Dự án bảo vệ trẻ em trước nguy cơ bị xâm hại tình dục S Project

Dự án bảo vệ trẻ em trước nguy cơ bị xâm hại tình dục S Project

Xâm hại tình dục ở trẻ em đang là vấn đề nhức nhối của toàn xã hội. Trẻ em là đối tượng dành được sự yêu thương, chân trọng và bảo vệ cao nhất, vậy mà có những kẻ vô nhân tính đã không nhận thức nổi điều này. Trước tình hình đó, một cô gái trường Học viện Báo Chí đã đứng ra thành lập S Project. Đây là một dự án đầy tính nhân văn và mang lại nhiều giá trị cho xã hội trước nạn xâm hại tình dục đối với trẻ em.

Tính đến thời điểm hiện tại S Project đã bước sang mùa thứ 5. Thế nhưng ít ai biết được, người khởi xướng dự án ý nghĩa này là những cô cậu sinh viên độ tuổi mười tám, đôi mươi và hành trình để S Project lan tỏa mạnh mẽ như ngày hôm nay không phải là điều dễ dàng.

Vạn sự khởi đầu nan

Nguyễn Thị Song Trà (24 tuổi, cực sinh viên Khoa Quan hệ Quốc tế, Học viện Báo chí và Tuyên truyền) là chủ nhân của dự án S Project. Trước khi thành lập dự án này, cô đã thường xuyên tham gia các lớp kỹ năng dành cho các bạn nhỏ ở độ tuổi tiểu học. Quá trình ấy giúp cô nhận ra nhiều điều đáng buồn trong vấn đề về giới.
Đó là, nhiều trẻ em chưa hiểu biết về giới tính của bản thân, tỷ lệ nạo phá thai ở lứa tuổi vị thành niên tại Việt Nam rất cao. Đáng buồn nhất là tại thời điểm 2014-2015 đã xảy ra rất nhiều vụ xâm hại tình dục trẻ em. “Tất cả những điều đó đã trở thành cơ sở thôi thúc mình phải làm điều gì đó cho các bạn nhỏ”. Song Trà chia sẻ.
Ý tưởng đã có, nhưng động lực lớn nhất thôi thúc Song Trà hiện thực hóa dự án bắt nguồn từ câu hỏi của một bé gái 10 tuổi. Năm 2014, trong một lần về quê nghỉ lễ tại Quảng Bình, Song Trà đã nhận được câu hỏi “Chị ơi, em được sinh ra từ đâu?” Trước câu hỏi ngô nghê ấy, cô cảm thấy khá bất ngờ. 
Bằng sự sâu sắc, Trà thấu hiểu: Tại Việt Nam, vấn đề giáo dục giới tính vẫn chưa được chú trọng quan tâm đúng mức. Ngày hôm ấy, bằng vốn hiểu biết của mình, Song Trà đã chia sẻ với các bé tại địa phương rất nhiều những kiến thức như: Em bé được hình thành như thế nào, chu kỳ mang thai của người mẹ, em bé được sinh ra từ đâu.
Nhận thức được tầm quan trọng và ý nghĩa của việc giáo dục giới tính cho trẻ em, Song Trà cùng ba người bạn của mình đã tiến hành lên kế hoạch để thành lập dự án. Khi ấy họ đều là những sinh viên năm hai, chuyên ngành Thông tin Đối ngoại K34 của Học viện Báo chí và Tuyên truyền. 
Để đưa dự án đi xa hơn, Trà và các bạn đã gặp rất nhiều khó khăn trong việc việc huy động kinh phí, vì dự án chưa được bảo trợ về mặt pháp lý. Các thành viên đã đi rất nhiều nơi để xin được hỗ trợ, mặc dù chuẩn bị bằng rất nhiều tâm huyết những họ cũng đã nhận được vô vàn lời từ chối.
Song Trà nhớ lại: “Bọn mình đều là sinh viên, chưa có nhiều kinh nghiệm nên chưa nhận được sự tin tưởng từ các cá nhân, tổ chức”.Thế nhưng, bằng nhiệt huyết dồi dào của tuổi trẻ, dự án vẫn được duy trìdù phải trải qua muôn vàn khó khăn.

