Một số giải pháp nhằm góp phần bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa đặc sắc của các dân tộc tỉnh Cao Bằng
Thứ ba – 22/04/2014 00 : 37
Cao Bằng là một tỉnh vùng cao biên giới, có trên 52 vạn dân, trong đó có trên 95% là người dân tộc thiểu số. Những phong tục tập quán riêng biệt của các dân tộc đã tạo nên bức tranh phong phú về văn hoá như: các làn điệu dân ca phong phú, ngọt ngào như: Hát then, hát sli, hát lượn; các Lễ hội truyền thống như Lễ hội Pháo hoa, Lễ hội Nàng hai, lễ hội Lồng tồng, hội Thanh minh; Lễ cấp sắc, phong tục của một số dân tộc thiểu số Dao, Sán chỉ, Lô Lô… Cao Bằng còn là vùng đất có nguồn văn hóa vật thể và phi vật thể rất đa dạng và phong phú, nhiều di tích lịch sử văn hóa và danh lam thắng cảnh, toàn tỉnh hiện có 214 di tích, trong đó có 95 di tích đã được xếp hạng ( gồm: 02 di tích quốc gia đặc biệt, 28 di tích cấp quốc gia, 66 di tích cấp tỉnh). Đây là nguồn lực quan trọng thúc đẩy quá trình phát triển KT-XH của tỉnh.
Một số giải pháp nhằm góp phần bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa đặc sắc của các dân tộc tỉnh Cao Bằng
Xác định công tác bảo tồn và phát huy các giá trị văn hoá truyền thống đặc sắc là một trong những nhiệm vụ quan trọng trong thời kỳ hội nhập, thực hiện có hiệu quả Nghị quyết TW 5 ( khoá VIII) của Đảng về “ Xây dựng và phát triển nền văn hoá Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản săc văn hoá dân tộc” và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh, Sở VHTT&DL Cao Bằng đã xây dựng Kế hoạch thực hiện Chương trình bảo tồn và phát huy giá trị văn hoá truyền thống đặc sắc của Cao Bằng, tiếp tục thống kê, kiểm kê, đăng ký quản lý các di vật, cổ vật, bảo vật; đẩy mạnh công tác sưu tầm, nghiên cứu, giới thiệu văn hoá dân gian; nâng cao chất lượng nghiên cứu khoa học về các giá trị văn hoá truyền thống đặc sắc; sưu tầm, nghiên cứu, biên dịch, in ấn lại các loại sách cổ có giá trị; khôi phục và nâng cao giá trị các lễ hội đặc sắc; mở lớp bồi duỡng về dân ca, dân vũ truyền thống…
Để thực hiện thành công mục tiêu này, Ngành cũng đã đề ra những nhiệm vụ và giải pháp cụ thể, đó là: Tích cực triển khai thực hiện tốt Nghị quyết Trung ương 5 (Khoá VIII). Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cán bộ, đảng viên và nhân dân, đồng thời tổ chức các hội nghị, hội thảo chuyên đề về bảo tồn, phát huy các giá trị di sản văn hoá đặc sắc của các dân tộc tỉnh Cao Bằng; Tăng cường đầu tư cơ sở vật chất và trang thiết bị cho hoạt động văn hoá – thể thao và du lịch; tiếp tục đầu tư, hỗ trợ có trọng điểm thông qua chương trình mục tiêu quốc gia về văn hoá và những dự án cho công tác bảo tồn văn hoá truyền thống; Kiểm kê, thống kê, lập hồ sơ khoa học, đánh giá thực trạng và hiệu quả công tác bảo tồn và phát huy các giá trị văn hoá truyền thống đặc sắc; xây dựng kế hoạch đầu tư cụ thể từng năm và trong giai đoạn tới để trùng tu, tôn tạo, nâng cấp các di tích lịch sử – văn hoá, các danh thắng trọng điểm; tiếp tục sưu tầm, nghiên cứu hiện vật để tiến đến xây dựng Bảo tàng tổng hợp tỉnh; tiếp tục thực hiện có hiệu quả công tác phân cấp quản lý di tích lịch sử, văn hoá, danh thắng trên địa bàn tỉnh. Hàng năm, tổ chức liên hoan, giao lưu văn hoá – nghệ thuật truyền thống của các dân tộc; tổ chức thi tìm hiểu và hát dân ca, thi trang phục đẹp các dân tộc; tổ chức các lễ hội tiêu biểu ở từng vùng, miền và dàn dựng, biểu diễn các điệu hát – múa đặc sắc, tiêu biểu của các dân tộc. Bảo tồn và phát huy các làng nghề thủ công truyền thống… Từ đó, các giá trị truyền thống được bảo tồn và phát huy. Nhân dân trong và ngoài tỉnh biết nhiều hơn và quan tâm hơn đến truyền thống văn hoá đặc sắc và đa dạng của các dân tộc tỉnh Cao Bằng.
