Giới thiệu tác phẩm Đường Kách mệnh
I. Tư tưởng cơ bản của tác phẩm Đường cách mệnh
Mục đích tác phẩm được Người chỉ rõ: “Muốn sống thì phải cách mệnh”. “Hơn hai mươi triệu đồng bào hấp hối trong vòng tử địa. Phải kêu to, làm chóng để cứu lấy giống nòi”. Thà chết tự do còn hơn sống nô lệ, quyết chiến đấu cho nền độc lập tự do của dân tộc là tinh thần của tác phẩm. Có thể nói, “Không có gì quý hơn độc lập tự do” là quan điểm bao trùm toàn bộ tác phẩm.
Tác phẩm cũng chỉ rõ kẻ thù nguy hiểm nhất của độc lập tự do và vạch con đường cụ thể để giành thắng lợi.
Tinh thần xuyên suốt toàn bộ tác phẩm là vì độc lập tự do của dân tộc, vì hạnh phúc của nhân dân, phải giải phóng dân tộc, giải phóng nhân dân ra khỏi ách áp bức bóc lột của chủ nghĩa đế quốc.
Kết hợp độc lập dân tộc với chủ nghĩa xã hội là quan điểm tư tưởng chỉ đạo con đường cách mạng Việt Nam. Giải phóng nhân dân phải gắn với sự nghiệp giải phóng giai cấp vô sản. Cách mạng giải phóng dân tộc phải theo quỹ đạo của cách mạng vô sản, kết hợp chủ nghĩa yêu nước với chủ nghĩa xã hội, lợi ích của dân tộc với lợi ích của giai cấp vô sản phải gắn bó với nhau. Thực hiện nhiệm vụ giải phóng dân tộc đều phải giải quyết trên cơ sở quan điểm cách mạng vô sản để đưa cách mạng giải phóng dân tộc tiến lên cách mạng xã hội chủ nghĩa. Cách mạng giải phóng dân tộc chuẩn bị cho cách mạng xã hội chủ nghĩa. Cách mạng xã hội chủ nghĩa chi phối cách mạng giải phóng dân tộc.
Cách mạng phải triệt để, tích cực, chủ động và sáng tạo. Hồ Chí Minh đưa dẫn chứng các cuộc cách mạng trên thế giới để đi đến khẳng định rằng, cách mạng Việt Nam phải giành thắng lợi triệt để: “Muốn cách mệnh thành công thì phải dân chúng (công nông) làm gốc, phải có Đảng vững bền, phải bền gan, phải hy sinh; phải thống nhất. Nói tóm lại là phải theo chủ nghĩa Mã Khắc Tư và Lênin”. Cách mạng phải độc lập và sáng tạo, tự lực, tự cường, không ỷ lại ngồi chờ; phải tích cực tấn công, chủ động tiến công, quyết giành thắng lợi. Biết tranh thủ sự giúp đỡ của cách mạng thế giới, nhưng cũng phải có đóng góp cho cách mạng thế giới, cùng cách mạng thế giới đạp đổ chủ nghĩa đế quốc tư bản, xây dựng chủ nghĩa xã hội.
II. Nội dung cơ bản của tác phẩm Đường cách mệnh
1 Khái niệm “cách mệnh”
“Cách mệnh là phá cái cũ đổi ra cái mới, phá cái xấu đổi cái tốt”
“Thí dụ ông Galilê (1633) là khoa học cách mệnh…, ông Stephenxoong (1800) làm ra xe lửa là cơ khí cách mệnh… ông Đácuyn (1859) là cách mệnh… ông Các Mác là kinh tế học cách mệnh” (1).
