(VTC News) – Nhạc sĩ An Thuyên đã ra đi nhưng những bài hát của ông vẫn sống mãi trong lòng những người yêu nhạc Việt Nam.
|
Cố nhạc sĩ An Thuyên. |
Em chọn lối này (1971)
Nhạc sĩ An Thuyên sáng tác “Em chọn lối này” khi ông mới 21 tuổi. Bài hát ngay sau đó đã có sức thu hút lớn trong lòng công chúng yêu nhạc. Chính nhạc sĩ An Thuyên trong những cuộc phỏng vấn về bài hát tâm đắc nhất, ông cũng dành sự ưu ái đặc biệt cho đứa con tinh thần đầu tay này, bài hát được viết “khi mà bản thân chưa được học một chút gì về sáng tác; nhưng ở đó, cái chất liệu dân ca, tự nhiên, cái máu thịt, cái khí trời đã thực sự vận động.”
“Em chọn lối này” được viết ở giọng Fa trưởng (F-dur), tầm âm dễ hát, gần với quần chúng, gần với người nghe, mang sức truyền cảm lớn.
Đêm nghe hát đò đưa nhớ Bác (1974)
Một trong những bài hát hay nhất về Bác Hồ không thể không kể đến “Đêm nghe hát đò đưa nhớ Bác”, bài hát gây cảm động sâu sắc với chất liệu dân ca Nghệ Tĩnh. Trong suốt những năm 80 của thế kỷ trước, không ít người đã không cầm được nước mắt khi nghe nghệ sĩ Thanh Hoa hát “Đêm nghe hát đò đưa nhớ Bác” qua sóng đài phát thanh.
Bài hát đã để lại trong lòng công chúng yêu nhạc Việt những tình cảm sâu lắng, tha thiết dành cho Hồ Chủ Tịch kính yêu. Cùng với tác phẩm “Em chọn lối này” và “Hành quân lên Tây Bắc”, “Đêm nghe hát đò đưa nhớ Bác” đã được trao Giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật cho chùm tác phẩm năm 2007.
Khi xe tăng qua miền quan họ (1984)
Bài hát được nhạc sĩ An Thuyên phổ nhạc trên nền thơ của nhà thơ Nguyễn Ngọc Phú, là tình cảm ưu ái đặc biệt dành cho những người lính thiết giáp. Giai đoạn này, nhạc sĩ An Thuyên đang được cử đi học ở Nhạc viện Hà Nội, môn Sáng tác Âm nhạc bậc Đại học.
“Khi xe tăng qua miền quan họ” đã đoạt giải nhất của Bộ Văn hóa-Thông tin và Hội Nhạc sĩ Việt Nam. Hình ảnh chiếc xe tăng và vùng quê quan họ là một sự kết hợp thú vị khiến tác phẩm vừa mạnh mẽ vừa bay bổng lãng mạn. Vẻ đẹp đầy tính thơ của quê hương quan họ khiến mỗi con đường của người chiến sĩ tăng thiết giáp càng trở nên yêu thương, gần gũi mà vẫn rất tình.
“Xe anh qua
Qua sông Cầu bớt gập ghềnh
Qua tram miền nay về miền quan họ
Có qua nổi sông Cầu bắc dải yếm xinh”
Chín bậc tình yêu (1992)
“Chín bậc núi rừng, chín bậc nghiêng nghiêng, tuổi ấu thơ ta lớn lên từ đó, cây muỗm xanh quả hồng quân chín đỏ, đầu cầu thang chờ đón mẹ về…”,giai điệu bài hát “Chín bậc tình yêu” vang lên trên sóng Đài Tiếng nói Việt Nam và trở thành một trong những bài hát được nhiều người yêu thích, sống mãi với thời gian. Lấy ý tưởng về chín bậc cầu thang nhà của người Tày. Bài hát được giải nhì của Hội Nhạc sĩ Việt Nam năm 1992.
Thơ tình của núi (1994)
Bài hát không chỉ gây tiếng vang cho nhạc sĩ An Thuyên khi nhận giải thưởng chính thức từ Bộ Quốc phòng mà còn tạo nên tên tuổi của nhiều ca sĩ gắn liền với bài hát này như: Trần Tựa, Trọng Hiệp, Trọng Thủy. Tác phẩm gửi gắm tình cảm của nhạc sĩ dành cho miền sơn cước Tây Bắc, nơi có những “bản làng lưng chừng núi, lưng chừng đèo; từng bậc thang lên xuống như cung đàn ngân dài”.
Ca dao em và tôi
Ca khúc được nhạc sĩ ấp ủ 10 năm mới hoàn thành, xuất phát từ nỗi ám ảnh của ông về cuộc tình của chàng Trương Chi dành cho công chúa Mị Nương trong truyền thuyết. Bài hát mang âm hưởng dân gian thể hiện sự ngọt ngào và đằm thắm. “Ca dao em và tôi” là ca khúc tràn ngập âm hưởng dân ca Nghệ Tĩnh, về chuyện tình “với người con gái tôi yêu nơi làng quê”. Giai điệu trữ tình với những ca từ đầy chất thơ khiến ca khúc trở thành một trong những tác phẩm viết về tình yêu lứa đôi gắn với quê hương hay nhất.
Vũ Khanh