6.Phép biện chứng duy vật quan niệm cái riêng là gì? Cái chung là gì? Mối quan hệ giữa cái riêng và cái chung? Cho ví dụ minh họa? Ý nghĩa phương pháp luận của việc nghiên cứu vấn đề này?
Trả lời:
Quan niệm
- Cái riêng là phạm trù chỉ một sự vật, một hiện tượng, một quá trình nhất định. Cái chung là phạm trù triết học dùng để chỉ những mặt, những thuộc tính không những có ở một kết cấu vật chất nhất định, mà còn được lặp lại trong nhiều sự vật, hiện tượng hay quá trình riêng lẻ khác.
- Ví dụ: Trong cuộc sống hàng ngày, chúng ta thường tiếp xúc với các sự vật, hiện tượng, quá trình khác nhau như: cái bàn, cái nhà, cái cây cụ thể, v.v..Mỗi sự vật đó được gọi là một cái riêng, đồng thời, chúng ta cũng thấy giữa chúng lại có những mặt giống nhau như những cái bàn đều được làm từ gỗ, đều có cùng màu sắc, hình dạng. Mặt giống nhau đó người ta gọi là cái chung của những cái bàn.
- Cần phân biệt "cái riêng" với "cái đơn nhất". "Cái đơn nhất" là phạm trù để chỉ những nét, những mặt, những thuộc tính…chỉ có ở một sự vật, một kết cấu vật chất, mà không lặp lại ở sự vật, hiện tượng, kết cấu vật chất khác.
- Ví dụ: Thủ đô Hà Nội là một cái riêng, ngoài các đặc điểm chung giống các thành phố khác của Việt Nam, còn có những nét riêng như có phố cổ, có Hồ Gươm, có những nét văn hóa truyền thống mà chỉ ở Hà Nội mới có, đó là cái đơn nhất.
Quan hệ biện chứng giữa "cái riêng" và "cái chung"
- Phép biện chứng duy vật cho rằng cái riêng, cái chung và cái đơn nhất đều tồn tại khách quan, giữa chúng có mối liên hệ hữu cơ với nhau. Điều đó thể hiện ở chỗ:
+ Cái chung chỉ tồn tại trong cái riêng, thông qua cái riêng mà biểu hiện sự tồn tại của mình. Nghĩa là không có cái chung thuần túy tồn tại bên ngoài cái riêng.
Ví dụ: Không có cái cây nói chung tồn tại bên cạnh cây cam, cây quýt, cây đào cụ thể. Nhưng cây cam, cây quýt, cây đào…nào cũng có rễ, thân, lá, có quá trình lí hóa để duy trì sự sống. Những đặc tính chung này lặp lại ở những cây riêng lẻ, và được phản ánh trong khái niệm "cây". Đó là cái chung của những cái cây cụ thể. Rõ ràng cái chung tồn tại thực sự, nhưng không tồn tại ngoài cái riêng mà phải thông qua cái riêng.
+ Cái riêng chỉ tồn tại trong mối liên hệ với cái chung. Nghĩa là không có cái riêng nào tồn tại tuyệt đối độc lập, không có liên hệ với cái chung. Ví dụ: Mỗi con người là một cái riêng, nhưng mỗi người không thể tồn tại ngoài mối liên hệ với xã hội và tự nhiên. Không có cá nhân nào không chịu sự tác động của các quy luật sinh học và quy luật xã hội.
+ Cái riêng là cái toàn bộ, phong phú hơn cái chung, cái chung là cái bộ phận, nhưng sâu sắc hơn cái riêng.
Ví dụ: Người nông dân Việt Nam bên cạnh cái chung với nông dân các nước khác trên thế giới là tư hữu nhỏ, sản xuất lẻ tẻ, sống ở nông thôn, v.v.., còn có những đặc điểm riêng là chịu ảnh hưởng của làng xã, các tập quán lâu đời,..mỗi vùng mỗi miền lại khác nhau rất phong phú. Cái chung sâu sắc hơn vì người nông dân dù ở đâu cũng rất cần cù lao động, có khả năng chịu đựng được những khó khăn trong cuộc sống.
+ Cái đơn nhất và cái chung có thể chuyển hóa lẫn nhau trong quá trình phát triển của sự vật. (Sự chuyển hóa từ cái đơn nhất thành cái chung là biểu hiện của quá trình cái mới ra đời thay thế cái cũ. Ngược lại sự chuyển hóa từ cái chung thành cái đơn nhất là biểu hiện của quá trình cái cũ, cái lỗi thời bị phủ định)
Ví dụ: Quá trình phát triển của sinh vật, xuất hiện những biến dị ở một hoặc ít cá thể riêng biệt, biểu hiện thành đặc tính mà khi ngoại cảnh thay đổi nó trở nên phù hợp thì đặc tính được bảo tồn, duy trì ở nhiều thế hệ và trở thành phổ biến của nhiều cá thể. Ngược lại những đặc tính không phù hợp sẽ mất dần đi và trở thành cái đơn nhất
.
Ý nghĩa phương pháp luận
- Vì cái chung chỉ tồn tại trong cái riêng, thông qua cái riêng để biểu thị sự tồn tại của mình, nên chỉ có thể tìm cái chung trong cái riêng, xuất phát từ cái riêng, từ những sự vật, hiện tượng riêng lẻ, không được xuất phát từ ý muốn chủ quan của con người bên ngoài cái riêng.
- Cái chung là cái sâu sắc, cái bản chất chi phối cái riêng, nên nhận thức phải nhằm tìm ra cái chung và trong hoạt động thực tiễn phải dựa vào cái chung để cải tạo cái riêng. Trong hoạt động thực tiễn nếu không hiểu biết những nguyên lí chung, sẽ không tránh khỏi rơi vào tình trạng hoạt động một cách mò mẫm, mù quáng.
- Trong quá trình phát triển của sự vật, trong những điều kiện nhất định "cái đơn nhất" có thể biến thành "cái chung" và ngược lại "cái chung" có thể biến thành "cái đơn nhất", nên trong hoạt động thực tiễn có thể và cần phải tạo điều kiện thuận lợi để "cái đơn nhất" có lợi cho con người trở thành"cái chung" và "cái chung" bất lợi trở thành "cái đơn nhất".