2. Tư cách một người cách mệnh
Trong tác phẩm, Người đã nêu lên 23 điểm thuộc “tư cách một người cách mệnh”, trong đó chủ yếu là các tiêu chuẩn về đạo đức, thể hiện chủ yếu trong 3 mối quan hệ cơ bản nhất của con người: quan hệ với mình, quan hệ với mọi người và quan hệ với công việc. Người viết: “Tự mình phải: Cần kiệm. Hòa mà không tư. Cả quyết sửa lỗi mình. Cẩn thận mà không nhút nhát. Hay hỏi. Nhẫn nại (chịu khó). Hay nghiên cứu, xem xét. Vị công vong tư. Không hiếu danh, không kiêu ngạo. Nói thì phải làm. Giữ chủ nghĩa cho vững. Hy sinh. Ít lòng tham muốn về vật chất. Bí mật. Đối người phải: Với từng người thì khoan thứ. Với đoàn thể thì nghiêm. Có lòng bày vẽ cho người. Trực mà không táo bạo. Hay xem xét người. Làm việc phải: Xem xét hoàn cảnh kỹ càng. Quyết đoán. Dũng cảm. Phục tùng đoàn thể”(2).
2.1. Tự mình phải:
– Cần, kiệm
+ Cần là sự lao động cần cù sáng tạo, có tổ chức, có kỷ luật, có kỹ thuật, có kế hoạch, có năng suất, chất lượng cao. Những thói hư, tật xấu lười lao động, ăn bám, ăn cắp, làm láo báo cáo hay vô tổ chức, vô kỷ luật là không phù hợp với đạo đức phẩm chất cách mạng. Bác Hồ rất ghét kẻ đạo đức giả, nói mà không làm, nói một đường làm một nẻo. Người cho rằng kẻ đó làm giảm đi lòng tin của nhân dân đối với Đảng.
Cần phải đi đối với chuyên. Nếu không chuyên thì cũng vô ích. Cần không phải là xổi. Phải biết nuôi dưỡng sức khỏe, tinh thần và lực lượng để làm việc lâu dài. Một người lười biếng sẽ làm chậm và ảnh hưởng đến công việc của rất nhiều người khác. Cần là nâng cao năng suất lao động.
Khi nói với công nhân, những người trực tiếp làm ra của cải vật chất cho xã hội, thì Bác nhắc: “Phải nâng cao kỷ luật lao động. Tình trạng muốn làm thì làm, không muốn làm thì thôi, nghỉ sớm, không ốm cũng cáo ốm để nghỉ, đều là thiếu kỷ luật lao động. Bộ đội không có kỷ luật, đánh giặc nhất định thua; nhà máy không có kỷ luật lao động, không phải là nhà máy tốt. Kỷ luật lao động không phải Bác đưa ra hay ở đâu đưa đến, mà chính là các cô, các chú bàn bạc, thông qua, tự giác thi hành. Thông qua rồi, ai không theo không được”.
+ Kiệm là “tiết kiệm, không xa xỉ, không hoang phí, không bừa bãi”, đó là tiết kiệm sức lao động, thời giờ, tiền của của dân, của nước, của bản thân từ cái nhỏ, đến cái lớn. Bởi vì, của cải nếu hết còn có thể làm ra được, còn thời gian đã qua đi, không bao giờ quay trở lại. Muốn tiết kiệm thời gian, bất kỳ việc gì, nghề gì cũng phải chăm chỉ, làm nhanh. Không nên ngồi lê, nói chuyện phiếm, làm mất thời giờ của người khác. Theo Bác tiết kiệm không phải là “bủn xỉn”, “tiết kiệm là quốc sách”. “Cần” với “kiệm” đi đối với nhau như hai chân của một người. “Cần” mà không “kiệm” “thì làm chừng nào xào chừng ấy”, cũng như một cái thùng không đáy, nước đổ vào chừng nào, chảy ra hết chừng ấy, không lại hoàn không. Kiệm mà không cần, thì không tăng thêm, không phát triển được.
