Có lẽ nhắc lại về thân thế Nguyễn Đức Đạt cũng không dư thừa dù ai cũng đã biết ít nhiều về anh, bởi vì cuộc đời ấy, theo tôi, là một điển hình cho sự phấn đấu vươn lên mạnh mẽ nhất.
Bạn đang xem: Ta yêu đời đời sẽ yêu ta
Hình như bao nhiêu bất hạnh đã đổ hết lên tuổi thơ của con người này. Anh bị khiếm thị bẩm sinh, lại mồ côi từ nhỏ: cha về Mỹ và mất liên lạc, 5 tuổi thì mất luôn mẹ nên phải vào viện mồ côi cùng với em gái. Sau biến cố 75, khi viện mồ côi bị đóng cửa, anh cùng cô em gái đã phải sống lang thang ngoài hè phố Saigon. Tuy vậy một niềm tin mãnh liệt nào đó vẫn vững chắc trong anh. Có lần anh đã an ủi cô em gái đang tuyệt vọng vì bị hắt hủi: “Đừng lo, thế nào rồi mình cũng gặp người tốt. Thế nào mình cũng sẽ có cơ hội”. Và cơ hội đã đến khi anh sang Mỹ theo diện nhân đạo. Tại đây anh đã đạt được nỗi khát vọng âm nhạc của mình: trở thành nhạc sĩ độc tấu tây ban cầm tài ba và sáng tác nhiều bài hát nao nức lòng người. Điều mà tôi ngưỡng mộ nhất ở anh là ý chí kiên cường và quyết tâm trở thành người có tri thức. Từ trong tột cùng bất hạnh anh đã vươn lên trong vô vàn khó nhọc, hiểm nguy để có được văn bằng cử nhân về bộ môn độc tấu guitare tại đại học California State University. Giờ đây anh đã trở thành một nhạc sĩ nổi tiếng, đoạt được giải nhất độc tấu guitare của tiểu bang California và nhiều giải thưởng khác.
Một may mắn của anh thuở thiếu thời là đã được học trường khiếm thị Nguyễn Đình Chiểu. Như một bất ngờ mầu nhiệm, sang Sydney lần này anh gặp lại cô giáo Huỳnh Thị Liễu, một cựu nữ sinh Gia Long, đã từng dạy anh trong thời gian đó. Hơn 30 năm thầy trò mới gặp lại. Không lời nào có thể tả được nỗi vui mừng của người thầy trước sự thành công vượt bực của người học trò bất hạnh năm xưa. Nước mắt của họ đã rơi, nhưng đó là những giọt nước mắt của hạnh phúc và hãnh diện.
Đời đã nhiều lần ngoảnh mặt với anh, đã có lần đẩy anh xuống tận cùng tủi cực. Nhưng không vì thế mà anh quay lưng với đời. Khi đã đạt được danh vọng, anh không quên những người bất hạnh khác. Bằng tài năng và quyết tâm của mình anh đã trở thành một trong hai cột trụ của nhóm “Ngọc Trong Tim”. Đây là một tổ chức từ thiện, hoạt động gây quỹ giúp những trẻ em khuyết tật có cơ hội tự lập và phát triển tài năng của mình.
Chủ đề và mục tiêu của đêm nhạc
Với mục đích gây quỹ trùng tu mộ phần của các thuyền nhân đã bỏ mình trên đường tìm tự do nên phần đầu của chương trình là những đoạn phim về cảnh hoang phế điêu tàn của những phần mộ trên những đảo xa …. Bên cạnh đó, chủ đề “Yêu Đời, Đời Sẽ Yêu Ta” ca ngợi một cuộc sống tích cực, tin tưởng vào tình yêu và con người. Tưởng chừng như có một nghịch lý nào đó giữa mục tiêu và chủ đề của đêm nhạc.
Một cô gái Sydney xinh đẹp trong vai người em dẫn chàng nhạc sĩ mù đi quanh khán giả là cảnh mở đầu chương trình, như nhắc lại những ngày thơ ấu của hai anh em. Ánh đèn vàng mờ soi lối hai người đang lần bước qua nhiều hàng ghế như báo trước những tâm sự đau thương sẽ được trình tấu trong đêm nay. Hơn nữa, Văn Khố Thuyền Nhân tổ chức đêm độc tấu guitare để gây quỹ trùng tu cho các mộ phần hoang lạnh của các nạn nhân vượt biển thì ai cũng nghĩ rằng khán giả sẽ bị chinh phục bằng những ca khúc bi ai. Ý nghĩ đó càng rõ nét thêm khi người MC có khuôn mặt duyên dáng xúc động nhắc lại nỗi thương tâm và những bất hạnh tột cùng của những cô gái vượt biển năm nào: bị làm nhục một cách dã man, bị quăng thây xuống lòng đại dương một cách tàn nhẫn. Họ chết tức tưởi cô đơn trong đau đớn tận cùng. Cử toạ lặng đi trong nỗi nghẹn ngào, phẩn hận ….
