Chủ tịch APICTA Stan Singh: “Tôi thực sự ấn tượng với việc ứng dụng công nghệ thông tin trong xây dựng chính quyền điện tử và thành phố thông minh của tỉnh Quảng Ninh”

 

Giải thưởng Công nghệ thông tin Châu Á – Thái Bình Dương APICTA 2019 – giải thưởng công nghệ thông tin uy tín nhất, được tổ chức thường niên dành cho các sản phẩm, dịch vụ phần mềm, công nghệ thông tin đến từ 16 nền kinh tế thành viên – cũng là những nền kinh tế lớn trong khu vực. Năm 2019, Hội đồng giải thưởng quyết định lựa chọn Việt Nam là nơi tổ chức trao giải và trong các ngày từ 19 đến 22/11, các sự kiện quan trọng của APICTA 2019 đã diễn ra tại TP Hạ Long. Nhân sự kiện, phóng viên Trung tâm Truyền thông tỉnh Quảng Ninh đã có cuộc trao đổi với ông Stan Singh, Chủ tịch Liên minh các tổ chức CNTT khu vực Châu Á-Thái Bình Dương (APICTA) về áp dụng công nghệ thông tin truyền thông trong việc xây dựng chính quyền điện tử và thành phố thông minh tại tỉnh Quảng Ninh.

 

 

PV: Xin chào ông Stan Singh, Chủ tịch APICTA! Chào mừng ông đến với TP Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh. Rất cảm ơn ông đã nhận lời phỏng vấn của Trung tâm truyền thông tỉnh Quảng Ninh. Xin ông cho biết ấn tượng của mình khi đến thành phố Hạ Long của chúng tôi?

Ông Stan Singh: Trước tiên, tôi rất cảm ơn vì lời mời tham gia cuộc phỏng vấn này. Tôi là Stan Singh, Chủ tịch APICTA. Đây là lần thứ 3 tôi đến với thành phố Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh. Lần đầu tôi đến với Hạ Long, Quảng Ninh là vào kỳ nghỉ. Tôi đã nghe rất nhiều lời ngợi ca về vịnh Hạ Long. Và đó cũng là lí do khiến tôi có chuyến đi đầu tiên đến đất nước Việt Nam. Vịnh Hạ Long quả thực rất đẹp và tôi đã có khoảng thời gian thật tuyệt vời khi ở thành phố của các bạn. Lần thứ 2 và thứ 3 tôi đến Hạ Long, Quảng Ninh là vì lí do công việc liên quan đến sự kiện APICTA. Ấn tượng của tôi về thành phố của các bạn chính là sự thay đổi vượt bậc. Như trong buổi tiếp xã giao, tôi đã được nghe ngài Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đặng Huy Hậu giới thiệu về tiềm năng, thế mạnh của tỉnh Quảng Ninh. Tôi thực sự rất bất ngờ. Nhưng điều khiến tôi ngạc nhiên hơn cả chính là sự thay đổi ngoạn mục của vùng đất này, đặc biệt thành phố Hạ Long. Tôi chắc chắn rằng thành phố Hạ Long nói riêng và tỉnh Quảng Ninh nói chung đã thực hiện rất hiệu quả việc ứng dụng công nghệ thông tin và truyền thông. Điều này sẽ góp phân tạo tiền đề cho sự phát triển của đất nước các bạn.

 

PV: Vâng, rất cảm ơn ông vì lời khen ngợi dành cho thành phố của chúng tôi. Thưa ông Stan Singh, với tư cách là một chuyên gia công nghệ, ông có thể chia sẻ về vai trò của công nghệ đối với việc xây dựng chính quyền điện tử và thành phố thông minh?