– Hòa mà không tư
Có nghĩa là đoàn kết với mọi người vì sự nghiệp chung, không vì một lợi ích riêng tư nào. Nói như vậy không có nghĩa là không quan tâm đến lợi ích riêng, bởi vì Bác Hồ quan niệm trong lợi ích chung có lợi ích riêng của mỗi người. “Hòa mà không tư” gần với mệnh đề Nho giáo “thân với mọi người mà không kết đảng, hòa hợp với mọi người mà không a dua” song được Người nâng lên ở tầm cao mới, đó là hướng sức mạnh đại đoàn kết, hướng hành động đoàn kết với mọi người vì sự nghiệp giải phóng dân tộc và xây dựng nước nhà giàu mạnh. Sự nghiệp chung mà có lúc Người gọi là nghĩa lớn đó là độc lập cho Tổ quốc, tự do hạnh phúc cho nhân dân. Người coi đó là mục đích cao cả của sự đoàn kết và theo Người thì mục đích có đồng thì chí mới đồng, chí có đồng tâm mới đồng, tâm đã đồng thì làm mới chóng. Chỉ có hướng sự đoàn kết vì đại nghĩa mới tập hợp được đông đảo nhất quần chúng nhân dân. Chí đồng, tâm đồng chính là hai điều kiện bảo đảm cho sự đoàn kết chặt chẽ.
– Cả quyết sửa lỗi mình
Mục đích của việc cả quyết sửa lỗi thì theo Bác Hồ là cốt để giúp nhau sửa chữa, giúp nhau tiến bộ, cốt để sửa đổi cách làm việc cho tốt hơn, đúng hơn; mỗi cán bộ, đảng viên hằng ngày phải kiểm điểm, tự phê bình, tự sửa chữa như mỗi ngày phải rửa mặt, được như thế trong Ðảng sẽ không có bệnh và Ðảng sẽ mạnh khoẻ vô cùng. Bác dạy “Muốn đoàn kết chặt chẽ là phải thật thà tự phê bình, thành khẩn phê bình đồng chí và những người xung quanh, phê bình, tự phê bình để cùng nhau tiến bộ, để đi đến càng đoàn kết. Ðoàn kết, phê bình, tự phê bình thật thà để đi đến đoàn kết hơn nữa”. Hồ Chí Minh nhấn mạnh yếu tố năng động chủ quan ở mỗi người, đến sức mạnh của lý tưởng, của ý chí, của tu dưỡng đạo đức cách mạng. Người nói: “Muốn làm cách mạng phải cải cách tính nết mình trước tiên”. Hồ Chí Minh nhắc lại câu của Khổng Tử: “Mình phải chính tâm tu thân” nghĩa là việc gì cũng phải làm kiểu mẫu; có thế mới “trị quốc bình thiên hạ” được… Muốn cải tạo xã hội thì lòng mình phải cải tạo. Nếu lòng mình không cải tạo thì đừng nói đến cải tạo xã hội. Lòng mình còn tham ô, lãng phí, muốn cải tạo xã hội làm sao được”.
