ thanh niên dường như quên lãng quá khứ, đánh mất bản sắc dân tộc. Người căn dặn thanh niên bây giờ phải ra sức học tập để nâng cao hiểu biết, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của nhiệm vụ cách mạng.

Hồ Chí Minh luôn đề cao vai trò của giáo dục đào tạo thế hệ trẻ đối với sự nghiệp cách mạng. Trong nhiệm vụ bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau, Hồ Chí Minh nhắc đến vai trò của thế hệ cách mạng đi trước là phải chăm lo, đào tạo thế hệ kế tục sự nghiệp cách mạng và phải bồi dưỡng họ để họ tiến bộ hơn mình, như thế mới tốt. Việc giáo dục đào tạo thế hệ trẻ được Hồ Chí Minh quán triệt là không giáo điều trong sách vở, ở những lời nói mà bên cạnh việc giáo dục ở trường, ở sách vở còn phải học tập lẫn nhau và học ở nhân dân. Làm được việc đó thì thế hệ đi sau mới có thể tiến bộ hơn thế hệ đi trước và đủ sức đảm đương nhiệm vụ cách mạng trong thời kỳ mới. Việc học tập phải gắn với yêu Tổ quốc, yêu nhân dân, yêu lao động, yêu khoa học, yêu đạo đức. Những gì trái với quyền lợi của Tổ quốc, của nhân dân thì chúng ta kiên quyết chống lại. Học để phụng sự Tổ quốc, phụng sự nhân dân, làm cho dân giàu, nước mạnh. Có như vậy thanh niên thế hệ mới mới có khả năng giữ vững và viết tiếp những trang sử vẻ vang, hào hùng của dân tộc.

PhuthoPortal (Nguồn báo Bắc Giang điện tử )

Source: https://vvc.vn
Category : Sống trẻ

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Alternate Text Gọi ngay