Ông Stan Singh: Một câu hỏi rất thú vị và cũng rất quan trọng. Sự phát triển của việc ứng dụng công nghệ thông tin và truyền thông ở tất cả các nước đều bắt đầu từ chính phủ. Chính phủ bắt đầu điều chỉnh, phát triển và tạo sự thay đổi trong nhận thức của người dân. Tỉnh Quảng Ninh cũng không ngoại lệ. Đó là lúc mà việc ứng dụng công nghệ thông tin và truyền thông được thực hiện. Tôi có thể lấy ví dụ thế này, ngày nay, chúng ta có rất nhiều sáng kiến xanh, giải pháp quản lý hay kiểm soát rác điện tử. Chúng ta triển khai việc ứng dụng công nghệ thông tin và truyền thông bởi vì giá thành của giấy rất cao, giá nguyên liệu cũng rất cao, vì vậy một trong những cách hữu hiệu nhất mà chúng tôi muốn giới thiệu là chính phủ điện tử và dịch vụ công trực tuyến. Hầu hết các chính phủ ở khu vực ASEAN đều áp dụng mô hình này. Nhưng tôi nghĩ Việt Nam đang tiến những bước xa hơn so với các nước trong khu vực. Như tôi đã nói là tôi rất ấn tượng với những thành tựu về công nghệ thông tin mà Việt Nam đạt được, đặt biệt là tỉnh Quảng Ninh. Như những gì mà ông Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đặng Huy Hậu đã chia sẻ, tôi tin tưởng rằng tỉnh của các bạn sẽ thành công khi ứng dụng công nghệ thông tin và truyền thông trong xây dựng chính quyền điện tử và phát triển kinh tế thương mại, hướng đến thành phố thông minh. Khi đó, người dân sẽ được hưởng lợi nhiều nhất.

 
 

PV: Chuyển đổi số là khái niệm ra đời trong thời đại Internet bùng nổ, mô tả việc ứng dụng công nghệ vào tất cả các ngành. Nếu đạt hiệu quả, hoạt động này sẽ thay đổi toàn bộ cách thức hoạt động, tăng hiệu quả hợp tác, tối ưu hóa hiệu suất và mang lại nhiều giá trị quan trọng. Tuy vậy, những hiểu lầm trong chuyển đổi số có thể làm sụp đổ hoàn toàn những cố gắng để thay đổi này.“Chuyển đổi số là điều kiện cần thiết cho sự sống còn: Đột phá hay trì hoãn? Ông nghĩ sao về câu hỏi này?

Ông Stan Singh: Một câu hỏi cũng rất thú vị, điều này hoàn toàn đúng. Ngày nay thế giới thay đổi rất nhanh và nền kinh tế cũng vậy. Nằm trong quy luật này, công nghệ cũng không ngừng thay đổi. Hôm nay chúng tôi có thảo luận về 4 lĩnh vực công nghệ gồm Big Data (Dữ liệu lớn), công nghệ Block chain, trí tuệ nhân tạo và IOT (Internet kết nối vạn vật). Ví dụ về thành phố thông minh như bạn đã đề cập đến lúc đầu. Trong công nghiệp người ta sẽ sử dụng IOT như là cách để thúc đẩy sự phát triển. Tôi có thể đưa ra ví dụ cụ thể thế này. Tôi gặp một người bạn và hỏi anh ấy về hệ thống công nghệ thông tin mà anh ấy sử dụng trong công việc thường ngày. Sau đó, tôi đã có nhận xét là hệ thống công nghệ thông tin cũ này đang cản trở công việc của anh ấy và anh ấy cần phải thay đổi nếu muốn công ty phát triển. Anh ấy đã nói với tôi rằng anh ấy rất xin lỗi nhưng anh ấy đã ở công ty này 20 năm rồi và không muốn có sự thay đổi nào ở đây bởi anh ấy nắm rõ công việc của mình như lòng bàn tay. Sau đó tôi đã nói với anh ấy rằng, anh hãy nhớ là anh phải bước đi 10 bước để làm một công việc nhưng người hàng xóm của anh áp dụng công nghệ thông tin chỉ mất 3 bước, thậm chí 2 bước để làm cùng một công việc đó. Rõ ràng là anh ta nhanh hơn anh. Khi anh hoàn thành công việc của anh thì người hàng xóm kia đã tiến rất xa, anh ta sẽ thu được nhiều lợi nhuận, nắm bắt nhiều cơ hội hơn anh. Tuy nhiên, chúng ta có một vấn đề còn tồn tại, đó chính là nhận thức về việc ứng dụng công nghệ thông tin còn giới hạn. Chúng ta có những tập đoàn lớn nhưng cũng có những công ty nhỏ, điều này tạo sự khác biệt lớn trong nhận thức về công nghệ thông tin. Vì vậy tôi nghĩ cùng với sự hỗ trợ của chính quyền, những công ty tư nhân lớn có thể vào cuộc để giúp đỡ những công ty nhỏ nâng cao nhận thức về công nghệ thông tin. Điều quan trọng là chúng ta phải biết cách làm thế nào để áp dụng công nghệ thông tin đúng hướng.

