Tứ đại mỹ nhân | Thơ ca Duy Nguyễn

Tây Thi: “trầm ngư”
Theo tương truyền, thời Xuân Thu – Chiến Quốc, ở núi Trữ La, Gia Lãm, thuộc nước Việt cổ có một người con gái giặt áo (có tài liệu thì ghi là kiếm củi) họ Thi, ngũ quan đoan chính, phấn diện đào hoa, tướng mạo hơn người. Vì tại Trữ La có hai thôn: thôn Đông và thôn Tây, vậy nên người ta vẫn thường gọi nàng là Tây Thi.
Truyền thuyết kể rằng Tây Thi đẹp đến nỗi ngay cả khi nàng nhăn mặt cũng khiến người ta mê hồn. Có tích còn viết, mỗi khi nàng giặt áo bên bờ sông, bóng nàng soi trên mặt nước sông trong suốt làm nàng thêm xinh đẹp. Cá nhìn thấy ảnh nàng, say mê đến quên cả bơi, dần dần lặn xuống đáy sông. Từ đó, người trong vùng xưng tụng cô là “Trầm Ngư”.

Chiêu quân: “lạc nhạn”
Chiêu Quân tên là Vương Tường nên cũng được gọi là Vương Chiêu Quân. Nàng là con gái của một gia đình thường dân ở Tuy Quỹ, được tuyển vào nội cung đời vua Hán Nguyên Đế (49 TCN-33 TCN). Vì số cung phi trong hậu cung của vua Nguyên Đế quá đông, nên nhà vua ra lệnh cho các họa sĩ phải vẽ hình các cung phi để nhà vua chọn. Các cung phi thường lo lót tiền cho họa sĩ để được vẽ cho đẹp, mong vua để ý tới. Chiêu Quân từ chối đút lót cho họa sĩ là Mao Diên Thọ, hậu quả bức chân dung nàng thật xấu xí, nàng không được Hán Nguyên Đế để mắt tới.
Một hôm hoàng hậu tình cờ biết tới Chiêu Quân qua tiếng đàn lâm ly ai oán của nàng. Bà đưa Chiêu Quân tới gặp Hán Nguyên Đế. Hán Nguyên Đế ngỡ ngàng vì sắc đẹp của nàng, phong Chiêu Quân làm Tây Phi. Mao Diên Thọ bị khiển trách nặng nề.
Thời bấy giờ Hung Nô là nước lân bang thường xuyên mang quân sang quấy nhiễu. Mao Diên Thọ bị Hán Nguyên Đế quở trách, đem lòng oán hận Chiêu Quân, lấy chân dung Chiêu Quân nạp cho vua Hung Nô Thiền Vụ Chỉ. Vua Hung Nô say đắm sắc đẹp của nàng, cất quân sang đánh, buộc Hán Nguyên Đế phải cống nạp Chiêu Quân thì mới bãi binh. Hán Nguyên Đế đành phải đem Chiêu Quân sang cho Hung Nô. Truyền thuyết “Chiêu quân xuất tái” nói rằng, khi Chiêu Quân đi ngang một hoang mạc lớn, lòng nàng chan chứa nỗi buồn vận mệnh cũng như lìa xa cố thổ. Nhân lúc ngồi trên xe ngựa buồn u uất, liền đàn “Xuất tái khúc” bi tráng. Nhạn bay về phương nam nghe thấy tiếng đàn, nhìn thấy thiếu nữ mỹ lệ, nghe nỗi u oán cảm thương trong khúc điệu liền ruột gan đứt đoạn, quên cả vỗ cánh mà sa xuống đất. Từ “lạc nhạn” trong câu “Trầm ngư lạc nhạn” do đó mà có.

Dương Quý Phi: “tu hoa”
Dương Quí Phi tên thật là Dương Ngọc Hoàn, sinh ở tỉnh Tứ Xuyên vào khoảng năm 719. Nàng là con út trong số bốn người con gái của một vị quan tư hộ đất Thục Chân. Gia đình này nguyên gốc ở một quận nhỏ thuộc Trung Đông (tức Thiểm Tây), là Hòa Âm đến đây lập nghiệp. Cha là Dương Huyền Diễn thuộc dòng khá giả vì tổ phụ từng làm thứ sử tại quận Kim.
Ngọc Hoàn có sắc đẹp được ví là “tu hoa” (có tài liệu ghi “hoa nhượng”), nghĩa là khiến hoa phải xấu hổ.
Về sắc đẹp của nàng, còn có một điển tích, khi Dương Ngọc Hoàn được tuyển vào cung. Sau khi vào cung, Ngọc Hoàn tư niệm cố hương. Ngày kia, nàng đến hoa viên thưởng hoa giải buồn, nhìn thấy hoa Mẫu Đơn, Nguyệt Quý nở rộ, nghĩ rằng mình bị nhốt trong cung, uổng phí thanh xuân, lòng không kềm được, buông lời than thở: “Hoa a, hoa a! Ngươi mỗi năm mỗi tuổi đều có lúc nở, còn ta đến khi nào mới có được ngày ấy.” Lời chưa dứt lệ đã tuông rơi, nàng vừa sờ vào hoa, hoa chợt thu mình, lá xanh cuộn lại. Nào ngờ, nàng sờ phải là loại Hàm Xú Thảo (cây mắc cỡ). Lúc này, có một cung nga nhìn thấy, người cung nga đó đi đâu cũng nói cho người khác nghe việc ấy. Từ đó, mọi người ví nhan sắc của Dương Ngọc Hoàn như là “tu hoa”.

Điêu Thuyền: “bế nguyệt”
Điêu Thuyền là con nuôi trong nhà Tư đồ Vương Doãn, được gả cho cả 2 cha con nuôi Đổng Trác và Lã Bố để ly gián, dẫn đến kết cục Lã Bố giết Đổng Trác. Rất tiếc là chưa tìm thấy tài liệu nào ghi rõ về xuất xứ của Điều Thuyền, chỉ biết nàng bị loạn, gia cảnh tan tành, cha mẹ bị giết chết mất cả, nàng phải phiêu bạt lênh đênh, xin vào làm người ở cho quan Tư đồ Vương Doãn. Thấy nàng đẹp, có tài hát hay đàn giỏi nên Vương Doãn nhận làm con nuôi. Sau để báo ơn nuôi dưỡng, Điêu Thuyền đồng ý giúp Vương Doãn ly gián cha con Đổng Trác – Lã Bố.
Về sắc đẹp, tương truyền rằng, khi Điêu Thuyền bái nguyệt ở hậu hoa viên của Tư Đồ Vương Doãn, đại thần của Hán Hiến Đế thời Tam Quốc, đột nhiên có một cơn gió nhẹ thổi đến, một vầng mây trôi che khuất mặt trăng. Đúng lúc đó, Vương Doãn bước ra nhìn thấy. Để khen con gái nuôi mình xinh đẹp như thế nào, Vương Doãn thường nói với mọi người rằng con gái mình đẹp đến nổi trăng sáng nhìn thấy cũng phải trốn vào sau lưng mây. Vì vậy, Điêu Thuyền được mọi người xưng tụng là “Bế Nguyệt”.

Advertisement

Source: https://vvc.vn
Category : Giải trí

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Alternate Text Gọi ngay