Hành trình không đơn độc

Chính nhờ sự kiên trì bền bỉ, vào tháng 10 năm 2015, S Project nhận được sự bảo trợ của Trung tâm Sáng kiến Sức khỏe và Dân số (CCIHP). “Sau khi chia sẻ về dự án,  thật may mắn chúng mình nhận được sự giúp đỡ của Ths, BS Phạm Vũ Thiên, Phó GĐ TT Sáng kiến Sức khoẻ và Dân số CCIHP. Đây chính là dấu mốc cho sự phát triển sau này của dự án”. Song Trà chia sẻ thêm. 
Với sứ mệnh trang bị đầy đủ kiến thức về giới tính sức khỏe sinh sản, cũng như các kỹ năng để trẻ em bảo vệ bản thân trước nguy cơ bị xâm hại, dự án ngày càng nhận được nhiều sự ủng hộ từ các bậc phụ huynh, các tổ chức và trường học. 
Dự án S Project luôn nhận được sự quan tâm của PGS.TS Nguyễn Ngọc Oanh, Trưởng Khoa Quan hệ Quốc tế, Học viện Báo chí và Tuyên truyền. Với vai trò là cố vấn dự án, PGS.TS Nguyễn Ngọc Oanh đã đồng hành cùng S Project từ mùa đầu tiên. Dự án còn có sự đồng hành của của Á hậu Thanh Tú – Đại sứ S Project mùa thứ 3, Ca sĩ Trang Pháp- Đại sứ S Project mùa thứ 4. 
Bên cạnh đó, qua mỗi năm, dự án còn nhận được rất nhiều sự chung tay góp sức của các bạn trẻ đến từ khắp nơi trên mọi miền của Tổ quốc và có cùng khát khao hướng tới việc tạo ra một môi trường phát triển an toàn, lành mạnh cho trẻ em. 
Trải qua 4 mùa hoạt động, S Project đã tổ chức được nhiều chương trình ý nghĩa: Tiến hành hoạt động Giảng dạy tại các trường Tiểu học và THCS trên địa bàn Hà Nội và tổ chức cuộc thi đồng hành “Giáo dục giới tính: Vẽ đi – Đừng ngại!” trên cả nước; Ra mắt  Bộ ảnh “Giáo dục giới tính: Đừng để quá muộn!”; Tổ chức ngày hội triển lãm và trao giải tranh: “Phòng chống xâm hại tình dục, tôi có thể và bạn cũng thế” tại làng trẻ SOS, TP. Đồng Hới, Quảng Bình; Tổ chức nhiều buổi Talkshow chia sẻ thẳng thắn về giới tính,…

Lan tỏa những giá trị tốt đẹp

Hơn 4 năm trôi qua,bằng sứ mệnh cao đẹp, S Project đã mang kiến thức đến cho khoảng 10.000 bạn nhỏ ở nhiều tỉnh thành khác nhau trong cả nước như Hà Nội, Hà Giang, Quảng Bình, Đà Nẵng, Nghệ An, Quảng Nam, Bến Tre…
Nhờ có dự án mà nhiều trẻ em đã nhận thức rõ ràng hơn về giới tính, và các biện pháp bảo vệ bản thân để có cuộc sống tốt đẹp hơn trong tương lai. Năm 2018, S Project vinh dự nhận giải thưởng Tình nguyện Quốc gia.
Cùng với sự nỗ lực đến từ các thành viên trong BTC, S Project đang ngày càng thành công hơn, mở rộng quy mô tầm vóc và lan tỏa được nhiều giá trị nhân sinh tích cực đến với cộng đồng.

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Alternate Text Gọi ngay