 

PV: Theo ông xu hướng sử dụng công nghệ trong điều hành của chính quyền của các nước như thế nào?

Ông Stan Singh: Hầu hết các nước như Singapore, Malaysia, Trung Quốc, Thái Lan, Srilanka… đều sử dụng công nghệ trong lĩnh vực chính quyền điện tử. Trong khu vực ASEAN, rất nhiều nước có các chương trình trao đổi về việc áp dụng công nghệ để triển khai chính quyền điện tử hiệu quả ở mỗi nước, ví dụ như chiếu công nghệ, thẻ căn cước, thị thực… đều có thể được thực hiện thuận tiện nhờ chính quyền điện tử. Tôi nghĩ thực tế chính quyền các nước đều sử dụng công nghệ trong điều hành chính quyền nhưng sẽ có rất nhiều điều phát sinh trong quá trình đó. Trong tương lai, chắc chắn chúng ta sẽ chứng kiến những thay đổi lớn trong dịch vụ chính quyền điện tử và câu hỏi đặt ra là điều gì là cần thiết để có lợi cho công dân, có lợi cho cộng đồng. Chúng ta cần phải tập trung vào giải quyết vấn đề này. Do đó, Chính phủ các nước cần phải luôn xác định rằng áp dụng công nghệ để triển khai chính quyền điện tử nhằm mục đích mang lại lợi ích tốt nhất cho công dân của họ. Không phải nói đâu xa, ngay tại đất nước Malaysia, nếu như trước khi quá trình xin visa của tôi phải mất đến vài ngày nhưng giờ đây nhờ áp dụng công nghệ trong điều hành chính quyền điện tử, thời gian này rút ngắn lại chỉ còn vài giờ. Đất nước Việt Nam của các bạn cũng vậy, các bạn cũng áp dụng rất hiệu quả công nghệ thông tin trong điều hành chính quyền điện tử và tôi rất hài lòng về các dịch vụ tại đây.

 

PV: Vậy đúng là áp dụng công nghệ khiến mọi việc đều được thực hiện dễ dàng và hiệu quả hơn rất nhiều?

Ông Stan Singh: Vâng, đó cũng chính là kế hoạch lâu dài mà chúng tôi hướng đến. Bạn biết đấy, Giải thưởng Công nghệ thông tin Châu Á – Thái Bình Dương  APICTA đến nay đã bước sang năm thứ 19. Chúng tôi luôn khuyến khích chính phủ các nước, các công ty tư nhân, thậm chí là sinh viên tham gia vào sân chơi công nghệ thú vị này. Điều họ nhận được không chỉ là những giải thưởng mà đó còn là cơ hội giúp họ hiểu được văn hóa của các nước, cách thức các nước áp dụng công nghệ thông tin để phát triển kinh tế xã hội, nhằm hướng đến một xã hội hiện đại. Đó là mục tiêu của chúng tôi.

 

PV: Với tư cách là Chủ tịch APICTA, ông có thể cho biết, APICTA đã có những hỗ trợ gì cho mục tiêu phát triển chính quyền điện tử và thành phố thông minh trên toàn cầu nói chung và Việt Nam nói riêng?

