Tiến hành phân loại chất thải tại cơ sở khám, chữa bệnh như thế nào?
Theo Thông tư số 20/2021/TT-BYT ngày 26/11/2021 của Bộ Y tế quy định về quản lý chất thải y tế trong pham vi khuôn viên cơ sở y tế, mỗi nhân viên của bệnh viện, mỗi người bệnh, người nhà người bệnh, khách thăm đến bệnh viện đều được hướng dẫn phân loại chất thải rắn theo 3 nguyên tắc:
1. Chất thải y tế phải phân loại để quản lý ngay tại nơi phát sinh và tại thời điểm phát sinh.
2. Từng loại chất thải y tế phải phân loại riêng vào trong bao bì, dụng cụ, thiết bị lưu chứa chất thải theo quy định.
3. Trường hợp chất thải lây nhiễm để lẫn với chất thải khác thì hỗn hợp chất thải đó phải thu gom, lưu giữ và xử lý như chất thải lây nhiễm và tiếp tục thực hiện quản lý theo tính chất của chất thải sau xử lý.
Chất thải y tế phát sinh từ cơ sở khám bệnh, chữa bệnh được phân loại thành 03 loại: chất thải lây nhiễm, chất thải nguy hại không lây nhiễm và chất thải rắn thông thường.
– Chất thải lây nhiễm bao gồm: chất thải lây nhiễm sắc nhọn (kim tiêm, bơm liền kim tiêm, đầu sắc nhọn của dây truyền,… có dính, chứa máu của cơ thể hoặc chứa vi sinh vật gây bệnh); chất thải lây nhiễm không sắt nhọn (bông, băng, gạc, găng tay,… có thấm, dính, chứa máu của cơ thể, chứa vi sinh vật gây bệnh) và chất thải có nguy cơ lây nhiễm cao (bệnh phẩm, dụng cụ đựng, dính mẫu bệnh phẩm, chất thải dính mẫu bệnh phẩm; các chất thải phát sinh từ khu vực điều trị cách ly, khu vực lấy mẫu xét nghiệm người bệnh mắc bệnh truyền nhiễm nguy hiểm nhóm A, nhóm B).
– Chất thải nguy hại không lây nhiễm bao gồm: hóa chất và dụng cụ đựng hóa chất độc hại như dược phẩm có khả năng gây độc tế bào, thiết bị hỏng có chứa thủy ngân, cadimi (Cd), pin, ác quy thải bỏ và các chất thải nguy hại khác
– Chất thải rắn thông thường: Chất thải rắn sinh thường ngày, hóa chất thải bỏ không có thành phần, tính chất nguy hại vượt ngưỡng chất thải nguy hại và các chất thải rắn thông thường khác.
Bao bì, thùng chứa, thiết bị lưu trữ, thu gom chất thải y tế cũng có quy định cụ thể như sau:
– Thùng hoặc hộp kháng thủng màu vàng: Chất thải lây nhiễm sắc nhọn;
– Màu vàng: Chất thải lây nhiễm;
– Màu đen: Chất thải nguy hại không lây nhiễm dạng rắn;
– Màu xanh lá cây: Chất thải rắn thông thường không sử dụng để tái chế;
– Màu trắng: Chất thải rắn thông thường sử dụng để tái chế;
Sau đó, nhân viên vệ sinh sẽ tập trung tại nhà chứa chất thải đúng theo quy định. Cụ thể, tại Bệnh viện quận Tân Phú đã triển khai đến tất cả khoa phòng tiến hành phân loại chất thải y tế tại nguồn và chứa trong bao bì, thùng chứa theo quy định.
Chất thải nhựa trong cơ sở y tế phát sinh từ những nguồn nào?
– Từ hoạt động sinh hoạt thường ngày của nhân viên y tế, bệnh nhân, người nhà bệnh nhân.
– Từ hoạt động khám bệnh, chữa bệnh tại cơ sở y tế.
– Từ hoạt động quản lý chất thải y tế và túi nilon đựng chất thải.
