Nhạc sĩ Hoài Linh nổi tiếng về những nhạc phẩm có ca từ đẹp như thơ, là nhạc sĩ có tài đặt tựa đề bài hát mượt chất văn chương như : Biệt Kinh Kỳ, Chiều Thương Đô Thị, Chuyến Tàu Hoàng Hôn, Hai Kỷ Niệm Một Chuyến Đi … Trong đó tuyệt phẩm Về Đâu Mái Tóc Người Thương là tiêu biểu vượt trội cho những tác phẩm âm nhạc đan quyện với ngôn từ thi ca của ông. Với những bài hát phối ngãu thi ca như vậy, nhạc sĩ Hoài Linh đã đi vào lòng công chúng bằng những ca từ làm rung cảm người nghe như đang bay bổng giữa đôi làn thơ và nhạc :
Click để nghe Hoàng Oanh và Phương Dung song ca Về Đâu Mái Tóc Người Thương
Hồn lỡ sa vào đôi mắt em
Chiều nao xõa tóc ngồi bên rèm
Thầm ước nhưng nào đâu dám nói
Khép tâm tư lại thôi
Đường hoa vẫn chưa mở lối.
Có nhiều thi nhân ca tụng đôi mắt của tình nhân : “ Mắt em là một giòng sông – Thuyền anh lượn lờ bơi lội trong giòng mắt em ”. Có một văn hào đã thốt lên : “ Chí lớn chứa không đầy đôi mắt của giai nhân ”. Trong kho tàng văn học đã có biết bao áng thơ hay tả về đôi mắt đẹp của phụ nữ. Nhạc sĩ Hoài Linh không nằm ở ngoài vòng đa cảm đa tình của giới nghệ sĩ, tất yếu không thoát khỏi vòng quyền lực tối cao của đôi mắt tình nhân để nghe “ hồn lỡ sa vào đôi mắt em ” trong buổi chiều nao nhìn người đẹp ngồi xõa tóc bên rèm, hình ảnh người mình yêu ngồi xõa tóc mây đã gieo vào xúc cảm của thi nhân những vần thơ giao hòa điệu nhạc. Hình ảnh đẹp như trong mộng tưởng, khiến ước ao chung đôi trở thành điều thầm ước chứ không dám nói nên lời, khi “ đường hoa vẫn chưa mở lối ”, tâm tư nguyện vọng đành khép lại nỗi niềm riêng chỉ riêng mình biết “ hồn lỡ sa vào ” mê trận của tình yêu bằng đôi mắt mê hồn …
Click để nghe Thanh Thúy hát Về Đâu Mái Tóc Người Thương trước 1975
Đời lắm phong trần tay trắng tay
Trời đông ngại gió lùa vai gầy
Lầu kín trăng về không lối chiếu
Gác cao ngăn niềm yêu
Thì thôi mơ ước chi nhiều
Khi yêu chân thành, chàng trai thường mơ ước ngày mai nếu thành duyên trăm năm mình sẽ đem đến niềm hạnh phúc cho tình nhân. Nhưng “ đời lắm phong trần tay trắng tay ” thì làm thế nào mơ đến chuyện vợ chồng, chút gió lạnh mùa đông cũng ngại làm run vai gầy thì làm thế nào tay trắng tay hoàn toàn có thể tạo nên đời sống ấm êm cho người mình yêu liễu yếu đào tơ vốn là tiểu thư con nhà khuê các .
“ Gác cao – ngăn niềm yêu ” không chỉ là căn gác mà còn ý tứ về nơi “ gác tía lầu son ” của nhà em cao sang quyền quí. Và trong câu “ lầu kín trăng về không lối chiếu ” thì “ trăng về ” không chỉ là ánh trăng thông thường mà còn hàm nghĩa tình yêu của gã Hàn sĩ không có lối nào chiếu lên tận lầu cao kín cổng cao tường, nên tham vọng chi nhiều khi anh và em cách ngăn nhau bởi hàng rào phong kiến tự bao đời …
Click để nghe Phương Dung hát Về Đâu Mái Tóc Người Thương trước 1975
Bên nhau sao tình xa vạn lý cách biệt mấy sơn khê
Ngày đi mắt em xanh biển sâu, mắt tôi rưng rưng sầu
Lặng nghe tiếng pháo tiễn ai qua cầu…
Hàng rào phân biệt hai những tầng lớp xã hội là bức tường vững chắc làm cho đôi ta “ tình xa vạn lý ” cách trở nghìn trùng bao núi sông, dù là tất cả chúng ta vẫn “ bên nhau ”, gần nhau với tình đơn phương anh hằng nhìn em qua “ đường hoa chưa mở lối ”. Tình đơn phương thầm lặng cho đến ngày nghe tiếng pháo tiễn em vu qui qua cầu về nhà người khác, mắt em xanh màu biển sâu còn mắt tôi rưng rưng nỗi “ tình vô vọng nỗi thảm sầu, mà người gieo thảm như hầu không hay ” …
Click để nghe Hoàng Oanh hát Về Đâu Mái Tóc Người Thương trước 1975
Đường phố muôn màu sao thiếu em
Về đâu làn tóc xõa bên rèm
Lầu vắng không người song khép kín
Nhớ em tôi gọi tên, chỉ nghe lá rơi bên thềm.
Khi người lên xe hoa về làm dâu xứ người, trên thế giới muôn người anh chỉ nhớ riêng em, trên đường phố muôn màu chỉ thiếu bóng sắc em ngày nao hằng điểm trang cuộc đời thêm ý vị. Về đâu em mái tóc ngày xưa xõa bên rèm, xõa xuống hồn anh những giấc mơ lộng lẫy thoát xa vòng tục lụy thường tình. Song cửa lầu cao ngày ấy nay đã khép kín, như khép lại cánh cửa thiên đường mơ ước, có tiếng hát của chàng Trương Chi thường vọng lên cho Mỵ nương nghe những trường khúc tương tư. Nỗi nhớ gọi thành tên em, tiếng vọng lại nếu có chăng từ thiên thu trở về cũng chỉ là tiếng lá rơi bên thềm…
Tuyệt phẩm Về Đâu Mái Tóc Người Thương, sau này được biết là nhạc sĩ Hoài Linh đã soạn khi có cảm hứng trước hình ảnh vợ của ông mỗi khi gội đầu xong lại ngồi trước thềm hong tóc cho khô. Nếu thật sự là như vậy thì nhạc sĩ Hoài Linh ngoài tài hoa ra, ông còn tài tình tưởng tượng hơn, ý tình bay cao thoát xa hơn, khi lấy hình ảnh thực mái tóc của vợ mình thăng hoa thành giấc mơ đẹp về mái – tóc – vĩnh – cữu – thương – yêu cho mái tóc tình nhân, để có một ca khúc Về đâu mái tóc người thương làm rung động biết bao người trái tim người nghe nhạc .
Bài: Trương Đình Tuấn
Nguồn: nhacvangbolero.com