Ông Stan Singh: Để hỗ trợ cho mục tiêu phát triển chính quyền điện tử và thành phố thông minh ở các nước, chúng tôi cũng đã thực hiện nhiều dự án và chương trình trao đổi, hợp tác nhằm tìm ra những giải pháp để ứng dụng công nghệ thông tin hiệu quả trong xây dựng và phát triển chính quyền điện tử và thành phố thông minh. Nói về việc APICTA tổ chức ở Việt Nam, lúc đầu chúng tôi cũng lo ngại rằng Việt Nam là một đất nước còn non trẻ trong việc áp dụng công nghệ thông tin điều hành chính quyền điện tử và thành phố thông minh. Chúng tôi biết rằng trước đây, Việt Nam cũng đã từng tổ chức nhiều sự kiện công nghệ thông tin truyền thông. Mặc dù vậy lúc đầu chúng tôi cũng vẫn lo lắng khi Việt Nam đăng cai tổ chức APICTA. Nhưng khi đến đây, quan sát những sự thay đổi đột phá về kết cấu hạ tầng, vùng đất, nhận thức về công nghệ của người dân thành phố Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh nói riêng và Việt Nam nói chung, gặp gỡ và nghe những lời giới thiệu từ ngài phó chủ tịch tỉnh, chúng tôi đã rất bất ngờ. Chúng tôi thực sự đã được các bạn hỗ trợ rất nhiệt tình trong mọi dịch vụ. Tôi nghĩ rằng Việt Nam đã sẵn sàng để tổ chức sự kiện APICTA. Tôi cho rằng trong sự kiện này, tất cả các nước tham gia đều là những đối thủ rất “nặng ký” về ứng dụng công nghệ thông tin truyền thông. Cá nhân tôi thấy rất ấn tượng về những dự án về chính quyền điện tử của các bạn và hy vọng các bạn sẽ được giải cao trong cuộc thi này. Nhưng có một điều tôi có thể chắc chắn Việt Nam của các bạn sẽ còn tiến xa hơn nữa trong việc phát triển chính quyền điện tử và thành phố thông minh.

 
 

PV: Vâng, tôi cũng hy vọng như vậy. Thưa ông, Quảng Ninh đã có khoảng 7 năm để phát triển chính quyền điện tử, hướng tới chính quyền số. Ông đánh giá như thế nào về việc triển khai chính quyền điện tử và thành phố thông minh tại tỉnh Quảng Ninh?

Ông Stan Singh: Tôi nghĩ rằng 7 năm là một quãng thời gian cũng khá dài để triển khai chính quyền điện tử. Tôi cho rằng tương lai chính quyền điện tử của tỉnh Quảng Ninh rất tiềm năng bởi tôi thấy được sự thay đổi ấn tượng về kết cấu hạ tầng, về cảnh quan, về nhận thức của người dân, những tín hiệu cho thấy sự tiến bộ, sự phát triển. Tôi nghĩ rằng trong 7 năm mà các bạn đạt được những thành tựu như thế là rất khả quan. Phải nhắc lại một lần nữa, tôi thực sự ấn tượng với việc ứng dụng công nghệ thông tin truyền thông trong triển khai chính quyền điện tử của tỉnh Quảng Ninh.

 

PV: Là một chuyên gia, một nhà công nghệ, ông có ý kiến gì cho việc thúc đẩy quyền điện tử và xây dựng thành phố thông minh phát triển bền vững tại tỉnh Quảng Ninh?

Ông Stan Singh: Lời khuyên chân thành của tôi là hãy tiếp tục theo đuổi những gì các bạn đang làm bởi vì các bạn đang đạt được những tiến bộ. Với kinh nghiệm của tôi, tôi nghĩ các bạn đã và đang làm rất tốt, hãy nỗ lực và tôi tin rằng trong tương lai không xa, chính quyền điện tử và thành phố thông minh của tỉnh Quảng Ninh sẽ trở thành mô hình điển hình không chỉ ở Việt Nam mà còn trong khu vực và trên thế giới.

PV: Vâng, tôi nghĩ rằng đây là lời khuyên tốt nhất và tôi cũng hy vọng tỉnh Quảng Ninh sẽ đạt được nhiều bước tiến hơn nữa trong việc phát triển chính quyền điện tử và thành phố thông minh. Cảm ơn ông đã tham gia chương trình. Chúc ông có những trải nghiệm thú vị khi ở Quảng Ninh!

Ông Stan Singh: Tôi xin gửi lời cảm ơn chân thành vì sự tiếp đón của tỉnh Quảng Ninh và vì cuộc trao đổi rất thú vị này!

PV: Cảm ơn ông!

Thu Giang (thực hiện)

Trình bày: Tất Đạt
 

Source: https://vvc.vn
Category: Điện Tử

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Alternate Text Gọi ngay