CHỮA LÀNH 3: CÁC CẤP ĐỘ TRƯỞNG THÀNH TRONG TÌNH YÊU – Đào Thị Hằng

Có lẽ bài học lớn nhất trong cuộc đời là bài học về tình yêu để sống hoà hợp và hạnh phúc với người khác. Tình yêu là bài học xuyên suốt trong cuộc đời mỗi người cần phải học để trưởng thành. Để học được những bài học trong tình yêu cần thời gian, thời mất bao lâu là do nghiệp lực của từng người. Có thể chia tình yêu và sự trưởng thành trong tình yêu thành 5 cấp độ: Tình yêu thể xác, Tâm hồn, Tâm linh, Yêu chính mình và Tình yêu chân chất giữa con người với nhau: yêu vô điều kiện. Để học cần chính mình trải nghiệm hoặc học từ trải nghiệm của người khác chứ không nhất thiết phải trải qua từng cấp độ để trưởng thành nhưng những gì mình trải nghiệm sẽ có sự chiêm nghiệm sâu sắc hơn.
Cấp độ 1: Tình yêu thể xác.  
Theo sự phân chia có tính tương đối âm dương thì đàn bà thuộc âm, đàn ông thuộc dương. Ở cấp độ sơ khai nhất, tình yêu của đàn ông và đàn bà thiên về thể xác.  Đàn bà cực âm họ mềm ướt, thiên về cảm xúc, yếu đuối vầ cần sự che chở. Đàn ông cực dương, họ dùng nhiều lý trí, gia trưởng là trụ cột trong gia đình. Anh Sô (Osho) nói đàn bà não phải, thuộc tình cảm phát triển mạnh, còn đàn ông thì phát triển não trái cho lý trí nên xung đột hoài. 
 
Đàn bà trong hoàn cảnh này cảm thấy bị tù túng, áp bức, mất tự do nhưng không dám bứt ra vì họ không có khả năng sống độc lập. Lúc này đàn bà âm vì sợ, chứ không phải vì yêu. Cái dương của đàn ông trong mối quan hệ này là bản năng của giống đực chứ cũng không phải vì yêu nốt.
Đây là mối quan hệ hôn nhân phổ biến của Á Đông trước đây, khi phụ nữ tìm đến người đàn ông như đi tìm một chổ dựa trong cuộc đời mình, về cả kinh tế và tình cảm. Khi đó, cả hai người, đặc biệt là phụ nữ sẽ không tìm thấy hạnh phúc của mình trong đó mà luôn sống trong cảnh chịu đựng, chịu đựng sự gia trưởng của chồng vì sự an toàn của mình và những đứa con. Họ không có  tự do. Đôi khi người phụ nữ dùng tình dục để kiểm soát và trừng phạt người đàn ông của mình. Họ dùng những đứa con để củng cố quyền lực của mình. Người phụ nữ yếu thế và chịu đựng là vậy nhưng họ rất hiếm khi bỏ nhau vì đàn bà ở đây cực âm, đàn ông cực dương, giận nhau chửi nhau xong lại đâu vô đó, không bao giờ bỏ nhau. Đây là tình yêu thể xác và tình yêu này phổ biến ở các thế hệ trước.
 
Cấp độ 2: Tình yêu tâm hồn
Phụ nữ lúc này được học hành, như thế hệ Hằng đang chứng kiến, có công việc tốt và có thể tự nuôi sống bản thân mình. Cô ta khai thác phần dương trong con người mình nên có được sự mạnh mẽ, độc lập, quyết đoán. Người đàn ông khai thác phần âm trong họ, họ sống thiên về cảm xúc nhiều hơn, biết nấu ăn, tự chăm lo cho bản thân tốt hơn và biết cách hưởng thụ cuộc sống. Trong trường hợp này, hai người nam nữ đến với nhau vì sự hòa hợp trong tâm hồn, có thể chia sẻ được mục tiêu và lý tưởng trong cuộc đời. Mối quan hệ của họ rất văn mình, hòa thuận và bình đẳng. Nhưng dần dần nó trở nên tẻ nhạt vì thiếu lửa, lâu ngày sẽ dẫn đến ngoại tình và ly hôn vì hai người không còn hút nhau trong mối tương quan âm dương nữa.
Mối quan hệ này rất phổ biến trong xã hội phương Tây và xã hội Việt Nam hiện tại. Họ ly hôn không phải vì không còn yêu thương nhau mà vì mối quan hệ đó thiếu lửa, không còn hút nhau như hai cục nam châm từ trường bão hoà, dẫn đến nhàm chán. Khi cực nào ra cực đó thì nam châm lại hút nhau. Nên hôn nhân ở cấp độ này sớm muộn gì cũng ngoại tình và dẫn đến ly hôn sau một vài năm chung sống. Nó phổ biến trong xã hội hiện tại khi đàn bà và đàn ông chưa ý thức được sứ mệnh tâm linh của mình.
 
