Giải pháp xây dựng văn hoá công sở, văn hoá doanh nghiệp đáp ứng sự phát triển của Hà Tĩnh trong thời gian tới

Cốt lõi của Văn hóa công sở là đạo đức công vụ, trọng tâm là xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức có phẩm chất đạo đức, tận tụy, có ý thức trách nhiệm trong thực thi nhiệm vụ, hết lòng phụng sự Tổ quốc, phục vụ Nhân dân; luôn thấu hiểu để tham mưu giải quyết kịp thời khó khăn, vướng mắc cho người dân; là xây dựng đoàn kết nội bộ trong từng cơ quan, đơn vị. Văn hóa doanh nghiệp là đạo đức trong kinh doanh, ý thức thượng tôn pháp luật, chấp hành luật pháp trong sản xuất kinh doanh, là giữ gìn thương hiệu vì sự phát triển bền vững của doanh nghiệp, trách nhiệm với cộng đồng.

1

Toàn cảnh Hội nghị Văn hóa toàn tỉnh năm 2022 ( ảnh Báo TP Hà Tĩnh )

Xây dựng văn hóa công sở, văn hóa doanh nghiệp (VHCS, VHDN) luôn là yêu cầu cấp thiết để các cơ quan, doanh nghiệp hoạt động theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại, hiệu lực, hiệu quả, liêm chính, phục vụ Nhân dân; nền hành chính với những nguyên tắc nhất định, làm việc chính quy, khoa học và cách vận hành đặc thù nhằm đảm bảo kỷ luật, kỷ cương hành chính và hiệu quả hoạt động của các cơ quan Nhà nước. Đồng thời, góp phần hình thành thái độ, phong cách ứng xử chuẩn mực của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động; là những giá trị để tạo nên niềm tin, niềm tự hào, lòng yêu nghề, sự gắn kết đội ngũ cán bộ, công chức; phản ánh tầm nhìn, sứ mệnh, các mục tiêu chính của nền hành chính là phục vụ lợi ích của Nhà nước, Nhân dân và xã hội.
Đảng bộ Khối các cơ quan và doanh nghiệp tỉnh hiện có 110 tổ chức cơ sở đảng (trong đó trong đó có 70 tổ chức đảng trong lĩnh vực cơ quan, hành chính, sự nghiệp; 40 tổ chức đảng trong lĩnh vực doanh nghiệp) là những cơ quan hoạch định và triển khai thực hiện các chủ trương, nghị quyết của Trung ương, của tỉnh; là những doanh nghiệp có đóng góp quan trọng vào sự phát triển kinh tế xã hội của tỉnh nhà.
Xác định được tầm quan trọng của xây dựng VHCS, VHDN trước yêu cầu phát triển của tỉnh, thời gian qua, Ban Thường vụ Đảng uỷ Khối đã tập trung nhiều giải pháp và xác định đây là một trong những mũi đột phá của Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Khối nhiệm kỳ 2015-2020. Ban Chấp hành Đảng bộ Khối đã ban hành Nghị quyết số 01-NQ/ĐUK về “Tăng cường lãnh đạo xây dựng văn hóa công sở đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ phát triển của tỉnh đến năm 2020 và những năm tiếp theo”, Chỉ thị số 01-CT/ĐUK về “Tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy trong xây dựng, phát triển văn hóa doanh nghiệp, văn hóa doanh nhân”; tham mưu Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Chỉ thị số 17 -CT/TU về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong xây dựng văn hóa công sở, văn hóa doanh nghiệp.
 