Trong tác phẩm “Tự chỉ trích” của đồng chí cố Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ, đã nêu rõ trách nhiệm của đảng viên trong việc phê bình, tự phê bình: “Mỗi đảng viên có quyền tự do thảo luận, tự do chỉ trích miễn là sự thảo luận luôn theo tinh thần bôn-sê-vích, không làm giảm uy tín của Đảng”, “phải đứng về lợi ích công cuộc của dân chúng mà chỉ trích những khuyết điểm, những chỗ lừng chừng, hoặc hèn nhát mà đẩy phong trào phát triển rộng rãi hơn”, “chớ không đặt cá nhân mình lên trên Đảng, đem những ý kiến riêng, cho dù đúng, đối chọi với Đảng, gieo mối hoài nghi, lộn xộn trong quần chúng, gây mầm bè phái, chia rẽ trong hàng ngũ Đảng. “Tự chỉ trích”, khẳng định: “Công khai, mạnh dạn, thành thực vạch ra lỗi lầm của mình và tìm phương pháp sửa chữa, chống những xu hướng hoạt đầu, thỏa hiệp, như thế không làm yếu Đảng mà làm cho Đảng được thống nhất mạnh mẽ. Làm như thế không sợ địch nhân cơ hội lợi dụng chửi rủa, vu cáo cho Đảng, không sợ “nối giáo cho giặc”. Trái lại nếu “đóng cửa bảo nhau”, giữ cái vỏ thống nhất mà bên trong là hổ lốn một cục, đầy rẫy bọn hoạt đầu, đấy mới chính là để kẻ thù chửi rủa, hơn nữa đó tỏ ra không phải là một Đảng tiên phong cách mạng mà là một Đảng hoạt đầu cải lương”. Tác phẩm còn chỉ rõ: “Kẻ địch chớ vội hý hửng tìm ở đây một sự chia rẽ hay mầm mống bè phái giữa những người cộng sản mà uổng công. Vì sau khi thảo luận rõ ràng rồi bao giờ trong hàng ngũ chúng tôi thiểu số phục tùng đa số, chỉ có một ý chí là ý chí của Đảng, nghìn người sẽ như một để chấp hành ý chí đó”.
– Cẩn thận mà không nhút nhát
Làm việc gì cũng phải suy nghĩ cẩn thận, nhưng cẩn thận ở đây không có nghĩa là quá nhút nhát, không dám đương đầu với khó khăn gian khổ đồng thời phải xem xét hoàn cảnh thực tế rồi mới hành động khi có thời cơ thuận lợi thì phải mạnh dạn, dũng cảm, quyết đoán, có như vậy thì mới đem lại kết quả.
– Hay hỏi
Người cách mệnh luôn phải tự mình đặt ra những câu hỏi cần phải làm gì và làm như thế nào, bên cạnh đó cần phải học hỏi, tiếp thu ý kiến của người khác không dấu dốt. Thể hiện tinh thần cầu thị, cầu tiến bộ của người cách mạng. Phải nỗ lực học tập mọi lúc mọi nơi, học thầy học bạn, để nâng cao trình độ đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ cách mạng giao cho, không dấu diếm khuyết điểm, không dấu dốt.
– Nhẫn nại
Cách mạng là sự nghiệp lớn lao và luôn diễn ra trong hoàn cảnh khó khăn vì vậy đòi hỏi người cách mệnh phải kiên trì bền bỉ chịu đựng những khó khăn trong công việc, đây là một đức tính rất quan trọng và cần thiết để giành được thắng lợi cuối cùng.
– Hay nghiên cứu xem xét
Khi làm cách mạng đòi hỏi phải xem xét, nghiên cứu các cuộc cách mạng trên thế giới. Qua đó, Hồ Chí Minh thấy rằng cuộc cách mạng tháng 10 Nga là đã thành công và thành công đến nơi nghĩa là dân chúng được hưởng cái hạnh phúc tự do, bình đẳng thật không phải tự do bình đẳng giả dối như đế quốc chủ nghĩa Pháp khoe khoang bên An Nam. Cách mệnh Nga đã đuổi được vua, tư bản, địa chủ rồi, lại ra sức cho công, nông các nước và dân bị áp bức ở các thuộc địa làm cách mệnh để đập đổ tất cả đế quốc chủ nghĩa và tư bản trong thế giới. Cách mệnh Nga dạy cho chúng ta rằng muốn cách mệnh thành công thì phải lấy dân chúng làm gốc, phải có Đảng vững bền, phải bền gan, phải hy sinh, phải thống nhất.
– Vị công vong tư
Là luôn đặt lợi ích của tập thể lên trên lợi ích của cá nhân vì lợi ích của tập thể có thể hi sinh lợi ích của bản thân. Đây là một trong những đức tính tạo nên phẩm chất cao quý của người cách mệnh.