Cấp độ 3: Tình yêu tâm linh.
Đàn bà và đàn ông có thể sống độc lập về cả vật chất và tinh thần nhưng họ quyết định đến với nhau vì yếu tố tâm linh. Cả hai đều có sự trưởng thành tâm linh nhất định. Ở cấp độ này người đàn bà ý thức được phận sự của mình là giúp người đàn ông của mình sống một cuộc đời tự do trọn vẹn trong thế giới dương của mình và ngược lại.  Đàn bà hiểu rằng họ có thể dương nhưng trong mối quan hệ này, họ chọn trở về âm, được hoàn toàn là đàn bà thuận theo tự nhiên, thuận theo luật âm dương của tạo hóa, của trời đất. Ngược lại, người đàn ông trong mối quan hệ này hiểu được sứ mệnh của mình là chấp nhận và giúp người đàn bà được tự do trong thế giới âm đầy cảm xúc thiên biến vạn hoá của họ.
 
Đàn bà hiểu rằng sứ mệnh của họ là tạo ra và chăm sóc sự sống, có thể là con cái, cây cối, vật nuôi, gia đình…Làm cho mọi thứ tăng trưởng và giản nở là sứ mệnh của đàn bà, bởi vậy người ta gọi là Đất Mẹ. Thông qua trải nghiệm việc chung sống với người đàn ông và những đứa con để họ trưởng thành trong việc sống chung hoà hợp và hạnh phúc với người khác, để học được bài học tiếp theo, hướng tới tình yêu vô điều kiện.
 
Giống như muốn xây một cái nhà thì kiến trúc sư phải vẽ thiết kế trước khi xây một cái nhà hoàn thiện. Thì việc chung sống với gia đình nhỏ như một mô hình để hướng đến cái lớn hơn: nhà xây hoành tráng – đó là tình yêu vô điều kiện, chân chất giữa người và người, chứ không bó hẹp trong những người cùng máu mủ, huyết thống của mình nữa. 
Lúc đó người đàn bà ý thức được bổn phận của mình khi đến với người đàn ông là mang sự sống đến và chăm sóc cho sự sống đó và đàn ông trở thành trụ cột, là người chèo lái và quyết định trong gia đình và trong mối quan hệ này. Lúc đó đàn bà được hoàn toàn âm và đàn ông hoàn toàn dương, họ giúp nhau sống và hoàn thiện sứ mệnh tâm linh của mình: mục đích của cuộc sống là được sống, sống tự do với cái self sẳn có trong mỗi người. 
 
Lúc đó những việc đàn bà làm sinh con, giặt dũ, nấu nướng, chăm sóc con cái…là  làm vì tình yêu, vì hiểu sâu sắc bổn phận tâm linh của một người đàn bà: chăm sóc và nuôi dưỡng sự sống, chứ không phải họ làm vì sợ người đàn ông rời bỏ hoặc nhà chồng chê cười mình không biết chăm lo cho gia đình. Lúc đó, làm vì yêu và ý thức được trách nhiệm của mình chứ không phải làm vì sợ. Ngược lại, người đàn ông trở thành trụ cột, kiếm tiền, chu cấp và bảo vệ gia đình là sứ mệnh tâm linh của một người đàn ông chứ không phải phân chia, bình đẳng nữa.
 
