Giấy phép môi trường – Công cụ mới nhưng giá trị cao

Giấy phép môi trường – Công cụ mới nhưng giá trị cao

Môi trường đang bị đe dọa bởi nhiều yếu tố ảnh hưởng như: các công trình xây dựng, các cơ sở kinh doanh sản xuất… Việc đưa giấy phép môi trường vào quản lý, giám sát, thanh tra sẽ mang lại nhiều giá trị tốt đẹp cho môi trường sống, Không chỉ vậy, đây còn được xem là một công cụ có tính thông nhất cao. Thế mới nói Giấy phép môi trường – Công cụ mới, giá trị cao.

Thay thế các giấy phép “con”

Theo quy định tại dự thảo Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi), TTHC cấp giấy phép môi trường (GPMT) sẽ thay thế nhiều TTHC đối với dự án mà tổ chức, cá nhân đang phải thực hiện nay như: Giấy xác nhận hoàn thành công trình bảo vệ môi trường, Giấy phép xả thải vào nguồn nước; Giấy phép xả khí thải; Giấy chứng nhận đủ điều kiện về bảo vệ môi trường trong nhập khẩu phế liệu; Giấy phép xử lý chất thải nguy hại; Sổ đăng ký chủ nguồn thải chất thải nguy hại; phương án bảo vệ môi trường; kế hoạch quản lý môi trường…

Trong dự án Luật, TTHC cấp GPMT được quy định thực hiện trước khi dự án đi vào vận hành thử nghiệm các công trình xử lý chất thải (đối với trường hợp dự án thuộc đối tượng vừa phải thực hiện ĐTM, vừa phải có GPMT) hoặc trước khi thẩm định cấp giấy phép xây dựng đối với trường hợp dự án không phải thực hiện ĐTM. Quy định này bảo đảm các yêu cầu môi trường được xác định rõ ràng trước khi tổ chức, cá nhân tiến hành hoạt động phát thải của dự án, đồng thời, cũng tương thích với quy định của pháp luật về xây dựng nhằm tránh việc các tổ chức, cá nhân phải tiến hành TTHC điều chỉnh giấy phép xây dựng nhiều lần khi phải cải tạo, nâng cấp các công trình để đáp ứng yêu cầu phát thải, bảo vệ môi trường của cơ quan quản lý về môi trường nếu cấp GPMT sau.

Mọi dự án, cơ sở phát sinh chất thải đều phải có GPMT

Theo quy định của dự án Luật, mọi dự án, cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ có phát sinh chất thải đều phải có GPMT, trừ một số trường hợp như cơ quan, trường học; dự án, phương án sản xuất, kinh doanh, dịch vụ quy mô nhỏ, ít ảnh hưởng đến môi trường trong giai đoạn thực hiện dự án và không phát sinh chất thải hoặc chỉ phát sinh chất thải thông thường với khối lượng nhỏ được xử lý bằng các công trình, thiết bị xử lý tại chỗ đạt quy chuẩn kỹ thuật môi trường hoặc phát sinh chất thải sinh hoạt được quản lý theo quy định của địa phương…

Tuy vậy, để tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân khi thực hiện TTHC cấp GPMT, dự án Luật đã thiết kế 2 loại GPMT, gồm: GPMT chi tiết và GPMT đơn giản, phụ thuộc vào quy mô phát thải, loại hình sản xuất, mức độ gây ô nhiễm của dự án, cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ. Tương ứng với đó, thủ tục cấp GPMT cũng quy định theo 2 mức với thành phần hồ sơ, trình tự, thủ tục, cách thức thực hiện, yêu cầu điều kiện… khác nhau. Trong dự án Luật, các nội dung này hiện quy định mang tính nguyên tắc, sẽ được cụ thể hóa trong Nghị định hướng dẫn của Chính phủ.

 Ngoài ra, dự án Luật đã quy định rõ các nội dung về thẩm quyền cấp phép, nội dung của giấy phép, nguyên tắc, căn cứ cấp phép, quyền và nghĩa vụ của chủ giấy phép, tương quan giữa giấy phép môi trường và các công cụ quản lý môi trường khác có liên quan, các thủ tục hành chính được giảm thiểu với chính sách GPMT, điều khoản chuyển tiếp để bảo đảm sự phù hợp, hạn chế tối thiểu xáo trộn tiêu cực khi ban hành chính sách, những vấn đề liên quan đến điều chỉnh, gia hạn, thu hồi, cấp lại giấy phép, thành phần hồ sơ, trình tự, thủ tục cấp phép, các luật có liên quan, cần sửa đổi, bổ sung khi ban hành giấy phép môi trường, vấn đề tổ chức thực hiện, năng lực thực thi.

TS. Mai Thế Toản, Vụ Chính sách, Pháp chế và Thanh tra, Tổng cục Môi trường nhấn mạnh: Với định hướng này, GPMT bảo đảm được 3 vai trò chính là công cụ bảo đảm điều kiện cần và đủ, cho phép các cơ sở trước khi đi vào vận hành hoạt động phải thực hiện đúng các yêu cầu, điều kiện để phòng ngừa, giảm thiểu, loại bỏ ô nhiễm, bao gồm: các biện pháp, công trình thu gom, lưu chứa, xử lý chất thải; ngưỡng giới hạn đối với các chất thải phát sinh; yêu cầu về quan trắc, giám sát môi trường. GPMT cũng là công cụ cho phép cơ quan quản lý Nhà nước kiểm soát, điều chỉnh tải lượng chất thải phát sinh từ cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ nhằm kiểm soát chất ô nhiễm, duy trì, bảo vệ mục tiêu chất lượng môi trường. Và đây cũng là căn cứ để cơ quan quản lý về bảo vệ môi trường giám sát, kiểm tra, thanh tra tổ chức, cá nhân trong quá trình vận hành hoạt động của dự án.

“Với 3 vai trò này, GPMT được xác định là văn bản do cơ quan quản lý Nhà nước có thẩm quyền ban hành cho phép chủ dự án, cơ sở sản xuất, kinh doanh vận hành toàn bộ hoặc một phần công trình dự án, cơ sở sản xuất, kinh doanh với các yêu cầu, điều kiện bảo vệ môi trường cụ thể”, TS. Mai Thế Toản cho biết.

Nguồn: VVC.VN

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Alternate Text Gọi ngay