– Không hiếu danh, không kiêu ngạo
Yêu cầu người cách mạng phải hết sức khiêm tốn, phải phục tùng sự phân công của tổ chức, không hiếu danh, hiếu vị, không lên mặt dạy đời; không coi thường cấp dưới, không nịnh nọt cấp trên, không chạy theo danh lợi cá nhân mà phải đặt lợi ích chung của tập thể, mục tiêu vì sự nghiệp cách mạng lên trên, không vì lợi ích cá nhân mà ảnh hưởng đến lợi ích của tập thể. Có đạo đức cách mạng thì gặp khó khăn gian khổ, thất bại cũng không sợ sệt, rụt rè lùi bước, khi gặp thuận lợi và thành công vẫn giữ vững tinh thần người cách mệnh “lo trước thiên hạ, vui sau thiên hạ” lo hoàn thành nhiệm vụ tốt chứ không kèn cựa về mặt hưởng thụ, không quan liêu, không kiêu ngạo, không hủ hóa. Khi đã là người có chức quyền thì không tỏ ra kiêu ngạo, coi mình là trên hết mà coi thường quần chúng. Trong tác phẩm khi nói về cách tổ chức công hội Bác viết “người cách mệnh chớ có bỉ thử mình khéo hơn, lương cao hơn mà khinh người vụng và ăn tiền ít. Chớ cậy mình là nhiều tuổi mà muốn làm đàn anh,…”
– Nói thì phải làm
Người cán bộ, đảng viên dù ở cương vị nào cũng phải có tinh thần phụ trách, thành tâm phụ trách. Khi đã có quyết định chính xác thì phải quyết tâm thực hiện, dù khó khăn đến mấy cũng phải tìm mọi cách để cho quyết định được thực hiện. Bác thường nói: “Quyết tâm không phải ở hội trường, ở lời nói, mà phải quyết tâm trong công tác, trong hoạt động… Phải quyết tâm chiến đấu, quyết tâm chịu khổ, chịu khó, quyết tâm khắc phục khó khăn, quyết tâm chấp hành chính sách của Trung ương Đảng và Chính phủ… bất kỳ một việc lớn hay nhỏ đều phải có quyết tâm làm cho bằng được”. Khẳng định một trong ba nguyên tắc đạo đức của Người: Nói thì phải làm; xây đi cùng với chống và tu dưỡng đạo đức suốt đời.
Lời nói đi đôi với việc làm, nói được làm được, sẽ mang lại những hiệu quả lớn, được nhiều người hưởng ứng và làm theo. Để làm được điều đó, khi đề ra công việc tránh cách nói chung chung, đại khái và khó hiểu, cần phải cụ thể, thiết thực, từ nhỏ đến lớn, từ thấp đến cao, từ dễ đến khó. Ngược lại nói nhiều làm ít hoặc nói mà không làm thì sẽ chỉ mang lại những kết quả phản tác dụng. Nếu chính mình tham ô mà bảo người khác liêm khiết thì không được. Nếu rói rằng phải cần kiệm liêm chính, chí công vô tư, mà bản thân mình lại lười biếng, không hoàn thành những công việc được giao, không tiết kiệm, sống hoang phí, xa hoa trong khi cuộc sống của đại đa số nhân dân còn nhiều thiếu thốn, luôn tìm cách tham ô tiền của Nhà nước và nhân dân… thì những lời nói đó sẽ không có tác dụng giáo dục.
Để có một xã hội ngày càng tốt đẹp, nhân dân thực sự được hưởng một cuộc sống ấm no, hạnh phúc, đất nước ngày càng mạnh giàu, hơn lúc nào hết lối sống mình vì mọi người, mọi người vì mình, phương châm và nguyên tắc sống “Nói thì phải làm” cần phải được thực hiện rộng rãi trong cán bộ, đảng viên và nhân dân. Làm đựơc như vậy là chúng ta đã làm tốt những điều mà lúc còn sống Bác Hồ luôn mong muốn và căn dặn.