Ánh mắt con tim
Thế nhưng, khi giọng nói và tiếng nhạc của Nguyễn Đức Đạt trỗi lên tôi thật sự bất ngờ. Một đêm nhạc sống động đầy lòng bác ái, một biểu hiện lạc quan cởi mở cùng một phong cách rất tự tin, thư thái yêu đời đã cuốn hút người nghe từ bản nhạc đầu tiên đến bản cuối cùng. Phần trình diễn của anh rất đa dạng: tự đệm cho mình hát, độc tấu tây ban cầm cả nhạc Việt lẫn nhạc ngoại quốc, và song tấu sôi nổi với nhạc sĩ Hoàng Ngọc Tuấn. Một bất ngờ thú vị là anh còn cho người nghe thưởng thức tài thổi sáo khá độc đáo của mình.
Nguyễn Đức Đạt tin tưởng rằng “tình yêu là cứu tinh của con người”<1>. Dù mai này mặt trời tắt ngấm, dù cả thế giới chìm trong đêm đen vô tận thì tình yêu “vẫn cháy không bao giờ nguôi”.Và khi đó nước mắt có chảy thì cũng “để khóc đê mê vì yêu” chứ không phải vì đau thương bất hạnh.
Xem thêm: 12 Bức Tượng Phật Đẹp Nhất Thế Giới Trang Nghiêm, Kỳ Vĩ, Top 10 Bức Tượng Hùng Vĩ Nhất Thế Giới Hiện Nay
Trong tâm tưởng của nhạc sĩ thì cuộc sống của chúng ta, những người tị nạn, là áng “Mây Vô Xứ”. Mây cứ bềnh bồng trôi, nỗi nhớ quê hương cứ âm ĩ không nguôi …. Nhưng không vì vậy mà anh có suy nghĩ tiêu cực. Anh khẳng khái chấp nhận quê hương mới. Có lẽ nhờ khẳng định như vậy mà nhạc sĩ rất lạc quan cho rằng cuộc đời là cả một mùa xuân, thế gian này là cả một mùa xuân qua bản: “Xuân Bốn Mùa”. Anh trải lòng ra theo gió xuân trong lành, mời nhân loại tận hưởng nắng xuân ấm áp và đón nhận nhau bằng sự thanh khiết của tiết xuân…. Nguyễn Đức Đạt chuyển tải mùa xuân đến với chúng ta bằng âm hưởng rộn ràng nhưng tha thiết, bằng nồng ấm và tinh anh của nắng xuân cùng sự thuần khiết của hương xuân. Bài nhạc không mang màu sắc rực rỡ của cảnh xuân nhưng lại bàng bạc những sắc màu mà ta chỉ có thể cảm nhận được bằng con tim thánh thiện.
“Gã Điên Trên Đồi Hoang” là một sự cảnh giác về nhận thức giá trị một con người. Người đời thường chuộng vẻ đẹp bên ngoài mà quên đi nét đẹp của tâm hồn. Sự thánh thiện, cao quý ở ngay bên ta, trong cuộc sống thường nhật. Nhưng lắm khi không được nhận ra chỉ vì con người thường đánh giá kẻ khác qua diện mạo bên ngoài. Đôi khi họ còn bị rẻ rúng, bị coi là điên rồ, bị xa lánh …. Đáng thương thay cho phàm nhân; và đáng tiếc thay, đôi khi giá trị của thánh nhân chỉ được nhận ra lúc họ không còn tồn tại nữa. Cả hội trường lắng nghe trong cảm giác bâng khuâng khó tả.
Nguyễn Đức Đạt tìm thấy một chân lý về cuộc sống cho riêng mình và truyền đạt đến người nghe. Một triết lý thật đơn giản nhưng vô cùng chính xác: “Yêu người thì người sẽ yêu ta, tâm yên bình thì đời có yên vui”. Và muốn được như vậy thì phải biết “đem hận thù đổi lấy thứ tha, … để thấy lòng mình vẫn rong chơi” …. Cử tọa bị cuốn hút đến độ tất cả đều cùng nhịp hát theo anh như đang hợp xướng một bản thánh ca nơi giáo đường.
Nhạc phẩm Tiếng Sáo Bồ Đề là một độc đáo khác. Anh dùng một loại sáo đặc biệt của thổ dân Mỹ để trỗi lên những âm điệu ấm áp du dương, mô tả lời thuyết pháp của Đức Phật Thích Ca. Những nhịp chuông trong vắt hòa quyện theo tiếng sáo trầm bổng len sâu vào tâm thức, ru người nghe vào cõi vô ưu thoát tục.
