Nạn karaoke, một thứ tai nạn bắt nguồn từ Trung Quốc – Chân Dung Việt Nam – https://vvc.vn


Loa kẹo kéo, một thể loại karaoke phổ biến với giới bình dân. (Nguyên Quang/ Viễn Đông)

Bài NGUYÊN QUANG

Cho đến lúc này, tại Việt Nam, ngoài các loại nạn như giao thông, đuối nước, say rượu, ma túy, tự tử, cướp giật… Hình như, karaoke cũng bị xem là một loại nạn, mà cái nạn này tuy đơn giản nhưng có thể dẫn đến chết người. Lạ ở chỗ, cách cư xử của nhà cầm quyền chẳng có gì thay đổi sau khi karaoke hoành hoành và tạo ra biết bao hệ lụy. Có thể nói rằng karaoke là đại nạn của thời đại, nó được dung túng một cách kì lạ, quái gở!

Nhìn đâu cũng thấy, đi đâu cũng nghe

Đó là tâm lý chung của người Việt bây giờ, cuối tuần, sau một chuỗi ngày dài làm việc vất vả, mệt nhọc, chỉ muốn nghỉ ngơi lấy sức, thế mà karaoke nhà hàng xóm nổi lên, ê a từ sáng tới trưa, từ trưa tới chiều, có khi nổi hứng từ chiều chuyển sang tối… Thì phải biết.


Xứ mờ ảo xanh đỏ tím vàng… (Nguyên Quang/ Viễn Đông)

Anh Quang, một người cho thuê giàn karaoke, sống ở Điện Bàn, Quảng Nam, chia sẻ, “Ban đầu mình làm là vì đam mê, nhưng dần về sau, hình như mình làm là vì tiền, chứ không đam mê nổi nữa!”

“Vì tiền, nghĩa là sao? Anh có thể nói rõ hơn được không?”

“Mình vốn làm (nhân viên) bảo vệ, thực ra, anh biết rồi đó, làm nghề bảo vệ thì cũng chả khác gì công nhân, lao động, cũng là nghề phổ thông thôi, nên thường là chán chường nếu cứ sáng đi làm, tối trực, bữa nào rảnh thì rề rà nhậu nhẹt, thôi thì mình phải tìm một cái gì đó đam mê mà gần với khả năng của mình, vậy là tôi chọn sắm giàn karaoke để cho thuê, nó gần với đam mê của mình mà cũng vui nữa.”

“Niềm vui cho thuê karaoke như thế nào vậy anh, xin anh vui lòng chia sẻ thêm?”

“Thì ban đầu mình nghĩ rằng mình được giao lưu, được uống ké bia (cười) khi đi cho thuê giàn nhạc. Nhưng đúng là đầu óc mình hồn nhiên quá, khi lao vào rồi, bỏ ra gần cả trăm triệu bạc (100 triệu là khoảng $4,200 Mỹ kim) để sắm giàn âm thanh, màn hình và ánh sáng, tới khi cho thuê, lấy lại từng đồng lẻ, mà phải hầu hạ chầu chực người ta cho đến tận khuya, thậm chí có bữa gặp mưa là mình bất chấp điện giật, lo mà chạy cứu mấy cái loa, giàn ampli, khổ vô cùng. Làm cả năm trời vẫn chưa lấy được 50% vốn, khổ lắm! Cho nên chẳng còn vui được đâu!”


Thành phố đến nông thôn, đi đâu cũng thấy bảng chỉ dẫn, quảng cáo karaoke. (Nguyên Quang/ Viễn Đông)

“Anh thấy bây giờ karaoke nhiều không? Và có bao nhiêu loại karaoke vậy anh?”

“Có cả trăm loại ấy chứ, hàng Trung Quốc, hàng Nhật, hàng Mỹ, hàng Úc, hàng Canada, hàng Đức… nếu tính về xuất xứ không thôi cũng đã có hàng trăm loại, còn tính về chủng loại, ví dụ karaoke chuyên nghiệp thì có hai loại, loại lưu động như của mình cho thuê đây và loại trong phòng ở các điểm karaoke. Bây giờ người ta trang bị hiện đại lắm, có khi cả trăm triệu đồng trên mỗi phòng. Như giàn của mình cũng gần trăm triệu đó. Nhưng mà karaoke phòng có ăn hơn, chứ lưu động như mình thì đi đụng đầu, khó nhai lắm!”

“Thường anh cho thuê tính theo buổi hay theo giờ? Và có bao giờ gặp rắc rối nào chưa?”