Cái âm của cấp độ 3 là âm vì yêu, chứ không phải âm vì sợ như cấp độ 1. Nữ quyền ở cấp độ 3 là quyền được làm phụ nữ, được sống thật với cảm xúc và bản tính vốn có của mình chứ không dùng nhiều đầu óc, lý trí như ở cấp độ 1 và cấp độ 2.
Vậy câu hỏi đặt ra là ở cấp độ 3, tình yêu sẽ như thế nào?
Đàn bà được tự do, được là chính mình khi trở về âm hoàn toàn. Bản chất của đàn bà là mềm mại, yếu đuối và cần được che chở. Bản năng của đàn bà là làm vợ và làm mẹ. Nó là một nhiệm vụ nặng nề, tương đương với một công việc nặng, không nên xem đó là việc phụ. Đàn bà phăng phăng kiếm tiền, nỗ lực thành công là làm sai với thiên chức của mình. Đó là việc của đàn ông. Bạn cứ để ý xem, trong nhà phụ nữ làm ra tiền và trở thành trụ cột thì người đàn ông trong gia đình đó lèo phèo chán kinh. Khi phụ nữ lui về làm đúng phận sự của mình, người đàn ông sẽ tự động thực hiện sứ mệnh của họ. Học trò và bạn mình biết vậy mà vẫn cứ ôm, không dũng cảm để buông. Việc làm trái với quy luật thuận tự nhiên sẽ làm người đàn bà đau khổ về cả thể chất và tinh thần. Những cái thuận tự nhiên nó sẽ rất nhẹ nhàng, dễ chịu và không cần nhiều nỗ lực. Đàn ông sinh ra để giải quyết vấn đề, cứu rỗi thế giới. Đàn bà sinh ra để thương yêu chính mình và chăm sóc cho sự sống.
 
Vì tư tưởng giải phóng phụ nữ của phương Tây lan truyền rất nhanh khiến người phụ nữ gồng mình phấn đấu để được như nam giới. Và họ bị tắc trong đó vì khó sống thật với cảm xúc của mình. Trong sâu thẳm tâm hồn của mọi người đàn bà, họ đều mong được người đàn ông của mình che chở, yêu chiều theo cảm xúc thiên biến vạn hóa của mình. Tình yêu của người đàn ông sẽ giải phóng năng lượng âm của người đàn bà, làm cho họ âm hơn, được tự do là chính mình: một người đàn bà mang năng lượng âm hoàn toàn.
Hồi học ở Canada, khi chia sẻ về Bình đẳng giới cô giám đốc chương trình vẫn chưa chắc là giải phóng phụ nữ như cách phương Tây đang làm là đúng hay không, hay đàn bà hãy cứ là đàn bà. Phương Tây là nơi tạo ra và thúc đẩy bình đẳng giới nhưng chính phụ nữ ở đó cũng đang bế tắc, sao chúng ta cứ chạy theo làm chi?
 
Đàn ông là dương, đại diện cho bất biến, cho đường thẳng tắp. Đàn bà đại diện cho sự sống, ở đâu có đàn bà – ở đó có sự sống, có cái đẹp. Đàn bà cho đàn ông trải nghiệm mọi cảm xúc hỉ, nộ, ái ố để học hành về sự linh hoạt biến hoá vô thường trong cuộc đời. Không có sự vô thường nào hơn cảm xúc của đàn bà và không có trường học nào dạy về sự vô thường tốt bằng việc sống chung với một người đàn bà.  Đàn ông là đạo, đàn bà là đời. Nếu đạo mà không có đời thì đạo chỉ là tư tưởng đơn thuần, dần đà đi đến huỷ diệt. Mà đời không có đạo dẫn lối thì đời cũng tan tành vật vã.
 
