Nâng cao ý thức bằng việc triển khai nhiều mô hình bảo vệ môi trường ở Hưng Yên
Hưng Yên là một tỉnh nằm giáp ranh với Hà Nội, vì vậy đây là cơ hội để tỉnh này có nhiều cơ hội phát triển kinh tế hơn một số vùng miền khác. Sự phát triển của các làng nghề tại Hưng Yên vô hình chung đã tạo ra sự ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Thấu hiểu, môi trường sống an toàn là sức khỏe an toàn, người dân nơi đây đã tăng cường ý thức trách nhiệm của từng nhà, từng hộ. Từ đấy, nâng cao ý thức bằng việc triển khai nhiều mô hình bảo vệ môi trường ở Hưng Yên.
Có thể kể đến, Hội Phụ nữ đã tự quản 1.119 đoạn đường hướng đến mục tiêu “Xanh, sạch, đẹp”; 80 câu lạc bộ “Phụ nữ hạn chế sử dụng túi nilon”; 815 chi hội Phụ nữ đăng ký thực hiện mô hình chi hội “Xanh – Sạch – Đẹp”.
Hưng Yên hiện có 169 mô hình “Phế liệu sạch”; thành lập 10 mô hình “Đường, thôn, xóm 3 sạch: sạch nhà, sạch bếp, sạch ngõ”; phong trào Hàng cây cựu chiến binh tự quản; 182 mô hình Hội Nông dân tham gia bảo vệ môi trường; 18 mô hình “Tổ hợp tác thanh niên bảo vệ môi trường” tại các xã, thị trấn của 10 huyện, thị xã, thành phố.
Hội Nông dân còn xây dựng Chi hội 3 không: Không có vỏ bao bì thuốc bảo vệ thực vật đã sử dụng trên đồng ruộng; Không đốt rơm rạ sau thu hoạch, thải phụ phẩm nông nghiệp gây ô nhiễm môi trường; Không đổ chất thải chưa xử lý ra môi trường; 04 mô hình “Làng xã xanh – sạch – đẹp”; tại các xã của huyện Kim Động, huyện Tiên Lữ, huyện Khoái Châu.
Ngoài ra, ngành giáo dục Hưng Yên còn củng cố, kiện toàn Ban phòng, chống biến đổi khí hậu ở các cơ sở giáo dục trong toàn ngành; tăng thời lượng học tập ngoại khóa ở các cơ sở giáo dục về bảo vệ môi trường, phòng chống biến đổi khí hậu đối với học sinh trong toàn tỉnh.
Với việc triển khai đa dạng nhiều mô hình bảo vệ môi trường trong cộng đồng như vậy, hi vọng môi trường tỉnh Hưng Yên sẽ ngày càng được cải thiện theo hướng: Xanh – sạch – đẹp.
Dù đã có những thay đổi toàn diện, song môi trường nông thôn tỉnh Hưng Yên cần những nỗ lực trong quản lý và triển khai các hành động cụ thể.
Theo ông Nguyễn Văn Phú, Giám đốc Sở TN&MT Hưng Yên, hướng đến môi trường nông thôn đáng sống, xanh – sạch – đẹp, thời gian tới, tỉnh xác định xử lý cho được hai vấn đề nước thải sinh hoạt và chất thải rắn.
Bởi thế, tỉnh tiếp tục đẩy nhanh tiến độ rà soát, điều chỉnh; hiệu lực, quản lý quy hoạch quản lý chất thải rắn; tiến tới thành lập các hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp làm dịch vụ môi trường tại tất cả các xã; hướng dẫn người dân có thói quen phân loại rác tại nguồn, đầu tư thêm các lò đốt rác đạt tiêu chuẩn.
Đặc biệt tiếp tục triển khai thực hiện tốt Quy chuẩn kỹ thuật của tỉnh về môi trường với yêu cầu chất lượng nước thải công nghiệp và nước thải sinh hoạt của các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ sau xử lý cao hơn so với cột A của quy chuẩn kỹ thuật quốc gia, nhất là ở các huyện có nhiều cơ sở công nghiệp, cụ thể: Đối với các huyện Văn Lâm, Văn Giang, Yên Mỹ, thị xã Mỹ Hào áp dụng theo cột A nhân với hệ số khu vực 0,85; các huyện: Khoái Châu, Ân Thi, Kim Động áp dụng theo cột A nhân với hệ số khu vực 0,90; các huyện: Tiên Lữ, Phù Cừ và TP. Hưng Yên áp dụng theo cột A nhân với hệ số khu vực 0,95. Đồng thời hoàn thiện trình UBND tỉnh phê duyệt và tổ chức triển khai thực hiện Đề án Nâng cao năng lực thu gom, xử lý nước thải nông thôn tỉnh giai đoạn 2020 – 2025, định hướng 2030.
Hiện nay, tỉnh còn 2 làng nghề tái chế chì xã Chỉ Đạo và làng nghề tái chế nhựa Minh Khai, huyện Văn Lâm chưa được xử lý triệt để. Đây cũng là hai điểm nóng môi trường nông thôn mà tỉnh Hưng Yên quyết tâm xử lý trong thời gian tới.
Ngoài ra, Sở TNMT sẽ tổ chức rà soát, phân loại các cơ sở trong làng nghề theo loại hình sản xuất và tiềm năng gây ô nhiễm môi trường. Đánh giá mức độ ô nhiễm môi trường làng nghề, xây dựng kế hoạch xử lý các làng nghề ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.
Nhìn lại những thay đổi về môi trường nông thôn Hưng Yên, ngoài những nỗ lực trong quản lý, sự thay đổi nhận thức, đồng hành của người dân còn phải kể đến việc đẩy mạnh triển khai các đề tài ứng dụng khoa học công nghệ.
Có thể kể đến hàng loạt đề tài đã được ứng dụng đem lại hiệu quả trong sản xuất, hạn chế chất thải, xử lý rác thải nông thôn hiệu quả như: Đề tài “Xây dựng mô hình đầu tư ứng dụng dây chuyền sản xuất gạch bê tông bọt, khí không trưng áp, công suất 12.000 m3/năm”, góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường;.
Đề tài “Nghiên cứu ứng dụng công nghệ sản xuất thanh nén nhiên liệu từ nguồn phụ phẩm (trấu, mùn cưa) nhằm thay thế nhiên liệu trong sản xuất và sinh hoạt tại tỉnh”; Đề tài “Nghiên cứu sử dụng hiệu quả nguồn năng lượng khu vực nông thôn tỉnh Hưng Yên”.
Những góp sức này, góp phần nang cao đời sống môi trường cho chính người dân ở tỉnh này.
Nguồn: VVC.VN