Các Đề tài nghiên cứu khoa học cấp Bộ và cấp tỉnh, các dự án thuộc Chương trình mục tiêu Quốc gia về văn hóa như: Nghiên cứu, phục dựng Lễ hội Pháo hoa truyền thống huyện Quảng Uyên; Nghiên cứu thời tiền sử Cao Bằng qua các di chỉ khảo cổ; Sưu tầm, khôi phục nâng cao Lễ hội Nàng Hai; Nghiên cứu, bảo tồn làn điệu dân ca, dân vũ người Dao đỏ, người Sán chỉ; Đề tài Quy hoạch đền, chùa, miếu ở Cao Bằng; Đề tài Nghiên cứu phục dựng đám cưới người Dao Đỏ; Nghiên cứu Lượn Then tứ quý dân tộc Tày Cao Bằng; Dự án bảo tồn-tôn tạo và phát huy tác dụng Khu di tích lịch sử Pác Bó; Lập Hồ sơ Di sản Then Tày…. đã được ngành VHTTDL Cao Bằng triển khai thực hiện, góp phần quan trọng trong công tác bảo tồn di sản văn hóa trên địa bàn tỉnh.
Ngành VHTTDL đã chú trọng và đang tích cực phối hợp với các Viện Khoa học, Viện Văn hoá Dân gian Việt Nam, Viện nghiên cứu Hán Nôm, Sở KH&CN Cao Bằng… xây dựng kế hoạch, tổ chức sưu tầm, nghiên cứu, khai thác và bảo vệ những giá trị văn hoá đặc trưng trong dân gian như ngôn ngữ Tày – Nùng, Mông, Dao; các tác phẩm văn học truyền miệng; các làn điệu dân ca, dân vũ; trang phục của đồng bào các dân tộc ít người; các nét văn hoá ẩm thực tinh tế; các lễ hội truyền thống điển hình; làng nghề truyền thống… đặc biệt, nền văn hoá Tày cổ (chữ viết Tày – Nùng) …. Kết quả, nhiều công trình, đề tài khoa học đã xây dựng các luận cứ, giải pháp có tính thực tiễn trong việc bảo tồn các giá trị lịch sử, văn hoá truyền thống của các dân tộc tỉnh Cao Bằng, góp phần thực hiện có hiệu quả Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh, Chương trình số 17-CTr/TU của Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh về bảo tồn và phát huy các giá trị văn hoá truyền thống đặc sắc của Cao Bằng.
Tuy nhiên, do tác động của cơ chế thị trường và quá trình hội nhập, một số nét bản sắc văn hoá truyền thống của các dân tộc như: trang phục, nếp sống văn hoá – văn nghệ dân gian, phong tục tập quán…, đang bị pha tạp và dần mai một. Nhiều làn điệu dân ca, điệu múa cổ truyền, nhạc cụ dân tộc, lễ hội dân gian, một số nghề thủ công truyền thống và phương tiện sinh hoạt hàng ngày bị thất truyền. Trong khi đó, văn hoá truyền thống của các dân tộc chưa được kiểm kê, đánh giá đầy đủ; Công tác bảo tồn, trùng tu, quản lý và phát huy giá trị văn hoá truyền thống chưa được quan tâm đúng mức; Cơ sở vật chất và phương tiện phục vụ hoạt động văn hoá cho đồng bào vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới còn thiếu thốn; Việc thể chế hoá các văn bản quản lý, một số cơ chế chính sách trong lĩnh vực văn hoá còn nhiều bất cập; Lực lượng cán bộ làm công tác sáng tác, nghiên cứu khoa học còn thiếu; Mức hưởng thụ văn hoá của nhân dân các dân tộc vùng cao, vùng sâu, vùng xa còn thấp.
Để tiếp tục thực hiện Nghị quyết TW 5 ( khoá VIII) của Đảng về “Xây dựng và phát triển nền văn hoá Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản săc văn hoá dân tộc”, thực hiện có hiệu quả việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hoá truyền thống đặc sắc của Cao Bằng, tăng cường hiệu quả công tác nghiên cứu khoa học về văn hoá, cần tập trung thực hiện một số giải pháp chủ yếu sau:
Một là: Tiếp tục tăng cường nâng cao nhận thức và trách nhiệm của các cấp uỷ Đảng, chính quyền và các cơ quan liên quan trong việc thực hiện nhiệm vụ khoa học về văn hoá, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hoá đặc sắc của tỉnh; tổ chức thực hiện có hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia về văn hoá, quy hoạch, dự án phát triển văn hoá.
