Chủ nhật – 27/07/2008 08 : 19
I. CÁC KHÁI NIỆM.
1.1. Khái niệm khoa học.
Hiện nay, người ta đề cập đến khái niệm khoa học ở ba khía cạnh sau:
+ Khoa học là hệ thống những hiểu biết hoặc tri thức của con người về tự nhiên – xã hội – tư duy, nó tồn tại dưới dạng các lý thuyết, định lý, quy luật, nguyên tắc, phạm trù, tiền đề.
+ Khoa học là một hình thái ý thức – xã hội thể hiện tồn tại xã hội trong nội dung, mục đích và các chuẩn mực giá trị, các nguyên lý thế giới quan trong triết học và bức tranh chung về thế giới.
+ Khoa học là một dạng hoạt động lao động của con người, nó ra đời trong quá trình chinh phục giới tự nhiên và khoa học giúp nâng cao hiệu quả hoạt động của con người. Đó là một hình thức hoạt động đặc thù, là hoạt động nhận thức. Nó ra đời chỉ ở một giai đoạn phát triển nhất định của lịch sử.
Từ ba khía cạnh trên, chúng ta có thể định nghĩa, khoa học là hệ thống các kiến thức về các quy luật của tự nhiên, xã hội và tư duy dựa trên những phương pháp được xác định để thu nhận kiến thức.
1.2. Khái niệm kỹ thuật.
Kỹ thuật thông thường được hiểu là toàn bộ các thiết bị, phương tiện, máy móc và công cụ vật chất nằm trong tư liệu sản xuất để quản lý, khai thác, bảo quản và chế tạo các sản phẩm dùng cho sản xuất và thỏa mãn các nhu cầu của đời sống xã hội.
1.3. Khái niệm công nghệ.
Công nghệ là hệ thống các phương tiện dùng để thực hiện quá trình sản xuất, chế tạo sản phẩm và cung cấp dịch vụ cho xã hội và con người. Hay nói cách khác, công nghệ là sự ứng dụng của khoa học để giải quyết các vấn đề thực tiễn trong hoạt động của con người.
Công nghệ, theo nghĩa truyền thống được hiểu là tập hợp các phương pháp, quy trình, kỹ năng, kỹ thuật, công cụ, phương tiện dùng để biến đổi các nguồn lực thành sản phẩm. Công nghệ bao gồm nhiều khâu như : điều tra, nghiên cứu, thử nghiệm, sản xuất thử¦ đến các vấn đề thông tin, tư vấn, đào tạo¦ tham gia vào quá trình tạo ra sản phẩm cuối cùng. Công nghệ cũng chính là bản thân những thao tác khai thác, chế tạo, vận chuyển, lưu giữ, bảo quản, kiểm tra¦ đó đều là mỗi phần của quá trình sản xuất chung nhằm vào một sản phẩm cuối cùng nhất định.
Công nghệ gồm bốn thành phần THIO: thành phần kỹ thuật T (Technoware), thành phần con người H (Humanware), thành phần thông tin I (Inforware) và thành phần tổ chức quản lý O (Orgaware). Bốn thành này có tác động qua lại với nhau và cùng thực hiện bất kỳ quá trình sản xuất và dịch vụ nào.
II. THẾ NÀO LÀ CÁCH MẠNG KHOA HỌC KỸ THUẬT.
Hệ thống kỹ thuật của mỗi thời kỳ lịch sử quyết định lực lượng sản xuất của thời kỳ đó và tính chất nền văn minh của xã hội đó. Trong thời kỳ Cổ đại và Trung đại đó là nền văn minh nông nghiệp. Ở phương Tây, từ cuối thế kỷ XVIII đến giữa thế kỷ XX đó là văn minh công nghiệp. Với hệ thống công nghệ đương đại, xã hội loài người tại các nước khoa học và công nghệ phát triển đang chuyển sang một hình thái mới được gọi một cách quy ước là xã hội hậu công nghiệp, Avin Toller gọi là nền văn minh làn sóng thứ ba. Thực chất đó là xã hội thông tin với vai trò chủ đạo của thông tin và trí tuệ. Để có được nền văn minh đó trước tiên phải kể đến vai trò đáng kể của cuộc cách mạng khoa học kỹ thuật thế kỷ XX.
Thuật ngữ cách mạng khoa học kỹ thuật có nhiều cách viết khác nhau. Từ sau chiến tranh thế giới lần thứ hai đến sau những năm 60 thuật ngữ này được viết là cách mạng Khoa học và Kỹ thuật. Đầu những năm 60 là khái niệm cách mạng Khoa học và Công nghệ. Đến năm 70 lại là cách mạng Khoa học – Kỹ thuật. Tuy các khái niệm này khác nhau về cách thức thể hiện nhưng nó đều phản ánh cuộc cách mạng khoa học kỹ thuật diễn ra vào thế kỷ XX.
Cách mạng hiểu theo nghĩa thông thường nghĩa là thay cũ, đổi mới với sự ra đời của cái mới tiến bộ hơn cái cũ, ưu việt hơn cái cũ về chất. Cách mạng khoa học kỹ thuật cũng vậy; đó là một sự thay đổi kỹ thuật cũ bằng một kỹ thuật mới, tiến bộ hơn kỹ thuật cũ từ đó làm cho năng suất lao động tăng lên gấp nhiều lần so với kỹ thuật sản xuất trước đây.
