Nghị định 45/2022/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực Môi trường đối với nguồn chất thải nguy hại
Ngày 07/7/2022, Chính phủ ban
hành Nghị định số 45/2022/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong
lĩnh vực môi trường, trong đó quy định cụ thể mức xử phạt đối với vi phạm quy định
về bảo vệ môi trường đối với nguồn chất thải nguy hại và có hiệu lực thi hành từ ngày 25 tháng 8 năm 2022. Nghị định
này thay thế cho các Nghị định số 155/2016/NĐ-CP ngày 18 tháng 11 năm 2016 của
Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi
trường và Nghị định số 55/2021/NĐ-CP ngày 24 tháng 5 năm 2021 của Chính phủ.
(ảnh minh họa)
Vi phạm các quy định
về bảo vệ môi trường đối với chất thải nguy hại thì bị phạt theo quy định tại
Điều 29 như sau:
1. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với
hành vi không báo cáo cơ quan nhà nước có thẩm quyền về việc lưu giữ chất thải
nguy hại trong trường hợp lưu giữ quá 01 năm kể từ thời điểm phát sinh mà chưa
tìm được cơ sở xử lý chất thải nguy hại phù hợp, chưa có phương án vận chuyển,
xử lý khả thi.
2. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với
một trong các hành vi sau đây:
a) Không lưu trữ và quản lý chứng từ chất thải nguy hại đã
sử dụng, các hồ sơ, tài liệu, nhật ký liên quan đến công tác quản lý chất thải
nguy hại theo quy định; không cung cấp đầy đủ chứng từ chất thải nguy hại cho
cơ quan có thẩm quyền để phục vụ công tác quản lý, thanh tra, kiểm tra theo quy
định; không có biên bản bàn giao trong trường hợp chuyển giao chất thải y tế
nguy hại để xử lý theo mô hình cụm theo quy định;
b) Không thông báo bằng văn bản cho cơ quan có thẩm quyền về
việc quá 6 tháng kể từ ngày chuyển giao chất thải nguy hại trong trường hợp
không nhận được hai liên cuối của chứng từ chất thải nguy hại từ tổ chức, cá
nhân nhận chuyển giao chất thải nguy hại theo quy định;
c) Không thu gom, lưu giữ chất thải nguy hại theo quy định.
3. Phạt tiền từ 40.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với
một trong các hành vi sau đây:
a) Không ký hợp đồng với đơn vị có giấy phép môi trường phù
hợp trước khi chuyển giao chất thải nguy hại để xử lý theo quy định;
b) Vận chuyển chất thải nguy hại phát sinh tại cơ sở khi
không có phương tiện chính chủ hoặc phương tiện, thiết bị không đáp ứng yêu cầu
kỹ thuật theo quy định;
c) Không chuyển giao chất thải nguy hại cho đơn vị có giấy
phép môi trường phù hợp để thu gom, xử lý theo quy định trong trường hợp không
được phép tiếp tục lưu giữ theo quy định của pháp luật hoặc yêu cầu của cơ quan
nhà nước có thẩm quyền;
d) Không phân định chất thải nguy hại theo mã, danh mục và
ngưỡng chất thải nguy hại; không phân loại chất thải nguy hại theo quy định;
xác định không đúng số lượng, khối lượng chất thải nguy hại để quản lý theo quy
định; không khai báo hoặc khai không đúng khối lượng, loại chất thải nguy hại
trong báo cáo với cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định;
đ) Không đóng gói, bảo quản chất thải nguy hại trong các bao
bì, thiết bị lưu chứa phù hợp, đáp ứng yêu cầu kỹ thuật theo quy định hoặc sử
dụng bao bì, thiết bị lưu chứa chất thải nguy hại không đáp ứng yêu cầu kỹ
thuật theo quy định;
e) Không bố trí hoặc bố trí khu vực lưu giữ chất thải nguy
hại không đáp ứng yêu cầu kỹ thuật theo quy định.
4. Hành vi để lẫn chất thải nguy hại khác loại với nhau
trong trường hợp các chất thải nguy hại không cùng tính chất, không cùng phương
pháp xử lý hoặc để lẫn chất thải nguy hại với chất thải khác trong quá trình
lưu giữ bị xử phạt như sau:
a) Phạt cảnh cáo đối với vi phạm lần đầu và phạt tiền từ
5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với trường hợp tái phạm hoặc vi phạm
nhiều lần đối với trường hợp để chất thải nguy hại ở dạng sản phẩm thải bỏ đơn
chiếc, thiết bị đơn chiếc vào chất thải rắn thông thường;
b) Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với
trường hợp để lẫn từ 02 đến dưới 05 chất thải nguy hại ở dạng sản phẩm thải bỏ
đơn chiếc, thiết bị đơn chiếc hoặc dưới 10% khối lượng chất thải nguy hại khác
loại vào các bao bì, thiết bị lưu chứa chất thải nguy hại khác hoặc nhóm chất
thải nguy hại khác không cùng tính chất, phương pháp xử lý hoặc để vào chất
thải rắn thông thường;
c) Phạt tiền từ 40.000.000 đồng đến 70.000.000 đồng đối với
trường hợp để lẫn từ 05 đến dưới 10 chất thải nguy hại ở dạng sản phẩm thải bỏ
đơn chiếc, thiết bị đơn chiếc hoặc từ 10% đến dưới 50% khối lượng chất thải
nguy hại khác loại vào các bao bì, thiết bị lưu chứa chất thải nguy hại khác
hoặc nhóm chất thải nguy hại khác không cùng tính chất, phương pháp xử lý hoặc
để vào chất thải rắn thông thường;
d) Phạt tiền từ 70.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng đối với
trường hợp để lẫn từ 10 chất thải nguy hại ở dạng sản phẩm thải bỏ đơn chiếc,
thiết bị đơn chiếc trở lên hoặc từ 50% khối lượng chất thải nguy hại khác loại
trở lên vào các bao bì, thiết bị lưu chứa chất thải nguy hại khác hoặc nhóm
chất thải nguy hại khác không cùng tính chất, phương pháp xử lý hoặc để vào
chất thải rắn thông thường.
