Bảo tồn và phát triển nghệ thuật rối nước trong thời kỳ hội nhập

BẢO TỒN VÀ PHÁT TRIỂN

NGHỆ THUẬT RỐI NƯỚC TRONG THỜI KỲ HỘI NHẬP

Để bảo tồn và phát triển nghệ thuật rối nước trong thời kỳ hội nhập chúng ta phải có giải pháp mang tính khoa học của sự phát triển. Tuy các nhà hát chuyên nghiệp của các thành phố có những điều kiện tốt nhất định, nhưng bên cạnh đó không phải không có những hạn chế và rủi ro trong quá trình phát triển và hoạt động.

Theo tôi, chúng ta phải chú ý đến lực lượng lớn là các phường rối ở địa phương. Truyện cổ tích, dân gian, các điệu hò, điệu hát, cho đến cả Truyện Kiều chẳng phải đã được nhân dân giữ gìn trước khi nhà nước quan tâm và phổ biến rộng rãi. Cho nên các phường rối mạnh lên và hoạt động là điều đáng mừng cho công tác bảo tồn và phát triển.

Nhưng ở đây có 1 vấn đề phải bàn. Đó là trình độ nghệ thuật và hình thức tổ chức của họ. Ta thấy rất rõ là sự hoạt động nghiệp dư của các phường không bao giờ đạt được trình độ nghề nghiệp, chuyên môn cao như mong muốn được. Vậy chỉ còn con đường chuyên nghiệp hoá họ. Chuyên nghiệp theo hình thức “Làng nghề”. Ta thấy những chuyên môn đơn giản ở làng xã cũng phải chuyên nghiệp. Như thợ lò rèn đánh con dao, cái đục, cái cuốc cũng có thợ làm chuyên, không phải ai cũng làm được. Rồi kể đến thợ mộc, thợ chạm, thợ sơn đều đạt đến chuyên nghiệp rồi tập hợp lại thành làng nghề. Huống hồ nghệ thuật Múa rối nước là một lĩnh vực phức tạp, khó, đòi hỏi nhiều kiến thức, nhiều chuyên môn khác nhau. Nhưng thật vô lý nó lại được làm với một quan niệm nghiệp dư, chơi bời, ai cũng làm được, không cần phải rèn, phải học nhiều.

Ở đây còn 1 yếu tố nữa, đó là nên phát triển những phường rối theo tâm lý “ Quý hồ tinh bất quý hồ đa ”. Chỉ cần 2 – 3 phường “ tuyệt ” còn hơn có tới 15 phường đều giống nhau và đều loàng xoàng như nhau. Thử tưởng tượng nếu ta có đến 14 – 15 đoàn “ Quan họ TP Bắc Ninh ” thì sẽ ra làm sao ? Chi bằng có 1 đoàn “ nguyên gốc ” của làng Lim xem ra lại hay. Ở đây nên vận dụng tâm lý của những người nông dân : Khi đàn súc vật hoặc quá nhiều cây giống mà không đủ dinh dưỡng để nuôi, họ sẽ “ tỉa ” bớt những thành viên yếu kém đi .

Còn các nhà hát chuyên nghiệp ở các tỉnh thì sao? Nhà hát Múa rối Việt Nam, trước đây được gọi là Nhà hát Múa rối Trung ương. Được mệnh danh là “con chim đầu đàn”, “chiếc máy cái”. Nhưng chức năng nhiệm vụ của nó cũng chưa được khẳng định và nhiệm vụ cũng chưa rõ ràng, cơ cấu tổ chức này cũng chưa phù hợp. Nhà hát Quốc gia này cũng chẳng khác mấy những nhà hát ở các tỉnh. Nhiệm vụ vẫn chỉ là xây dựng tiết mục và biểu diễn phục vụ. Về cơ cấu, tôi nghĩ nó phải tập trung được những người giỏi ở tất cả các lĩnh vực. Phải có phòng nghiên cứu, thể nghiệm. Có phòng đào tạo nghệ sỹ, phòng bảo tồn và phòng phong trào. Nên chăng thay “Nhà hát” bằng từ ngữ “Trung tâm” như vậy bao hàm được đầy đủ hơn. Còn Nhà hát lúc đó, là một hoạt động của Trung tâm. Có như vậy ta mới hoàn thành được nhiệm vụ, chức năng của mình là dẫn dắt, đầu đàn định hướng cho nghệ thuật Múa rối toàn quốc. Đương nhiên nó phát huy hiệu quả nhiều hơn, so với chỉ đơn thuần là một nhà hát biểu diễn hiện nay.

Mô hình tổ chức trên cũng sẽ lấp được nhiều chỗ trống hiện nay cho sự phát triển Múa rối. Đến bây giờ chúng ta vẫn chưa có một cơ sở, một tổ chức nào nghiêm túc nghiên cứu về bộ môn này. Một loại hình nghệ thuật lâu đời nhất và cũng hiện đại nhất. Nhưng cũng nhiều rắc rối nhất. Câu hỏi “rối chèo, chéo rồi” quan hệ và vị trí giữa trò và chuyện trong vở diễn, cái nào quan trọng hơn? Các con rối của Trung Quốc, người cho là đẹp, người lại cho là xấu vì nó ít yếu tố đặc trưng của con rối. Thế rồi sử dụng bao nhiêu nhân vật người thật cho một vở diễn là vừa, để vở diễn không trở thành kịch nói của người đóng? Vân vân và vân vân…Những câu hỏi chưa có lời giải đáp hôm nay, sẽ được trả lời đúng đắn khi ta có một bộ phận chuyên nghiên cứu về nó.

Sự thiếu hụt và manh mún trong công tác đào tạo cũng sẽ được khắc phục ở Trung tâm này. Chuyên môn và sáng tạo nghệ thuật sẽ phát triển có định hướng và bền vững, tránh được tình trạng tuỳ tiện, tự do của cá nhân nghệ sỹ do còn hạn chế hiểu biết.

Trên 30 năm, kể từ năm 1984 nghệ thuật rối nước đã có một cuộc bùng nổ ngoạn mục trên thế giới và ở Việt Nam. Đã đến lúc chúng ta phải ngồi lại để nhìn nhận sự phát triển này. Rối nước nên phát triển và giữ gìn như thế nào? Rối nước Việt Nam sẽ đi về đâu? Có vấn đề này âu cũng là lẽ tự nhiên. Hy vọng khi đã nhìn nhận vấn đề đúng và tìm ra giải pháp, chúng ta sẽ bắt đầu một thời kỳ mới cho hoạt động của loại hình nghệ thuật này. Góp phần bảo tồn và phát triển một thể loại nghệ thuật độc đáo, đặc sắc và phản ánh cũng như thấm đầy bản sắc của dân tộc Việt Nam.

ThS. Ngô Thanh Thuỷ

Bài tham luận hội thảo chiến lược “ Bảo tồn và phát triển rối nước trong thời kỳ hội nhập ”

Source: https://vvc.vn
Category: Bảo Tồn

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Alternate Text Gọi ngay