– Từ hoạt động kinh doanh, cung ứng thuốc, hóa chất.
Giải pháp can thiệp giảm thiểu chất thải nhựa tại BV quận Tân Phú?
Căn cứ vào Báo cáo chất thải y tế năm 2021 tại Bệnh viện quận Tân Phú, bệnh viện hiện có quy mô 325 giường bệnh nội trú với hơn 3000 lượt khám ngoại trú mỗi ngày. Lượng chất thải phát sinh khá lớn, chỉ riêng chất thải lây nhiễm đã phát sinh trong khoảng 5000 kg – 6000kg/tháng, chất thải thông thường khoảng 8000kg/tháng và chất thải tái chế (chủ yếu là chất thải nhựa) khoảng 120kg/tháng.
Ngoài việc triển khai đầy đủ các nội dung quy định tại Thông tư số 20/2021/TT-BYT ngày 26/11/2021 của Bộ Y tế quy định về quản lý chất thải y tế trong pham vi khuôn viên cơ sở y tế, bệnh viện còn lồng ghép thực hiện Chương trình giảm thiểu chất thải nhựa ngành y tế. Với các nội dung cụ thể:
– Đẩy mạnh hoạt động tập huấn, tuyên truyền cho đối tượng nhân viên y tế, người bệnh, người nhà người bệnh nhằm nâng cao nhận thức về tác hại của chất thải nhựa, đưa ra các giải pháp nhằm hạn chế tiêu dùng, tiến tới loại bỏ các sản phẩm nhựa và túi nylon khó phân hủy. Tiến hành truyền thông bằng nhiều hình thức đa dạng như: poster, phát tờ rơi tới tận tay đối tượng, tuyên truyền phân loại chất thải trong các cuộc họp Hội đồng người bệnh tại khoa điều trị,…
– Tại các khoa/phòng trong bệnh viện: Tăng cường sử dụng thuốc bằng đường uống; sử dụng các vật dụng sinh hoạt, vật tư, thiết bị y tế, bao bì, dụng cụ đóng gói, chứa, đựng thuốc, hóa chất làm từ vật liệu thân thiện với môi trường hoặc có thể tái sử dụng trong quá trình khám, chẩn đoán, điều trị và chăm sóc người bệnh, trong hoạt động nghiên cứu, kiểm nghiệm, kiểm định và các hoạt động chuyên môn y tế khác nhằm giảm phát sinh chất thải nhựa.
– Trong sinh hoạt thường ngày của nhân viên y tế, người bệnh và người nhà người bệnh: Hạn chế sử dụng túi, chai, bát, đĩa, ống hút và các vật dụng khác làm từ nhựa dùng một lần hoặc nylon khó phân hủy, ưu tiên sử dụng các loại túi tự phân hủy sinh học hoặc vật dụng với chất liệu thân thiện với môi trường như túi giấy, ống hút gạo,…khuyến khích sử dụng các vật dụng có thể tái sử dụng như bình inox, ly sứ,…hay sử dụng dịch vụ ăn uống tại chỗ để hạn chế các dụng cụ sử dụng một lần.
– Tiến hành phân loại, thu gom, vận chuyển, lưu giữ, xử lý chất thải y tế đúng quy định.
– Tăng cường công tác phối hợp kiểm tra, giám sát công tác quản lý chất thải y tế, công tác thông tin, truyền thông tại bệnh viện.
Bệnh viện đã và đang tiếp tục đẩy mạnh tổ chức, xây dựng các chương trình, phong trào bảo vệ môi trường, tiến tới mục tiêu giảm thiểu chất thải nhựa tại bệnh viện nhằm tạo một môi trường Xanh – Sạch – Đẹp, từ đó đáp ứng được nhu cầu khám bệnh, chữa bệnh và tạo nên sự hài lòng của người bệnh khi thăm khám tại bệnh viện.
T2G/KHOA KSNK
BỆNH VIỆN QUẬN TÂN PHÚ