Bài giảng cơ sở khảo cổ học – Tài liệu text

Bài giảng cơ sở khảo cổ học

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (939.12 KB, 110 trang )

Bạn đang đọc: Bài giảng cơ sở khảo cổ học – Tài liệu text

BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO
TRƯỜNG ĐẠI HỌC SƯ PHẠM HÀ NỘI 2

CAO THỊ VÂN

BÀI GIẢNG
CƠ SỞ KHẢO CỔ HỌC

Hà Nội – 2013

2

3
MỤC LỤC

LỜI NÓI ĐẦU 5
PHẦN 1: DẪN LUẬN 7
CHƯƠNG 1: MỞ ĐẦU 7
1.1. Khái niệm “khảo cổ học” 7
1.2. Mối quan hệ của khảo cổ học với các ngành khoa học khác 8
Câu hỏi ôn tập 10
CHƯƠNG 2: DI TÍCH KHẢO CỔ VÀ VĂN HÓA KHẢO CỔ 11
2.1. Các loại di tích khảo cổ 11
2.2. Tầng văn hóa 11
2.3. Văn hóa khảo cổ 14
Câu hỏi ôn tập 15
CHƯƠNG 3: ĐIỀU TRA VÀ KHAI QUẬT KHẢO CỔ 16
3.1. Điều tra khảo cổ 16
3.2. Khai quật khảo cổ 17
Câu hỏi ôn tập 19
CHƯƠNG 4: CÁC PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU KHẢO CỔ HỌC TRONG PHÒNG20
4.1. Chỉnh lý tài liệu 20
4.2. Hoàn thành báo cáo 22
4.3. Nghiên cứu tổng hợp 22

Câu hỏi ôn tập 22
CHƯƠNG 5: SƠ LƯỢC LỊCH SỬ KHẢO CỔ HỌC THẾ GIỚI VÀ KHẢO CỔ HỌC
VIỆT NAM 23
5.1. Sơ lược lịch sử khảo cổ học thế giới 23
5.2. Sơ lược lịch sử khảo cổ học Việt Nam 25
Câu hỏi ôn tập 28
CHƯƠNG 6: VÀI NÉT VỀ NGUỒN GỐC LOÀI NGƯỜI 29
6.1. Những quan điểm khác nhau về nguồn gốc loài người 29
6.2. Những điểm giống và khác nhau giữa người và động vật 30
6.3. Các giống vượn người cổ trên thế giới 30
6.4. Các giống người cổ trên thế giới 31
6.5. Các đại chủng trên thế giới 33

4
6.6. Nguyên nhân và động lực của quá trình chuyển biến từ vượn thành người 33
Câu hỏi ôn tập 35
PHẦN II: CÁC THỜI ĐẠI KHẢO CỔ 36
CHƯƠNG 7: THỜI ĐẠI ĐỒ ĐÁ 36
7.1. Khái niệm các thời đại khảo cổ và niên đại 36
7.2. Thời đại đồ đá cũ 36
7.3. Thời đại đồ đá giữa 42
7.4. Thời đại đồ đá mới 44
Câu hỏi ôn tập 55
CHƯƠNG 8: THỜI ĐẠI ĐỒ ĐỒNG 56
8.1. Đại cương về thời đại đồ đồng 56
8.2. Thời đại đồ đồng thau ở Việt Nam 61
Câu hỏi ôn tập 71
CHƯƠNG 9: SƠ KỲ THỜI ĐẠI ĐỒ SẮT 72
9.1. Đại cương về thời đại đồ sắt 72
9.2. Sơ kỳ thời đại đồ sắt ở Việt Nam 75

Câu hỏi ôn tập 85
CHƯƠNG 10: KHẢO CỔ HỌC LỊCH SỬ VIỆT NAM 86
10.1. Vai trò của khảo cổ học lịch sử trong nghiên cứu lịch sử Việt Nam 86
10.2. Các loại di tích, di vật khảo cổ học lịch sử 86
10.3. Khảo cổ học Chămpa 102
10.4. Khảo cổ học Óc Eo 106
Câu hỏi ôn tập 109
TÀI LIỆU THAM KHẢO 110

5
LỜI NÓI ĐẦU

Ngay từ những ngày đầu thành lập bộ môn Lịch sử tại trường Đại học Sư phạm Hà Nội
2, “Khảo cổ học” đã được đưa vào giảng dạy. Đây là một môn học cơ sở trong chương trình
đào tạo và giữ một vị trí quan trọng trong việc giáo dục, bồi dưỡng tư tưởng, cung cấp kiến
thức cơ bản về khoa học khảo cổ, rèn luyện phương pháp học tập, phương pháp nghiên cứu cho
toàn sinh viên.
Những thành tựu khảo cổ trong khoảng 60 năm qua là rất to lớn, nó được đúc kết trong
rất nhiều giáo trình và sách chuyên khảo, đáng kể là Giáo trình “Cơ sở khảo cổ học” do Bộ
môn Khảo cổ học của trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn biên soạn, “Sơ yếu khảo cổ
học nguyên thủy Việt Nam” do Hà Văn Tấn và Trần Quốc Vượng biên soạn vào năm 1961,
Giáo trình “Cơ sở Khảo cổ học” do Hà Văn Tân, Trần Quốc Vượng, Diệp Đình Hoa biên soạn
vào năm 1975, gần đây nhất có lẽ phải kể tới Giáo trình “Cơ sở Khảo cổ học” do PGS.TS Hán
Văn Khẩn chủ biên năm 2008. Trong suốt những thời gian qua, đây là những tài liệu cơ bản
cho quá trình giảng dạy và học tập và nghiên cứu khảo cổ.
Nhưng những lượng tri thức trong sách là rất lớn, và khá phức tạp. Với mong muốn cô
đọng những tri thức một cách vừa tổng hợp vừa có chiều sâu, đồng thời tạo dựng khung kiến
thức cơ bản cho sinh viên, phục vụ hiệu quả cho việc học tập bộ môn Khảo cổ học, với lượng
2-3 tín chỉ của sinh viên khoa Lịch sử trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2, chúng tôi biên soạn
cuốn giáo trình này.

6

7
PHẦN 1: DẪN LUẬN
CHƯƠNG 1: MỞ ĐẦU

1.1. Khái niệm “khảo cổ học”
Khảo cổ học là một khoa học trẻ tuổi, nhưng có sức phát triển rất nhanh chóng.
*) Chiết tự từ:
Thuật ngữ “Khảo cổ học” (archéologie, archaeology…) theo tiếng Hy Lạp gồm có
“arkhaios” (cổ xưa) và “logos” (khoa học, ngôn luận), nếu hiểu theo lối “duy danh định nghĩa”
thì Khảo cổ học là Khoa học, môn học về thời cổ. Cách hiểu này không phản ánh được đầy đủ
bản chất cũng như mục đích của Khảo cổ học. Nhà triết học Platon là người đầu tiên dùng thuật
ngữ này để chỉ lịch sử thời cổ nói chung.
Có nhiều quan niệm khác nhau trong việc giải thích thuật ngữ Khảo cổ học: Khảo cổ học
thuộc về khoa học tự nhiên; khảo cổ học là một ngành của lịch sử nghệ thuật; khảo cổ học là
một khoa học nghiên cứu về thời tiền sử và thời cổ đại…; có người cho Khảo cổ học chỉ là một
môn học phụ phù trợ cho Sử học; một số khác lại có cách gọi hài hước Khảo cổ học là “khoa
học về những chiếc bình vỡ”.
Những quan điểm trên đây không phản ánh đúng bản chất của Khảo cổ học: nó không
phải là một môn học phụ của Sử học, cũng không phải là môn khoa học độc lập với Sử học.
Khảo cổ học và Sử học là hai nhánh độc lập nhưng thống nhất của Khoa học Lịch sử. Hay:
Khảo cổ học là một ngành của Khoa học Lịch sử.
*) Khoa học Lịch sử có hai loại sử liệu chính:
Sử liệu bằng chữ viết (bia ký, sách vở…): chỉ bao gồm phần lịch sử từ 5-6 nghìn năm trở
lại đây, đó là khi con người bước vào thời kỳ “lịch sử thành văn”. Loại tài liệu này có nhiều ưu
điểm: trực tiếp nói lên tiếng nói của quá khứ, rất phong phú và dễ hiểu. Tuy nhiên, loại tài liệu
này bị hạn chế bởi lập trường, quan điểm của người viết; nội dung thường thiên về đời sống
vua chúa và chiến tranh; còn đời sống nhân dân, tình hình văn hoá và kinh tế thì rất ít được đề

cập.
Sử liệu bằng vật thật (dụng cụ, di tích…): phải do những nhà chuyên môn nghiên cứu: đó
là những nhà Khảo cổ học.
Khảo cổ học có những ưu điểm sau:
Một là, khảo cổ học có khả năng nghiên cứu thời kỳ lịch sử dài dặc của loài người từ khi
con người xuất hiện đến khi con người bước vào thời kỳ “lịch sử thành văn”.
Hai là, tài liệu khảo cổ học mang tính khách quan và toàn diện. Tài liệu bằng chữ viết đã
không nhiều, mà trải qua quá trình lịch sử thì còn lại tới ngày nay càng ít hơn.
Ba là, tồn tại vô tận trong lòng đất. Nhiều hiện tượng lịch sử không để lại một dấu vết gì
trong các cuốn sử cũ nhưng luôn hiện hữu trong lòng đất.
Bên cạnh rất nhiều ưu điểm, khảo cổ học vẫn còn một số hạn chế:

8
Tài liệu khảo cổ học là những tài liệu câm, khó hiểu và có nhiều hiện vật còn nhiều điều
bí ẩn, chưa lý giải được (VD: chữ hình nòng nọc…)
Các tư liệu khảo cổ học (di tích, di chỉ, các hiện vật…) phân bố rải rác và khó xác định
(do ảnh hưởng của quá trình vận động của trái đất, khí hậu, xã hội…)
*) Khái niệm:. Khảo cổ học là một ngành của Khoa học Lịch sử, nó nghiên cứu quá khứ
của loài người căn cứ vào những sử liệu bằng vật thật.
*) Nhiệm vụ: thu lượm, miêu tả, phân tích và nghiên cứu những di tích, di vật quá khứ
của loài người còn để lại đến ngày nay.
Trên cơ sở nghiên cứu các di tích đó, Khảo cổ học khôi phục lại mọi mặt của đời sống
loài người trong lịch sử. Phần lớn các di tích khảo cổ đều bị chôn vùi dưới mặt đất, hiện nay
mới chỉ có một số ít di tích được các nhà khảo cổ phát hiện ra. Vì vậy các nhà khảo cổ dùng
nhiều thời gian vào việc khai quật khảo cổ. Người ta thường gọi nhà khảo cổ là nhà sử học
được trang bị bằng cuốc xẻng; nhưng chỉ có cuốc và xẻng thôi thì không đủ, mà cần phải có sự
nhận thức về những quy luật chung của lịch sử.
1.2. Mối quan hệ của khảo cổ học với các ngành khoa học khác
Khảo cổ học cũng như bất kỳ khoa học nào khác không thể tồn tại và phát triển một cách
riêng lẻ. Đó là mối quan hệ biện chứng: trong nghiên cứu các di tích khảo cổ, Khảo cổ học rất

cần tới sự giúp đỡ của nhiều ngành khoa học khác. Và ngược lại, Khảo cổ học cũng có thể
cung cấp nhiều tài liệu quý báu cho những ngành khoa học khác.
1.2.1. Sử học: có quan hệ gắn bó, khăng khít, không tách rời, hợp thành khoa học
Lịch sử.
Nhiều hiện tượng lịch sử không để lại một dấu vết gì trong các cuốn sử cũ nhưng luôn
hiện hữu trong lòng đất. Mãi tới năm 1272 mới xuất hiện cuốn sử Việt Nam đầu tiên “Đại Việt
sử ký” của Lê Văn Hưu mà hiện nay cuốn ấy cũng không còn. Từ đó trở về trước, chúng ta chỉ
có một số đoạn ghi chép quá vắn tắt, rút ra từ những cuốn sử biên niên của các sử gia phong
kiến nước ngoài (Trung Quốc) và thường chỉ nói nhiều về công việc cai trị và đàn áp của quan
lại đô hộ. Bởi vậy, chỉ có tiến hành điều tra, khai quật, nghiên cứu khảo cổ trong phạm vi cả
nước với một quy mô rộng lớn, chúng ta mới có thể khôi phục được bộ mặt chân thực của xã
hội Việt Nam từ buổi bình minh của lịch sử cho đến những thế kỷ đầu tiên dưới thời phong
kiến độc lập.
Càng ngược dòng lịch sử, tài liệu bằng chữ viết càng ít ỏi; ở đôi ba khúc, tài liệu chữ viết hầu
như sắp cạn. Ngược lại, những tài liệu khảo cổ liên quan đến mọi thời đại xưa đã và sẽ ngày càng
tăng lên rõ rệt. Khảo cổ học ngày càng có ý nghĩa quan trọng đối với việc nghiên cứu lịch sử.
Cũng cần nói thêm rằng nhiều sử liệu bằng chữ viết cũng là do Khảo cổ học phát hiện ra
(ví dụ cột kinh Phật bằng đá ở Hoa Lư). Những dòng chữ ghi trên cổ vật, trên phiến đá, trên đất
sét hay trên vỏ cây… mang theo nội dung lịch sử quý báu. Khảo cổ học đã mở rộng chân trời
của Khoa học Lịch sử.
Dựa vào Khảo cổ học, nhiều vấn đề còn đang bế tắc trong Sử học đã và sẽ được làm sáng
tỏ, chẳng hạn vấn đề Hùng Vương và “nước Văn Lang”. Không điều tra và khai quật khảo cổ
di tích Cổ Loa và những di tích khác có liên quan sẽ không thể nào giải quyết triệt để vấn đề
An Dương Vương Thục Phán và nước Âu Lạc. Đôi khi những cuộc khai quật khảo cổ đã chứng

9
tỏ sự sai lầm, thiếu sót của nhiều giả thuyết chỉ đơn thuần dựa trên tài liệu lịch sử và truyền
thuyết.
1.2.2. Dân tộc học: quan hệ chặt chẽ
Dân tộc học là một ngành của Khoa học Lịch sử mà đối tượng nghiên cứu là các tộc

người (ethnic).
Theo nghĩa rộng: Dân tộc học nghiên cứu các xã hội hiện tại qua điều tra hoặc quan sát,
còn Khảo cổ học nghiên cứu các xã hội quá khứ qua điều tra hoặc khai quật các di tích vật
chất.
Hai khoa học này cùng thuộc Khoa học Lịch sử, có tác dụng bổ sung lẫn nhau:
Trước hết, Hiện vật khảo cổ phần lớn là những tài liệu “câm và bí ẩn”, là những “chất
liệu đang ngủ”; dựa vào chúng thường chỉ dựng được bộ xương của lịch sử, chúng ta phải khéo
kết hợp với những tài liệu dân tộc học, sử học để bồi da đắp thịt cho nó, để giải thích những bí
ẩn của nó. Khảo cổ học dựng lên bộ xương của lịch sử, dân tộc học và sử học sẽ góp phần bồi
da đắp thịt cho nó. Nhiều hiện tượng văn hóa còn tồn tại hoặc tồn tại không lâu trong những
dân tộc, những bộ lạc hiện đại có thể giúp ta nghiên cứu đời sống cư dân ở các di chỉ thời cổ.
Mặt khác, Khảo cổ học có thể góp phần làm sáng tỏ nguồn gốc và sự phát triển của
những hiện tượng dân tộc học. Những vấn đề về nguồn gốc các dân tộc là do các nhà Khảo cổ
học, Dân tộc học, Ngôn ngữ học, Sử học… cùng giải quyết.
1.2.3. Ngôn ngữ học
Việc gắn lịch sử tiếng nói với lịch sử nền văn hóa là một nguyên lý khoa học có giá trị
bởi vì giữa tiếng nói và hoạt động sản xuất của con người có những mối liên hệ trực tiếp. Đồng
thời, các cuộc khai quật khảo cổ, ngoài việc phát hiện được những tài liệu câm còn có thể phát
hiện được những tài liệu có chữ viết, cung cấp cho nghiên cứu lịch sử ngữ ngôn.
1.2.4. Địa chất học
Địa chất học là khoa học nghiên cứu cấu trúc, cấu tạo và lịch sử của trái đất: động vật
học và thực vật học. Khảo cổ học đã có mối quan hệ lâu đời và sâu sắc với Địa chất học. Sự
thay đổi về phương diện địa chất của vỏ trái đất là cơ sở để xác định niên đại của nhiều di tích
khảo cổ. Tài liệu Địa chất học đặc biệt quan trọng khi nghiên cứu các di tích thời đại đồ đá.
Những điều kiện địa chất trong các địa tầng có phát hiện được các di tích khảo cổ cho phép ta
xác định hoàn cảnh sinh sống của con người, những điều kiện tự nhiên, các tính chất giống
động vật và thực vật ở thời kỳ đó.
Ngược lại, những phát hiện về thời đại đồ đá cũng góp phần xác định niên đại của các
tầng địa chất ở kỷ Đệ Tứ.
1.2.5. Các ngành khoa học tự nhiên khác

Động vật học: Khảo cổ học qua các cuộc khai quật thu lượm được nhiều xương cốt dã
thú và gia súc. Động vật học nghiên cứu các xương cốt ấy giúp các nhà Khảo cổ học có một ý
niệm về điều kiện sống của người thời cổ (chẳng hạn: người Hoà Bình sống giữa quần thể động
vật nào…), giúp ta xác định hình thái sinh hoạt kinh tế tồn tại trong các thời đại khác nhau (sự
nảy sinh và tiến triển của nghề chăn nuôi…).

10
Thực vật học: Bào tử phấn hoa, hạt giống ngũ cốc…tìm thấy trong các di tích khảo cổ và
kinh qua sự nghiên cứu của các nhà thực vật học cũng giúp ta có một ý niệm về khí hậu, về
cảnh quan sinh sống của con người. Nó góp phần nghiên cứu cảnh quan thời cổ, môi trường tự
nhiên của con người thời cổ, lịch sử các cây trồng, lịch sử của nông nghiệp. Những hạt ngũ cốc
và những hạt cỏ dại nối tiếp nhau trên một mảnh đất giúp ta đoán định được mức độ và sự tiếp
nối của các hình thức canh tác nông nghiệp (phương pháp bỏ ruộng hoá, phương pháp luân
canh, kinh tế bán du mục…).
1.2.6. Nhân loại học
Nhân loại học, đặc biệt là ngành cổ nhân loại học nghiên cứu cấu tạo cơ thể con người
thời cổ, cung cấp cho ta ý niệm về con người thời cổ và sự tiến hoá về thể chất của con người
dưới ảnh hưởng của những điều kiện địa lý và xã hội. Nhân loại học góp phần giải quyết vấn
đề nguồn gốc loài người, nguồn gốc các chủng tộc, nguồn gốc các dân tộc… Nó chỉ rõ trong
khi tác động bằng lao động đến giới tự nhiên xung quanh mình, con người đã cải biến bản thân
họ như thế nào. Nó còn giúp ta nhận định tuổi thọ của con người trong các thời đại khác nhau
và những bệnh tật mà họ mắc phải trong thời đại này hay thời đại khác.
1.2.7. Ảnh hưởng qua lại giữa những hiện tượng xã hội và nhân tố địa lý có tầm quan
trọng nhất định đối với Khảo cổ học.
Hoàn cảnh địa lý không phải là nhân tố quyết định sự phát triển xã hội, nhưng có thể kìm
hãm hoặc thúc đẩy phần nào sự phát triển đó. Bởi vậy các di tích khảo cổ phải được nghiên cứu
trong mối liên hệ với điều kiện địa lý của thời kỳ đó. Sự thiết lập và nghiên cứu các bản đồ
khảo cổ là một phương pháp nghiên cứu khoa học giúp ta tìm hiểu sự tiến triển của quá trình
lịch sử trong không gian, sự phân bố và sự di chuyển các nền văn hoá khảo cổ, các nhóm nhân
chủng, giúp ta xác định những con đường và những mối giao lưu kinh tế, văn hoá… thời cổ.