Ví dụ: Nếu như trước năm 1947 khi chất bán dẫn chưa được tìm thấy thì đèn điện tử trong các thiết bị điện tử là các đèn điện tử bằng sợi đốt với catốt và anốt rất phức tạp, cồng kềnh và tiêu hao nhiều nhiên liệu cho nên nó chưa được ứng dụng rộng rãi trong sản xuất. Đến khi khoa học tìm ra chất bán dẫn và năm 1947 ba nhà vật lý ở Bell Laboratories đã phát minh transistor, tạo điều kiện thuận lợi cho việc thu nhỏ mạch phức tạp và từ đó trở đi, các linh kiện bán dẫn đã thay thế các đèn điện tử bằng sợi đốt trước đây. Và một thời gian sau, mạch tổ hợp IC ra đời cho đến nay đã được ứng dụng trong hầu hết các thiết bị điện. Hoặc sự ra đời của công nghệ lade được coi là một trong những thành tựu vĩ đại nhất của thế kỷ XX. Nó được ứng dụng trong nhiều ngành khoa học và kỹ thuật đặc biệt là trong thông tin.
Như vậy cuộc cách mạng khoa học kỹ thuật với nội dung cơ bản là thuyết lượng tử và thuyết tương đối đã mở ra cho khoa học những chân trời mới, bao la đi vào tầng sâu thẳm của cấu trúc vật chất, lao vào cái vô cùng tận của vũ trụ, đi sâu tìm hiểu sự sống ở mức phân tử và cơ chế tư duy. Có thể nói cuộc cách mạng khoa học kỹ thuật ra đời gắn liền với sự ra đời của các phát minh trong các lĩnh vực khác nhau của khoa học kỹ thuật như trong điều khiển học (điều khiển từ xa bằng công nghệ vô tuyến, hồng ngoại¦), di truyền học (phát minh ra cấu trúc xoắn kép AND mang mã di truyền của sự sống năm 1953 của Watson và Crick), thiên văn học (với thuyết BigBang về cấu trúc tiến hóa của vũ trụ, con người đặt chân lên mặt trăng¦), công nghệ sinh học¦v.. v..
Tóm lại, cách mạng khoa học kỹ thuật là một bước tiến cao hơn so với cuộc cách mạng công nghiệp thế kỷ XIX. Với cuộc cách mạng này thì con người bước sang sang một phương thức sản xuất mới là tự động hóa thay cho cơ khí hóa trước đây. Đó là sự đi tiếp của cách mạng công nghiệp đã loại bỏ yếu tố cơ khí và sử dụng điện từ, con người không tham gia trực tiếp vào quá trình sản xuất.
III. Phân biệt cách mạng khoa học kỹ thuật và cách mạng khoa học công nghệ.
Từ những thành tựu khoa học kỹ thuật đầu thế kỷ XX tạo cơ sở cho sự xuất hiện một hệ thống công nghệ mới, kỳ diệu khác hẳn về chất so với hệ thống công nghệ trước đây của cách mạng công nghiệp, tạo ra một cuộc cách mạng khoa học công nghệ, đã đưa lại cho con người một sức mạnh phi thường, có thể tạo ra những loại vật liệu có tính năng mong muốn, những giống loài thực vật, động vật theo yêu cầu của con người, kể cả những loài không có trong tự nhiên, có khả năng khám phá những nguồn năng lượng khổng lỗ ẩn náu trong hạt nhân nguyên tử, không ngừng tạo ra những kỷ lục mới trong việc chinh phục không gian và thời gian. Và hệ thống công nghệ đó còn rất trẻ và rất sung sức, tiềm năng còn rất lớn, hứa hẹn những thành tựu kỳ diệu hơn nữa trong thế kỷ XXI.
Cuộc cách mạng khoa học công nghệ là một giai đoạn phát triển của cuộc cách mạng khoa học kỹ thuật, nó bắt đầu hình thành và phát triển từ những năm 80, 90 của thế kỷ XX. Các thành tựu khoa học và công nghệ kỳ diệu nhất của thế kỷ XX mà con người đạt được là: con người bay vào vũ trụ, sử dụng năng lượng nguyên tử, công nghệ gen, máy tính và mạng internet. Có thể nói rằng cách mạng khoa học công nghệ và cách mạng khoa học kỹ thuật là hai khái niệm có gắn bó chặt chẽ với nhau. Nhờ có sự phát triển của khoa học kỹ thuật tạo điều kiện cho sự ra đời của công nghệ mới và từ đó lại thúc đẩy các ngành khoa học kỹ thuật phát triển hơn nữa bởi khoa học công nghệ là sự ứng dụng của khoa học kỹ thuật để giải quyết các vấn đề trong thực tiễn, trong hoạt động của con người. Bản thân công nghệ đã chứa đựng trong nó thành phần kỹ thuật; một trong bốn thành phần tạo nên công nghệ. Vì vậy khoa học kỹ thuật phát triển sẽ làm cho khoa học con người phát triển theo.
Tóm lại; hai khái niệm cách mạng khoa học kỹ thuật và cách mạng khoa học công nghệ đều như nhau bởi vì bản thân chúng là một thể thống nhất không tách rời nhau. Vấn đề là cách hiểu chúng như thế nào. Người ta sử dụng từ cách mạng khoa học kỹ thuật để chỉ cuộc cách mạng từ đầu thế kỷ XX, còn từ cách mạng khoa học công nghệ là chỉ một giai đoạn phát triển của cách mạng khoa học kỹ thuật từ những năm 80, 90 của thế kỷ XX. Cách mạng khoa học công nghệ là một bước tiến của cách mạng khoa học kỹ thuật.
—————————————-