1
Trưởng các phòng chức năng của Công ty Điện lực Hà Tĩnh ký cam kết thực thi VHDN

Kết quả đạt được rõ nét trên nhiều mặt, nổi bật là:
Các cơ quan, doanh nghiệp đã tập trung xây dựng, ban hành đồng bộ hệ thống các quy chế, quy định về quản lý nội bộ; xây dựng tiêu chuẩn đạo đức của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và người lao động; phương thức quản lý, điều hành, làm việc đảm bảo theo quy chế, quy định; kỷ luật, kỷ cương hành chính được xiết chặt. Dân chủ được phát huy, tạo ra môi trường làm việc chuẩn mực tại các cơ quan, doanh nghiệp.
Công sở, trụ sở, văn phòng làm việc từng bước được đầu tư khang trang, hiện đại, bố trí các phòng làm việc khoa học. Đã thực hiện nghiêm túc các quy định về môi trường cảnh quan, bài trí công sở theo hướng trang trọng, lịch sự nhưng vẫn thuận tiện cho người dân đến giải quyết công việc. Nhiều cơ quan, doanh nghiệp đẩy mạnh đầu tư, nâng cấp hạ tầng kỹ thuật, triển khai xây dựng nhiều phần mềm, cơ sở dữ liệu nền tảng phục vụ xây dựng và phát triển Chính phủ điện tử, doanh nghiệp 5S (Sàng lọc, Sắp xếp, Sạch sẽ, Săn sóc, Sẵn sàng).  
Đội ngũ cán bộ công chức nhìn chung có bản lĩnh chính trị vững vàng, trình độ kiến thức và năng lực hoạt động thực tiễn ngày càng được nâng cao, đáp ứng khá kịp thời các yêu cầu đổi mới trong sự phát triển của tỉnh và hội nhập quốc tế. Thái độ ứng xử của công chức với Nhân dân được cải thiện đáng kể với các quy định về “4 xin” và “4 luôn” (xin chào, xin lỗi, xin cảm ơn và xin phép; luôn mỉm cười, luôn nhẹ nhàng, luôn lắng nghe và luôn giúp đỡ khi tiếp xúc với người dân và doanh nghiệp), thể hiện đúng bản chất của nền hành chính phục vụ. VHCS không chỉ được thực hiện nghiêm ở nơi làm việc mà còn ở nơi cư trú của cán bộ, đảng viên.
Đội ngũ người lao động tại các doanh nghiệp có tác phong làm việc tích cực, tự giác, năng động, giúp gia tăng năng suất lao động và nâng cao hiệu quả công việc. Có nhiều sáng kiến, đổi mới và sáng tạo, tăng cường sức mạnh và nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp trên thị trường.  Cùng với đó, môi trường văn hóa đã tạo ra sự gắn bó lâu dài của nhân viên với doanh nghiệp, đảm bảo cho doanh nghiệp trong Khối ổn định, phát triển.
Việc lựa chọn và quyết tâm trong thực hiện mũi đột phá về  VHCS, VHDN đã góp phần vào những kết quả thực hiện nhiệm vụ chính trị chung của tỉnh, Hà Tĩnh đứng thứ 8 cả nước về Chỉ số Cải cách hành chính  (PAR Index) năm 2021 và xếp thứ 5 về Chỉ số Hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính Nhà nước (SIPAS). Các doanh nghiệp trong Khối thực hiện đầy đủ nghĩa vụ đối với Nhà nước, giải quyết việc làm, quan tâm đời sống, chế độ chính sách đối với người lao động; tích cực tham gia các hoạt động an sinh xã hội, tham gia xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh. Đến nay, đã có 101/110 cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp được công nhận đạt chuẩn văn hóa (chiếm 92%).
Bên cạnh những kết quả đạt được, so với yêu cầu nhiệm vụ mới, việc xây dựng VHCS, VHDN ở Đảng bộ Khối vẫn còn những hạn chế nhất định, đó là:
Nhận thức của một số cấp ủy, lãnh đạo và một bộ phận cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, người lao động về xây dựng văn hóa công sở, văn hóa doanh nghiệp chưa đầy đủ và đúng mức. Nguyên tắc tập trung dân chủ trong Đảng ở một số đơn vị chưa thực sự sâu rộng, đang có biểu hiện hình thức.
Chất lượng một bộ phận cán bộ, công chức chưa thực sự đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ. Ở một số cơ quan vẫn còn tình trạng “đi muộn về sớm”, giải quyết thủ tục hành chính cho người dân, tổ chức, chưa nhiệt tình, thái độ thiếu niềm nở thậm chí còn nhũng nhiễu, gây phiền hà trong thực thi công vụ … kỹ năng giao tiếp và ứng xử chưa chuẩn mực còn hạn chế; vấn đề thực hành tiết kiệm, chống lãng phí cũng chưa được coi trọng. Còn có một số ít cán bộ, đảng viên có biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống… đã làm ảnh hưởng không nhỏ đến niềm tin của người dân đối với Đảng và Nhà nước.
Một số doanh nghiệp chưa quan tâm đến xây dựng văn hóa doanh nghiệp, nhất là chất lượng nguồn nhân lực chưa cao, đời sống người lao động còn khó khăn, chưa tạo nên sự đoàn kết, gắn bó trong nội bộ. Tác phong, lề lối làm việc ở nhiều doanh nghiệp chưa chuyên nghiệp, chưa bảo đảm kỷ luật, chưa tuân thủ các quy định về an toàn lao động…
Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2020 – 2025 xác định mục tiêu: “Xây dựng Hà Tĩnh trở thành tỉnh có công nghiệp, nông nghiệp, dịch vụ phát triển, hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, văn hóa phát triển, xã hội tiến bộ, quốc phòng – an ninh đảm bảo, trở thành một trong những cực phát triển của vùng Bắc Trung Bộ; cải thiện toàn diện đời sống Nhân dân; đến năm 2025 tỉnh đạt chuẩn nông thôn mới, thu nhập bình quân đầu người cao hơn bình quân các tỉnh Bắc Trung Bộ, phấn đấu năm 2030 trở thành tỉnh khá của cả nước”. Đòi hỏi các cấp ủy, lãnh đạo các cơ quan, doanh nghiệp cần tập trung lãnh đạo, chỉ đạo; cần coi xây dựng văn VHCS, VHDN là nền tảng để thực hiện mục tiêu trên. Trong đó, cấp ủy các cấp cần quan tâm thực hiện một số giải pháp sau:

1
Công chức Văn Phòng Cục Thuế hướng dẫn người nộp thuế về chính sách, thủ tục hành chính thuế

Một là, tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quán triệt nhằm nâng cao nhận thức cho đội ngũ lãnh đạo, CBCC, người  lao động về văn hóa công sở, văn hóa doanh nghiệp.
Tiếp tục mở các lớp tập huấn, bồi dưỡng tổ chức các cuộc thi, hội thi cho CBCC, người lao động  tham gia về VHCS, VHDN.  Quán triệt sâu sắc hơn nữa  phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá” nói chung và phong trào xây dựng “Cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa” nói riêng; Chỉ thị số 17-CT/TU, ngày 28/12/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong xây dựng văn hóa công sở, văn hóa doanh nghiệp. Làm thay đổi nhận thức, suy nghĩ của một số CBCC về thái độ, hành vi ứng xử với đồng nghiệp và Nhân dân nhằm góp phần xây dựng hình ảnh người CBCC “Trung thành, Tận tụy, Sáng tạo, Gương mẫu”;  hình ảnh nhân viên chuyên nghiệp, thân thiện. Thực hiện tốt cuộc vận động “Xây dựng văn hóa doanh nghiệp Việt Nam”, Bộ tiêu chí văn hóa kinh doanh Việt Nam của Hiệp hội Phát triển văn hóa doanh nghiệp Việt Nam  được Thủ tướng Chính phủ cho phép ban hành.
Hai là, coi trọng đạo đức công vụ, đạo đức kinh doanh gắn với kỷ luật, kỷ cương trong từng cơ quan, doanh nghiệp.
Tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện có hiệu quả Kết luận số 01-KL/TW về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; Kết luận số 29 – KL/TU, ngày 22/7/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tiếp tục siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính, nâng cao đạo đức công vụ trong cán bộ, công chức, viên chức và cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang. Đặc biệt chú trọng công tác xây dựng đảng về đạo đức, đề cao vai trò, trách nhiệm nêu gương của người đứng đầu trong xây dựng, tổ chức thực hiện văn hóa công vụ. Cán bộ công chức phải chấp hành nghiêm túc các quy định về tiêu chuẩn đạo đức theo quy định của từng ngành, cơ quan, đơn vị.
Xây dựng văn hóa doanh nghiệp, doanh nhân với ý thức tôn trọng pháp luật, giữ gìn chữ tín, thương hiệu của doanh nghiệp, cạnh tranh lành mạnh, vì sự phát triển bền vững. Tích cực tham gia các hoạt động bảo vệ môi trường, giúp đỡ người khó khăn, yếu thế trong xã hội,
Ba là, nâng cao trình độ, năng lực cho CBBCC và người lao động.
Cần chú trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, kỹ năng hành chính của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và người lao động. Đề cao tinh thần tự học, mỗi cơ quan, doanh nghiệp cần có chế độ, chính sách để khuyến khích, động viên cán bộ, công chức, viên chức, doanh nhân, người lao động tự nghiên cứu, học tập nâng cao trình độ lý luận chính trị, chuyên môn, nghiệp vụ, nhất là nâng cao trình độ tin học, ngoại ngữ trong điều kiện công nghệ phát triển như vũ bão hiện nay. Lãnh đạo, quản lý cũng cần phải luôn tự học để nâng tầm lãnh đạo, tạo uy tín với cấp dưới.
 