Phương pháp đó thể hiện mối tương quan giữa Khảo cổ học và Địa lý học.
Tóm lại, những khoa học về trái đất, về cây cối, về động vật, về con người… đều góp
phần giúp Khảo cổ học khôi phục lịch sử quá khứ của nhân loại một cách chính xác và toàn
diện.

CÂU HỎI ÔN TẬP
1. Khảo cổ học là gì? Mối quan hệ của Khảo cổ học và sử học ?
2. Những ưu, nhược điểm của Khảo cổ học ?

11
CHƯƠNG 2: DI TÍCH KHẢO CỔ VÀ VĂN HÓA KHẢO CỔ

2.1. Các loại di tích khảo cổ
Di tích khảo cổ là đối tượng nghiên cứu chủ yếu của Khảo cổ học. Có nhiều loại di tích
khảo cổ học khác nhau, trong đó di tích di chỉ cư trú thời cổ và mộ táng cổ là hai loại di tích
chủ yếu. Việc nghiên cứu toàn diện tất cả các loại di tích khảo cổ có ý nghĩa quyết định trong
việc phục dựng lại quá khứ lịch sử loài người.
Tính đến nay, con người có lịch sử khoảng 3 triệu năm, trong đó lịch sử được ghi lại (rất
hiếm) bằng chữ viết xuất hiện sớm nhất là 6.000 năm BP (BP: cách ngày nay). Tuy nhiên,
không có một hiện tượng lịch sử nào đi qua mà không để lại dấu vết, nó tồn tại vô hạn trong
lòng đất. Nhiệm vụ của nhà khảo cổ là tìm kiếm những dấu vết lịch sử đã qua hiện còn nằm lại
trong lòng đất.
Thông thường, khi con người cư trú ở một nơi nào đó họ sẽ để lại dấu vết hoạt động kiếm
sống ở ngay tại nơi đó. Trong quá trình sống, con người vứt bỏ các loại xương xẩu, vỏ ốc hến,
sò điệp, mảnh gốm vỡ, những công cụ và vũ khí bị hư hỏng (mảnh rìu vỡ, cái giáo gãy, mảnh
khuôn đúc…). Tất cả các dấu vết này sẽ bị vùi lấp dưới đất. Với thời gian, ngay nhà cửa, lâu
đài cổ được làm bằng đất, đá, tre gỗ cũng bị huỷ hoại và bị vùi lấp dưới đất. Tất cả nơi cư trú
thời cổ bị đất vùi lấp đi, tạo thành một tầng đất đặc biệt. Tầng đất này được các nhà khảo cổ

gọi là Tầng văn hoá.
2.2. Tầng văn hóa
2.2.1. Khái niệm
Tầng văn hoá được tạo thành bởi hoạt động của con người, là tấm gương nhiều mặt phản
ánh trung thực trạng thái văn hoá của cư dân thời cổ. Tính đa dạng của đời sống cư dân được
thể hiện rõ qua những thành tố của tầng văn hoá.
2.2.2. Đặc điểm
Màu sắc của tầng văn hoá là điều đầu tiên. Thông thường, tầng văn hoá có màu thẫm hơn
các tầng đất khác. Bởi vì tầng văn hoá chứa đựng những sản phẩm hoạt động của con người
như than gio, xương cốt động vật và các chất hữu cơ. Tuy nhiên, không phải bao giờ tầng văn
hoá cũng có màu thẫm, nó tuỳ thuộc vào thời gian và điều kiện địa lý cụ thể.
Độ dày của tầng văn hoá có vị trí quan trọng trong nghiên cứu khảo cổ. Nhìn chung, độ
dày của tầng văn hoá phụ thuộc vào thời gian sinh sống và hình thức kiếm sống của cư dân,
tầng văn hoá càng dày thì thời gian sinh tồn của cư dân ở đó càng lâu. Độ dày của tầng văn hoá
thường tỉ lệ thuận với thời gian sinh tồn của cư dân tạo ra tầng văn hoá. Song, nhiều khi trong
một tầng văn hoá, cùng một thời đại mà có những chỗ dày mỏng khác nhau.
Trong nghiên cứu khảo cổ, cần thiết phải phân biệt di tích di chỉ cư trú có một tầng văn
hoá với di tích di chỉ cư trú nhiều tầng văn hoá.
Di tích di chỉ cư trú một tầng văn hoá là nơi chỉ được con người cư trú một lần trong một
thời gian dài. Sau đó, nơi đây không bao giờ có người ở nữa.
Loại di tích di chỉ cư trú nhiều tầng văn hoá gồm có hai loại khác nhau: loại di chỉ có lớp
vô sinh và loại di chỉ không có lớp vô sinh ngăn cách. Loại di chỉ có hai hay nhiều tầng văn

12
hoá có lớp vô sinh ngăn cách được tạo bởi hai hay nhiều giai đoạn cư trú không liên tục của
người xưa. Quá trình hình thành: thoạt đầu, con người đến ở một thời gian, tạo ra tầng văn hoá
đầu tiên. Sau đó, họ phải bỏ đến ở một nơi khác; nơi đây bị bỏ hoang và mưa gió đem đất cát
vùi lấp lên tầng văn hoá. Nhưng về sau, con người đến cư trú và lại tạo ra một tầng văn hoá
mới, nằm trên lớp đất vô sinh. Kết quả là tại đây đã hình thành một di chỉ khảo cổ có hai tầng
văn hoá được phân biệt với nhau bởi một lớp vô sinh. Nếu quá trình này cứ lặp đi lặp lại nhiều

lần thì chúng ta sẽ có một di chỉ có nhiều tầng văn hoá được ngăn cách nhau bởi nhiều lớp vô
sinh khác nhau.
Những di chỉ nhiều tầng văn hoá nối tiếp nhau, không có lớp vô sinh ngăn cách được tạo
bởi sự có mặt của nhiều thế hệ người ở một chỗ trong suốt thời gian dài hàng trăm, thậm chí
hàng ngàn năm. Mặc dù không có lớp vô sinh ngăn cách nhưng nhà khảo cổ vẫn có thể phân
định được các tầng văn hoá nhờ dựa vào sự khác biệt về màu sắc, thành phần và cách cấu tạo
khác nhau của các tầng văn hoá. Ở những di chỉ nhiều tầng văn hoá mà không có lớp vô sinh
ngăn cách thì thường có một lớp văn hoá mang đặc trưng trung gian của tầng văn hoá nằm trên
và nằm dưới nó.
Khi nghiên cứu, nhà khảo cổ cũng phải hết sức chú trọng đến sự xáo trộn tầng văn hoá.
Nguyên nhân làm cho tầng văn hoá bị xáo trộn rất khác nhau. Nhà khảo cổ phải nghiên cứu
trắc diện và bình diện của di tích một cách hết sức cẩn thận trong thám sát và khai quật di tích.
Muốn nghiên cứu tốt tầng văn hoá, nhà khảo cổ phải nắm vững phương pháp khai quật,
có hiểu biết sâu rộng và kinh nghiệm nghiên cứu điền dã phong phú.
2.2.3. Phân loại các di tích di chỉ khảo cổ
2.2.3.1. Di tích di chỉ cư trú
Khảo cổ học thường phân chia các loại di tích di chỉ cư trú thành: Di chỉ cư trú hang
động; Di chỉ cư trú ngoài trời (di chỉ); Di chỉ đống rác bếp (kjökkenmödding); Di chỉ phù sa;
Di chỉ cư trú có phòng ngự.
*) Di chỉ cư trú hang động
Hang động thường có ở các vùng núi đá vôi. Phần lớn hang động đã được con người,
nhất là người thời đại đồ đá cũ sử dụng làm nơi ăn chốn ở.
Tầng văn hoá trong các hang động có khi bị thạch nhũ phủ kín, phải phá bỏ lớp thạch
nhũ này mới có thể khai quật được. Khai quật loại di tích này thường khó khăn hơn các di tích
di chỉ cư trú ngoài trời.
Di chỉ cư trú tồn tại trong tất cả các thời đại khảo cổ khác nhau. Những di chỉ được con
người cư trú lâu dài thường có tầng văn hoá dày. Tại đây, nhà khảo cổ có thể thấy vết tích nhà
cửa hoặc dấu vết các công trình kiến trúc khác.
*) Di chỉ đống rác bếp
Di chỉ đống rác bếp là một loại di chỉ đặc biệt. Sự hình thành của loại di tích này gắn liền

với việc thu lượm các loài nhuyễn thể làm thức ăn của người xưa: sau khi ăn đã đổ vỏ ra ngay
nơi ở thành những gò lớn nên chỉ trong một thời gian ngắn có thể tạo ra tầng văn hoá dày.
Những di chỉ của văn hoá Quỳnh Văn thuộc loại di chỉ đống rác bếp ở Việt Nam.
*) Di chỉ phòng ngự

13
Di chỉ phòng ngự là loại cư trú có thành cao và hào sâu bảo vệ. Nhìn chung, trong thời
đại đồ đá, chưa có mặt loại di tích này. Nó chỉ xuất hiện từ khi chế độ công xã nguyên thuỷ tan
rã và phát triển trong xã hội có giai cấp. Cho đến nay, các nhà khảo cổ chỉ tìm thấy những nơi
cư trú có phòng ngự thuộc thời đại kim khí. Nơi cư trú có phòng ngự có nhiều loại với nhiều
quy mô và cấu trúc khác nhau. Thành Cổ Loa, Luy Lâu ở Việt Nam là thuộc loại di tích này.
*) Di chỉ phù sa
Di chỉ phù sa là một loại di chỉ đặc biệt và khác hẳn với các loại di chỉ vừa nêu trên. Nó
thường có mặt vào thời đại đồ đá cũ, nhất là sơ kỳ thời đại đồ đá cũ. Loại di chỉ phù sa được
tạo thành do nước cuốn công cụ của người xưa đi khỏi nơi hình thành đầu tiên của di tích và
vùi công cụ vào bãi cát hay lớp cuội ở thềm sông… Vì thế mà ở các di chỉ phù sa, nhà khảo cổ
không phát hiện được tầng văn hoá, không thấy vết tích nhà cửa và dấu vết bếp lửa. Mặc dù
vậy, di chỉ phù sa vẫn có vị trí quan trọng cho việc nghiên cứu quá khứ lịch sử.
2.2.3.2. Di tích mộ táng
Có nhiều loại mộ táng khác nhau nên việc phân loại di tích mộ táng là không dễ dàng.
– Dựa vào hình dáng bên trên của mộ: mộ có nấm mộ (gò mộ) và mộ không có nấm mộ.
Mộ có nấm mộ được xây đắp to, cao thành gò mộ. Phát hiện loại mộ này khá dễ dàng. Trái lại,
những mộ không có nấm mộ rất khó phát hiện. Loại mộ này phổ biến trong nhiều thời đại, nhất
là ở thời tiền sơ sử. Lần đầu tiên ở Việt Nam, loại mộ này phát hiện được ở một di chỉ thuộc
văn hoá Phùng Nguyên là di chỉ Lũng Hoà (Vĩnh Phúc).
– Dựa vào loại “quan tài”: mộ thuyền thân cây khoét rỗng (Việt Khê), mộ mành tre (Hưng
Yên), vò gốm úp miệng vào nhau, chôn ngay xuống đất, được đặt trong những chum gốm lớn
(trong văn hoá Sa Huỳnh), trong thạp đồng (trong văn hoá Đông Sơn)…
– Cách đặt tử thi trong các mộ cũng rất khác nhau: chôn ngồi (Quỳnh Văn, Đa Bút), chôn
nằm ngửa, nằm nghiêng, nằm co (Thiệu Dương, Thanh Hoá). Có loại mộ chôn một người (đơn

táng) và có loại mộ chôn hai người (song táng)…
– Bên cạnh hình thức mai táng có tử thi, người xưa còn có hình thức hỏa táng, tức người
chết được hoả thiêu lấy gio rồi đem chôn. Ngoài ra còn có loại “mộ giả” hay “mộ kỷ niệm”, mộ
tượng trưng của những người vì lý do nào đó mà chết ở xa hoặc chết không còn xác. Mộ xác
ướp và kiến trúc đặc biệt của nó. Các kim tự tháp Ai Cập là loại mộ xác ướp tiêu biểu nhất và
xuất hiện vào loại sớm nhất hiện biết cho đến nay.
Cũng như di chỉ cư trú, di tích mộ táng là một nguồn sử liệu quan trọng để tìm hiểu các
xã hội đã qua. Qua nghiên cứu mộ táng, chúng ta có thể rút ra nhiều kết luận quan trọng.
Trong khi nghiên cứu mộ táng, nhà khảo cổ cần xem xét kỹ thuật xây đắp mộ cũng như
quy mô kích thước của mộ táng. Bởi vì, chúng sẽ cho ta biết về thân phận cũng như mối quan
hệ của người chết, đặc biệt, để nghiên cứu các xã hội đã tiêu vong. Mặt khác, qua nghiên cứu
xương cốt người trong mộ, chúng ta sẽ biết được giới tính, tuổi tác, bệnh tật và chủng tộc của
người chết. Đây là tài liệu quan trọng nhất để xác định thành phần nhân chủng cũng như nguồn
gốc dân tộc trong quá khứ.
Tài liệu mộ táng và nơi cư trú cần được so sánh đối chiếu để bổ sung lẫn cho nhau. Ngay
trong một giai đoạn lịch sử cũng cần phải nghiên cứu và so sánh tài liệu của nhiều mộ táng với
nhiều nơi cư trú một cách tỉ mỉ, tránh được những kết luận vội vàng, phiến diện hay sai lạc.

14
Trong thực tế nghiên cứu, nhà khảo cổ còn gặp một loại di tích khác vừa mang tính chất
nơi cư trú vừa mang tính chất di tích mộ táng, giúp chúng ta hiểu về quan niệm của người xưa
về mối quan hệ ràng buộc giữa người sống và người chết đã từng tồn tại lâu dài trong quá khứ.
– Di tích các công xưởng cổ cũng là một loại di tích khảo cổ quan trọng trong việc tìm
hiểu quá trình xuất hiện và phát triển của các nghề thủ công truyền thống.
– Di chỉ xưởng,
– Các di tích cảng thị cổ
– Các di tích cự thạch (tiếng Anh là megalithic: mega là lớn, còn lithic là đá) là di tích
kiến trúc bằng đá lớn của người xưa.
– Tượng đá và các hình vẽ trên vách đá
– Di tích hầm mỏ cổ. Đây là một loại di tích khảo cổ quan trọng…

Muốn khôi phục lại được quá khứ loài người (ở một vùng, một nước hay toàn thế giới),
nhà khảo cổ nhất thiết phải nghiên cứu kỹ tất cả các loại di tích khảo cổ. Trong nghiên cứu,
chúng ta không chỉ chú ý đến nội dung của di tích mà còn phải biết rõ quy luật phân bố địa lý
của di tích. Bởi vì căn cứ vào vị trí cũng như địa thế của di tích, chúng ta có thể nhận ra quy
luật sinh sống của con người qua từng giai đoạn lịch sử.
2.3. Văn hóa khảo cổ
2.3.1. Khái niệm
Văn hoá khảo cổ là một nhóm di tích khảo cổ có cùng tính chất, cùng đặc điểm, cùng
niên đại và phân bố trong một không gian liền khoảnh.
2.3.2. Tên văn hoá khảo cổ
Có 3 cách đặt tên văn hoá khảo cổ khác nhau:
Một là, tên của văn hoá khảo cổ thường lấy tên của di tích khảo cổ được phát hiện đầu
tiên của văn hoá đó. Ví dụ, ở Việt Nam: văn hoá Quỳnh Văn, văn hoá Phùng Nguyên…
Hai là, có một số văn hoá được đặt tên theo tên một huyện, một vùng hay một tỉnh, nơi
phát hiện ra những di tích đầu tiên, như văn hoá Bắc Sơn, văn hoá Hạ Long, văn hoá Hoà Bình.
Ba là, cũng có khi tên văn hoá khảo cổ được đặt theo tên một đặc trưng tiêu biểu nào đó,
như văn hoá gốm chải, văn hoá gốm văn thừng, văn hoá gốm màu…
2.3.3. Không gian văn hoá
Để xác định phạm vi phân bố của các văn hoá khảo cổ, nhà khảo cổ phải vẽ các bản đồ
khảo cổ. Có khi trong cùng một thời đại có những văn hoá khảo cổ khác nhau nằm cạnh nhau.
Trong các văn hoá khảo cổ khác nhau, có thể thấy yếu tố riêng biệt nào đó giống nhau.
Sự giống nhau này có thể do ngẫu nhiên hay do sự trao đổi qua lại giữa các văn hoá. Song, căn
cứ vào sự so sánh toàn bộ các đặc trưng văn hoá thì chúng là hai văn hoá khác nhau.
Ở một chừng mực nhất định, văn hoá khảo cổ có thể phản ánh đời sống của tập đoàn
người cùng tộc, tức là cộng đồng tộc người. Nói một cách khác, một văn hoá khảo cổ có thể
thuộc một bộ lạc hay một liên minh bộ lạc nào đó.

15
Không phải lúc nào chúng ta cũng có thể gắn một văn hoá khảo cổ với một bộ lạc hay
liên minh bộ lạc nhất định. Bởi vì, có những bộ lạc khác nhau, nói những ngôn ngữ khác nhau,

nhưng lại có nền văn hoá vật chất giống nhau, như công cụ sản xuất, đồ dùng và nhà ở giống
nhau.

CÂU HỎI ÔN TẬP
1. Tầng văn hóa là gì? Những đặc điểm của tầng văn hóa?
2. Các cách đặt tên một nền văn hóa khảo cổ ?

