Những nhân vật nổi tiếng từng thất bại “như cơm bữa”
Có nhiều người lâm vào cảnh suy sụp sau khi gặp thất bại, cũng có không ít người đã đánh mất bản thân khi không gặt hái được thành công, song lại có nhiều người thất bại cả nghìn lần nhưng vẫn miệt mài làm lại, để rồi trở thành người nổi tiếng. Họ là những người nổi bật trong giới công nghệ thông tin, thực phẩm, truyền thông,…
Xem thêm cơ hội tìm việc làm tại đây:
Những nhân vật nổi tiếng từng thất bại “như cơm bữa”
Trang Business Insider đã tập hợp và giới thiệu một danh sách gồm nhiều người nổi tiếng thuộc các lĩnh vực khác nhau. Họ đều là những tấm gương thành công nhờ nghị lực, tinh thần không cam chịu thất bại, không bị khó khăn làm cho khuất phục. Điều thú vị hơn, không ít người trong số này khi còn bé từng bị chê là kém tài, dốt nát, thậm chí là thiểu năng.
Cựu Thủ tướng Anh Winston Churchill
Churchill từng bị đúp năm lớp 6. Ông cũng bị đánh bại ở tất cả các vị trí trong những cơ quan chính phủ mà ông xin vào. Tuy nhiên, tới năm 62 tuổi, Churchill đã trở thành Thủ tướng Anh. Ông tự nhận mình là “một người bi quan luôn thấy sự khó khăn trong mọi cơ hội” và “một người lạc quan luôn tìm thấy cơ hội trong mọi khó khăn”.
Nhà phát minh vĩ đại Thomas Edison
Thầy giáo của Edison từng mắng ông là “dốt tới mức không thể học được bất cứ cái gì”. Edison đã mang chuyện này kể lại với mẹ. Mẹ ông nghe xong liền nổi giận. Bà đùng đùng dẫn con trai tới trường và bảo với thầy giáo của Edison rằng, “trí óc của nó còn hơn ông đấy. Tôi sẽ giữ nó tại nhà và dạy lấy, vì tôi đã là giáo viên, để ông thấy rằng sau này nó sẽ ra sao!”.
Ông “gà rán” Harland David Sanders
Hình ảnh quen thuộc của gà rán KFC nổi tiếng toàn cầu là hình ảnh một ông già lịch lãm trong bộ vest trắng, chòm râu bạc và cà vạt đen. Đó chính là người lập nên KFC, “Đại tá bang Kentucky” Harland Sanders. Ngày nay, KFC đã có mặt trên 100 quốc gia, nhưng thuở ban đầu, Sanders đã không bán được món gà của mình. Hơn 1.000 nhà hàng đã từ chối ông.
Tỷ phú xe máy Soichiro Honda
Soichiro Honda từng tâm sự rằng, “đối với tôi, thành công có thể chỉ đạt được khi đã trải qua nhiều thất bại và nghiền ngẫm. Trên thực tế, trong tất cả những việc ta làm, thành công chỉ chiếm 1%, 99% khác là thất bại”. Tinh thần làm việc, nghị lực và lòng say mê với khoa học là chìa khoá đưa Honda đến thành công. Soichiro Honda từ biệt thế giới vào năm 1992, nhưng người đời còn nói nhiều về ông, mỗi khi nghĩ tới một điển hình của “thiên tài không bằng cấp”.
Ông trùm hoạt hình Walt Disney
Walt Disney qua đời năm 1966, nhưng tên tuổi của ông vẫn luôn được nhắc đến bởi hàng triệu người đã từng xem những bộ phim, các chương trình truyền hình và đến các khu vui chơi giải trí của Walt Disney. Tuy nhiên không phải ai cũng biết Walt Disney từng bị biên tập một tờ báo sa thải vì “thiếu trí tưởng tượng và không có ý tưởng hay ho”. Ông cũng nếm mùi phá sản nhiều lần trước khi sáng tạo nên Disneyland.
Bà hoàng truyền thông Oprah Winfrey
Oprah Winfrey được mệnh danh là “bà hoàng truyền thông” của Mỹ. Tuy nhiên, để có được vị trí như ngày nay, bà đã phải nỗ lực hết mình vượt khó vượt khổ. Bà từng bị từ chối, vì không phù hợp lên sóng truyền hình, nhưng Winfrey đã tìm cách vươn lên. Sự nghiệp của Oprah vươn tới đỉnh cao khi bà làm chủ chương trình “The Oprah Winfrey Show”.
Nhà sáng lập hãng xe Ford
Trước khi hãng xe Ford có được một cơ ngơi như ngày nay, người sáng lập Henry Ford đã từng lập rồi phá ba công ty. Công ty thứ nhất mang tên Detroit nhưng nhanh chóng phá sản do Henry Ford chỉ tập trung thiết kế xe mà không kinh doanh. Công ty thứ hai mang tên ông chuyên về xe đua, nhưng sau đó chính Henry Ford bị các nhà đầu tư buộc rời khỏi công ty. Doanh nghiệp thứ ba thì bị phá sản do doanh thu đi xuống.
Nhà văn “phù thủy” J.K. Rowling
Trước khi trở thành nhà văn được nhiều người yêu thích, Rowling là một phụ nữ thất nghiệp, ly hôn và nuôi con bằng trợ cấp xã hội. Với 7 tập Harry Potter, Rowling nổi tiếng khắp thế giới và là người đầu tiên trở thành tỷ phú nhờ viết sách.
Vneconomy