– Giữ chủ nghĩa cho vững
Là phẩm chất hàng đầu, là yêu cầu cốt yếu nhất của người cách mạng. Đó là phải giác ngộ chủ nghĩa Mác – Lênin, suốt đời trung thành, kiên định với lý tưởng cách mạng. Có như vậy mới xây dựng được niềm tin vững chắc vào tương lai tươi sáng của cách mạng, không dao động trước khó khắn gian khổ, thậm chí hi sinh cả tính mạng mình.
– Hy sinh
Lý tưởng cộng sản vô cùng trong sáng, tươi đẹp. Nhưng để đi đến tương lai tươi sáng đó là cả một quá trình đấu tranh lâu dài, gian khổ vượt qua bao khó khăn thử thách. Vì chủ nghĩa đế quốc và các thế lực thù địch không bao giờ chịu từ bỏ quyền lợi của mình mà luôn tìm mọi cách, thủ đoạn nham hiểm, tàn bạo để thực hiện mưu đồ của chúng. Nên mỗi người khi bước vào hoạt động cách mạng phải xác định tinh thần sẵn sàng hi sinh cho lý tưởng cộng sản, kể cả hi sinh cả tính mạng mình.
– Ít lòng tham muốn về vật chất
Là không tham danh vị, không tham tiền. Có gan chống lại những ham muốn vinh hoa, phú quý không chính đáng. Bác rất ghét những kẻ luôn tìm cách đút túi mình tài sản của dân, bởi tham ô là thói rất xấu, rất có hại, không những phí phạm của cải của xã hội, mà còn làm vẩn đục chế độ, mất cán bộ. Tham ô là tội ác.
– Bí mật
Trong cách mạng phải đề ra đường lối, xây dựng tổ chức, trong tổ chức có sự đoàn kết thống nhất cao. Giữa tổ chức và cá nhân có mối quan hệ gắn bó mật thiết với nhau nên người cách mệnh trong quá trình hoạt động, phải luôn tuyệt đối giữ bí mật về tài liệu công tác tổ chức
2.2. Đối với người phải:
– Với từng người phải khoan thứ
Nêu cao tình cảm cách mạng cao cả của những người cùng chí hướng, luôn khoan dung, độ lượng. Khi đồng chí mắc khuyết điểm phải góp ý chân thành với ý thức xây dựng tạo mọi điều kiện thuận lợi để đồng chí sửa chữa khuyết điểm, không dấu diếm khuyết điểm, nhưng cũng không ghen ghét, đố kị hoặc có ấn tượng xấu với người mắc khuyết điểm.
– Với đoàn thể thì nghiêm
Nêu cao ý thức tập thể, luôn đặt lợi ích tập thể lên trên hết, trước hết, cách mạng không loại trừ tự do cá nhân, nhưng yêu cầu mỗi người cách mạng phải biết đặt lợi ích cá nhân trong lợi ích tập thể. Khi được tổ chức cách mạng giao nhiệm vụ thì phải tuyệt đối phục tùng, dù phải vượt qua gian khổ hoặc phải hy sinh tính mạng.
– Có lòng bày vẽ cho người
Thể hiện lòng vị tha, những gì mình biết người khác chưa hiểu phải luôn tìm cách giúp đỡ, bày vẽ để cùng tiến bộ và hoàn thành nhiệm vụ chung. Có lòng bày vẽ cho người hoàn toàn khác với thói ích kỷ, tự cao tự đại.
– Trực mà không táo bạo
Phẩm chất thẳng thắn, trung thực, quyết đoán nhưng không vội vàng hấp tấp khi giải quyết công việc, nhất là khi góp ý cho người khác phải nghiên cứu, phải xem xét hoàn cảnh cụ thể, toàn diện, đúng mức. Tránh chủ quan, phiến diện, nóng vội dễ dẫn đến thất bại.