16
CHƯƠNG 3: ĐIỀU TRA VÀ KHAI QUẬT KHẢO CỔ

3.1. Điều tra khảo cổ
3.1.1. Khái niệm
Điều tra khảo cổ là một hoạt động (phương tiện) nhằm phát hiện và nghiên cứu bước đầu
những di tích khảo cổ ở ngoài trời.
Mục đích của công việc điều tra khảo cổ là nhằm lập những bản đồ khảo cổ của một
vùng, miền nhất định và của cả nước; nghĩa là để đánh giá và làm sáng tỏ bộ mặt khảo cổ, tính
đa dạng của những di tích khảo cổ trong khu vực đã được điều tra trong một thời gian nhất
định và ở vào một trình độ phát triển nhất định của khoa học khảo cổ.
Nhiệm vụ của điều tra khảo cổ là phát hiện và công bố những nghiên cứu sơ bộ về những
di tích trong một khu vực nhất định.
Việc tìm tòi, phát hiện ra những di tích khảo cổ mới và nghiên cứu bước đầu về chúng là
công việc thường xuyên của bất cứ một nhà khảo cổ nào khi có điều kiện đi công tác ngoài trời.
3.1.2. Quy trình thực hiện
Khi đã phát hiện ra di tích, di vật khảo cổ, cần phải xác định những tính chất cơ bản của
chúng. Yêu cầu về mức chi tiết của các miêu tả, cấp độ của các nhận định có thể sâu sắc khác
nhau tuỳ vào tính chất của đợt điều tra khảo cổ.
Công việc chuẩn bị trước cho một cuộc điều tra khảo cổ là rất cần thiết. Đó là: phải đọc
trước những tài liệu về lịch sử, khảo cổ, địa lý, địa chất… có liên quan tới khu vực, vùng mà
chúng ta sẽ tới điều tra. Đặc biệt, cần phải xem các thông báo về những phát hiện khảo cổ mới
hàng năm trong khu vực, nhật ký hay báo cáo khai quật các di tích khảo cổ, và trực tiếp xem

xét các hiện vật khảo cổ của những đợt điều tra và khai quật khảo cổ trước đây ở vùng đó.
Phương tiện điều tra: Khi đi điều tra khảo cổ, ngoài các bản đồ, cần mang theo máy ảnh,
thước dây, máy trắc địa, địa bàn, máy định vị, giấy vẽ, giấy viết, bút chì, bút viết mực chịu
nước, các loại giấy dùng để gói, các túi nilon, nhật kí thám sát, điều tra… Nếu có điều kiện, có
thể mang theo máy tính xách tay, máy quay video, máy đàm thoại… Ngoài ra cũng nên có túi
thuốc cá nhân kèm theo.
Tất cả những sự chuẩn bị đó giúp cho việc lập một chương trình công tác được dễ dàng.
Vấn đề phương tiện đi lại cũng cần xem xét.
Trong hoạt động khảo cổ học, có nhiều loại điều tra khảo cổ nhưng có thể quy lại thành
hai loại chính đó là: Điều tra chuyên môn về từng loại di tích; Điều tra toàn bộ các di tích khảo
cổ hay còn gọi là điều tra tổng hợp (điều tra phối hợp). Thông thường loại điều tra thứ hai được
áp dụng nhiều hơn và cũng mang lại kết quả lớn hơn.
Trong quá trình điều tra, chúng ta có thể đào các hố thám sát từ 1m
2
đến 2m
2
ở nơi nghi
ngờ có di tích khảo cổ. Các hố thám sát phải đào cho tới tận sinh thổ (đất cái) để tìm hiểu cấu
tạo các tầng đất.

17
Khi đi điều tra khảo cổ chúng ta cần có sự liên hệ mật thiết với chính quyền, và nhân dân
sở tại. Việc liên hệ như vậy vừa đảm bảo thủ tục hành chính vừa mang lại nhiều lợi ích, kết quả
cho quá trình điều tra.
Khi một di tích khảo cổ đã được phát hiện thì phải miêu tả di tích đó. Việc làm đầu tiên
là đặt tên cho di tích. Cần xác định và ghi rõ vị trí địa lý của di tích. Cần thu lượm các hiện vật
đặc trưng cho di tích trong hố, dưới rãnh… và ghi “phiếu hiện vật”. Cần vẽ sơ đồ và chụp ảnh
di tích khảo cổ.
Trên cơ sở đó cần bước đầu xác định tính chất và niên đại của di tích ấy.
Di tích khảo cổ đã phát hiện cần được đánh dấu trên bản đồ khảo cổ. Các loại di tích

khác nhau phải được đánh dấu bằng những dấu hiệu qui ước khác nhau…
Điều tra khảo cổ là một công việc nghiêm túc, sáng tạo, đòi hỏi tính kiên trì của nhà khảo
cổ. Tuỳ theo hoàn cảnh, tính chất của di tích, khu vực khảo sát mà các nhà khảo cổ định ra
những phương thức điều tra và nghiên cứu khác nhau.
3.2. Khai quật khảo cổ
3.2.1. Một số nét khái quát về Khai quật khảo cổ học
Khai quật khảo cổ là nhằm nghiên cứu kỹ về các di tích ấy bằng cách đào bới, lấy lên
những di vật khảo cổ, và thông qua việc đào bới khảo cổ, nghiên cứu mối liên hệ địa tầng giữa
các di tích và di vật. Nhờ có khai quật khảo cổ, chúng ta mới có tư liệu để từ đó rút ra những
kết luận nhằm khôi phục quá khứ lịch sử của loài người.
Khai quật khảo cổ luôn là một công việc khoa học nghiêm túc, nặng nề, khó nhọc và đòi
hỏi tính trung thực, tinh thần trách nhiệm cao.
Khai quật khảo cổ là để giải quyết những vấn đề lịch sử, để dựng lại những điều kiện
sinh hoạt của tổ tiên thời xa xưa, để đi sâu vào đời sống hàng ngày của họ và bằng cách đó có
thể biết được tổ chức xã hội của họ.
Để khai thác triệt để nguồn sử liệu khai quật từ mọi góc độ phải có sự phối hợp của nhiều
nhà chuyên môn: khảo cổ học, dân tộc học, địa chất học, thổ nhưỡng học, cổ sinh vật học…
3.2.2. Một số nguyên tắc cơ bản khi khai quật một di tích khảo cổ
1. Khai quật khảo cổ không được làm qua loa, đại khái, cho dù đó là một cuộc khai quật
chữa cháy, khi hiện trường đã bị đào xới nham nhở. Tránh tình trạng coi thường việc nghiên
cứu những hiện vật đã quá quen thuộc – loại hiện vật “đã biết từ lâu rồi”.
Khai quật khảo cổ là một công việc tinh tế, đối xử với các hiện vật khảo cổ cần hết sức
nhẹ nhàng, do vậy ngay cả trong thời đại khoa học kỹ thuật phát triển thì những công cụ khai
quật của các nhà khảo cổ cũng vẫn chỉ là những cái xẻng, cái cuốc nhỏ, cái bay, con dao, chổi
lông… Việc ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật phần lớn là ở công đoạn nghiên cứu trong
phòng.
2. Khi khai quật khảo cổ, ta phải luôn hướng tới một mục đích: cố gắng nghiên cứu toàn
diện quá trình lịch sử. Phương pháp tốt nhất để giải quyết vấn đề này là đào toàn bộ nơi cư trú
(toàn bộ một làng cổ), khu mộ táng…, thu thập những tư liệu liên quan đến mọi mặt như môi
trường sinh thái, địa lý, địa chất… nhưng đó là một công việc lâu dài và kết thúc việc khai quật

thuộc về tương lai.

18
Khai quật toàn bộ một di tích có thể kéo dài hết một đến vài thế hệ các nhà khảo cổ.
Chính vì vậy, với từng di tích cụ thể phải có được một kế hoạch cho từng giai đoạn, từng mùa
khai quật.
Trước khi khai quật, dựa vào việc điều tra khảo cổ và đào thám sát, chúng ta phải biết
được qui hoạch nơi cư trú, khu mộ táng, những giới hạn niên đại của di tích.
3. Trước khi khai quật một di tích nhất thiết phải nắm được địa tầng của di tích để biết
được trình tự và niên đại các lớp đất nhằm tránh việc khai quật tùy tiện.
Trắc diện các lớp đất là “giấy thông hành “của nhà khảo cổ, là “hộ chiếu” của di tích đó.
Đối với việc khai quật mộ cổ, trước hết phải đào và nghiên cứu trắc diện gò mộ (nếu có), chất
đất, kỹ thuật và vật liệu đắp gò mộ…
4. Sau khi đã biết được địa tầng của di tích hay trắc diện của gò mộ, các nhà khảo cổ tiến
hành khai quật theo phương gần thẳng đứng (từ trên xuống) theo từng tầng đất để làm lộ ra
những nền nhà cũ, những di tích, di vật. Các lớp đất lắng đọng khác nhau được lần lượt bóc bỏ
đi và nhất thiết phải nghiên cứu tất cả các tầng của di tích đó.
5. Để có một ý niệm đầy đủ về toàn bộ nơi cư trú cần phải khai quật trên diện lớn. Thông
thường, mỗi hố đào rộng khoảng 100m
2
đến 400m
2
tuỳ những trường hợp cụ thể. Với diện tích
đó, nó có thể bao gồm được những vết tích kiến trúc nhà ở, nơi sinh hoạt, sản xuất.
Tuy nhiên, nếu chúng ta đào hố quá lớn thì mất khả năng theo dõi liên tục các tầng đất
trên trắc diện vì các vách hố quá xa nhau; do vậy các hố lớn vừa phải được đào sát nhau và
cách nhau bởi một vách ngăn. Về nguyên tắc hố đào cần theo những hình có góc vuông (hình
vuông, hình chữ nhật).
6. Trong quá trình khai quật, các vết tích kiến trúc, các hiện vật, phát hiện được phải để
nguyên ở vị trí ban đầu của chúng, không được di chuyển ra chỗ khác hoặc lấy ra khỏi lớp đất

văn hoá.
Các hiện vật nằm lộ ra trên vách hố khai quật cũng phải để nguyên ở vị trí, chỉ lấy chúng
ra khi đã hoàn tất việc khai quật.
7. Việc khai quật khảo cổ đòi hỏi phải đào hết tầng văn hoá. Khi đã đào hết tầng văn hoá
thì phải nạo sạch đáy hố để thấy rõ bộ mặt lớp đất hạ tầng – lớp đất cái (hay còn gọi là sinh thổ)
tức lớp đất trên đó người thời cổ bắt đầu cư trú, sinh sống. Không được đào sâu quá lớp đất cái,
phải quan sát xem trên mặt lớp đất cái có vết các hố đào xuống không… Cũng có trường hợp
do có nhiều sự việc khác phát sinh trong lúc khai quật, người ta đành phải tạm dừng việc khai
quật mà chưa đào hết tầng văn hoá…
8. Mọi hiện vật phát hiện được trong quá trình khai quật cần thu lượm tất cả, cho dù đó là
những “vật tầm thường” nằm trong tầng văn hóa hay trong mộ cổ. Kết quả thu lượm phục vụ
cho việc lập bảng thống kê hiện vật, qua đó chúng ta có một ý niệm toàn diện về trình độ kỹ
thuật, đời sống của chủ nhân di tích khảo cổ.
9. Khi tiến hành khai quật khảo cổ, chúng ta đồng thời cũng tiến hành ghi nhật kí khai quật.
Việc ghi nhật kí khai quật do người phụ trách hố khai quật đảm nhận, được thực hiện hàng ngày.
Ghi nhật kí phải đặc biệt mô tả tỉ mỉ những cái gì không thể hiện được trên bản đồ, trên
sơ đồ mặt cắt và mặt bằng…

19
10. Các di tích khảo cổ và việc khai quật di tích khảo cổ luôn được quần chúng nhân dân
quan tâm. Phần lớn trong các cuộc khai quật khảo cổ các nhà khảo cổ học luôn phải sử dụng
nhân công địa phương để đào, chuyển đất, rửa gốm.
Xử lý mộ táng, nạo vét các hố đất đen, nạo sạch mặt bằng… là những việc đòi hỏi kiến
thức chuyên môn và thực tế, các nhà khảo cổ phải trực tiếp thực hiện…
Trên đây chỉ là những nguyên tắc chung nhất, những phương hướng căn bản của việc
khai quật khảo cổ. Để cuộc khai quật khảo cổ có kết quả tốt, vấn đề chủ yếu vẫn là trình độ
chuyên môn, kinh nghiệm thực tiễn, trách nhiệm và ý thức tự học hỏi của các nhà khảo cổ qua
các cuộc điều tra và khai quật trước đó dưới sự hướng dẫn của các nhà khảo cổ có kinh
nghiệm, với trình độ chuyên môn, kĩ năng cao.

CÂU HỎI ÔN TẬP
1. Khái niệm về Điều tra khảo cổ và Khai quật khảo cổ?
2. Trình bày những nguyên tắc cơ bản khi khai quật một di tích khảo cổ?

20
CHƯƠNG 4: CÁC PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU KHẢO CỔ HỌC TRONG PHÒNG

Khái quát
Nghiên cứu khảo cổ học là một quá trình liên tục của hai thao tác và thường được gọi
dưới cái tên khảo cổ học điền dã và khảo cổ học trong phòng. Nếu theo trật tự thời gian nghiên
cứu trong phòng tiếp theo sau nghiên cứu điền dã và mỗi công đoạn có nhiệm vụ và phương
pháp riêng, tất cả đều hướng tới thực hiện một nhiệm vụ chung của khảo cổ học.
Tiến trình nghiên cứu khảo cổ trong phòng gồm có ba giai đoạn như sau: chỉnh lý tư liệu;
Hoàn thành báo cáo khai quật; Nghiên cứu tổng hợp.
4.1. Chỉnh lý tài liệu
Chỉnh lý tài liệu gồm ba bước: Xử lý, miêu tả; Hệ thống, phân loại; Nghiên cứu chỉnh lý
và bao gồm những công việc sau:
4.1.1. Công việc chuẩn bị
Làm sạch hiện vật. Tại các bảo tàng, viện nghiên cứu hay trường đại học và cả những
công trường khai quật lớn phải có những phòng thí nghiệm xử lý hiện vật đặc biệt.
Phân loại theo chất liệu, kiểm kê số lượng, vào sổ đăng ký, chỉnh lý bước đầu theo những
trật tự thông thường hay riêng biệt để có cách nghiên cứu và bảo quản thích hợp.
Lập hồ sơ cho từng hiện vật cũng như cho toàn bộ công trường, các hiện vật cần được
miêu tả bước đầu, vẽ, chụp ảnh, đo kích thước, cân trọng lượng… Những hiện vật quý, những
mẫu vật gửi đến các phòng xét nghiệm cần có những thủ tục đăng ký đặc biệt. Công việc này
được xem là nghiên cứu ban đầu.
4.1.2. Khôi phục hình dáng
Những hiện vật khai quật thường không giữ nguyên dạng, do vậy việc quan trọng là khôi
phục hình dáng toàn phần hay từng phần của chúng. Những phương pháp phục chế đã giúp cho
nhà khảo cổ có thể trả về cho chúng những hình dáng ban đầu. Từ những mảnh xương sọ có

thể khôi phục lại được hộp sọ và mặt của người đã mất…
Công tác phục chế là một công việc sáng tạo, đòi hỏi lòng kiên trì, sự khéo léo và hiểu
biết về kỹ thuật, chất liệu
4.1.3. Phân loại và xác định công dụng của hiện vật
Phân loại hiện vật nhìn chung thường được tiến hành theo những trình tự sau:
1-Xác định thuộc tính: Những chi tiết tạo nên những đặc điểm cốt lõi, đặc trưng của một
hiện vật được gọi là thuộc tính.
2-Xác định loại hiện vật: Với khái niệm loại hay motif chúng ta hiểu là một loại hiện vật
chính…
3-Xác định hạng hiện vật: Hiện vật tiếp đó có thể được phân nhóm trong những hạng
chung hơn trên cơ sở xem xét những nét tương đồng chung của hình dáng hay chức năng. Vì
vậy trong báo cáo người ta thường đặt nó trong hạng hiện vật, chứ không phải là hiện vật.

21
4-Xác định loại hình: Mức cao nhất của mô tả là loại hình học. Đây là phương pháp dùng
miêu tả tất cả hiện vật tồn tại ở một thời gian nhất định trong một địa điểm.
Một trong cách phân loại hiện vật phổ biến nhất là phân loại theo chức năng dựa trên ý
tưởng chủ đạo là cư dân cổ đã sử dụng những hiện vật này để làm gì.
Việc ứng dụng những phương pháp của khoa học tự nhiên, nhất là việc ứng dụng thống
kê toán học, định lượng, biểu đồ, đồ thị vào việc phân loại và mô tả, đã giúp cho khảo cổ học
có thể xác định một cách khách quan và chắc chắn hàng loạt hiện vật.
4.1.4. Giải phẫu hiện vật
Nghiên cứu kỹ nghệ phát triển muộn hơn so với loại hình học và trở nên không thể thiếu
được trong nghiên cứu khảo cổ học. Vì vấn đề “giải phẫu” hiện vật khảo cổ không chỉ thuần
tuý để nghiên cứu chất liệu của chúng mà còn nhằm nghiên cứu về kỹ thuật chế tác, nguồn gốc
của nguyên liệu cũng như của hiện vật. Kết quả của việc nghiên cứu này đã giúp cho các nhà
khảo cổ tìm hiểu sâu sắc thêm những vấn đề lịch sử phát triển kỹ thuật, mô thức kinh tế – kỹ
thuật…
Bên cạnh những phương pháp truyền thống, việc ứng dụng nhiều phương pháp khoa học
tự nhiên như các phương pháp phân tích quang phổ, phân tích hoá học, phân tích kích hoạt

neutron (tóc), phương pháp phân tích nhiệt (đồ gốm), phân tích hoá học… đã giúp cho sự phân
loại hiện vật và diễn giải khảo cổ học chính xác và đầy đủ hơn.
4.1.5. Phương pháp xác định niên đại
4.1.5.1. Niên đại tương đối
Niên đại tương đối dựa trên luật chồng xếp. Có hai nguồn tài liệu để xác lập loại niên đại
này. Đó là: tư liệu diễn biến địa tầng của địa điểm và việc ghi chép chính xác vị trí của hiện vật
theo cả hai chiều ngang và dọc cũng như sự nghiên cứu cẩn thận đặc điểm của từng hiện vật và
di tích. Ứng dụng quan trọng nhất của phương pháp này là để thiết lập chuỗi niên đại trước –
sau, sớm – muộn, trên – dưới.
4.1.5.2. Niên đại tuyệt đối
Niên đại tuyệt đối (hay còn gọi niên đại chronometer) là xác định năm tuổi của hiện vật,
hoá thạch và những tàn tích khác theo niên lịch. Việc xác định loại niên đại này là thách thức
lớn nhất đối với khảo cổ học.
4.1.6. Tìm hiểu nguồn gốc chủ nhân
Nghiên cứu vấn đề ai là người sáng tạo và sử dụng các hiện vật khảo cổ, chủ nhân của
những nền văn hoá khảo cổ là một vấn đề khá phức tạp và vô cùng lý thú. Vấn đề này có liên
quan đến tên gọi các cộng đồng người, nguồn gốc dân tộc, thành phần nhân chủng. Giải quyết
những vấn đề này là nhiệm vụ của nhiều ngành khoa học.
Xu thế nghiên cứu đa-liên ngành sinh-khảo cổ hiện nay bằng phương pháp hoá sinh,
nghiên cứu bệnh lý, phân tích nhóm máu, ADN… sẽ giúp các nhà khảo cổ học xử lý tối ưu
lượng thông tin thu thập được từ khảo sát và khai quật.