Hai là: Coi trọng và làm tốt công tác bảo tồn di sản văn hoá của các dân tộc; Thống kê, lập hồ sơ các di sản văn hóa; khuyến khích tạo điều kiện cho tổ chức, cá nhân nghiên cứu, bảo quản, truyền dạy và giới thiệu di sản văn hóa phi vật thể; áp dụng các biện pháp cần thiết của chính quyền các cấp để bảo vệ các giá trị văn hóa truyền thống đặc sắc, ngăn chặn nguy cơ làm mai một, sai lệch hoặc thất truyền. Có chính sách tạo điều kiện bảo vệ và phát triển tiếng nói, chữ viết của các dân tộc. Khuyến khích sưu tầm, biên soạn, dịch thuật, thống kê, phân loại và lưu giữ các tác phẩm văn học nghệ thuật, khoa học, ngữ văn truyền miệng, diễn xướng dân gian…Khuyến khích việc duy trì những phong tục tập quán lành mạnh của các dân tộc; phục hồi và phát triển các nghề thủ công truyền thống có giá trị tiêu biểu; nghiên cứu và ứng dụng các tri thức về y, dược học cổ truyền; khôi phục và nâng cao các lễ hội truyền thống ,bài trừ hủ tục có hại đến đời sống văn hóa của nhân dân; chống các biểu hiện tiêu cực, thương mại hóa trong tổ chức và các hoạt động lễ hội; duy trì và phát huy các giá trị văn hóa ẩm thực, giá trị về trang phục truyền thống dân tộc và các tri thức dân gian khác.
Ba là: Tiếp tục đổi mới, tạo điều kiện thuận lợi cho văn học, nghệ thuật phát triển mạnh mẽ, đa dạng về đề tài, nội dung, loại hình, phương pháp sáng tác, sự tìm tòi, thể nghiệm. Đẩy mạnh hơn nữa các hoạt động xã hội hoá trên lĩnh vực văn hoá, nghệ thuật để có nhiều công trình, nhiều sản phẩm văn hoá đáp ứng nhu cầu của công chúng. Tôn vinh và có chính sách đãi ngộ đối với nghệ nhân, nghệ sĩ nắm giữ và có công phổ biến nghệ thuật truyền thống, bí quyết nghề nghiệp có giá trị đặc biệt.
Bốn là: Khơi dậy sức sáng tạo chủ động của nhân dân trong các hình thức sinh hoạt cộng đồng nhằm đáp ứng nhu cầu hoạt động văn hóa trong thời kỳ mới. Giữ gìn truyền thống văn hoá trong gia đình, trong làng, bản, tạo điều kiện cho quần chúng tiếp nhận thông tin về mọi mặt đời sống kinh tế xã hội và thực hiện quyền làm chủ của mình.
Năm là: Chú trọng xây dựng môi trường văn hóa. Tuyên truyền cho đồng bào các dân tộc biết tự hào và trân trọng những giá trị tinh thần, đạo đức, phong tục tốt đẹp của mình, phát huy các giá trị văn hóa tích cực truyền thống trong cuộc sống mới. Xây dựng và thực hiện quy ước văn hóa trên cơ sở kết hợp những yếu tố truyền thống tốt đẹp. Tổ chức hình thức hoạt động văn hóa lành mạnh để thu hút nhân dân tham gia.
Sáu là: Tiếp tục quan tâm chỉ đạo thực hiện có hiệu quả Chương trình bảo tồn và phát huy các giá trị văn hoá truyền thống đặc sắc; cân đối phân bổ ngân sách thực hiện các dự án thuộc Chương trình. Có chính sách hỗ trợ công tác bảo tồn, phát triển văn hoá, công tác bồi dưỡng, đào tạo cán bộ văn hoá và văn nghệ sĩ các dân tộc trong tỉnh; lồng ghép các chương trình đầu tư vùng sâu, vùng xa đặc biệt khó khăn vào việc hỗ trợ cơ sở vật chất, trang thiết bị văn hoá để nâng cao mức hưởng thụ về văn hoá cho đồng bào các dân tộc./.
Tác giả bài viết: Hà văn Hiển