– Hay xem xét người
Thể hiện tinh thần tập thể cao, đồng thời phải thường xuyên quan tâm giúp đỡ, sống chan hòa, thân ái với đồng chí đồng đội luôn học hỏi lẫn nhau những điều hay, điều tốt, góp ý chân thành những thiếu sót, khuyết điểm cùng nhau sửa chữa, cùng tiến bộ
2.3. Làm việc phải:
– Xem xét hoàn cảnh kỹ càng
Trước khi thực hiện công việc phải nghiên cứu, phải đánh giá điều kiện khách quan chủ quan, thuận lợi, khó khăn, khả năng tổ chức thực hiện để có quyết định đúng đắn; tránh vội vàng, chủ quan phiến diện sẽ dẫn đến thất bại.
Trước sự áp bức bóc lột của thực dân Pháp, Bác Hồ quyết định ra đi tìm đường cứu nước, Người nhận ra để được tự do cần phải lãnh đạo toàn dân đoàn kết chống giặc, để làm được điều đó phải làm cách mệnh. Vậy cách mệnh trước hết là phải làm cho dân giác ngộ, phải giảng giải lý luận và chủ nghĩa cho dân hiểu, dân vì không hiểu tình thế trong thế giới, không biết so sánh, không có mưu chước, chưa nên làm đã làm, khi nên làm lại không làm. Cách mệnh phải hiểu phong triều, phải bầy sách lược cho dân. Do đó để làm cách mệnh thành công phải xem xét hoàn cảnh trong và ngoài nước để từ đó tập trung lực lượng đánh giặc. Khi vừa lấy được Pari, chính quyền còn non trẻ, các thế lực phản cách mạng tìm mọi âm mưu thủ đoạn để chống phá, trong hoàn cảnh đó công xã không xem xét kĩ càng, đúng đắn, tổ chức không khéo léo đưa ra những quyết đoán sai lầm, dẫn đến việc công xã Pari tan rã.
– Quyết đoán
Thể hiện tác phong, phương pháp giải quyết công việc một cách dứt khoát. Khi đã nhận nhiệm vụ cách mạng giao cho thì phải kiên quyết tìm mọi cách thực hiện; không rụt rè, bàn lùi, thoái chí sẽ dẫn đến thất bại, việc tốt, việc hay, việc có lợi cho cách mạng thì dù nhỏ cũng kiên quyết làm; việc xấu việc sai, dù có đem lại lợi ích cho bản thân thì cũng kiên quyết tránh.
Làm cách mạng rất khó khăn và nguy hiểm, vì vậy người cách mạng phải suy xét hoàn cảnh và đưa ra quyết định phù hợp đối với cách mạng, phải quyết đoán không do dự làm lỡ mất thời cơ.
– Dũng cảm
Đức tính cao quý của người cách mạng, thắng không kiêu, bại không nản, tìm mọi cách để thực hiện nhiệm vụ được giao, dù phải vượt qua vô vàn khó khăn, gian khổ, thậm chí hy sinh cả tính mạng cũng quyết tâm hoàn thành. Trong cuộc chiến chống kẻ thù xâm lược ranh giới giữa sự sống và cái chết rất mong manh vì vậy nếu như không có lòng dũng cảm thì không thể làm cách mạng thành công.
– Phục tùng đoàn thể
Người cách mạng tham gia hoạt động trong một tổ chức đoàn thể nhất định, nên đòi hỏi phải có ý thức tập thể, tính kỷ luật cao. Khi được tổ chức, toàn thể phân công công tác thì phải tuyệt đối chấp hành; phải đặt lợi ích của đoàn thể lên trên hết, sẵn sàng hy sinh quyền lợi của cá nhân vì lợi ích của đoản thể.