22
4.2. Hoàn thành báo cáo
Kết quả của những nghiên cứu trong phòng và nghiên cứu ngoài trời cần phải được tổng
hợp lại trong bản báo cáo khai quật. Báo cáo khai quật là tài liệu khách quan, rõ ràng, đầy đủ
để những người không trực tiếp tham gia khai quật vẫn có thể hiểu rõ và nắm được vấn đề đến
mức cần thiết có thể dựng lại những điều đã mất đi.
Việc công bố những bản báo cáo khai quật không những là một yêu cầu cấp thiết có tính
chất thời sự của khảo cổ học, mà còn là một đòi hỏi chính đáng của các ngành khoa học có liên

quan,vừa là nhiệm vụ vừa là quy chế của công tác khảo cổ.
Thông thường, từ lúc kết thúc khai quật đến khi hoàn thành báo cáo cần phải có một
khoảng thời gian vật chất tối thiểu để thực hiện những công tác nghiên cứu cần thiết.
Trong lúc chờ đợi một bản báo cáo khai quật chính thức, các nhà khảo cổ đã tìm mọi cách
để đưa nguồn sử liệu hiện vật tiếp xúc nhanh chóng với quần chúng nhân dân và các nhà nghiên
cứu.
Báo cáo khai quật chỉ giải quyết được những điều mà tài liệu của cuộc khai quật cho phép
nêu lên theo nhận thức của người viết báo cáo. Báo cáo khai quật chưa hoàn thành được quá trình
nghiên cứu trong phòng. Hoàn thành báo cáo mới có nghĩa là bước đầu tập hợp tài liệu để đóng
góp vào việc đề xuất những vấn đề nghiên cứu tổng hợp.
4.3. Nghiên cứu tổng hợp
Trên cơ sở những điều đã thu nhận được qua các nguồn sử liệu, cần tổng hợp lại để rút ra
cho được những kết luận lịch sử cần thiết. Trong nghiên cứu tổng hợp việc tiếp cận theo phương
pháp liên – đa ngành và xuyên ngành dựa trên phương pháp luận Mác-Lênin sẽ giúp giải quyết
đúng đắn các vấn đề phức tạp của quá khứ nhân loại.
Nghiên cứu tổng hợp có thể tiến hành theo giai đoạn, theo khu vực hay theo chuyên đề.
Một vấn đề khác liên quan đến khôi phục và bảo tồn di tích là khi khai quật những di tích
khảo cổ học lịch sử như đền tháp, thành phố cổ… đòi hỏi việc áp dụng chặt chẽ giữa khai quật
và công tác bảo tồn, công việc này đòi hỏi những phương pháp khai quật đặc thù cũng như ứng
dụng các công nghệ và kỹ thuật tiên tiến trong cả hai lĩnh vực khai quật và bảo tồn.
Các nhà khảo cổ học tập trung sự chú ý vào phục dựng môi trường, nghiên cứu lối sống
và sử dụng công cụ. Họ chú ý đến việc giải thích tại sao những nền văn hoá quá khứ phát triển,
thay đổi và tìm cách phục dựng hệ giá trị cũng như tín ngưỡng của cư dân cổ.

CÂU HỎI ÔN TẬP
Các phương pháp xác định niên đại khảo cổ?

23
CHƯƠNG 5: SƠ LƯỢC LỊCH SỬ KHẢO CỔ HỌC THẾ GIỚI VÀ KHẢO CỔ HỌC
VIỆT NAM

5.1. Sơ lược lịch sử khảo cổ học thế giới
Môn khoa học xã hội nhân văn tuy còn trẻ này thực ra có mầm mống từ rất lâu đời. Ban
đầu đó là những thử nghiệm, cố gắng của một số nhóm người hiếu kỳ thu thập những hiện vật
nghệ thuật. Sự quan tâm đầu tiên đến di vật cổ thể hiện ở thói trộm đồ vật của các ngôi mộ cổ
và từ thú sưu tập kho báu cổ vật.
Trộm mộ cổ là truyền thống lâu đời ở Ai Cập và còn tiếp diễn đến tận ngày nay. Chúng
ta không biết chắc chắn việc này bắt đầu chính xác từ bao giờ song vào năm 1120 BC việc đào
trộm mộ cổ phổ biến đến nỗi đã phải có một cuộc điều tra.
Xét từ góc độ này, Khảo cổ học đã có trên 2000 năm lịch sử phát triển của mình, đó là
một quá trình diễn tiến lâu dài về nhận thức, sự trải nghiệm thực tế, tích luỹ về cả chất lẫn
lượng những tài liệu hiện vật, mối quan hệ đa ngành, liên khoa học cả tự nhiên và xã hội. Có
thể khẳng định rằng đây là một trong những khoa học cơ bản về con người với những hệ thống
lý thuyết, phương pháp nghiên cứu đặc thù.
Ngay từ thời cổ đại, con người đã quan tâm tới các vật cổ. Khi làm ruộng, đào kênh,
người thời cổ tìm thấy những bộ xương lớn, họ tưởng đấy là di cốt của những người khổng lồ
trong thần thoại… khi tìm thấy những rìu đá, rìu đồng, họ coi đó là “lưỡi tầm sét”, “búa trời”
của “ông Thiên Lôi”…
Thời Trung cổ là thời kỳ tích luỹ dần dần những tài liệu khảo cổ. Môn kim thạch học
(sưu tập và nghiên cứu các bài văn bia, bài minh khắc trên chuông đồng và đồng cổ) ở Trung
Quốc đời Tống (thế kỷ X-XIII) đã khá phát triển.
Thời kỳ Văn hoá phục hưng (Renaissance, thế kỷ XIV-XVI) cũng là thời kỳ mà thú sưu
tập, săn lùng các kho báu, cổ vật rất phát triển, lúc đầu ở Italia sau lan rộng ra toàn châu Âu.
Hàng loạt bảo tàng quốc gia và tư nhân được thành lập. Nghề buôn đồ cổ phát đạt ở các thành
phố lớn của châu Âu nhất là ở Anh.
Thế kỷ XVII-XVIII, ở Pháp, Anh và nhiều nước châu Âu khác đã thành lập Viện Hàn
lâm và một số cơ quan nghiên cứu cổ vật, cổ tích, bi ký, tổ chức những cuộc thám sát khảo cổ.
Nhiều trường đại học ở Đức bắt đầu dạy những kiến thức về khảo cổ học cổ đại Hy-La.
Sự phát triển tiếp theo của khảo cổ học gắn liền với những sự kiện lịch sử lớn lao bắt đầu
làm chấn động châu Âu ở cuối thế kỷ XVIII và đầu thế kỷ XIX: Cách mạng tư sản Pháp

(1789), các cuộc chiến tranh của Napoléon Bonaparte, Cách mạng tư sản Anh (1848)…
“Tường thuật về những hoạt động và khám phá mới nhất trong các Kim tự tháp, Đền thờ, Mộ
và khai quật ở Ai Cập và Nubia năm 1820” được xem là công trình sớm nhất về cổ vật.
Khảo cổ học với tư cách là một ngành khoa học trên thực tế xuất hiện vào nửa đầu thế kỷ
XIX và được đánh dấu bằng hai sự kiện nổi bật, một ở Đan Mạch và một ở Anh. Cống hiến của
Đan Mạch như ta đã biết đó là lý thuyết về “Ba thời đại” đồ đá – đồ đồng – đồ sắt của J.
Thomsen…

24
Thế kỷ XIX mới là thời kỳ Khảo cổ học nguyên thuỷ có bước tiến bộ lớn. Những tài liệu
khảo cổ học ở Đan Mạch, Thụy Sĩ… đã khẳng định việc phân chia các thời đại khảo cổ làm ba
thời đại đồ đá, đồ đồng và đồ sắt là hoàn toàn đúng. Công trình khảo cổ học quan trọng nhất
thời kỳ này là Cổ vật Nguyên thuỷ của Đan Mạch (1843) của A. Worsaae. Năm 1859 đánh dấu
sự ra đời chính thức của khoa Tiền sử học phương Tây.
Từ nửa sau thế kỷ XIX, nhiều địa điểm mới, tương tự như Abbeville được phát hiện.
Năm 1856, người ta tìm thấy di cốt Neanderthal (Đức). Năm 1859, cuốn sách của Charles
Darwin Nguồn gốc các giống loài theo con đường chọn lọc tự nhiên ra đời, tiếp đến là cuốn
sách Nguồn gốc loài người(1871). Dựa vào tiến hoá của hình dáng các công cụ và vũ khí bằng
đồng, Mortillet đã tìm ra phương pháp nghiên cứu loại hình hiện vật khảo cổ.
Giai đoạn gần cuối thế kỷ XIX là những cố gắng lớn của các nhà khảo cổ học châu Âu
mở rộng tri thức bằng những cuộc khai quật có hệ thống và tổng kết tư liệu. Đây là thời kỳ khai
quật thành Troy (Tiểu Á) của H. Schliemann, thời kỳ phát hiện bích hoạ trong hang động đá cũ
ở Pháp, Tây Ban Nha.
Trên đây là những nét sơ lược về lịch sử khảo cổ học ở Cựu thế giới. Cuối thế kỷ XIX
cũng là thời gian bắt đầu của việc quan tâm và nghiên cứu khảo cổ học ở Tân thế giới. Những
nghiên cứu ban đầu này tập trung vào người Toltec và Aztec ở Mexico, người Inca ở Nam Mỹ.
Tóm lại, chúng ta thấy rằng vào thế kỷ XIX, Khảo cổ học đã thu được nhiều kết quả to
lớn: nhiều di tích khảo cổ quan trọng được phát hiện và nghiên cứu, nhiều ngành của khảo cổ học
đã ra đời; những hệ thống tổng hợp, những quan niệm khảo cổ học tổng hợp đã hình thành. Tư
tưởng nổi bật nhất của giai đoạn này là học thuyết tiến hoá đơn tuyến và chủ nghĩa vật học tư

sản.
Thế kỷ XX được đánh dấu bằng những phát hiện quan trọng mới, những thành tựu
nghiên cứu mới cả ở lĩnh vực thực địa, cả ở lĩnh vực phương pháp nghiên cứu và lý thuyết.
Những thập kỷ cuối của thế kỷ XX nảy sinh một loạt những trường phái, học phái của khảo cổ
học hiện đại.
Hàng trăm di tích hoá thạch của vượn, người và người tối cổ được liên tiếp phát hiện.
Những vấn đề cơ bản về nguồn gốc con người đã và đang được giới khảo cổ học, cổ nhân học,
cổ sinh học nghiên cứu từ các góc độ môi trường sinh thái, giải phẫu sinh học, nguyên nhân
động lực kinh tế… Xu hướng nổi bật hiện nay là kết hợp chặt chẽ giữa sự biến đổi môi trường
và biến đổi xã hội để giải thích động lực hình thành con người.
Việc áp dụng những thành tựu của khoa học tự nhiên vào khảo cổ học ngày càng được
mở rộng và hiệu quả và khiến cho các kiến thức khảo cổ học ngày càng chính xác.
Xét từ góc độ quan điểm và lý thuyết, khoa học khảo cổ giữa thế kỷ XX có hai trường
phái nghiên cứu chính. Đó là khảo cổ học tư sản và khảo cổ học xã hội chủ nghĩa.
Đặc điểm nổi bật của khảo cổ học tư sản thời kỳ đầu và giữa thế kỷ XX là từ bỏ chủ
nghĩa lịch sử, từ bỏ chủ nghĩa tiến hoá, phủ nhận tính quy luật, tính thống nhất trong sự phát
triển của lịch sử loài người. Nguyên nhân của những sự thay đổi đó theo khảo cổ học tư sản là
những nhân tố ngoại lai; sự thay đổi của nhân chủng, của bộ lạc mới từ bên ngoài, vay mượn…
Những nhà khảo cổ học tư sản dùng sự thiên di và vay mượn để lý giải những biến đổi kinh tế-
văn hoá-xã hội nên mang nặng màu sắc chủ nghĩa chủng tộc. Điển hình là thuyết khu vực văn
hoá hay trường phái văn hoá lịch sử Vienna (Áo).

25
Khảo cổ học xã hội chủ nghĩa được xây dựng trên cơ sở phương pháp luận của chủ nghĩa
Mác-Lênin. Với tư cách là một khoa học lịch sử, khảo cổ học Mác-Lênin không phủ nhận sự
thiên di và vay mượn nhưng cho rằng động lực chủ yếu của sự phát triển xã hội là động lực nội
tại. Thiên di và vay mượn không phải là nội dung chủ yếu của quá trình lịch sử.
Khảo cổ học Mác-Lênin chăm chú nghiên cứu những quan hệ kinh tế-xã hội, được phản
ánh qua các tài liệu hiện vật. Nó nhấn mạnh tính thống nhất, tính quy luật chung của sự phát
triển lịch sử loài người, đồng thời không phủ nhận những dạng thái muôn màu muôn vẻ của

những nền văn hoá xã hội.
Thế kỷ XX cũng là thời kỳ hình thành và phát triển ngành khảo cổ học hiện đại. Đối lập
với xu thế thiên về khai thác tính đồ cổ của khảo cổ học cổ điển, khảo cổ học nhân học ngày
nay đề cập đến văn hoá lịch sử (tức là niên đại của sự kiện và truyền thống văn hoá) và diễn
giải các quá trình văn hoá.
Với khái niệm “khảo cổ học mới” từ giữa thế kỷ XX chúng ta cần nhắc tới những nhà
khảo cổ học châu Âu và Mỹ. Khảo cổ học mới gắn liền với khoa học nhân học. Hiện nay đã
hình thành nhiều trường phái khác nhau của khảo cổ học mới nhằm giải mã và tiếp cận di tích,
di vật khảo cổ học từ nhiều góc độ khác nhau và chú trọng đặc biệt tới diễn giải văn hoá-xã
hội.
5.2. Sơ lược lịch sử khảo cổ học Việt Nam
Ở Việt Nam, theo truyền thuyết được ghi lại trong Lĩnh Nam chích quái, ngay từ thời An
Dương Vương (thế kỷ III BC) người ta đã đào được xương cốt và nhạc khí cổ của thời đại
Hùng Vương.
Vào đầu Công nguyên, viên tướng Đông Hán là Mã Viện đã thu lượm nhiều trống đồng
của người Lạc Việt rồi đem phá ra để đúc ngựa đồng (Hậu Hán thư).
Dưới triều Lý (thế kỷ XI-XIII) người ta đã thấy những cuốn sử biên niên chú ý ghi chép
những việc tìm thấy cổ vật (tượng đồng, chuông đồng…) dưới mặt đất.
Pháp luật đời Hồng Đức (thế kỷ XV) có ghi điều khoản 422 trừng phạt việc lấy cắp hoặc
phá huỷ tượng Phật, chuông đồng cổ. Nhà bác học Lê Quý Đôn (thế kỷ XVIII) đã chăm chú
nghiên cứu những tấm bia cổ, những bài minh khắc trên chuông đồng thời cổ và coi đó là
những nguồn sử liệu quý.
Đại Việt sử ký toàn thư đời Lê, nhiều cuốn truyện, chí thời Lê mạt và thời Nguyễn, đặc
biệt cuốn Việt sử thông giám cương mục đã mô tả và chỉ định vị trí của những thành cổ ở Việt
Nam như thành Cổ Loa, thành Liên Lâu… Nhiều sách địa chí (như Gia Định thành thông chí,
Đại Nam nhất thống chí, Nghệ An chí…) đã đề cập đến nhiều cổ tích và cổ vật, những hang
động và đống vỏ sò ở các địa phương. Nhưng, với những tài liệu hiện nay được biết, ta chưa
thấy có một tổ chức khảo cổ nào, một công cuộc điều tra nào dưới thời kỳ phong kiến Việt
Nam…
Cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX, sau “thời kỳ bình định”, trong công cuộc khai thác