1
Chi bộ Cơ quan Mặt trận Tổ quốc tỉnh tổ chức sinh hoạt chuyên đề tăng cường xây dựng Văn hóa công sở

Bốn là, xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh trong các cơ quan, doanh nghiệp, đẩy mạnh thực hiện cải cách hành chính.
Quan tâm xây dựng, hoàn thiện các quy chế hoạt động, nội quy, quy định nội bộ. Tiếp tục đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị đáp ứng yêu cầu hoạt động của cơ quan, doanh nghiệp và điều kiện làm việc của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động. Chú trọng việc bài trí công sở, xây dựng cảnh quan, môi trường xanh, sạch, đẹp, từng bước đáp ứng yêu cầu cải cách hành chính và hiện đại hóa công sở. Quan tâm, chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho người lao động; lắng nghe ý kiến, chia sẽ, giải quyết các vấn đề từ trong nội bộ từng phòng, ban để mỗi cán bộ, nhiên viên xem cơ quan, doanh nghiệp là “ngôi nhà thứ 2” của mình.
Đẩy mạnh thực hiện cải cách hành chính, trọng tâm là nâng cao chất lượng giải quyết thủ tục hành chính, tỷ lệ sử dụng dịch vụ công trực tuyến; cải tiến nội dung, hình thức hội họp theo hướng thiết thực, hiệu quả, tiết kiệm thời gian, kinh phí.
Thực hiện các chuẩn mực văn hóa trong công tác lãnh đạo, quản lý, điều hành; xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, dân chủ, đoàn kết, nhân văn, đẩy lùi bệnh quan liêu, bè phái, mất đoàn kết, chủ nghĩa cơ hội, thực dụng.
Năm là, tổ chức các phong trào thi đua, tôn vinh, lan tỏa các điển hình trong thực hiện VHCS, VHDN, xử lý nghiêm sai phạm.
Lãnh đạo, chỉ đạo các phong trào thi đua, tổ chức cho cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên và người lao động ký kết các nội dung thực hiện văn hóa công sở, văn hóa doanh nghiệp. Tôn vinh  những  cơ quan, doanh nghiệp, cá nhân có đóng góp quan trọng vào sự phát triển của tập thể, sự phát triên của tỉnh. Kịp thời giải quyết các kiến nghị, khiếu nại, tố cáo của công dân, duy trì và làm tốt công tác đối thoại với Nhân dân; kiên quyết chống các biểu hiện tiêu cực, xử lý nghiêm những cán bộ, công chức, viên chức sai phạm, có thái độ nhũng nhiễu, cửa quyền, thờ ơ, vô cảm, thiếu trách nhiệm, gây phiền hà, mất niềm tin đối với Nhân dân, doanh nghiệp.

Source: https://vvc.vn
Category : Thời trang

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Alternate Text Gọi ngay