Về kỹ thuật đàn của anh, tôi nghĩ chỉ cần nói đến bản độc tấu “Hòn Vọng Phu 1” là đủ. Tôi không biết chơi đàn và cũng không phân tích được chính xác ngón đàn của anh nên xin trích một đoạn trong bài “Tôi Quen Người Bạn Mới” của tác giả Lê Minh Thịnh, đăng trên trang mạng “Người Việt Ly Hương” http://www.lyhuong.net/uc/index.php/bandoc/2617-2617
“Tay phải anh gẩy đàn lúc chậm rãi kiểu guitar classic, lúc liến thoắng và rung theo kiểu flamenco, lúc nhịp mạnh vào thùng đàn. Tay trái bấm gam, đôi lúc gẩy thêm vài nốt. Dây đàn lúc thẳng, lúc quấn vào nhau để tạo nên tiếng trống, tiếng vó ngựa. Khán giả càng ngạc nhiên hơn khi nghe Quốc Ca Việt Nam lồng trong Hòn Vọng Phu, “Này công dân ơi! Quốc gia đến ngày giải phóng…”. Quả là hình ảnh người phụ nữ Việt Nam được đề cao như tấm lòng ái quốc thiêng liêng hòa lẫn vào tình cảm giađình, ôm con chờ chồng mà hóa đá…”
Tôi đã bàng hoàng đến lặng người khi nghe đoạn nhạc này. Sau khúc bi hùng buổi chia tay giữa chinh phu và chinh phụ, hòa trong tiếng kèn, tiếng trống thúc quân hùng tráng, vài câu quốc ca được lồng vào một cách tài tình. Qua đó anh đã khẳng định lại rằng truyến thống chống ngoại xâm từ ngàn xưa của dân Việt vẫn lưu truyền và tồn tại cho đến ngày nay. Cảnh tượng hàng hàng lớp lớp trai hùng được thể hiện trong giai điệu cuối cùng. Tiếng vó ngựa dồn dập tụ vào nhau rồi dần xa, dần xa … và cuối cùng khuất hẳn. Tình yêu quê hương của Nguyễn Đức Đạt đã thể hiện một cách tinh tế và được chuyển tải đến người nghe bằng sự điêu luyện tuyệt vờì. Tiếng vó câu xa rồi, đoàn người khuất hẳn rồi mà khán giả vẫn còn chìm trong nhạc giác. Mãi một lúc sau tiếng vỗ tay mới bùng lên và kéo dài rất lâu.
Thiên sứ hát giữa trần gian
Nguyễn Đức Đạt không phải chỉ đơn giản là “hòn đá nhỏ nhoi để góp mình xây đắp yên vui” như lời anh đã hát. Tôi nghĩ anh đã làm tròn trọng trách “thiên sứ hát giữa trần gian ru vào quên lãng”. Thật vậy, anh đã ru đau thương vào quên lãng, đã ru hận thù vào thứ tha, đã xóa đi nỗi dằn vặt ưu tư để mang bình an trong tâm hồn cho những người ngồi đây, những người Việt Nam xa quê hương …. Đối với người đã khuất, bằng lời ca anh đã rửa sạch đớn đau tủi nhục của những người con gái bất hạnh năm xưa. Lời anh hát như câu kinh cứu rỗi cho những linh hồn đau thương chìm sâu trong mộ phần hoang lạnh nơi đảo xa. Và cũng cảnh tỉnh những ai còn thờ ơ với nỗi đau và niềm bất hạnh của con người. Xin được trích đoạn cuối bài thơ của tác giả TT viết từ xúc cảm sau đêm biểu diễn:
Đêm nayTiếng hát người nhạc sĩ mùXóa đi tủi nhục đời emTiếng đàn người nhạc sĩ mùLà ánh dương soi trên ngàn nấm mồ hoang lạnhVà soi cả đường đời tăm tốiCủa những con ngườiMắt sáng hơn anh.
Xem thêm: 10 Câu Thần Chú Mật Tông – Các Thần Chú Mật Tông Thường Dùng
Tâm hồn tôi đầy ắp âm điệu và lời ca khoan hòa như những câu kinh siêu thoát “Tâm không nghe âu lo giữa nẻo đường sinh tử loanh quanh”. Tôi đã nhìn sâu vào mắt người quanh tôi và bắt gặp những ánh mắt ân tình đáp lại. Đêm khuya lắm rồi mà chúng tôi cũng còn quyến luyến chưa muốn chia tay. Cám ơn anh, chàng nhạc sĩ thiếu ánh sáng nhưng đã cho chúng tôi thấy được màu sắc của con tim “Tâm tôi nghe trong xanh dù ngoài trời giăng giăng mây xám”. Cám ơn anh, Thiên Sứ “mang câu ca yêu thương hầu làm nhòa đi lời cay đắng. Cám ơn các anh, những người tổ chức đêm nhạc này, một đêm nhạc như “cơn mưa đêm xuân làm cuộc đời tươi thắm hơn lên”. Và cám ơn cuộc đời đã hun đúc được những con người tài năng và có tấm lòng nhân ái.