thuộc địa lần thứ nhất về mặt văn hoá, năm 1898, Uỷ ban Khảo cổ học Đông Dương ra đời, hai
năm sau, Uỷ ban đó đổi tên thành Trường Viễn Đông bác cổ. Song về mặt khảo cổ học, mãi tới
năm 1929, một vài học giả của Trường này mới bắt đầu chú ý nghiên cứu thời đại đồng thau ở
TP. Hà Nội – 2013M ỤC LỤCLỜI NÓI ĐẦU 5PH ẦN 1 : DẪN LUẬN 7CH ƯƠNG 1 : MỞ ĐẦU 71.1. Khái niệm “ khảo cổ học ” 71.2. Mối quan hệ của khảo cổ học với các ngành khoa học khác 8C âu hỏi ôn tập 10CH ƯƠNG 2 : DI TÍCH KHẢO CỔ VÀ VĂN HÓA KHẢO CỔ 112.1. Các loại di tích lịch sử khảo cổ 112.2. Tầng văn hóa truyền thống 112.3. Văn hóa khảo cổ 14C âu hỏi ôn tập 15CH ƯƠNG 3 : ĐIỀU TRA VÀ KHAI QUẬT KHẢO CỔ 163.1. Điều tra khảo cổ 163.2. Khai quật khảo cổ 17C âu hỏi ôn tập 19CH ƯƠNG 4 : CÁC PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU KHẢO CỔ HỌC TRONG PHÒNG204. 1. Chỉnh lý tài liệu 204.2. Hoàn thành báo cáo giải trình 224.3. Nghiên cứu tổng hợp 22C âu hỏi ôn tập 22CH ƯƠNG 5 : SƠ LƯỢC LỊCH SỬ KHẢO CỔ HỌC THẾ GIỚI VÀ KHẢO CỔ HỌCVIỆT NAM 235.1. Sơ lược lịch sử vẻ vang khảo cổ học quốc tế 235.2. Sơ lược lịch sử dân tộc khảo cổ học Nước Ta 25C âu hỏi ôn tập 28CH ƯƠNG 6 : VÀI NÉT VỀ NGUỒN GỐC LOÀI NGƯỜI 296.1. Những quan điểm khác nhau về nguồn gốc loài người 296.2. Những điểm giống và khác nhau giữa người và động vật hoang dã 306.3. Các giống vượn người cổ trên quốc tế 306.4. Các giống người cổ trên quốc tế 316.5. Các đại chủng trên quốc tế 336.6. Nguyên nhân và động lực của quy trình chuyển biến từ vượn thành người 33C âu hỏi ôn tập 35PH ẦN II : CÁC THỜI ĐẠI KHẢO CỔ 36CH ƯƠNG 7 : THỜI ĐẠI ĐỒ ĐÁ 367.1. Khái niệm các thời đại khảo cổ và niên đại 367.2. Thời đại đồ đá cũ 367.3. Thời đại đồ đá giữa 427.4. Thời đại đồ đá mới 44C âu hỏi ôn tập 55CH ƯƠNG 8 : THỜI ĐẠI ĐỒ ĐỒNG 568.1. Đại cương về thời đại đồ đồng 568.2. Thời đại đồ đồng thau ở Nước Ta 61C âu hỏi ôn tập 71CH ƯƠNG 9 : SƠ KỲ THỜI ĐẠI ĐỒ SẮT 729.1. Đại cương về thời đại đồ sắt 729.2. Sơ kỳ thời đại đồ sắt ở Nước Ta 75C âu hỏi ôn tập 85CH ƯƠNG 10 : KHẢO CỔ HỌC LỊCH SỬ VIỆT NAM 8610.1. Vai trò của khảo cổ học lịch sử vẻ vang trong điều tra và nghiên cứu lịch sử vẻ vang Nước Ta 8610.2. Các loại di tích lịch sử, di vật khảo cổ học lịch sử vẻ vang 8610.3. Khảo cổ học Chămpa 10210.4. Khảo cổ học Óc Eo 106C âu hỏi ôn tập 109T ÀI LIỆU THAM KHẢO 110L ỜI NÓI ĐẦUNgay từ những ngày đầu xây dựng bộ môn Lịch sử tại trường Đại học Sư phạm Hà Nội2, “ Khảo cổ học ” đã được đưa vào giảng dạy. Đây là một môn học cơ sở trong chương trìnhđào tạo và giữ một vị trí quan trọng trong việc giáo dục, tu dưỡng tư tưởng, phân phối kiếnthức cơ bản về khoa học khảo cổ, rèn luyện phương pháp học tập, giải pháp điều tra và nghiên cứu chotoàn sinh viên. Những thành tựu khảo cổ trong khoảng chừng 60 năm qua là rất to lớn, nó được đúc rút trongrất nhiều giáo trình và sách chuyên khảo, đáng kể là Giáo trình “ Cơ sở khảo cổ học ” do Bộmôn Khảo cổ học của trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn biên soạn, “ Sơ yếu khảo cổhọc nguyên thủy Nước Ta ” do Hà Văn Tấn và Trần Quốc Vượng biên soạn vào năm 1961, Giáo trình “ Cơ sở Khảo cổ học ” do Hà Văn Tân, Trần Quốc Vượng, Diệp Đình Hoa biên soạnvào năm 1975, gần đây nhất có lẽ rằng phải kể tới Giáo trình “ Cơ sở Khảo cổ học ” do PGS.TS HánVăn Khẩn chủ biên năm 2008. Trong suốt những thời hạn qua, đây là những tài liệu cơ bảncho quy trình giảng dạy và học tập và điều tra và nghiên cứu khảo cổ. Nhưng những lượng tri thức trong sách là rất lớn, và khá phức tạp. Với mong ước côđọng những tri thức một cách vừa tổng hợp vừa có chiều sâu, đồng thời tạo dựng khung kiếnthức cơ bản cho sinh viên, Giao hàng hiệu suất cao cho việc học tập bộ môn Khảo cổ học, với lượng2-3 tín chỉ của sinh viên khoa Lịch sử trường Đại học Sư phạm TP.HN 2, chúng tôi biên soạncuốn giáo trình này. PHẦN 1 : DẪN LUẬNCHƯƠNG 1 : MỞ ĐẦU1. 1. Khái niệm “ khảo cổ học ” Khảo cổ học là một khoa học trẻ tuổi, nhưng có sức tăng trưởng rất nhanh gọn. * ) Chiết tự từ : Thuật ngữ “ Khảo cổ học ” ( archéologie, archaeology … ) theo tiếng Hy Lạp gồm có “ arkhaios ” ( cổ xưa ) và “ logos ” ( khoa học, ngôn luận ), nếu hiểu theo lối “ duy danh định nghĩa ” thì Khảo cổ học là Khoa học, môn học về thời cổ. Cách hiểu này không phản ánh được đầy đủbản chất cũng như mục tiêu của Khảo cổ học. Nhà triết học Platon là người tiên phong dùng thuậtngữ này để chỉ lịch sử dân tộc thời cổ nói chung. Có nhiều ý niệm khác nhau trong việc lý giải thuật ngữ Khảo cổ học : Khảo cổ họcthuộc về khoa học tự nhiên ; khảo cổ học là một ngành của lịch sử dân tộc thẩm mỹ và nghệ thuật ; khảo cổ học làmột khoa học điều tra và nghiên cứu về thời tiền sử và thời cổ đại … ; có người cho Khảo cổ học chỉ là mộtmôn học phụ phù trợ cho Sử học ; 1 số ít khác lại có cách gọi vui nhộn Khảo cổ học là “ khoahọc về những chiếc bình vỡ ”. Những quan điểm trên đây không phản ánh đúng thực chất của Khảo cổ học : nó khôngphải là một môn học phụ của Sử học, cũng không phải là môn khoa học độc lập với Sử học. Khảo cổ học và Sử học là hai nhánh độc lập nhưng thống nhất của Khoa học Lịch sử. Hay : Khảo cổ học là một ngành của Khoa học Lịch sử. * ) Khoa học Lịch sử có hai loại sử liệu chính : Sử liệu bằng chữ viết ( bia ký, sách vở … ) : chỉ gồm có phần lịch sử vẻ vang từ 5-6 nghìn năm trởlại đây, đó là khi con người bước vào thời kỳ “ lịch sử vẻ vang thành văn ”. Loại tài liệu này có nhiều ưuđiểm : trực tiếp nói lên lời nói của quá khứ, rất phong phú và đa dạng và dễ hiểu. Tuy nhiên, loại tài liệunày bị hạn chế bởi lập trường, quan điểm của người viết ; nội dung thường thiên về đời sốngvua chúa và cuộc chiến tranh ; còn đời sống nhân dân, tình hình văn hóa truyền thống và kinh tế tài chính thì rất ít được đềcập. Sử liệu bằng vật thật ( dụng cụ, di tích lịch sử … ) : phải do những nhà trình độ điều tra và nghiên cứu : đólà những nhà Khảo cổ học. Khảo cổ học có những ưu điểm sau : Một là, khảo cổ học có năng lực điều tra và nghiên cứu thời kỳ lịch sử dân tộc dài dặc của loài người từ khicon người Open đến khi con người bước vào thời kỳ “ lịch sử dân tộc thành văn ”. Hai là, tài liệu khảo cổ học mang tính khách quan và tổng lực. Tài liệu bằng chữ viết đãkhông nhiều, mà trải qua quy trình lịch sử dân tộc thì còn lại tới ngày này càng ít hơn. Ba là, sống sót vô tận trong lòng đất. Nhiều hiện tượng kỳ lạ lịch sử dân tộc không để lại một dấu vết gìtrong các cuốn sử cũ nhưng luôn hiện hữu trong lòng đất. Bên cạnh rất nhiều ưu điểm, khảo cổ học vẫn còn 1 số ít hạn chế : Tài liệu khảo cổ học là những tài liệu câm, khó hiểu và có nhiều hiện vật còn nhiều điềubí ẩn, chưa lý giải được ( VD : chữ hình nòng nọc … ) Các tư liệu khảo cổ học ( di tích lịch sử, di chỉ, các hiện vật … ) phân bổ rải rác và khó xác lập ( do ảnh hưởng tác động của quy trình hoạt động của toàn cầu, khí hậu, xã hội … ) * ) Khái niệm :. Khảo cổ học là một ngành của Khoa học Lịch sử, nó điều tra và nghiên cứu quá khứcủa loài người địa thế căn cứ vào những sử liệu bằng vật thật. * ) Nhiệm vụ : thu lượm, miêu tả, nghiên cứu và phân tích và điều tra và nghiên cứu những di tích lịch sử, di vật quá khứcủa loài người còn để lại đến ngày này. Trên cơ sở nghiên cứu và điều tra các di tích lịch sử đó, Khảo cổ học Phục hồi lại mọi mặt của đời sốngloài người trong lịch sử dân tộc. Phần lớn các di tích lịch sử khảo cổ đều bị chôn vùi dưới mặt đất, hiện naymới chỉ có một số ít ít di tích lịch sử được các nhà khảo cổ phát hiện ra. Vì vậy các nhà khảo cổ dùngnhiều thời hạn vào việc khai thác khảo cổ. Người ta thường gọi nhà khảo cổ là nhà sử họcđược trang bị bằng cuốc xẻng ; nhưng chỉ có cuốc và xẻng thôi thì không đủ, mà cần phải có sựnhận thức về những quy luật chung của lịch sử vẻ vang. 1.2. Mối quan hệ của khảo cổ học với các ngành khoa học khácKhảo cổ học cũng như bất kể khoa học nào khác không hề sống sót và tăng trưởng một cáchriêng lẻ. Đó là mối quan hệ biện chứng : trong nghiên cứu và điều tra các di tích lịch sử khảo cổ, Khảo cổ học rấtcần tới sự trợ giúp của nhiều ngành khoa học khác. Và ngược lại, Khảo cổ học cũng có thểcung cấp nhiều tài liệu quý báu cho những ngành khoa học khác. 1.2.1. Sử học : có quan hệ gắn bó, khăng khít, không tách rời, hợp thành khoa họcLịch sử. Nhiều hiện tượng kỳ lạ lịch sử dân tộc không để lại một dấu vết gì trong các cuốn sử cũ nhưng luônhiện hữu trong lòng đất. Mãi tới năm 1272 mới Open cuốn sử Nước Ta tiên phong “ Đại Việtsử ký ” của Lê Văn Hưu mà lúc bấy giờ cuốn ấy cũng không còn. Từ đó quay trở lại trước, tất cả chúng ta chỉcó một số ít đoạn ghi chép quá vắn tắt, rút ra từ những cuốn sử biên niên của các sử gia phongkiến quốc tế ( Trung Quốc ) và thường chỉ nói nhiều về việc làm quản lý và đàn áp của quanlại đô hộ. Bởi vậy, chỉ có thực thi tìm hiểu, khai thác, điều tra và nghiên cứu khảo cổ trong khoanh vùng phạm vi cảnước với một quy mô to lớn, tất cả chúng ta mới hoàn toàn có thể Phục hồi được bộ mặt chân thực của xãhội Nước Ta từ buổi bình minh của lịch sử vẻ vang cho đến những thế kỷ tiên phong dưới thời phongkiến độc lập. Càng ngược dòng lịch sử dân tộc, tài liệu bằng chữ viết càng rất ít ; ở đôi ba khúc, tài liệu chữ viết hầunhư sắp cạn. Ngược lại, những tài liệu khảo cổ tương quan đến mọi thời đại xưa đã và sẽ ngày càngtăng lên rõ ràng. Khảo cổ học ngày càng có ý nghĩa quan trọng so với việc nghiên cứu và điều tra lịch sử dân tộc. Cũng cần nói thêm rằng nhiều sử liệu bằng chữ viết cũng là do Khảo cổ học phát hiện ra ( ví dụ cột kinh Phật bằng đá ở Hoa Lư ). Những dòng chữ ghi trên cổ vật, trên phiến đá, trên đấtsét hay trên vỏ cây … mang theo nội dung lịch sử vẻ vang quý báu. Khảo cổ học đã mở rộng chân trờicủa Khoa học Lịch sử. Dựa vào Khảo cổ học, nhiều yếu tố còn đang bế tắc trong Sử học đã và sẽ được làm sángtỏ, ví dụ điển hình yếu tố Hùng Vương và ” nước Văn Lang “. Không tìm hiểu và khai thác khảo cổdi tích Cổ Loa và những di tích lịch sử khác có tương quan sẽ không thể nào xử lý triệt để vấn đềAn Dương Vương Thục Phán và nước Âu Lạc. Đôi khi những cuộc khai thác khảo cổ đã chứngtỏ sự sai lầm đáng tiếc, thiếu sót của nhiều giả thuyết chỉ đơn thuần dựa trên tài liệu lịch sử dân tộc và truyềnthuyết. 1.2.2. Dân tộc học : quan hệ chặt chẽDân tộc học là một ngành của Khoa học Lịch sử mà đối tượng người tiêu dùng nghiên cứu và điều tra là các tộcngười ( ethnic ). Theo nghĩa rộng : Dân tộc học nghiên cứu và điều tra các xã hội hiện tại qua tìm hiểu hoặc quan sát, còn Khảo cổ học điều tra và nghiên cứu các xã hội quá khứ qua tìm hiểu hoặc khai thác các di tích lịch sử vậtchất. Hai khoa học này cùng thuộc Khoa học Lịch sử, có tính năng bổ trợ lẫn nhau : Trước hết, Hiện vật khảo cổ phần lớn là những tài liệu ” câm và huyền bí “, là những ” chấtliệu đang ngủ ” ; dựa vào chúng thường chỉ dựng được bộ xương của lịch sử dân tộc, tất cả chúng ta phải khéokết hợp với những tài liệu dân tộc học, sử học để bồi da đắp thịt cho nó, để lý giải những bíẩn của nó. Khảo cổ học dựng lên bộ xương của lịch sử dân tộc, dân tộc bản địa học và sử học sẽ góp thêm phần bồida đắp thịt cho nó. Nhiều hiện tượng văn hóa còn sống sót hoặc sống sót không lâu trong nhữngdân tộc, những bộ lạc văn minh hoàn toàn có thể giúp ta nghiên cứu và điều tra đời sống dân cư ở các di chỉ thời cổ. Mặt khác, Khảo cổ học hoàn toàn có thể góp thêm phần làm sáng tỏ nguồn gốc và sự tăng trưởng củanhững hiện tượng kỳ lạ dân tộc bản địa học. Những yếu tố về nguồn gốc các dân tộc bản địa là do các nhà Khảo cổhọc, Dân tộc học, Ngôn ngữ học, Sử học … cùng xử lý. 1.2.3. Ngôn ngữ họcViệc gắn lịch sử vẻ vang lời nói với lịch sử vẻ vang nền văn hóa truyền thống là một nguyên tắc khoa học có giá trịbởi vì giữa lời nói và hoạt động giải trí sản xuất của con người có những mối liên hệ trực tiếp. Đồngthời, các cuộc khai thác khảo cổ, ngoài việc phát hiện được những tài liệu câm còn hoàn toàn có thể pháthiện được những tài liệu có chữ viết, cung ứng cho nghiên cứu và điều tra lịch sử vẻ vang ngữ ngôn. 1.2.4. Địa chất họcĐịa chất học là khoa học nghiên cứu và điều tra cấu trúc, cấu trúc và lịch sử dân tộc của toàn cầu : động vậthọc và thực vật học. Khảo cổ học đã có mối quan hệ truyền kiếp và thâm thúy với Địa chất học. Sựthay đổi về phương diện địa chất của vỏ toàn cầu là cơ sở để xác lập niên đại của nhiều di tíchkhảo cổ. Tài liệu Địa chất học đặc biệt quan trọng quan trọng khi điều tra và nghiên cứu các di tích lịch sử thời đại đồ đá. Những điều kiện kèm theo địa chất trong các địa tầng có phát hiện được các di tích lịch sử khảo cổ được cho phép taxác định thực trạng sinh sống của con người, những điều kiện kèm theo tự nhiên, các đặc thù giốngđộng vật và thực vật ở thời kỳ đó. Ngược lại, những phát hiện về thời đại đồ đá cũng góp thêm phần xác lập niên đại của cáctầng địa chất ở kỷ Đệ Tứ. 1.2.5. Các ngành khoa học tự nhiên khácĐộng vật học : Khảo cổ học qua các cuộc khai thác thu lượm được nhiều xương cốt dãthú và gia súc. Động vật học nghiên cứu và điều tra các xương cốt ấy giúp các nhà Khảo cổ học có một ýniệm về điều kiện kèm theo sống của người thời cổ ( ví dụ điển hình : người Hòa Bình sống giữa quần thể độngvật nào … ), giúp ta xác lập hình thái hoạt động và sinh hoạt kinh tế tài chính sống sót trong các thời đại khác nhau ( sựnảy sinh và tiến triển của nghề chăn nuôi … ). 10T hực vật học : Bào tử phấn hoa, hạt giống ngũ cốc … tìm thấy trong các di tích lịch sử khảo cổ vàkinh qua sự nghiên cứu và điều tra của các nhà thực vật học cũng giúp ta có một ý niệm về khí hậu, vềcảnh quan sinh sống của con người. Nó góp thêm phần điều tra và nghiên cứu cảnh sắc thời cổ, thiên nhiên và môi trường tựnhiên của con người thời cổ, lịch sử dân tộc các cây cối, lịch sử dân tộc của nông nghiệp. Những hạt ngũ cốcvà những hạt cỏ dại tiếp nối đuôi nhau nhau trên một mảnh đất giúp ta đoán định được mức độ và sự tiếpnối của các hình thức canh tác nông nghiệp ( giải pháp bỏ ruộng hóa, giải pháp luâncanh, kinh tế tài chính bán du mục … ). 