Tư tưởng Hồ Chí Minh về nhân cách đảng viên cộng sản luôn nhấn mạnh vấn đề xây dựng ý thức tổ chức và kỷ luật, phục tùng nghiêm chỉnh kỷ luật của Đảng, giữ gìn sự đoàn kết thống nhất trong Đảng. Bởi lẽ, sức mạnh vô địch của Đảng là ở tinh thần kỷ luật tự giác, ý thức tổ chức nghiêm. Người chỉ rõ: “Đảng ta tuy nhiều người, nhưng khi tiến đánh thì chỉ như một người. Đó là nhờ có kỷ luật. Kỷ luật của ta là kỷ luật sắt, nghĩa là nghiêm túc và tự giác”(4). Người đòi hỏi mỗi đảng viên cần phải làm kiểu mẫu về phục tùng kỷ luật, chẳng những kỷ luật của Đảng mà cả kỷ luật của các đoàn thể nhân dân và của cơ quan chính quyền. Trong giáo dục ý thức tổ chức kỷ luật, người yêu cầu mọi đảng viên phải ra sức góp phần xây dựng và giữ vững sự đoàn kết nhất trí trong Đảng. Bởi lẽ, đoàn kết là sức mạnh, là then chốt của thành công. “Nhờ đoàn kết chặt chẽ, một lòng một dạ phục vụ giai cấp, phục vụ nhân dân, phục vụ Tổ quốc, cho nên từ ngày thành lập đến nay, Đảng ta đã đoàn kết, tổ chức và lãnh đạo nhân dân ta hăng hái đấu tranh tiến từ thắng lợi này đến thắng lợi khác”. Do đó, tất cả cán bộ, đảng viên, dù ở cương vị khác nhau, làm công tác khác nhau, cũng đều phải đoàn kết nhất trí để làm tròn nhiệm vụ, “giữ gìn sự đoàn kết nhất trí của Đảng như giữ gìn con ngươi của mắt mình”.
Vô luận lúc nào, vô luận việc gì, đảng viên và cán bộ phải đặt lợi ích của Đảng, của tập thể trước lợi ích của cá nhân. Đó là nguyên tắc cao nhất của Đảng. Trong một số trường hợp cá nhân phải biết hi sinh lợi ích của bản thân vì lợi ích của tập thể.
Tóm lại: “Tư cách của một người cách mệnh” là phác thảo cơ bản, đầu tiên hoàn chỉnh về đạo đức để người cách mạng có đủ uy tín tập hợp và lãnh đạo quần chúng. Đó là sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa tinh thần cách mạng tiên tiến, triệt để của giai cấp công nhân và truyền thống đạo đức tốt đẹp của dân tộc Việt Nam đã được hun đúc qua hàng ngàn năm dựng nước và giữ nước.
Những quan điểm của Hồ Chí Minh trong “Tư cách một người cách mệnh” là những yêu cầu trong công tác giáo dục, rèn luyện, nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên; đồng thời, là tiêu chí cơ bản trong đánh giá chất lượng đảng viên.
Quán triệt tư tưởng của Người, mỗi đảng viên dù ở bất cứ đâu, đảm nhiệm bất cứ nhiệm vụ gì trong bộ máy của Đảng, Nhà nước và đoàn thể chính trị-xã hội đều phải ra sức nâng cao bản lĩnh chính trị, năng lực trí tuệ, trình độ tổ chức, nhiệt tình, trách nhiệm và đạo đức của người cộng sản để đủ sức lãnh đạo quần chúng, truyền ngọn lửa nhiệt tình cách mạng cho quần chúng; đồng thời, không bao giờ được quên rằng: ý chí, bản lĩnh, tài năng chỉ có thể nảy nở và trở thành tấm gương sáng khi nó được xây dựng trên nền tảng đạo đức cách mạng.
Tài liệu tham khảo: Hồ Chí Minh Toàn tập 2 – 12 NXBCTQG, HN, 2002
Tải toàn văn Tác phẩm “Đường cách mệnh”