Báo động tình trạng lối sống lai căng trong giới trẻ hiện nay.

Báo động tình trạng lối sống lai căng trong giới trẻ hiện nay.

Với sự phát triển hiện nay, báo đài, phim mạng tràn lan các thông tin là cơ hội để giới trẻ hội nhập cùng thế giới. Tuy nhiên, đây cũng là mặt trái của vấn đề khiến chuyện “lai căng” văn hóa, ngôn ngữ trở thành một điều đáng báo động. Giới trẻ bắt đầu sử dụng từ ngữ Việt Nam đi kèm tiếng “tây” khiến bố mẹ ông bà cảm thấy chóng mặt và không hiểu được con cái. Báo động tình trạng lối sống lai căng trong giới trẻ hiện nay.

Việt Nam là 1 đất nước có 1 vị trí đặc biệt. Nó là nơi giao thoa những nền văn hóa Đông, Tây. Vì vậy, người Việt Nam 1 mặt gìn giữ bản sắc văn hóa của người Việt, mặt khác lại tiếp thu có chọn lọc nền văn hóa của thế giới. Tuy nhiên trong thế giới hiện đại ngày hôm nay, khi các phương tiện khoa học kỹ thuật phát triển, luồng gió phương Tây – nhất là Hàn Quốc, ồ ạt vào Việt Nam. Nó làm cho giới trẻ – khi sức đề kháng văn hóa không tốt, đã bị ăn tạp văn hóa nước ngoài, trái với chuẩn mực đạo đức của người Việt. Điều đó đã dẫn đến 1 hiện tượng lai căng đáng báo động trong xã hội ta hiện nay.

Nhiều bậc phụ huynh phàn nàn, sao mấy đứa nhỏ bây giờ nói chuyện cứ thích đệm mấy từ tiếng Anh, nghe chẳng hiểu gì hết. Đúng là nói đệm tiếng Anh đang trở nên phổ biến trong giới trẻ.

“Ba chờ con check (kiểm tra) lại đã”, “mẹ nhớ phone (gọi điện) nhắc con nhé”, “Sao mẹ tối ngày cứ giảng moral (đạo đức) hoài vậy, mẹ làm con muốn die (chết) luôn…”. Cũng khó có thể trách móc giới trẻ khi mà thời buổi hội nhập, sử dụng ngoại ngữ là  chuyện bình thường của cuộc sống. Tuy nhiên, nếu các bậc phụ huynh lưu tâm nhắc nhở để trẻ sử dụng tiếng Anh đúng lúc, đúng chỗ, có lẽ sẽ hạn chế được những bức bối khó chịu trong lòng vì cho rằng con cái sính ngoại, lai căng.

Dù sao thì vấn đề nói đệm tiếng Anh trong giao tiếp hàng ngày của giới trẻ Việt Nam cũng không nguy hại bằng sự lai căng về mặt văn hóa đang tràn lan trong cuộc sống. Không ít bộ phim truyền hình Việt Nam đang bị báo động vì lai căng Hàn Quốc, Trung Quốc, đã đầu độc khán giả bởi cách ăn mặc, kiểu tóc, ứng xử giống như diễn viên trong phim. Âm nhạc cũng vậy, một loạt ca sĩ trẻ thích sử dụng những nghệ danh không Tàu thì Tây hóa kiểu như Quách Thành Danh, Thiên Trường Địa Hải, Nhật Tinh Anh, Lưu Chí Vĩ, Vương Kiến Hào, Lã Minh Thông, Wanbi, Tim, Bambi… Còn lên sân khấu thì các “ngôi sao” biến mình thành “tắc kè” với tóc tai nhuộm màu lòe loẹt, quần áo te tua, hở trên, thiếu dưới.

Sự hội nhập và giao lưu văn hóa mang đến Việt Nam nhiều sản phẩm tinh thần có giá trị, song mặt khác cũng xuất hiện nhiều chương trình dán mác ngoại nhưng xô bồ, thiếu chọn lọc. Giới trẻ thường không có sự phân biệt, với đa số, ngoại hình là yếu tố quyết định ai là “thần tượng”. Mê Hàn Quốc bắt đầu từ những bộ phim, đến những nhóm nhạc, sau đó là bắt chước đến mù quáng để được giống “thần tượng”. Thậm chí, nhóm nhạc Super Junior của Hàn Quốc với những chàng trai có bề ngoài thư sinh, đẹp trai còn tạo nên một “cơn sốt” cuồng nhiệt đối với giới trẻ TPHCM, đến nỗi không ít bạn trẻ hâm mộ quyết định “hy sinh” thân mình vì nhóm nhạc này. Một cô bé sinh năm 1993 đã viết trên một diễn đàn: “Em thực sự không còn con đường nào khác để có vé xem Super Junior, em yêu Super Junior nên nếu như anh muốn em qua đêm với anh để nhường cho em 1 chiếc vé, em sẽ sẵn sàng, hãy giúp em…”. Một cô bé khác: “Em sẵn sàng giết bố mẹ nếu không cho em đi xem Suju (Super Junior) biểu diễn. Thật vui vì ông bà già cuối cùng đã biết điều và để mình đi…”. Không biết các bậc phụ huynh của các cô bé này nghĩ gì?

Sự lai căng không chỉ khiến giới trẻ đánh mất mình mà nhiều khi còn khiến không ít bạn trẻ tự hủy hoại chính mình. Hiện tượng “Emo” không phải mới xuất hiện gần đây mà nó đã được bắt đầu từ cách đây 3-4 năm, nhưng đến nay vẫn không hề giảm sút. Emo là viết tắt của “emotional hardcore”, ban đầu là một thể loại nhạc bắt nguồn từ sân khấu hardcore của Washington D.C vào giữa những năm 1980, sau dần được chuyển thành cách ăn mặc, rồi hình thức bên ngoài, lẫn bên trong, trở thành một trào lưu sống dựa theo cảm xúc. Tuy nhiên, trào lưu Emo du nhập vào Việt Nam lại không phải theo con đường phương Tây mà là Nhật Bản. Đó là hiện tượng ăn mặc, để những kiểu tóc “unisex” (tóc ép thẳng, mái lệch một bên và che một con mắt), và đặc biệt là luôn tự hủy hoại mình bằng cách dùng dao lam cứa vào cổ tay. Không khó để tìm ra các Emo Việt Nam, bởi bản thân các em nhỏ này cũng không hề giấu mình. Cứa tay sau đó tự chụp ảnh, quay phim và quăng lên blog đó là hành động thường gặp của chúng. Giải thích lý do làm những việc khủng khiếp đó, các em này cho biết, do bị cha mẹ la mắng, do bị điểm kém, do thất tình…

Tuổi trẻ thường thích thể hiện mình, một trong những cách thể hiện mình thường thấy nhất đó là bắt chước cái lạ, cái không giống ai. Con đường lai căng cũng bắt đầu từ sự bắt chước này. Sự vô tâm của người lớn cũng là nguyên nhân dẫn tới sự lai căng trong giới trẻ. Gần gũi, quan sát và có sự can thiệp kịp thời của gia đình và nhà trường là cách duy nhất để giúp các em hình thành nhân cách, tránh được những điều đáng tiếc dễ làm hỏng tâm hồn của các em, tạo nên những bộ phận lệch lạc trong xã hội.

Nguồn: VVC.VN

 

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Alternate Text Gọi ngay