1.2.6. Nhân loại họcNhân loại học, đặc biệt quan trọng là ngành cổ nhân loại học nghiên cứu và điều tra cấu trúc khung hình con ngườithời cổ, cung ứng cho ta ý niệm về con người thời cổ và sự tiến hóa về sức khỏe thể chất của con ngườidưới ảnh hưởng tác động của những điều kiện kèm theo địa lý và xã hội. Nhân loại học góp thêm phần xử lý vấnđề nguồn gốc loài người, nguồn gốc các chủng tộc, nguồn gốc các dân tộc bản địa … Nó chỉ rõ trongkhi tác động ảnh hưởng bằng lao động đến giới tự nhiên xung quanh mình, con người đã cải biến bản thânhọ như thế nào. Nó còn giúp ta đánh giá và nhận định tuổi thọ của con người trong các thời đại khác nhauvà những bệnh tật mà họ mắc phải trong thời đại này hay thời đại khác. 1.2.7. Ảnh hưởng qua lại giữa những hiện tượng kỳ lạ xã hội và tác nhân địa lý có tầm quantrọng nhất định so với Khảo cổ học. Hoàn cảnh địa lý không phải là tác nhân quyết định hành động sự tăng trưởng xã hội, nhưng hoàn toàn có thể kìmhãm hoặc thôi thúc phần nào sự tăng trưởng đó. Bởi vậy các di tích lịch sử khảo cổ phải được nghiên cứutrong mối liên hệ với điều kiện kèm theo địa lý của thời kỳ đó. Sự thiết lập và điều tra và nghiên cứu các bản đồkhảo cổ là một giải pháp nghiên cứu và điều tra khoa học giúp ta tìm hiểu và khám phá sự tiến triển của quá trìnhlịch sử trong khoảng trống, sự phân bổ và sự chuyển dời các nền văn hóa truyền thống khảo cổ, các nhóm nhânchủng, giúp ta xác lập những con đường và những mối giao lưu kinh tế tài chính, văn hóa truyền thống … thời cổ. Phương pháp đó bộc lộ mối đối sánh tương quan giữa Khảo cổ học và Địa lý học. Tóm lại, những khoa học về toàn cầu, về cây cối, về động vật hoang dã, về con người … đều gópphần giúp Khảo cổ học Phục hồi lịch sử dân tộc quá khứ của trái đất một cách đúng chuẩn và toàndiện. CÂU HỎI ÔN TẬP1. Khảo cổ học là gì ? Mối quan hệ của Khảo cổ học và sử học ? 2. Những ưu, điểm yếu kém của Khảo cổ học ? 11CH ƯƠNG 2 : DI TÍCH KHẢO CỔ VÀ VĂN HÓA KHẢO CỔ2. 1. Các loại di tích lịch sử khảo cổDi tích khảo cổ là đối tượng người tiêu dùng nghiên cứu và điều tra hầu hết của Khảo cổ học. Có nhiều loại di tíchkhảo cổ học khác nhau, trong đó di tích lịch sử di chỉ cư trú thời cổ và mộ táng cổ là hai loại di tíchchủ yếu. Việc điều tra và nghiên cứu tổng lực toàn bộ các loại di tích lịch sử khảo cổ có ý nghĩa quyết định hành động trongviệc phục dựng lại quá khứ lịch sử vẻ vang loài người. Tính đến nay, con người có lịch sử vẻ vang khoảng chừng 3 triệu năm, trong đó lịch sử vẻ vang được ghi lại ( rấthiếm ) bằng chữ viết Open sớm nhất là 6.000 năm BP ( BP : cách ngày này ). Tuy nhiên, không có một hiện tượng kỳ lạ lịch sử dân tộc nào đi qua mà không để lại dấu vết, nó sống sót vô hạn tronglòng đất. Nhiệm vụ của nhà khảo cổ là tìm kiếm những dấu vết lịch sử vẻ vang đã qua hiện còn nằm lạitrong lòng đất. Thông thường, khi con người cư trú ở một nơi nào đó họ sẽ để lại dấu vết hoạt động giải trí kiếmsống ở ngay tại nơi đó. Trong quy trình sống, con người vứt bỏ các loại xương xẩu, vỏ ốc hến, sò điệp, mảnh gốm vỡ, những công cụ và vũ khí bị hư hỏng ( mảnh rìu vỡ, cái giáo gãy, mảnhkhuôn đúc … ). Tất cả các dấu vết này sẽ bị vùi lấp dưới đất. Với thời hạn, ngay nhà cửa, lâuđài cổ được làm bằng đất, đá, tre gỗ cũng bị hủy hoại và bị vùi lấp dưới đất. Tất cả nơi cư trúthời cổ bị đất vùi lấp đi, tạo thành một tầng đất đặc biệt quan trọng. Tầng đất này được các nhà khảo cổgọi là Tầng văn hóa truyền thống. 2.2. Tầng văn hóa2. 2.1. Khái niệmTầng văn hóa truyền thống được tạo thành bởi hoạt động giải trí của con người, là tấm gương nhiều mặt phảnánh trung thực trạng thái văn hóa truyền thống của dân cư thời cổ. Tính phong phú của đời sống dân cư đượcthể hiện rõ qua những thành tố của tầng văn hóa truyền thống. 2.2.2. Đặc điểmMàu sắc của tầng văn hóa truyền thống là điều tiên phong. Thông thường, tầng văn hóa truyền thống có màu thẫm hơncác tầng đất khác. Bởi vì tầng văn hóa truyền thống tiềm ẩn những mẫu sản phẩm hoạt động giải trí của con ngườinhư than gio, xương cốt động vật hoang dã và các chất hữu cơ. Tuy nhiên, không phải khi nào tầng vănhoá cũng có màu thẫm, nó tùy thuộc vào thời hạn và điều kiện kèm theo địa lý đơn cử. Độ dày của tầng văn hóa truyền thống có vị trí quan trọng trong điều tra và nghiên cứu khảo cổ. Nhìn chung, độdày của tầng văn hóa truyền thống phụ thuộc vào vào thời hạn sinh sống và hình thức kiếm sống của dân cư, tầng văn hóa truyền thống càng dày thì thời hạn sống sót của dân cư ở đó càng lâu. Độ dày của tầng văn hoáthường tỉ lệ thuận với thời hạn sống sót của dân cư tạo ra tầng văn hóa truyền thống. Song, nhiều khi trongmột tầng văn hóa truyền thống, cùng một thời đại mà có những chỗ dày mỏng mảnh khác nhau. Trong điều tra và nghiên cứu khảo cổ, thiết yếu phải phân biệt di tích lịch sử di chỉ cư trú có một tầng vănhoá với di tích lịch sử di chỉ cư trú nhiều tầng văn hóa truyền thống. Di tích di chỉ cư trú một tầng văn hóa truyền thống là nơi chỉ được con người cư trú một lần trong mộtthời gian dài. Sau đó, nơi đây không khi nào có người ở nữa. Loại di tích lịch sử di chỉ cư trú nhiều tầng văn hóa truyền thống gồm có hai loại khác nhau : loại di chỉ có lớpvô sinh và loại di chỉ không có lớp vô sinh ngăn cách. Loại di chỉ có hai hay nhiều tầng văn12hoá có lớp vô sinh ngăn cách được tạo bởi hai hay nhiều quá trình cư trú không liên tục củangười xưa. Quá trình hình thành : thoạt đầu, con người đến ở một thời hạn, tạo ra tầng văn hoáđầu tiên. Sau đó, họ phải bỏ đến ở một nơi khác ; nơi đây bị bỏ phí và mưa gió đem đất cátvùi lấp lên tầng văn hóa truyền thống. Nhưng về sau, con người đến cư trú và lại tạo ra một tầng văn hoámới, nằm trên lớp đất vô sinh. Kết quả là tại đây đã hình thành một di chỉ khảo cổ có hai tầngvăn hóa được phân biệt với nhau bởi một lớp vô sinh. Nếu quy trình này cứ lặp đi lặp lại nhiềulần thì tất cả chúng ta sẽ có một di chỉ có nhiều tầng văn hóa truyền thống được ngăn cách nhau bởi nhiều lớp vôsinh khác nhau. Những di chỉ nhiều tầng văn hóa truyền thống tiếp nối đuôi nhau nhau, không có lớp vô sinh ngăn cách được tạobởi sự xuất hiện của nhiều thế hệ người ở một chỗ trong suốt thời hạn dài hàng trăm, thậm chíhàng ngàn năm. Mặc dù không có lớp vô sinh ngăn cách nhưng nhà khảo cổ vẫn hoàn toàn có thể phânđịnh được các tầng văn hóa truyền thống nhờ dựa vào sự độc lạ về sắc tố, thành phần và cách cấu tạokhác nhau của các tầng văn hóa truyền thống. Ở những di chỉ nhiều tầng văn hóa truyền thống mà không có lớp vô sinhngăn cách thì thường có một lớp văn hóa truyền thống mang đặc trưng trung gian của tầng văn hóa truyền thống nằm trênvà nằm dưới nó. Khi điều tra và nghiên cứu, nhà khảo cổ cũng phải rất là chú trọng đến sự trộn lẫn tầng văn hóa truyền thống. Nguyên nhân làm cho tầng văn hóa truyền thống bị trộn lẫn rất khác nhau. Nhà khảo cổ phải nghiên cứutrắc diện và bình diện của di tích lịch sử một cách rất là cẩn trọng trong thám sát và khai thác di tích lịch sử. Muốn điều tra và nghiên cứu tốt tầng văn hóa truyền thống, nhà khảo cổ phải nắm vững giải pháp khai thác, có hiểu biết sâu rộng và kinh nghiệm tay nghề nghiên cứu và điều tra điền dã nhiều mẫu mã. 2.2.3. Phân loại các di tích lịch sử di chỉ khảo cổ2. 2.3.1. Di tích di chỉ cư trúKhảo cổ học thường phân loại các loại di tích lịch sử di chỉ cư trú thành : Di chỉ cư trú hangđộng ; Di chỉ cư trú ngoài trời ( di chỉ ) ; Di chỉ đống rác nhà bếp ( kjökkenmödding ) ; Di chỉ phù sa ; Di chỉ cư trú có phòng ngự. * ) Di chỉ cư trú hang độngHang động thường có ở các vùng núi đá vôi. Phần lớn hang động đã được con người, nhất là người thời đại đồ đá cũ sử dụng làm nơi ăn chốn ở. Tầng văn hóa truyền thống trong các hang động có khi bị thạch nhũ phủ kín, phải phá bỏ lớp thạchnhũ này mới hoàn toàn có thể khai thác được. Khai quật loại di tích lịch sử này thường khó khăn vất vả hơn các di tíchdi chỉ cư trú ngoài trời. Di chỉ cư trú sống sót trong toàn bộ các thời đại khảo cổ khác nhau. Những di chỉ được conngười cư trú vĩnh viễn thường có tầng văn hóa truyền thống dày. Tại đây, nhà khảo cổ hoàn toàn có thể thấy vết tích nhàcửa hoặc dấu vết các khu công trình kiến trúc khác. * ) Di chỉ đống rác bếpDi chỉ đống rác nhà bếp là một loại di chỉ đặc biệt quan trọng. Sự hình thành của loại di tích lịch sử này gắn liềnvới việc thu lượm các loài nhuyễn thể làm thức ăn của người xưa : sau khi ăn đã đổ vỏ ra ngaynơi ở thành những gò lớn nên chỉ trong một thời hạn ngắn hoàn toàn có thể tạo ra tầng văn hóa truyền thống dày. Những di chỉ của văn hóa truyền thống Quỳnh Văn thuộc loại di chỉ đống rác nhà bếp ở Nước Ta. * ) Di chỉ phòng ngự13Di chỉ phòng ngự là loại cư trú có thành cao và hào sâu bảo vệ. Nhìn chung, trong thờiđại đồ đá, chưa xuất hiện loại di tích lịch sử này. Nó chỉ Open từ khi chính sách công xã nguyên thủy tanrã và tăng trưởng trong xã hội có giai cấp. Cho đến nay, các nhà khảo cổ chỉ tìm thấy những nơicư trú có phòng ngự thuộc thời đại kim khí. Nơi cư trú có phòng ngự có nhiều loại với nhiềuquy mô và cấu trúc khác nhau. Thành Cổ Loa, Luy Lâu ở Nước Ta là thuộc loại di tích lịch sử này. * ) Di chỉ phù saDi chỉ phù sa là một loại di chỉ đặc biệt quan trọng và khác hẳn với các loại di chỉ vừa nêu trên. Nóthường xuất hiện vào thời đại đồ đá cũ, nhất là sơ kỳ thời đại đồ đá cũ. Loại di chỉ phù sa đượctạo thành do nước cuốn công cụ của người xưa đi khỏi nơi hình thành tiên phong của di tích lịch sử vàvùi công cụ vào bãi cát hay lớp cuội ở thềm sông … Vì thế mà ở các di chỉ phù sa, nhà khảo cổkhông phát hiện được tầng văn hóa truyền thống, không thấy vết tích nhà cửa và dấu vết nhà bếp lửa. Mặc dùvậy, di chỉ phù sa vẫn có vị trí quan trọng cho việc nghiên cứu và điều tra quá khứ lịch sử vẻ vang. 2.2.3. 2. Di tích mộ tángCó nhiều loại mộ táng khác nhau nên việc phân loại di tích lịch sử mộ táng là không thuận tiện. – Dựa vào hình dáng bên trên của mộ : mộ có nấm mộ ( gò mộ ) và mộ không có nấm mộ. Mộ có nấm mộ được xây đắp to, cao thành gò mộ. Phát hiện loại mộ này khá thuận tiện. Trái lại, những mộ không có nấm mộ rất khó phát hiện. Loại mộ này thông dụng trong nhiều thời đại, nhấtlà ở thời tiền sơ sử. Lần tiên phong ở Nước Ta, loại mộ này phát hiện được ở một di chỉ thuộcvăn hóa Phùng Nguyên là di chỉ Lũng Hòa ( Vĩnh Phúc ). – Dựa vào loại ” quan tài ” : mộ thuyền thân cây khoét rỗng ( Việt Khê ), mộ mành tre ( HưngYên ), vò gốm úp miệng vào nhau, chôn ngay xuống đất, được đặt trong những chum gốm lớn ( trong văn hóa truyền thống Sa Huỳnh ), trong thạp đồng ( trong văn hóa truyền thống Đông Sơn ) … – Cách đặt tử thi trong các mộ cũng rất khác nhau : chôn ngồi ( Quỳnh Văn, Đa Bút ), chônnằm ngửa, nằm nghiêng, nằm co ( Thiệu Dương, Thanh Hóa ). Có loại mộ chôn một người ( đơntáng ) và có loại mộ chôn hai người ( tuy nhiên táng ) … – Bên cạnh hình thức mai táng có tử thi, người xưa còn có hình thức hỏa táng, tức ngườichết được hỏa thiêu lấy gio rồi đem chôn. Ngoài ra còn có loại ” mộ giả ” hay ” mộ kỷ niệm “, mộtượng trưng của những người vì nguyên do nào đó mà chết ở xa hoặc chết không còn xác. Mộ xácướp và kiến trúc đặc biệt quan trọng của nó. Các kim tự tháp Ai Cập là loại mộ xác ướp tiêu biểu vượt trội nhất vàxuất hiện vào loại sớm nhất hiện biết cho đến nay. Cũng như di chỉ cư trú, di tích lịch sử mộ táng là một nguồn sử liệu quan trọng để khám phá cácxã hội đã qua. Qua điều tra và nghiên cứu mộ táng, tất cả chúng ta hoàn toàn có thể rút ra nhiều Tóm lại quan trọng. Trong khi điều tra và nghiên cứu mộ táng, nhà khảo cổ cần xem xét kỹ thuật xây đắp mộ cũng nhưquy mô kích cỡ của mộ táng. Bởi vì, chúng sẽ cho ta biết về thân phận cũng như mối quanhệ của người chết, đặc biệt quan trọng, để điều tra và nghiên cứu các xã hội đã diệt vong. Mặt khác, qua nghiên cứuxương cốt người trong mộ, tất cả chúng ta sẽ biết được giới tính, tuổi tác, bệnh tật và chủng tộc củangười chết. Đây là tài liệu quan trọng nhất để xác lập thành phần nhân chủng cũng như nguồngốc dân tộc bản địa trong quá khứ. Tài liệu mộ táng và nơi cư trú cần được so sánh so sánh để bổ trợ lẫn cho nhau. Ngaytrong một quá trình lịch sử vẻ vang cũng cần phải nghiên cứu và điều tra và so sánh tài liệu của nhiều mộ táng vớinhiều nơi cư trú một cách tỉ mỉ, tránh được những Tóm lại hấp tấp vội vàng, phiến diện hay sai lầm. 14T rong trong thực tiễn điều tra và nghiên cứu, nhà khảo cổ còn gặp một loại di tích lịch sử khác vừa mang tính chấtnơi cư trú vừa mang đặc thù di tích lịch sử mộ táng, giúp tất cả chúng ta hiểu về ý niệm của người xưavề mối quan hệ ràng buộc giữa người sống và người chết đã từng sống sót lâu bền hơn trong quá khứ. – Di tích các công xưởng cổ cũng là một loại di tích lịch sử khảo cổ quan trọng trong việc tìmhiểu quy trình Open và tăng trưởng của các nghề thủ công bằng tay truyền thống lịch sử. – Di chỉ xưởng, – Các di tích lịch sử cảng thị cổ – Các di tích lịch sử cự thạch ( tiếng Anh là megalithic : mega là lớn, còn lithic là đá ) là di tíchkiến trúc bằng đá lớn của người xưa. – Tượng đá và các hình vẽ trên vách đá – Di tích hầm mỏ cổ. Đây là một loại di tích lịch sử khảo cổ quan trọng … Muốn Phục hồi lại được quá khứ loài người ( ở một vùng, một nước hay toàn quốc tế ), nhà khảo cổ nhất thiết phải điều tra và nghiên cứu kỹ tổng thể các loại di tích lịch sử khảo cổ. Trong điều tra và nghiên cứu, tất cả chúng ta không chỉ chú ý quan tâm đến nội dung của di tích lịch sử mà còn phải biết rõ quy luật phân bổ địa lýcủa di tích lịch sử. Bởi vì địa thế căn cứ vào vị trí cũng như vị trí của di tích lịch sử, tất cả chúng ta hoàn toàn có thể nhận ra quyluật sinh sống của con người qua từng quy trình tiến độ lịch sử vẻ vang. 2.3. Văn hóa khảo cổ2. 3.1. Khái niệmVăn hóa khảo cổ là một nhóm di tích lịch sử khảo cổ có cùng đặc thù, cùng đặc thù, cùngniên đại và phân bổ trong một khoảng trống liền khoảnh. 2.3.2. Tên văn hóa truyền thống khảo cổCó 3 cách đặt tên văn hóa truyền thống khảo cổ khác nhau : Một là, tên của văn hóa truyền thống khảo cổ thường lấy tên của di tích lịch sử khảo cổ được phát hiện đầutiên của văn hóa truyền thống đó. Ví dụ, ở Nước Ta : văn hóa truyền thống Quỳnh Văn, văn hóa truyền thống Phùng Nguyên … Hai là, có 1 số ít văn hóa truyền thống được đặt tên theo tên một huyện, một vùng hay một tỉnh, nơiphát hiện ra những di tích lịch sử tiên phong, như văn hóa truyền thống Bắc Sơn, văn hóa truyền thống Hạ Long, văn hóa truyền thống Hòa Bình. Ba là, cũng có khi tên văn hóa truyền thống khảo cổ được đặt theo tên một đặc trưng tiêu biểu vượt trội nào đó, như văn hóa truyền thống gốm chải, văn hóa truyền thống gốm văn thừng, văn hóa truyền thống gốm màu … 2.3.3. Không gian văn hoáĐể xác lập khoanh vùng phạm vi phân bổ của các văn hóa truyền thống khảo cổ, nhà khảo cổ phải vẽ các bản đồkhảo cổ. Có khi trong cùng một thời đại có những văn hóa truyền thống khảo cổ khác nhau nằm cạnh nhau. Trong các văn hóa truyền thống khảo cổ khác nhau, hoàn toàn có thể thấy yếu tố riêng không liên quan gì đến nhau nào đó giống nhau. Sự giống nhau này hoàn toàn có thể do ngẫu nhiên hay do sự trao đổi qua lại giữa các văn hóa truyền thống. Song, căncứ vào sự so sánh hàng loạt các đặc trưng văn hóa truyền thống thì chúng là hai văn hóa truyền thống khác nhau. Ở một chừng mực nhất định, văn hóa truyền thống khảo cổ hoàn toàn có thể phản ánh đời sống của tập đoànngười cùng tộc, tức là cộng đồng tộc người. Nói một cách khác, một văn hóa truyền thống khảo cổ có thểthuộc một bộ lạc hay một liên minh bộ lạc nào đó. 15K hông phải khi nào tất cả chúng ta cũng hoàn toàn có thể gắn một văn hóa truyền thống khảo cổ với một bộ lạc hayliên minh bộ lạc nhất định. Bởi vì, có những bộ lạc khác nhau, nói những ngôn từ khác nhau, nhưng lại có nền văn hóa truyền thống vật chất giống nhau, như công cụ sản xuất, vật dụng và nhà ở giốngnhau. CÂU HỎI ÔN TẬP1. Tầng văn hóa truyền thống là gì ? Những đặc thù của tầng văn hóa truyền thống ? 