Do vậy quyền phụ nữ không phải là đấu tranh công bằng cái gì cũng chia đều với nam giới. Mà quyền phụ nữ là quyền được làm phụ nữ, làm đàn bà một cách trọn vẹn, được chấp nhận và tự do trong sự thiên biến vạn hoá của mình – đặc tính âm.
Cấp độ 4: Thương yêu chính mình
Ở cấp độ cơ bản thì chia theo tương đối thì âm dương tách biệt như vậy. Thực ra trong mỗi người đã có âm dương cân bằng,  trong âm có dương, trong dương có âm nên đã có thể tự cân bằng để sống độc lập.  Con người sinh ra là để sống một mình – một bản thể hoàn chỉnh cho việc đó. Một người không thể sống cô đơn thì họ cũng không thể sống hoà hợp với người khác.  Con người suốt một đời luôn luôn tìm kiếm đó là tự do và tình yêu. Thương yêu lớn nhất mà con người cần học đó là thương yêu chính bản thân mình chứ không phải là học cách thương yêu một người đàn ông hay đàn bà khác. Thương yêu chính mình là chấp nhận bản tính vốn có của mình và sống hoà hợp, không mâu thuẫn với nó, đồng thời không tạo tiếp tục tạo tác nhân mới để mình phải lãnh những quả không mong đợi.
Không nhất thiết phải lập gia đình thì người đàn ông hay đàn bà mới học được bài học yêu thương và sống hoà hợp với người khác. Duyên đến thì nhận, duyên hết thì thôi. Gia đình chỉ là một mô hình thu nhỏ của cộng đồng như bản vẽ của ngôi nhà để qua đó mỗi người học và hành tình yêu thương ở cấp độ “thí nghiệm” trước khi ra đời sống trong tình yêu lớn: chân chất và thuần khiết giữa người và người. Yêu thương chỉ là yêu thương, không vì một lý do phải là một cái gì đó của nhau mới yêu – đó là tình yêu có điều kiện. Khi có đủ tình yêu thương với chính mình thì mới yêu thương và chấp nhận người khác nếu không cả hai cứ giành nhau chiếc bánh hạnh phúc.
 
Cấp độ 5:  Thương yêu tất cả
Khi có đủ và ứ tràn tình yêu với chính mình thì việc cho đi tình yêu đó là một điều tự nhiên, cho đi vì có quá nhiều và không cần người ta đáp trả lại. Nếu chưa đủ yêu mình thì đó là sự cho mượn, mà mượn thì phải trả: cả vốn lẫn lãi. Nếu người ta không trả đủ thì mình sẽ khó chịu, sẽ đòi hỏi, sẽ trách móc, sẽ giận hờn, ghen tuông. Vì đó là tình yêu vay mượn. Nên cái gốc của thương yêu tất cả sẽ phải là thương yêu chính mình. Cái “mình” ở đây không phải là cái thân, cái tôi, cái ta, mà là “cái mình” bên trong” – Sẽ có một bài viết riêng về “cái mình” này.
Tình yêu vốn đẹp và thuần khiết, là điều quý giá nhất trong cuộc sống.  Bài học lớn nhất về tình yêu là thương yêu chính mình, sống hoà thuận với chính mình trước khi học thương yêu và sống chung với người khác. Cái gốc của thương yêu tất cả phải là thương yêu chính mình. 
Người đàn ông hay đàn bà đến với nhau có căn nguyên tâm linh sâu xa, không phải ngẫu nhiên. Họ đến với nhau để hai người học những bài học về tình yêu và hoàn thiện tình yêu của chính mình. Mỗi người đến với trong đời mình là để dạy cho mình một bài học gì đó. Nếu mình chưa học được, thì sẽ còn học tiếp, không năm này thì năm sau, không kiếp này thì kiếp sau. Học đến lúc nào học được tình yêu vô điều kiện thì thôi, thoát khỏi sinh tử luân hồi.
Anh Sô và Chị Ly dạy vậy !
 
 
Bình Dương, tháng 11/2015
 
Chữa lành 1: Sống vui vẻ không sợ hãi
Chữa lành 2: Mọi hành trình đều dẫn đến tình yêu
Chữa lành 3: Bốn cấp độ trưởng thành trong tình yêu
Chữa lành 4: Nhân quả ứng dụng
Chữa lành 5: Thiền vipassana

Source: https://vvc.vn
Category : Sống trẻ

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Alternate Text Gọi ngay