5. Hành vi chuyển giao, cho, bán, mua, tặng chất thải nguy
hại cho tổ chức, cá nhân không có chức năng xử lý chất thải nguy hại, trừ các
trường hợp đặc thù theo quy định của pháp luật về quản lý chất thải nguy hại và
các trường hợp hành vi tội phạm về môi trường, bị xử phạt từ 10.000.000 đồng
đến 250.000.000đồng đối với trường hợp chuyển giao, cho, bán, mua, tặng từ 100
kg chất thải nguy hại trở lên
6. Phạt tiền từ 200.000.000 đồng đến 250.000.000 đồng đối
với một trong các hành vi sau đây, trừ các trường hợp hành vi tội phạm về môi
trường:
a) Làm tràn đổ chất thải nguy hại hoặc để xảy ra sự cố tràn
đổ chất thải nguy hại ra môi trường đất, nước ngầm, nước mặt gây ô nhiễm môi
trường;
b) Tự tái sử dụng, sơ chế, tái chế, xử lý, đồng xử lý, thu
hồi năng lượng từ chất thải nguy hại khi chưa được cơ quan có thẩm quyền chấp
thuận hoặc không đúng nội dung trong giấy phép môi trường;
7. Hành vi chôn, lấp, đổ, thải hoặc đốt chất thải nguy hại
trái quy định về bảo vệ môi trường, trừ các trường hợp hành vi tội phạm về môi
trường bị xử phạt như sau:
a) Từ 100.000.000 đồng đến 300.000.000 đồng đối với trường
hợp chôn, lấp, đổ, thải hoặc đốt dưới 1.000 kg chất thải nguy hại;
b) Phạt tiền từ
300.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng đối với trường hợp chôn, lấp, đổ, thải
hoặc đốt từ 1.000 kg đến dưới 3.000 kg chất thải nguy hại, trừ trường hợp chôn,
lấp, đổ, thải ra môi trường chất thải nguy hại có thành phần nguy hại đặc biệt
vượt ngưỡng chất thải nguy hại theo quy định của pháp luật hoặc có chứa chất ô
nhiễm hữu cơ khó phân hủy thuộc Phụ lục A của Công ước Stockholm về các chất ô
nhiễm hữu cơ khó phân hủy theo quy định;
c) Phạt tiền từ 500.000.000 đồng đến 600.000.000 đồng đối
với trường hợp đốt từ 3.000 kg chất thải nguy hại trở lên.
8. Ngoài hình thức phạt tiền nêu
trên thì còn phải chịu hình thức xử phạt bổ sung như: đình chỉ hoạt động của cơ
sở từ 06 tháng đến 12 tháng đối với trường hợp vi phạm quy định tại khoản 7
Điều này; tịch thu phương tiện vi phạm hành chính đối với trường hợp vi phạm
quy định tại khoản 7 Điều này;
9. Áp dụng biện pháp khắc phụ hậu quả như sau:
a) Buộc khôi phục lại tình trạng môi trường ban đầu do hành
vi vi phạm quy định tại điểm a khoản 6, khoản 7 Điều này gây ra;
b) Buộc chi trả kinh phí trưng cầu giám định, kiểm định, đo
đạc và phân tích mẫu môi trường trong trường hợp có vi phạm về xả chất thải
vượt quy chuẩn kỹ thuật môi trường hoặc gây ô nhiễm môi trường theo định mức,
đơn giá hiện hành đối với các vi phạm quy định tại Điều này;
c) Buộc phải thực hiện các biện pháp khắc phục tình trạng ô
nhiễm môi trường theo quy định và báo cáo kết quả đã khắc phục xong hậu quả vi
phạm trong thời hạn do người có thẩm quyền xử phạt ấn định trong quyết định xử
phạt vi phạm hành chính đối với các vi phạm quy định tại Điều này gây ra;
d) Buộc chuyển giao chất thải cho đơn vị có chức năng xử lý
do hành vi vi phạm quy định tại khoản 5 Điều này gây ra./.