2. Các cách đặt tên một nền văn hóa truyền thống khảo cổ ? 16CH ƯƠNG 3 : ĐIỀU TRA VÀ KHAI QUẬT KHẢO CỔ3. 1. Điều tra khảo cổ3. 1.1. Khái niệmĐiều tra khảo cổ là một hoạt động giải trí ( phương tiện đi lại ) nhằm mục đích phát hiện và điều tra và nghiên cứu bước đầunhững di tích lịch sử khảo cổ ở ngoài trời. Mục đích của việc làm tìm hiểu khảo cổ là nhằm mục đích lập những map khảo cổ của mộtvùng, miền nhất định và của cả nước ; nghĩa là để nhìn nhận và làm sáng tỏ bộ mặt khảo cổ, tínhđa dạng của những di tích lịch sử khảo cổ trong khu vực đã được tìm hiểu trong một thời hạn nhấtđịnh và ở vào một trình độ tăng trưởng nhất định của khoa học khảo cổ. Nhiệm vụ của tìm hiểu khảo cổ là phát hiện và công bố những điều tra và nghiên cứu sơ bộ về nhữngdi tích trong một khu vực nhất định. Việc tìm tòi, phát hiện ra những di tích lịch sử khảo cổ mới và điều tra và nghiên cứu trong bước đầu về chúng làcông việc liên tục của bất kỳ một nhà khảo cổ nào khi có điều kiện kèm theo đi công tác làm việc ngoài trời. 3.1.2. Quy trình thực hiệnKhi đã phát hiện ra di tích lịch sử, di vật khảo cổ, cần phải xác lập những đặc thù cơ bản củachúng. Yêu cầu về mức cụ thể của các miêu tả, Lever của các đánh giá và nhận định hoàn toàn có thể thâm thúy khácnhau tùy vào đặc thù của đợt tìm hiểu khảo cổ. Công việc chuẩn bị sẵn sàng trước cho một cuộc tìm hiểu khảo cổ là rất thiết yếu. Đó là : phải đọctrước những tài liệu về lịch sử vẻ vang, khảo cổ, địa lý, địa chất … có tương quan tới khu vực, vùng màchúng ta sẽ tới tìm hiểu. Đặc biệt, cần phải xem các thông tin về những phát hiện khảo cổ mớihàng năm trong khu vực, nhật ký hay báo cáo giải trình khai thác các di tích lịch sử khảo cổ, và trực tiếp xemxét các hiện vật khảo cổ của những đợt tìm hiểu và khai thác khảo cổ trước kia ở vùng đó. Phương tiện tìm hiểu : Khi đi tìm hiểu khảo cổ, ngoài các map, cần mang theo máy ảnh, thước dây, máy trắc địa, địa phận, máy xác định, giấy vẽ, giấy viết, bút chì, bút viết mực chịunước, các loại giấy dùng để gói, các túi nilon, nhật kí thám sát, tìm hiểu … Nếu có điều kiện kèm theo, cóthể mang theo máy tính xách tay, máy quay video, máy đàm thoại … Ngoài ra cũng nên có túithuốc cá thể kèm theo. Tất cả những sự chuẩn bị sẵn sàng đó giúp cho việc lập một chương trình công tác làm việc được thuận tiện. Vấn đề phương tiện đi lại đi lại cũng cần xem xét. Trong hoạt động giải trí khảo cổ học, có nhiều loại tìm hiểu khảo cổ nhưng hoàn toàn có thể quy lại thànhhai loại chính đó là : Điều tra trình độ về từng loại di tích lịch sử ; Điều tra hàng loạt các di tích lịch sử khảocổ hay còn gọi là tìm hiểu tổng hợp ( tìm hiểu phối hợp ). Thông thường loại tìm hiểu thứ hai đượcáp dụng nhiều hơn và cũng mang lại hiệu quả lớn hơn. Trong quy trình tìm hiểu, tất cả chúng ta hoàn toàn có thể đào các hố thám sát từ 1 mđến 2 mở nơi nghingờ có di tích lịch sử khảo cổ. Các hố thám sát phải đào cho tới tận sinh thổ ( đất cái ) để tìm hiểu và khám phá cấutạo các tầng đất. 17K hi đi tìm hiểu khảo cổ tất cả chúng ta cần có sự liên hệ mật thiết với chính quyền sở tại, và nhân dânsở tại. Việc liên hệ như vậy vừa bảo vệ thủ tục hành chính vừa mang lại nhiều quyền lợi, kết quảcho quy trình tìm hiểu. Khi một di tích lịch sử khảo cổ đã được phát hiện thì phải miêu tả di tích lịch sử đó. Việc làm đầu tiênlà đặt tên cho di tích lịch sử. Cần xác lập và ghi rõ vị trí địa lý của di tích lịch sử. Cần thu lượm các hiện vậtđặc trưng cho di tích lịch sử trong hố, dưới rãnh … và ghi ” phiếu hiện vật “. Cần vẽ sơ đồ và chụp ảnhdi tích khảo cổ. Trên cơ sở đó cần trong bước đầu xác lập đặc thù và niên đại của di tích lịch sử ấy. Di tích khảo cổ đã phát hiện cần được ghi lại trên map khảo cổ. Các loại di tíchkhác nhau phải được ghi lại bằng những tín hiệu quy ước khác nhau … Điều tra khảo cổ là một việc làm tráng lệ, phát minh sáng tạo, yên cầu tính kiên trì của nhà khảocổ. Tùy theo thực trạng, đặc thù của di tích lịch sử, khu vực khảo sát mà các nhà khảo cổ định ranhững phương pháp tìm hiểu và nghiên cứu và điều tra khác nhau. 3.2. Khai quật khảo cổ3. 2.1. Một số nét khái quát về Khai quật khảo cổ họcKhai quật khảo cổ là nhằm mục đích nghiên cứu và điều tra kỹ về các di tích lịch sử ấy bằng cách hướng đến, lấy lênnhững di vật khảo cổ, và trải qua việc hướng đến khảo cổ, nghiên cứu và điều tra mối liên hệ địa tầng giữacác di tích lịch sử và di vật. Nhờ có khai thác khảo cổ, tất cả chúng ta mới có tư liệu để từ đó rút ra nhữngkết luận nhằm mục đích Phục hồi quá khứ lịch sử dân tộc của loài người. Khai quật khảo cổ luôn là một việc làm khoa học trang nghiêm, nặng nề, khó nhọc và đòihỏi tính trung thực, ý thức nghĩa vụ và trách nhiệm cao. Khai quật khảo cổ là để xử lý những yếu tố lịch sử vẻ vang, để dựng lại những điều kiệnsinh hoạt của tổ tiên thời rất lâu rồi, để đi sâu vào đời sống hàng ngày của họ và bằng cách đó cóthể biết được tổ chức triển khai xã hội của họ. Để khai thác triệt để nguồn sử liệu khai thác từ mọi góc nhìn phải có sự phối hợp của nhiềunhà trình độ : khảo cổ học, dân tộc học, địa chất học, thổ nhưỡng học, cổ sinh vật học … 3.2.2. Một số nguyên tắc cơ bản khi khai thác một di tích lịch sử khảo cổ1. Khai quật khảo cổ không được làm qua loa, đại khái, mặc dầu đó là một cuộc khai quậtchữa cháy, khi hiện trường đã bị đào xới nham nhở. Tránh thực trạng coi thường việc nghiêncứu những hiện vật đã quá quen thuộc – loại hiện vật ” đã biết từ lâu rồi “. Khai quật khảo cổ là một việc làm tinh xảo, đối xử với các hiện vật khảo cổ cần hết sứcnhẹ nhàng, do vậy ngay cả trong thời đại khoa học kỹ thuật tăng trưởng thì những công cụ khaiquật của các nhà khảo cổ cũng vẫn chỉ là những cái xẻng, cái cuốc nhỏ, cái bay, con dao, chổilông … Việc ứng dụng các tân tiến khoa học kỹ thuật hầu hết là ở quy trình điều tra và nghiên cứu trongphòng. 2. Khi khai thác khảo cổ, ta phải luôn hướng tới một mục tiêu : nỗ lực nghiên cứu và điều tra toàndiện quy trình lịch sử vẻ vang. Phương pháp tốt nhất để xử lý yếu tố này là đào hàng loạt nơi cư trú ( hàng loạt một làng cổ ), khu mộ táng …, tích lũy những tư liệu tương quan đến mọi mặt như môitrường sinh thái xanh, địa lý, địa chất … nhưng đó là một việc làm lâu bền hơn và kết thúc việc khai quậtthuộc về tương lai. 18K hai quật hàng loạt một di tích lịch sử hoàn toàn có thể lê dài hết một đến vài thế hệ các nhà khảo cổ. Chính vì thế, với từng di tích lịch sử đơn cử phải có được một kế hoạch cho từng quá trình, từng mùakhai quật. Trước khi khai thác, dựa vào việc tìm hiểu khảo cổ và đào thám sát, tất cả chúng ta phải biếtđược quy hoạch nơi cư trú, khu mộ táng, những số lượng giới hạn niên đại của di tích lịch sử. 3. Trước khi khai thác một di tích lịch sử nhất thiết phải nắm được địa tầng của di tích lịch sử để biếtđược trình tự và niên đại các lớp đất nhằm mục đích tránh việc khai thác tùy tiện. Trắc diện các lớp đất là ” giấy thông hành ” của nhà khảo cổ, là ” hộ chiếu ” của di tích lịch sử đó. Đối với việc khai thác mộ cổ, trước hết phải đào và nghiên cứu và điều tra trắc diện gò mộ ( nếu có ), chấtđất, kỹ thuật và vật tư đắp gò mộ … 4. Sau khi đã biết được địa tầng của di tích lịch sử hay trắc diện của gò mộ, các nhà khảo cổ tiếnhành khai thác theo phương gần thẳng đứng ( từ trên xuống ) theo từng tầng đất để làm lộ ranhững nền nhà cũ, những di tích lịch sử, di vật. Các lớp đất và lắng đọng khác nhau được lần lượt bóc bỏđi và nhất thiết phải nghiên cứu và điều tra toàn bộ các tầng của di tích lịch sử đó. 5. Để có một ý niệm không thiếu về hàng loạt nơi cư trú cần phải khai thác trên diện lớn. Thôngthường, mỗi hố đào rộng khoảng chừng 100 mđến 400 mtuỳ những trường hợp đơn cử. Với diện tíchđó, nó hoàn toàn có thể gồm có được những vết tích kiến trúc nhà tại, nơi hoạt động và sinh hoạt, sản xuất. Tuy nhiên, nếu tất cả chúng ta đào hố quá lớn thì mất năng lực theo dõi liên tục các tầng đấttrên trắc diện vì các vách hố quá xa nhau ; do vậy các hố lớn vừa phải được đào sát nhau vàcách nhau bởi một vách ngăn. Về nguyên tắc hố đào cần theo những hình có góc vuông ( hìnhvuông, hình chữ nhật ). 6. Trong quy trình khai thác, các vết tích kiến trúc, các hiện vật, phát hiện được phải đểnguyên ở vị trí bắt đầu của chúng, không được vận động và di chuyển ra chỗ khác hoặc lấy ra khỏi lớp đấtvăn hóa. Các hiện vật nằm lộ ra trên vách hố khai thác cũng phải để nguyên ở vị trí, chỉ lấy chúngra khi đã hoàn tất việc khai thác. 7. Việc khai thác khảo cổ yên cầu phải đào hết tầng văn hóa truyền thống. Khi đã đào hết tầng văn hoáthì phải nạo sạch đáy hố để thấy rõ bộ mặt lớp đất hạ tầng – lớp đất cái ( hay còn gọi là sinh thổ ) tức lớp đất trên đó người thời cổ khởi đầu cư trú, sinh sống. Không được đào sâu quá lớp đất cái, phải quan sát xem trên mặt lớp đất cái có vết các hố đào xuống không … Cũng có trường hợpdo có nhiều vấn đề khác phát sinh trong lúc khai thác, người ta đành phải tạm dừng việc khaiquật mà chưa đào hết tầng văn hóa truyền thống … 8. Mọi hiện vật phát hiện được trong quy trình khai thác cần thu lượm tổng thể, mặc dầu đó lànhững ” vật tầm thường ” nằm trong tầng văn hóa truyền thống hay trong mộ cổ. Kết quả thu lượm phục vụcho việc lập bảng thống kê hiện vật, qua đó tất cả chúng ta có một ý niệm tổng lực về trình độ kỹthuật, đời sống của gia chủ di tích lịch sử khảo cổ. 9. Khi thực thi khai thác khảo cổ, tất cả chúng ta đồng thời cũng thực thi ghi nhật kí khai thác. Việc ghi nhật kí khai thác do người đảm nhiệm hố khai thác tiếp đón, được thực thi hàng ngày. Ghi nhật kí phải đặc biệt quan trọng miêu tả tỉ mỉ những cái gì không biểu lộ được trên map, trênsơ đồ mặt phẳng cắt và mặt phẳng … 1910. Các di tích lịch sử khảo cổ và việc khai thác di tích lịch sử khảo cổ luôn được quần chúng nhân dânquan tâm. Phần lớn trong các cuộc khai thác khảo cổ các nhà khảo cổ học luôn phải sử dụngnhân công địa phương để đào, chuyển đất, rửa gốm. Xử lý mộ táng, nạo vét các hố đất đen, nạo sạch mặt phẳng … là những việc yên cầu kiếnthức trình độ và trong thực tiễn, các nhà khảo cổ phải trực tiếp triển khai … Trên đây chỉ là những nguyên tắc chung nhất, những phương hướng cơ bản của việckhai quật khảo cổ. Để cuộc khai thác khảo cổ có tác dụng tốt, yếu tố đa phần vẫn là trình độchuyên môn, kinh nghiệm tay nghề thực tiễn, nghĩa vụ và trách nhiệm và ý thức tự học hỏi của các nhà khảo cổ quacác cuộc tìm hiểu và khai thác trước đó dưới sự hướng dẫn của các nhà khảo cổ có kinhnghiệm, với trình độ trình độ, kĩ năng cao. CÂU HỎI ÔN TẬP1. Khái niệm về Điều tra khảo cổ và Khai quật khảo cổ ? 2. Trình bày những nguyên tắc cơ bản khi khai thác một di tích lịch sử khảo cổ ? 20CH ƯƠNG 4 : CÁC PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU KHẢO CỔ HỌC TRONG PHÒNGKhái quátNghiên cứu khảo cổ học là một quy trình liên tục của hai thao tác và thường được gọidưới cái tên khảo cổ học điền dã và khảo cổ học trong phòng. Nếu theo trật tự thời hạn nghiêncứu trong phòng tiếp theo sau nghiên cứu và điều tra điền dã và mỗi quy trình có trách nhiệm và phươngpháp riêng, toàn bộ đều hướng tới thực thi một trách nhiệm chung của khảo cổ học. Tiến trình nghiên cứu và điều tra khảo cổ trong phòng gồm có ba quá trình như sau : chỉnh lý tư liệu ; Hoàn thành báo cáo giải trình khai thác ; Nghiên cứu tổng hợp. 4.1. Chỉnh lý tài liệuChỉnh lý tài liệu gồm ba bước : Xử lý, miêu tả ; Hệ thống, phân loại ; Nghiên cứu chỉnh lývà gồm có những việc làm sau : 4.1.1. Công việc chuẩn bịLàm sạch hiện vật. Tại các kho lưu trữ bảo tàng, viện nghiên cứu và điều tra hay trường ĐH và cả nhữngcông trường khai thác lớn phải có những phòng thí nghiệm giải quyết và xử lý hiện vật đặc biệt quan trọng. Phân loại theo vật liệu, kiểm kê số lượng, vào sổ ĐK, chỉnh lý trong bước đầu theo nhữngtrật tự thường thì hay riêng không liên quan gì đến nhau để có cách nghiên cứu và điều tra và dữ gìn và bảo vệ thích hợp. Lập hồ sơ cho từng hiện vật cũng như cho hàng loạt công trường thi công, các hiện vật cần đượcmiêu tả trong bước đầu, vẽ, chụp ảnh, đo kích cỡ, cân khối lượng … Những hiện vật quý, nhữngmẫu vật gửi đến các phòng xét nghiệm cần có những thủ tục ĐK đặc biệt quan trọng. Công việc nàyđược xem là điều tra và nghiên cứu bắt đầu. 4.1.2. Khôi phục hình dángNhững hiện vật khai thác thường không giữ nguyên dạng, do vậy việc quan trọng là khôiphục hình dáng toàn phần hay từng phần của chúng. Những chiêu thức phục chế đã giúp chonhà khảo cổ hoàn toàn có thể trả về cho chúng những hình dáng khởi đầu. Từ những mảnh xương sọ cóthể Phục hồi lại được hộp sọ và mặt của người đã mất … Công tác phục chế là một việc làm phát minh sáng tạo, yên cầu lòng kiên trì, sự khôn khéo và hiểubiết về kỹ thuật, chất liệu4. 1.3. Phân loại và xác lập tác dụng của hiện vậtPhân loại hiện vật nhìn chung thường được triển khai theo những trình tự sau : 1 – Xác định thuộc tính : Những cụ thể tạo nên những đặc thù cốt lõi, đặc trưng của mộthiện vật được gọi là thuộc tính. 2 – Xác định loại hiện vật : Với khái niệm loại hay motif tất cả chúng ta hiểu là một loại hiện vậtchính … 3 – Xác định hạng hiện vật : Hiện vật tiếp đó hoàn toàn có thể được phân nhóm trong những hạngchung hơn trên cơ sở xem xét những nét tương đương chung của hình dáng hay tính năng. Vìvậy trong báo cáo giải trình người ta thường đặt nó trong hạng hiện vật, chứ không phải là hiện vật. 214 – Xác định mô hình : Mức cao nhất của diễn đạt là loại hình học. Đây là chiêu thức dùngmiêu tả tổng thể hiện vật sống sót ở một thời hạn nhất định trong một khu vực. Một trong cách phân loại hiện vật phổ cập nhất là phân loại theo công dụng dựa trên ýtưởng chủ yếu là dân cư cổ đã sử dụng những hiện vật này để làm gì. Việc ứng dụng những chiêu thức của khoa học tự nhiên, nhất là việc ứng dụng thốngkê toán học, định lượng, biểu đồ, đồ thị vào việc phân loại và miêu tả, đã giúp cho khảo cổ họccó thể xác lập một cách khách quan và chắc như đinh hàng loạt hiện vật. 4.1.4. Giải phẫu hiện vậtNghiên cứu kỹ nghệ tăng trưởng muộn hơn so với loại hình học và trở nên không hề thiếuđược trong điều tra và nghiên cứu khảo cổ học. Vì yếu tố ” giải phẫu ” hiện vật khảo cổ không riêng gì thuầntuý để nghiên cứu và điều tra vật liệu của chúng mà còn nhằm mục đích điều tra và nghiên cứu về kỹ thuật chế tác, nguồn gốccủa nguyên vật liệu cũng như của hiện vật. Kết quả của việc điều tra và nghiên cứu này đã giúp cho các nhàkhảo cổ khám phá thâm thúy thêm những yếu tố lịch sử dân tộc tăng trưởng kỹ thuật, mô thức kinh tế tài chính – kỹthuật … Bên cạnh những chiêu thức truyền thống cuội nguồn, việc ứng dụng nhiều giải pháp khoa họctự nhiên như các giải pháp nghiên cứu và phân tích quang phổ, nghiên cứu và phân tích hóa học, nghiên cứu và phân tích kích hoạtneutron ( tóc ), giải pháp nghiên cứu và phân tích nhiệt ( đồ gốm ), nghiên cứu và phân tích hóa học … đã giúp cho sự phânloại hiện vật và diễn giải khảo cổ học đúng chuẩn và không thiếu hơn. 4.1.5. Phương pháp xác lập niên đại4. 