An Giang: Đề án tăng cường thực thi pháp luật về xây dựng, thực hiện hương ước, quy ước đến năm 2021 – VỤ GIA ĐÌNH

Căn cứ Quyết định số 22/2018/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về xây dựng, thực hiện hương ước, quy ước. Đến nay, tỉnh An Giang đã có 888 khóm, ấp ban hành quy ước tại các khóm, ấp. Thủ tục soạn thảo, thông qua, phê duyệt quy ước đều được các khóm, ấp thực hiện đúng quy định tại Nghị quyết số 04/2012/NQ-HĐND.
Công tác tuyên truyền, phổ biến về nội dung quy ước đã được phê duyệt đến từng thành viên trong cộng đồng dân cư được các huyện, thị xã, thành phố thực hiện tương đối tốt. Các huyện, thị xã, thành phố tổ chức 1.789 cuộc tuyên truyền và họp tổ dân phố để phổ biến nội dung của quy ước với sự tham dự của 46.856 lượt người.
Công tác thanh tra, kiểm tra việc thực hiện quy ước được các huyện, thị xã, thành phố lồng ghép vào Kế hoạch kiểm tra công tác phổ biến, giáo dục pháp luật hàng năm. Điển hình, thông qua Ngày hội “Đại đoàn kết các dân tộc” vào ngày 18/11 hàng năm.
Hàng năm, Sở Tư pháp đều tổ chức tập huấn công tác xây dựng quy ước thông qua lớp bồi dưỡng nghiệp vụ Tư pháp cho cán bộ Tư pháp cấp xã. Sở Tư pháp đã lồng ghép nội dung xây dựng và thực hiện quy ước khóm, ấp trong các đợt tập huấn hòa giải ở cơ sở tại các huyện, thành phố: Phú Tân, Thoại Sơn, Châu Thành, Châu Đốc, Châu Phú, Long Xuyên (có 710 hòa giải viên ở cơ sở tham gia lớp tập huấn).
Tính đến nay, có 02 di sản văn hóa phi vật thể của dân tộc Khmer An Giang đã được đưa vào danh mục di sản phi vật thể Quốc gia là Hội đua bò Bảy Núi và Nghệ thuật khắc chữ Khmer cổ trên Kinh Lá Buông. Sau khi được đưa vào danh mục Quốc gia, UBND tỉnh An Giang đã cho chủ trương xây dựng Đề án Bảo tồn và phát huy giá trị của 02 di sản này. Bên cạnh, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh An Giang triển khai thực hiện, lập hồ sơ khoa học 01 di sản văn hóa phi vật thể của đồng bào Khmer “Nghệ thuật Dì Kê của người Khmer An Giang” trình Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào Danh mục di sản phi vật thể Quốc gia. Ngoài ra, hầu hết các di sản văn hóa phi vật thể của đồng bào Khmer trên địa bàn Tri Tôn, Tịnh Biên còn lưu giữ bảo tồn những giá trị truyền thống cốt lõi như Hội đua bò Bảy Núi, tri thức khắc chữ trên Kinh Lá Buông, nghệ thuật trình diễn Dì Kê, Lễ hội Sen đôn ta, Tục đi tu, Đúc cốm dẹp…
Bản quy ước đã đặt ra các quy tắc xử sự nhằm điều chỉnh các quan hệ xã hội mang tính tự quản của nhân dân, giữ gìn và phát huy những phong tục, tập quán tốt đẹp và truyền thống văn hóa trên địa bàn khóm, ấp, cụm dân cư, từ đó góp phần hỗ trợ tích cực cho việc quản lý nhà nước bằng pháp luật.
Tuy nhiên, hiện nay các bản quy ước đã được phê duyệt vẫn còn một số hạn chế như: nhiều quy ước còn sao chép quy ước mẫu nên nội dung chưa thể hiện được truyền thống, bản sắc của địa phương, còn dài dòng hoặc chưa phù hợp với điều kiện thực tiễn tại địa bàn…

Source: https://vvc.vn
Category: Pháp luật

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Alternate Text Gọi ngay