“Mình cho thuê theo buổi, theo tiệc, ví dụ tiệc ở xa trên hai mươi cây số (20km) thì mình tính một buổi bảy trăm ngàn đồng (tương đương $30), thời gian buổi sáng từ 6 giờ sáng đến 12g30 trưa, còn buổi chiều thì từ 1 giờ trưa đến 8 giờ tối. Trường hợp ở gần thì giá rẻ hơn nhiều. Nếu khách muốn hát thêm thời gian thì họ bồi dưỡng thêm chút đỉnh tiền, nhiều trường hợp mình để họ hát thêm thôi chứ cũng chẳng lấy tiền. Chỉ lo…”


Cho thuê phòng nghỉ và phòng hát karaoke là hai trong những loại dịch vụ hái ra tiền nhất hiện tại. (Nguyên Quang/ Viễn Đông)

“Lo cái vậy gì anh?”

“Lo hàng xóm họ chịu không nổi, nhất là bây giờ, nhà nào cũng có vài em xăm trổ, dễ sợ quá, chơi nó nghe ồn ào, sang hỏi, rồi lỡ có vài ly say xỉn, bên này lớn tiếng lại thì đập nhau, mình gánh toàn phần, có khi bị đập lây, rồi đập hết âm thanh, ánh sáng, chuyện này nhiều người cho thuê karaoke gặp rồi. Thêm nữa, giả sử mình và dụng cụ không bị gì thì cũng thấy áy náy. Khổ lắm! Làm cái nghề này đúng là khổ, gọi nó là nghề cũng không đúng, nhưng đầu tư lớn rồi, giờ không gọi là nghề thì gọi là gì chứ?! Khổ lắm!”

Loa chợ với loa chùa

Anh Hùng, một võ sư, từng nói vui trong bức xúc, “Trong đời này, có hai thứ tôi vô cùng sợ, đó là loa nhà chùa và karaoke.”


Trú xứ karaoke (Nguyên Quang/ Viễn Đông)

“Anh có thể nói rõ hơn một chút được không?”

“Bây giờ thì nơi nào cũng có chùa, nhưng chả hiểu sao chùa lại ồn ào quá, chùa ở ngay trong thành phố mà cứ bốn giờ sáng là gõ xong hồi đại hồng chung thì chuyển sang mở loa tụng kinh. Giá như chỉ gióng đại hồng chung không thôi thì hay biết mấy, đằng này mở loa tụng kinh ồn ào kinh khủng! Thêm cái nạn karaoke nữa thì coi như hết, mất ngủ luôn!”

“Theo anh, chùa mở loa có tính cá biệt hay là trào lưu? Sao anh không báo chính quyền địa phương họ xử lý?”

“Xử lý kiểu gì đây? Vì từ lúc các ông bà cán bộ đến chùa thì chùa mới màu mỡ, giàu có, mới trang bị nhiều thứ trong đó gồm cả dàn âm thanh và ánh sáng. Từ lúc các ông bà cán bộ tới chùa thì chùa mới dám mở to loa tụng kinh. Như vậy, nếu đi khiếu nại vì chùa làm ồn thì khiếu nại với ai, con kiến kiện củ khoai à? Khó, không chừng lại dây dưa phiền phức cho mình và gia đình mình. Cái thời đại mà chùa cũng ồn ào, xéo xắt, chùa là sân sau của nhà quan, thì còn nói gì được nữa!”


Lời trần tình của một facebooker. (Nguyên Quang/ Viễn Đông)

“Còn vụ karaoke thì sao, anh có thấy phiền không?”

“Tôi nhớ mãi một câu nói của ông Trưởng khối phố, tức là ngang hàng với thôn trưởng ở quê, trưởng ấp thời trước 1975 đó. Ông này nói trong dịp lễ giỗ tổ mồng mười tháng ba năm nay rằng “muốn cho dân yên, thôi thì thuê cho dân một dàn karaoke cho dân hát, cứ có hát là nó im…” Ý lão này là dân mình cũng toàn mông muội, chỉ biết ăn với hát. Mà hình như đây là chủ trương chung từ trên cao xuống thấp hay sao ấy. Hầu hết các đám tiệc đều hát hò, hát rất bạo, cường độ âm thanh luôn vượt ngưỡng cho phép của qui định hành chính. Nhưng nó vẫn cứ hát thoải mái.”

“Có khi nào anh lên tiếng về vụ karaoke?”

“Cũng có lần tôi gọi điện thoại, nhờ hàng xóm họ nhỏ bớt âm thanh một chút vì nhà mình có con trẻ, nhưng thay vì vặn nhỏ volume, họ vặn to hơn và kéo sang gây sự. Đương nhiên họ làm vậy chứ không dám tấn công mình vì họ cũng có phần sợ đụng chạm với con nhà võ. Nghiệt nỗi thời bây giờ buồn cười quá, người ta không biết hành xử sao cho phải phép, phải lẽ, nói tiếng trước thì tiếng sau vác dao ra chém nhau. Thành thử mọi thứ trở nên lộn xộn.”


