Lớp thanh niên trẻ người Tày khởi nghiệp từ cây Sachi

Lớp thanh niên trẻ người Tày khởi nghiệp từ cây Sachi

Sachi là một loại cây chứa nhiều chất dinh dưỡng nhưng lại được trồng rất ít ở Việt Nam. Sinh ra và lớn lên ở mảnh đất màu mỡ của tỉnh Hòa Bình thạc sĩ trẻ Trịnh Thị Thanh Hoà đã ấp ủ dự định khởi nghiệp từ giống cây này. Qúa trình học tập chăm sóc nuôi dưỡng để được trái ngọt không phải là chuyện dễ dàng. Cùng Trịnh Thị Thanh Hoà và lớp thanh niên trẻ người Tày ở vùng đất Hòa Bình khởi nghiệp với giống cây này.

Sachi có tên khoa học là Plukenetia volubilis L, là loại thực vật thuộc họ Euphorbiaceae (thầu dầu), có nguồn gốc từ vùng rừng rậm Amazon. Hạt của sachi chứa tỷ lệ chất dinh dưỡng và các acid béo không bão hoà rất cao.

Là thạc sĩ ngành nông nghiệp, nhiều năm làm việc tại trạm khuyến nông, khuyến lâm huyện Đà Bắc (tỉnh Hoà Bình), Trịnh Thị Thanh Hoà sớm nắm bắt các thông tin về loại cây sachi và quyết định khởi nghiệp từ giống cây này ở tỉnh miền núi Hòa Bình.

Bên cạnh đó, Hòa nhìn thấy thị trường tiêu dùng tiềm năng ở các thành phố lớn của Việt Nam. Vì vậy, cô lặn lội vào Tây nguyên để học cách chăm sóc, phòng trừ bệnh cho cây. Sau đó, cô gái người dân tộc Tày tìm giống trồng thử và nhân rộng diện tích 15ha trên những đồi trọc ở tỉnh Hoà Bình.

Năm 2017, Hoà bắt đầu thu hoạch được những hạt sachi đầu tiên. Trịnh Thị Thanh Hòa cho biết: “Tôi thấy cây này dinh dưỡng rất cao, được sử dụng trong rất nhiều ngành như công nghiệp, thực phẩm, dược phẩm, mỹ phẩm. Khi tôi mang về trồng thì thử nghiệm đầu tiên là 15ha ở Đà Bắc năm 2017. Ban đầu trồng thì khó khăn vì là cây trồng mới. Bà con chưa biết chất lượng như thế nào. Vay vốn thì phải có thế chấp. Đối với 1 thanh niên khởi nghiệp, thế chấp ngân hàng rất khó nên tôi thành lập Hợp tác xã để huy động vốn và tận dụng chương trình hỗ trợ của nhà nước đối với vùng dân tộc thiểu số, miền núi. Khi chúng tôi trồng thử nghiệm thành công 15ha đó, có đầu ra ổn định.”

Đây chính là tiền đề để cô gái người Tày tự tin chia sẻ về giống, kỹ thuật canh tác cùng người dân bản làng, với mục tiêu từng bước giúp xoá đói giảm nghèo, tăng thu nhập cho người dân, đặc biệt là phụ nữ đồng bào dân tộc Tày và nhiều dân tộc thiểu số ở địa phương.

Từ 15ha ban đầu, giờ đây, vùng nguyên liệu cây sachi của Trịnh Thị Thanh Hòa đã lên đến gần 200 ha, trong đó có 120 ha đã cho thu hái. Để có diện tích như vậy, Hòa đã đứng ra vận động, liên kết với các hộ dân trong huyện cung cấp giống và đảm bảo đầu ra. Hiện nay cùng nguyên liệu cây sachi của Hòa đã ổn định. “Bình quân 1 ha là 3 hộ dân tham gia, tạo việc làm cho 250 – 280 hộ. Cây này là cây trồng ngắn ngày. Từ lúc trồng đến lúc thu hoạch lứa đầu tiên là 8 tháng, bà con quay vòng vốn rất nhanh. Hiện tại chúng tôi vẫn đang thu mua sản phẩm của bà con và chưa khấu trừ nguồn vốn nào để bà con có nguồn tiếp tục đầu tư thêm.”

Hoà chia sẻ rằng, ở Việt Nam, diện tích trồng sachi còn khá khiêm tốn với khoảng 500ha, phân bố rải rác ở một số địa phương như Ninh Bình, Hoà Bình, Gia Lai…Vì vậy, từ 15ha ban đầu, Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp Hoà Bình của Hoà quyết định mở rộng diện tích, hiện đã trồng gần 200ha sachi trên những quả đồi trọc, và liên kết với nhiều địa phương trong tỉnh Hoà Bình, huyện Thanh Sơn ở Phú Thọ, huyện Chư Prông ở Gia Lai, để phát triển thêm vùng nguyên liệu trong thời gian tới. 

“Chúng tôi đang thu hoạch 120 ha sachi. Giai đoạn tiếp theo từ 2020 trở đi, chúng tôi định hướng sản xuất các sản phẩm chủ lực như dầu omega 3, hạt rang sấy, một số sản phẩm khác như bột protein, hoặc có thể làm thêm các sản phẩm khác như rau sachi an toàn. Khi gia tăng giá trị sản phẩm này lên thì sẽ có lợi hơn rất nhiều.”

Thanh Hòa cho biết với hình thức sản xuất theo chuỗi liên kết, tức là liên kết giữa doanh nghiệp với Hội nông dân, mà cô sẽ triển khai trong thời gian tới, sẽ  tận dụng đất đồi hoang hóa chuyển đổi sang trồng cây sachi có giá trị kinh tế cao, góp phần giải quyết việc làm cho 400 – 500 lao động nông nhàn ở địa phương, đồng thời hướng tới xuất khẩu. Với ý tưởng chuỗi liên kết trong việc trồng cây sachi, Trịnh Thị Thanh Hòa đã xuất sắc lọt vào vòng chung kết cuộc thi Dự án khởi nghiệp sáng tạo thanh niên nông thôn năm 2019.

Những thành quả ngày hôm nay nhận được chính là  trái ngọt được kết tinh cả một quá trình phấn đầu và nỗ lực không ngững nghỉ. Từ nay, mảnh đất Đà Bắc Hòa Bình đã có thêm một loại cây mang lịa nguồn thu nhập lớn cho người dân địa phương. Với sức trẻ, lòng nhiệt huyết với nghề, chị Thanh Hòa đã cũng lớp thanh niên trẻ nơi đây viết nên một kỳ tích. Đem sản phẩm của địa phương vươn tầm ra khu vực, trở thành tấm gương sáng cho giới trẻ. Đây là động lực để cô gái trẻ người dân tộc Tày tiếp tục thực hiện giấc mơ làm giàu trên quê hương Đà Bắc (Hòa Bình).

Nguồn: VVC.VN

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Alternate Text Gọi ngay