Cùng Hậu Giang dồn sức và lực phòng tránh thiên tai mùa mưa bão 2020
Năm 2020 hứa hẹn có nhiều sự thay đổi bất thường về khí hậu gây nhiều khó khăn trở ngại cho đời sống và sự phát triển kinh tế xã hội. Nhìn qua 6 tháng đầu năm, chúng ta thấy sự biến đổi khí hậu thật khủng khiếp phải không nào. Một trong số những tỉnh thành cũng chịu nhiều ảnh hưởng từ sự biến đổi này đấy chính là mảnh đất Hậu Giang. Hãy đón đọc, cùng Hậu Giang dồn sức và lực phòng tránh thiên tai mùa mưa bão 2020.
Thiên tai bất thường, không theo quy luật
Theo dự báo của Đài Khí tượng Thủy văn tỉnh Hậu Giang, Đài Khí tượng Thủy văn khu vực Nam bộ, năm 2020 số lượng bão và áp thấp nhiệt đới hoạt động trên Biển Đông có khả năng ở mức xấp xỉ trung bình nhiều năm (khoảng 11-13 cơn), trong đó khoảng 5-6 cơn ảnh hưởng đến nước ta. Cần đề phòng những cơn bão, áp thấp nhiệt đới hoạt động vào các tháng cuối mùa mưa vào tháng 10, 11, 12 ảnh hưởng đến khu vực Nam bộ.
Đặc biệt, chú ý tính bất quy luật của bão sẽ tăng cao vào những tháng giữa và cuối năm, có khoảng 2-3 cơn bão ảnh hưởng đến các tỉnh Nam bộ. Thời kỳ bắt đầu mùa mưa vào giữa tháng 6/2020. Thời kỳ kết thúc mùa mưa năm 2020 vào khoảng nửa đầu tháng 11/2020, tổng lượng mưa dao động từ 1.250mm đến 1.450mm.
“Khi xuất hiện mưa thường kèm theo giông lốc với cường độ lớn cục bộ, xảy ra ở nhiều nơi và các hiện tượng thời tiết nguy hiểm. Cần đề phòng giông lốc, sét đánh vào thời kỳ chuyển mùa, các tháng đầu mùa mưa”, Đài KTTV tỉnh Hậu Giang cảnh báo.
Cũng theo Đài KTTV tỉnh Hậu Giang, mực nước trên hệ thống kênh, rạch trong tỉnh cũng biến đổi theo triều và từ giữa tháng 8/2020 đến đầu tháng 11/2020, ảnh hưởng triều cường Biển Đông và lũ trên sông Hậu. Đỉnh lũ cao nhất năm xuất hiện vào đầu đến giữa tháng 10/2020, tại trạm Vị Thanh có khả năng từ 0,76-0,80m ở mức xấp xỉ năm 2019, tại thành phố Ngã Bảy 1,55-1,65m, có khả năng xấp xỉ và cao hơn năm 2019.
Do vậy, ngành chức năng đề nghị người dân cần đề phòng các đợt triều cường cuối năm trùng với thời gian gió mùa Đông Bắc hoạt động mạnh, mực nước triều có thể dâng cao bất thường và diễn biến phức tạp.
Tích cực phòng, tránh
Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai & Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Hậu Giang cho biết, từ đầu năm đến nay, thiên tai đã gây ra trên địa bàn tỉnh thiệt hại hơn 1,456 tỉ đồng. Trong đó, sạt lở tính đến thời điểm này xảy ra 19 điểm, tổng chiều dài 467m, diện tích mất đất 2.128m2; ước tổng thiệt hại 1,433 tỉ đồng. Chiều dài sạt lở so với cùng kỳ năm 2019 tăng 114m, diện tích mất đất giảm 68,5m2, thiệt hại tăng 501,1 triệu đồng. Giông lốc làm sập 2 căn nhà dân ở huyện Vị Thủy và huyện Châu Thành A; ước thiệt hại 23,3 triệu đồng.
Nhận định thiên tai năm 2020 sẽ tiếp tục có những diễn biến phức tạp, khó lường, Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Hậu Giang, các sở, ban, ngành và UBND cấp huyện tiến hành tổng kết, đánh giá, rút kinh nghiệm về công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn năm 2019. Trên cơ sở đó đảm bảo sát với thực tế và diễn biến của từng loại thiên tai.
Đồng thời, xây dựng kế hoạch ngắn hạn, trung hạn và dài hạn tại địa phương, đơn vị mình về công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn. Củng cố, kiện toàn tổ chức, bộ máy Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các cấp; trong đó cơ cấu những thành viên có điều kiện tham gia tốt nhất và phân công nhiệm vụ cụ thể cho các thành viên để tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương, thủ trưởng đơn vị trong công tác chỉ đạo, điều hành thực hiện nhiệm vụ phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn ở mỗi cấp, mỗi ngành…đảm bảo kịp thời chỉ đạo triển khai các biện pháp phòng, tránh, ứng phó hiệu quả trước, trong và sau khi thiên tai xảy ra, nhất là sạt lở, giông lốc, bão, áp thấp nhiệt đới xảy ra trên địa bàn.
Thường trực Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh đã thường xuyên chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc và hướng dẫn các sở, ban, ngành và UBND cấp huyện thực hiện tốt kế hoạch, phương án chủ động phòng, chống, ứng phó và khắc phục hậu quả thiên tai. Điều chỉnh, bổ sung hoàn chỉnh các phương án phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn sát hợp với tình hình thực tế của tỉnh. Hướng dẫn cấp sở, ngành, huyện triển khai, chỉ đạo, điều hành và thực hiện nhiệm vụ phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn; khắc phục hậu quả sự cố thiên tai, tai nạn, thảm họa tại các địa phương.
Bên cạnh đó, kiểm tra, đôn đốc, xem xét đề xuất đầu tư, sửa chữa công trình, diễn tập, huấn luyện và cấp phương tiện, trang thiết bị phục vụ công tác phòng chống, ứng phó, khắc phục thiên tai của các địa phương, đơn vị. Tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền, phổ biến kiến thức, kinh nghiệm thực tiễn, kỹ năng phòng, chống thiên tai, biến đổi khí hậu dưới nhiều hình thức cho cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang, học sinh, sinh viên và người dân trong tỉnh, nhằm nâng cao ý thức trách nhiệm hơn nữa trong việc chủ động tự phòng, tránh thiên tai được an toàn, hiệu quả.
Ngoài ra, đảm bảo tốt việc chằng chống nhà cửa, hầm trú ẩn tại chỗ và có phương án sơ tán dân tránh bão một cách an toàn trước khi bão đổ bộ vào. Kiểm tra và kiện toàn trang thiết bị phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, trang thiết bị thông tin liên lạc từ tỉnh xuống cơ sở và dự trù kinh phí phục vụ cho công tác chỉ đạo, kiểm tra khắc phục hậu quả thiên tai trong suốt mùa mưa, lũ, bão năm 2020.
Trong mùa mưa thiên tai thường xuất hiện bất thường, vì vậy khi có thiên tai xuất hiện như giông lốc, sét đánh thì người dân tìm nơi trú ẩn an toàn tránh xa vật mang kim loại, không trú ẩn ở những nơi có tàn cây lớn. “Các hộ dân chằng chống nhà cửa, cắt tỉa các cành cây xung quanh nhà để đảm bảo an toàn, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại”, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai & Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Hậu Giang khuyến cáo.
Nguồn: VVC.VN