1.5.1. Niên đại tương đốiNiên đại tương đối dựa trên luật chồng xếp. Có hai nguồn tài liệu để xác lập loại niên đạinày. Đó là : tư liệu diễn biến địa tầng của khu vực và việc ghi chép đúng chuẩn vị trí của hiện vậttheo cả hai chiều ngang và dọc cũng như sự điều tra và nghiên cứu cẩn trọng đặc thù của từng hiện vật vàdi tích. Ứng dụng quan trọng nhất của chiêu thức này là để thiết lập chuỗi niên đại trước – sau, sớm – muộn, trên – dưới. 4.1.5. 2. Niên đại tuyệt đốiNiên đại tuyệt đối ( hay còn gọi niên đại chronometer ) là xác lập năm tuổi của hiện vật, hóa thạch và những tàn tích khác theo niên lịch. Việc xác lập loại niên đại này là thách thứclớn nhất so với khảo cổ học. 4.1.6. Tìm hiểu nguồn gốc chủ nhânNghiên cứu yếu tố ai là người phát minh sáng tạo và sử dụng các hiện vật khảo cổ, gia chủ củanhững nền văn hóa truyền thống khảo cổ là một yếu tố khá phức tạp và vô cùng lý thú. Vấn đề này có liênquan đến tên gọi các hội đồng người, nguồn gốc dân tộc bản địa, thành phần nhân chủng. Giải quyếtnhững yếu tố này là trách nhiệm của nhiều ngành khoa học. Xu thế nghiên cứu và điều tra đa-liên ngành sinh-khảo cổ lúc bấy giờ bằng phương pháp hóa sinh, nghiên cứu và điều tra bệnh lý, nghiên cứu và phân tích nhóm máu, ADN … sẽ giúp các nhà khảo cổ học giải quyết và xử lý tối ưulượng thông tin tích lũy được từ khảo sát và khai thác. 224.2. Hoàn thành báo cáoKết quả của những điều tra và nghiên cứu trong phòng và điều tra và nghiên cứu ngoài trời cần phải được tổnghợp lại trong bản báo cáo giải trình khai thác. Báo cáo khai thác là tài liệu khách quan, rõ ràng, đầy đủđể những người không trực tiếp tham gia khai thác vẫn hoàn toàn có thể hiểu rõ và nắm được yếu tố đếnmức thiết yếu hoàn toàn có thể dựng lại những điều đã mất đi. Việc công bố những bản báo cáo giải trình khai thác không những là một nhu yếu cấp thiết có tínhchất thời sự của khảo cổ học, mà còn là một yên cầu chính đáng của các ngành khoa học có liênquan, vừa là trách nhiệm vừa là quy định của công tác làm việc khảo cổ. Thông thường, từ lúc kết thúc khai thác đến khi hoàn thành xong báo cáo giải trình cần phải có mộtkhoảng thời hạn vật chất tối thiểu để thực thi những công tác làm việc nghiên cứu và điều tra thiết yếu. Trong lúc chờ đón một bản báo cáo giải trình khai thác chính thức, các nhà khảo cổ đã tìm mọi cáchđể đưa nguồn sử liệu hiện vật tiếp xúc nhanh gọn với quần chúng nhân dân và các nhà nghiêncứu. Báo cáo khai thác chỉ xử lý được những điều mà tài liệu của cuộc khai thác cho phépnêu lên theo nhận thức của người viết báo cáo giải trình. Báo cáo khai thác chưa triển khai xong được quá trìnhnghiên cứu trong phòng. Hoàn thành báo cáo giải trình mới có nghĩa là trong bước đầu tập hợp tài liệu để đónggóp vào việc đề xuất kiến nghị những yếu tố nghiên cứu và điều tra tổng hợp. 4.3. Nghiên cứu tổng hợpTrên cơ sở những điều đã thu nhận được qua các nguồn sử liệu, cần tổng hợp lại để rút racho được những Tóm lại lịch sử dân tộc thiết yếu. Trong nghiên cứu và điều tra tổng hợp việc tiếp cận theo phươngpháp liên – đa ngành và xuyên ngành dựa trên phương pháp luận Mác-Lênin sẽ giúp giải quyếtđúng đắn các yếu tố phức tạp của quá khứ trái đất. Nghiên cứu tổng hợp hoàn toàn có thể thực thi theo quy trình tiến độ, theo khu vực hay theo chuyên đề. Một yếu tố khác tương quan đến Phục hồi và bảo tồn di tích lịch sử là khi khai thác những di tíchkhảo cổ học lịch sử dân tộc như đền tháp, thành phố cổ … yên cầu việc vận dụng ngặt nghèo giữa khai quậtvà công tác làm việc bảo tồn, việc làm này yên cầu những giải pháp khai thác đặc trưng cũng như ứngdụng các công nghệ tiên tiến và kỹ thuật tiên tiến và phát triển trong cả hai nghành nghề dịch vụ khai thác và bảo tồn. Các nhà khảo cổ học tập trung sự chú ý quan tâm vào phục dựng thiên nhiên và môi trường, điều tra và nghiên cứu lối sốngvà sử dụng công cụ. Họ chú ý quan tâm đến việc lý giải tại sao những nền văn hóa truyền thống quá khứ tăng trưởng, biến hóa và tìm cách phục dựng hệ giá trị cũng như tín ngưỡng của dân cư cổ. CÂU HỎI ÔN TẬPCác chiêu thức xác lập niên đại khảo cổ ? 23CH ƯƠNG 5 : SƠ LƯỢC LỊCH SỬ KHẢO CỔ HỌC THẾ GIỚI VÀ KHẢO CỔ HỌCVIỆT NAM5. 1. Sơ lược lịch sử dân tộc khảo cổ học thế giớiMôn khoa học xã hội nhân văn tuy còn trẻ này thực ra có mầm mống từ rất truyền kiếp. Banđầu đó là những thử nghiệm, nỗ lực của một số ít nhóm người tò mò tích lũy những hiện vậtnghệ thuật. Sự chăm sóc tiên phong đến di vật cổ biểu lộ ở thói trộm vật phẩm của các ngôi mộ cổvà từ thú sưu tập kho tàng cổ vật. Trộm mộ cổ là truyền thống lịch sử truyền kiếp ở Ai Cập và còn tiếp nối đến tận thời nay. Chúngta không biết chắc như đinh việc này mở màn đúng chuẩn từ khi nào tuy nhiên vào năm 1120 BC việc đàotrộm mộ cổ phổ cập đến nỗi đã phải có một cuộc tìm hiểu. Xét từ góc nhìn này, Khảo cổ học đã có trên 2000 năm lịch sử vẻ vang tăng trưởng của mình, đó làmột quy trình diễn tiến lâu bền hơn về nhận thức, sự thưởng thức trong thực tiễn, tích góp về cả chất lẫnlượng những tài liệu hiện vật, mối quan hệ đa ngành, liên khoa học cả tự nhiên và xã hội. Cóthể chứng minh và khẳng định rằng đây là một trong những khoa học cơ bản về con người với những hệ thốnglý thuyết, giải pháp điều tra và nghiên cứu đặc trưng. Ngay từ thời cổ đại, con người đã chăm sóc tới các vật cổ. Khi làm ruộng, đào kênh, người thời cổ tìm thấy những bộ xương lớn, họ tưởng đấy là di cốt của những người khổng lồtrong truyền thuyết thần thoại … khi tìm thấy những rìu đá, rìu đồng, họ coi đó là ” lưỡi tầm sét “, ” búa trời ” của ” ông Thiên Lôi ” … Thời Trung cổ là thời kỳ tích lũy từ từ những tài liệu khảo cổ. Môn kim thạch học ( sưu tập và điều tra và nghiên cứu các bài văn bia, bài minh khắc trên chuông đồng và đồng cổ ) ở TrungQuốc đời Tống ( thế kỷ X-XIII ) đã khá tăng trưởng. Thời kỳ Văn hóa phục hưng ( Renaissance, thế kỷ XIV-XVI ) cũng là thời kỳ mà thú sưutập, săn lùng các kho tàng, cổ vật rất tăng trưởng, lúc đầu ở Italia sau lan rộng ra toàn châu Âu. Hàng loạt kho lưu trữ bảo tàng vương quốc và tư nhân được xây dựng. Nghề buôn đồ vật thời cổ xưa phát đạt ở các thànhphố lớn của châu Âu nhất là ở Anh. Thế kỷ XVII-XVIII, ở Pháp, Anh và nhiều nước châu Âu khác đã xây dựng Viện Hànlâm và một số ít cơ quan nghiên cứu và điều tra cổ vật, cổ tích, bi ký, tổ chức triển khai những cuộc thám sát khảo cổ. Nhiều trường ĐH ở Đức khởi đầu dạy những kỹ năng và kiến thức về khảo cổ học cổ đại Hy-La. Sự tăng trưởng tiếp theo của khảo cổ học gắn liền với những sự kiện lịch sử vẻ vang lớn lao bắt đầulàm chấn động châu Âu ở cuối thế kỷ XVIII và đầu thế kỷ XIX : Cách mạng tư sản Pháp ( 1789 ), các cuộc cuộc chiến tranh của Napoléon Bonaparte, Cách mạng tư sản Anh ( 1848 ) … “ Tường thuật về những hoạt động giải trí và tò mò mới nhất trong các Kim tự tháp, Đền thờ, Mộvà khai thác ở Ai Cập và Nubia năm 1820 ” được xem là khu công trình sớm nhất về cổ vật. Khảo cổ học với tư cách là một ngành khoa học trên thực tiễn Open vào nửa đầu thế kỷXIX và được lưu lại bằng hai sự kiện điển hình nổi bật, một ở Đan Mạch và một ở Anh. Cống hiến củaĐan Mạch như ta đã biết đó là kim chỉ nan về ” Ba thời đại ” đồ đá – đồ đồng – đồ sắt của J.Thomsen … 24T hế kỷ XIX mới là thời kỳ Khảo cổ học nguyên thủy có bước tân tiến lớn. Những tài liệukhảo cổ học ở Đan Mạch, Thụy Sĩ … đã chứng minh và khẳng định việc phân loại các thời đại khảo cổ làm bathời đại đồ đá, đồ đồng và đồ sắt là trọn vẹn đúng. Công trình khảo cổ học quan trọng nhấtthời kỳ này là Cổ vật Nguyên thủy của Đan Mạch ( 1843 ) của A. Worsaae. Năm 1859 đánh dấusự sinh ra chính thức của khoa Tiền sử học phương Tây. Từ nửa sau thế kỷ XIX, nhiều khu vực mới, tương tự như như Abbeville được phát hiện. Năm 1856, người ta tìm thấy di cốt Neanderthal ( Đức ). Năm 1859, cuốn sách của CharlesDarwin Nguồn gốc các giống loài theo con đường tinh lọc tự nhiên sinh ra, tiếp đến là cuốnsách Nguồn gốc loài người ( 1871 ). Dựa vào tiến hóa của hình dáng các công cụ và vũ khí bằngđồng, Mortillet đã tìm ra giải pháp nghiên cứu và điều tra mô hình hiện vật khảo cổ. Giai đoạn gần cuối thế kỷ XIX là những cố gắng nỗ lực lớn của các nhà khảo cổ học châu Âumở rộng tri thức bằng những cuộc khai thác có mạng lưới hệ thống và tổng kết tư liệu. Đây là thời kỳ khaiquật thành Troy ( Tiểu Á ) của H. Schliemann, thời kỳ phát hiện bích họa trong hang động đá cũở Pháp, Tây Ban Nha. Trên đây là những nét sơ lược về lịch sử vẻ vang khảo cổ học ở Cựu thế giới. Cuối thế kỷ XIXcũng là thời hạn khởi đầu của việc chăm sóc và nghiên cứu và điều tra khảo cổ học ở Tân thế giới. Nhữngnghiên cứu khởi đầu này tập trung chuyên sâu vào người Toltec và Aztec ở Mexico, người Inca ở Nam Mỹ. Tóm lại, tất cả chúng ta thấy rằng vào thế kỷ XIX, Khảo cổ học đã thu được nhiều hiệu quả tolớn : nhiều di tích lịch sử khảo cổ quan trọng được phát hiện và nghiên cứu và điều tra, nhiều ngành của khảo cổ họcđã sinh ra ; những mạng lưới hệ thống tổng hợp, những ý niệm khảo cổ học tổng hợp đã hình thành. Tưtưởng điển hình nổi bật nhất của quá trình này là học thuyết tiến hóa đơn tuyến và chủ nghĩa vật học tưsản. Thế kỷ XX được lưu lại bằng những phát hiện quan trọng mới, những thành tựunghiên cứu mới cả ở nghành thực địa, cả ở nghành nghề dịch vụ giải pháp nghiên cứu và điều tra và kim chỉ nan. Những thập kỷ cuối của thế kỷ XX phát sinh một loạt những phe phái, học phái của khảo cổhọc tân tiến. Hàng trăm di tích lịch sử hóa thạch của vượn, người và người tối cổ được liên tiếp phát hiện. Những yếu tố cơ bản về nguồn gốc con người đã và đang được giới khảo cổ học, cổ nhân học, cổ sinh học nghiên cứu và điều tra từ các góc nhìn môi trường sinh thái, giải phẫu sinh học, nguyên nhânđộng lực kinh tế tài chính … Xu hướng điển hình nổi bật lúc bấy giờ là phối hợp ngặt nghèo giữa sự đổi khác môi trườngvà biến hóa xã hội để lý giải động lực hình thành con người. Việc vận dụng những thành tựu của khoa học tự nhiên vào khảo cổ học ngày càng đượcmở rộng và hiệu suất cao và khiến cho các kiến thức và kỹ năng khảo cổ học ngày càng đúng mực. Xét từ góc nhìn quan điểm và kim chỉ nan, khoa học khảo cổ giữa thế kỷ XX có hai trườngphái điều tra và nghiên cứu chính. Đó là khảo cổ học tư sản và khảo cổ học xã hội chủ nghĩa. Đặc điểm điển hình nổi bật của khảo cổ học tư sản thời kỳ đầu và giữa thế kỷ XX là từ bỏ chủnghĩa lịch sử vẻ vang, từ bỏ chủ nghĩa tiến hóa, phủ nhận tính quy luật, tính thống nhất trong sự pháttriển của lịch sử dân tộc loài người. Nguyên nhân của những sự đổi khác đó theo khảo cổ học tư sản lànhững tác nhân ngoại lai ; sự đổi khác của nhân chủng, của bộ lạc mới từ bên ngoài, vay mượn … Những nhà khảo cổ học tư sản dùng sự thiên di và vay mượn để lý giải những đổi khác kinh tế-văn hoá-xã hội nên mang nặng sắc tố chủ nghĩa chủng tộc. Điển hình là thuyết khu vực vănhoá hay phe phái văn hóa truyền thống lịch sử dân tộc Vienna ( Áo ). 25K hảo cổ học xã hội chủ nghĩa được kiến thiết xây dựng trên cơ sở phương pháp luận của chủ nghĩaMác-Lênin. Với tư cách là một khoa học lịch sử vẻ vang, khảo cổ học Mác-Lênin không phủ nhận sựthiên di và vay mượn nhưng cho rằng động lực hầu hết của sự tăng trưởng xã hội là động lực nộitại. Thiên di và vay mượn không phải là nội dung đa phần của quy trình lịch sử dân tộc. Khảo cổ học Mác-Lênin chú ý nghiên cứu và điều tra những quan hệ kinh tế-xã hội, được phảnánh qua các tài liệu hiện vật. Nó nhấn mạnh vấn đề tính thống nhất, tính quy luật chung của sự pháttriển lịch sử dân tộc loài người, đồng thời không phủ nhận những dạng thái muôn màu muôn vẻ củanhững nền văn hóa truyền thống xã hội. Thế kỷ XX cũng là thời kỳ hình thành và tăng trưởng ngành khảo cổ học văn minh. Đối lậpvới xu thế thiên về khai thác tính đồ vật thời cổ xưa của khảo cổ học cổ xưa, khảo cổ học nhân học ngàynay đề cập đến văn hóa truyền thống lịch sử vẻ vang ( tức là niên đại của sự kiện và truyền thống lịch sử văn hóa truyền thống ) và diễngiải các quy trình văn hóa truyền thống. Với khái niệm ” khảo cổ học mới ” từ giữa thế kỷ XX tất cả chúng ta cần nhắc tới những nhàkhảo cổ học châu Âu và Mỹ. Khảo cổ học mới gắn liền với khoa học nhân học. Hiện nay đãhình thành nhiều phe phái khác nhau của khảo cổ học mới nhằm mục đích giải thuật và tiếp cận di tích lịch sử, di vật khảo cổ học từ nhiều góc nhìn khác nhau và chú trọng đặc biệt quan trọng tới diễn giải văn hoá-xãhội. 5.2. Sơ lược lịch sử dân tộc khảo cổ học Việt NamỞ Nước Ta, theo thần thoại cổ xưa được ghi lại trong Lĩnh Nam chích quái, ngay từ thời AnDương Vương ( thế kỷ III BC ) người ta đã đào được xương cốt và nhạc khí cổ của thời đạiHùng Vương. Vào đầu Công nguyên, viên tướng Đông Hán là Mã Viện đã thu lượm nhiều trống đồngcủa người Lạc Việt rồi đem phá ra để đúc ngựa đồng ( Hậu Hán thư ). Dưới triều Lý ( thế kỷ XI-XIII ) người ta đã thấy những cuốn sử biên niên chú ý quan tâm ghi chépnhững việc tìm thấy cổ vật ( tượng đồng, chuông đồng … ) dưới mặt đất. Pháp luật đời Hồng Đức ( thế kỷ XV ) có ghi pháp luật 422 trừng phạt việc lấy cắp hoặcphá hủy tượng Phật, chuông đồng cổ. Nhà bác học Lê Quý Đôn ( thế kỷ XVIII ) đã chăm chúnghiên cứu những tấm bia cổ, những bài minh khắc trên chuông đồng thời cổ và coi đó lànhững nguồn sử liệu quý. Đại Việt sử ký toàn thư đời Lê, nhiều cuốn truyện, chí thời Lê mạt và thời Nguyễn, đặcbiệt cuốn Việt sử thông giám cương mục đã diễn đạt và chỉ định vị trí của những thành cổ ở ViệtNam như thành Cổ Loa, thành Liên Lâu … Nhiều sách địa chí ( như Gia Định thành thông chí, Đại Nam nhất thống chí, Nghệ An chí … ) đã đề cập đến nhiều cổ tích và cổ vật, những hangđộng và đống vỏ sò ở các địa phương. Nhưng, với những tài liệu lúc bấy giờ được biết, ta chưathấy có một tổ chức triển khai khảo cổ nào, một công cuộc tìm hiểu nào dưới thời kỳ phong kiến ViệtNam … Cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX, sau ” thời kỳ bình định “, trong công cuộc khai thácthuộc địa lần thứ nhất về mặt văn hóa truyền thống, năm 1898, Ủy ban Khảo cổ học Đông Dương sinh ra, hainăm sau, Ủy ban đó đổi tên thành Trường Viễn Đông bác cổ. Song về mặt khảo cổ học, mãi tớinăm 1929, một vài học giả của Trường này mới khởi đầu chú ý quan tâm nghiên cứu và điều tra thời đại đồng thau ở

Source: https://vvc.vn
Category : Bảo Tồn

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Alternate Text Gọi ngay