Những con chim trong lồng cất tiếng hót. (Nguyên Quang/ Viễn Đông)

“Theo anh thấy thì trong khu phố có nhiều nhà hát karaoke mà để loa lớn không?”

“Không cần nhiều đâu. Thường thì giới trí thức người ta sống yên tĩnh, nghe loại nhạc sang, gồm cả thính phòng, giao hưởng, tiền chiến, trữ tình… Không có lộn xộn như giới lao động bình dân. Giới lao động thì ưa ồn ào, ăn to nói lớn và hát karaoke thì muốn cho cả phố nghe mình hát, nghiệt nỗi là họ hát trật nhịp, trật nhạc nhưng vẫn cứ hát to, hát khỏe, hú hét… thành thử người nghe rất là khó chịu. Ngay cả việc anh hát hay mà bắt người ta nghe không đúng lúc cũng đã là chuyện mệt rồi, đằng này cứ thích là mở lên. Khổ, các ông nhắm tâm lý hay quá thành ra!”

“Nhắm tâm lý? Các ông nào?”

Thì đó, muốn cho dân quên đi mọi sự, không cần suy nghĩ gì thì chỉ cần mở thật nhiều quán nhậu, giảm các nhà sách, giảm các kênh thông tin và thay thế bằng các kênh giải trí vô thưởng vô phạt là mọi chuyện xong ngay. Đó là cái thời đói khổ, thèm ăn, cứ dộng thức ăn vào họng là dân nó tuân thủ, sai gì làm nấy, thậm chí sai đốt nhà người ta chúng nó cũng làm theo tinh thần tập thể, chả có thằng nào chịu trách nhiệm riêng. Khi cái ăn tạm đủ thì phải cho họ chơi, có thứ gì rẻ hơn hát, cứ cho ăn uống no say, cho hát thì sai gì được nấy. Và điều dễ thấy nhất là có hai loại người rất ưa karaoke, một là dân cán bộ, hai là dân lao động và dân thất nghiệp, đầu trộm đuôi cướp. Dân cán bộ thì đến karaoke vip, giá tiền cao ngất, dân lao động thì hú hí hát với nhau cuối tuần, dân đầu trộm đuôi cướp thì đánh quả xong về tổ chức nhậu, đàn đúm, hát hò, thường thuê nguyên dàn karaoke về hát cả ngày. Đám này mở loa to phải biết!”


Rượu vào lời ra, nhậu xong thì hát. (Nguyên Quang/ Viễn Đông)

“Anh căn cứ vào điều gì mà khẳng định chỉ có ba nhóm người trên mê karaoke?”

“Anh chỉ cần quan sát thôi đã thấy, hầu hết dân chui vào karaoke phòng lạnh đều dân cán bộ, chỉ có cán bộ mới có thời gian rảnh, mới chui vào karaoke, chứ dân ngành nghề như bác sĩ, y tá, rồi giáo viên… làm sao mà chui vào karaoke giờ hành chính được. Đó là chưa nói tới việc cán bộ được dân làm ăn dẫn đi đãi. Ngoài nhóm này ra thì có nhóm lao động hay tranh thủ hát, chơi bời vào cuối tuần. Còn nhóm thất nghiệp, đầu trộm đuôi cướp thì chơi bất kì giờ nào, cứ xong quả lại chơi. Nhóm này hát chẳng cần biết ai điếc tai, cứ có hát cứ hát, hát hăng lắm!”

“Theo anh, có cách nào để giảm bớt cái nạn này không?”

“Quá dễ, cho bọn cán bộ kém năng lực nghỉ bớt, chúng nó về nhà phải lo làm ăn, hết chỗ đeo bám mà ăn chơi. Tạo thêm công ăn việc làm và triệt tiêu các đường dây tội phạm thì tự dưng mình bình yên, chẳng phải ô nhiễm tiếng ồn nữa. Mà nói chính xác hơn là phải nâng cao dân trí, bỏ ngay ba cái chủ trương ngu xuẩn, ngu dân đi là được!”


Trò tiêu khiển thì đi đâu cũng gặp nhưng việc nghiêm túc thì có vào cơ quan nhà nước cũng không thấy. (Nguyên Quang/ Viễn Đông)

“Bỏ chủ trương ngu dân,” câu này nghe lạ, nhưng cũng không đến nỗi quá lạ trên xứ sở này. Vì thực ra, tinh thần dân tộc nói chung lúc này, thật là tệ hại, nó làm nhớ đến mấy câu của Tản Đà: “Dân hai nhăm triệu ai người lớn / Nước bốn nghìn năm vẫn trẻ con.” Và giờ vẫn vậy!

Source: https://vvc.vn
Category : Môi trường

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Alternate Text Gọi ngay