Tóm tắt:
Du lịch cộng đồng giúp con người hòa mình vào với thiên nhiên và mang lại sự gắn kết giữa người với người. Loại hình du lịch này đã phát triển ở rất nhiều các quốc gia, các tỉnh thành, tuy nhiên, không phải nơi nào cũng có sự phát triển mạnh mẽ, mang lại nhiều nguồn thu cho người dân địa phương cũng như đảm bảo sinh kế của cộng đồng trong mối quan hệ bền vững về môi trường, văn hóa và xã hội. Qua nghiên cứu tài liệu và thực địa, tác giả nhận thấy, ngoài vai trò không thể thiếu của tài nguyên du lịch địa phương như các danh lam thắng cảnh, phong tục tập quán thì việc đảm bảo sinh kế của người dân bản địa là vô cùng quan trọng. Tuy nhiên, không phải ở bất cứ đâu, người dân địa phương cũng phát triển sinh kế thông qua thảo mãn nhu cầu, đòi hỏi của du khách, đặc biệt là du khách nước ngoài. Thông qua bài tham luận này, tác giả muốn tham góp ý kiến về việc xây dựng một cộng đồng địa phương đủ năng lực để bảo tồn, phát huy các tài nguyên của địa phương, đồng thời đủ kiến thức, năng lực, kỹ năng để phát triển sinh kế trong khi cung cấp các dịch vụ cho nhu cầu của khách du lịch.
Từ khoá: du lịch cộng đồng, nâng cao vai trò của cộng đồng, đảm bảo sinh kế
Abstract:
Community-based tourism is one of the types of tourism that helps people immerse themselves in nature and bring people-to-people cohesion. This type of tourism exists and develops in many countries and provinces; however, not all localities have strong development, bringing many sources of income to local people as well as ensure community livelihoods in environmental, cultural, and social relationships. Through document research as well as through field research, the author found that in addition to the indispensable role of local tourism resources such as landscapes, customs, and practices, ensuring local people’s livelihoods are extremely important. However, not everywhere, local people also develop their livelihoods by satisfying the needs and demands of tourists, especially foreign tourists. Through this paper, the author wants to contribute ideas on building a competent local community to conserve and promote local resources, as well as have enough knowledge, capacity, and skills to develop livelihoods while providing services to the needs of tourists.
Keyword: community-based tourism, Enhance the role of the community, livelihood warranty
I. ĐẶT VẤN ĐỀ
Theo cơ sở lý luận được nhiều tổ chức, nhà nghiên cứu đúc rút cũng như từ thực tiễn phát triển du lịch cộng đồng trên thế giới và ở Việt Nam, du lịch cộng đồng có thể hiểu là phương thức phát triển du lịch bền vững mà ở đó cộng đồng địa phương có sự tham gia trực tiếp và chủ yếu trong các giai đoạn phát triển và mọi hoạt động du lịch. Cộng đồng nhận được sự hợp tác, hỗ trợ của các tổ chức, cá nhân trong nước và quốc tế; của chính quyền địa phương cũng như chính phủ và nhận phần lớn lợi nhuận thu được từ hoạt động du lịch nhằm phát triển cộng đồng, bảo tồn, khai thác tài nguyên môi trường du lịch bền vững, đáp ứng các nhu cầu du lịch phong phú, có chất lượng cao và hợp lý của du khách, để mọi tầng lớp dân cư đều có thể sử dụng, tiêu dùng các sản phẩm du lịch. Hay nói cách khác, du lịch cộng đồng là loại hình du lịch của dân, do dân và vì dân.
Sự phát triển và mở rộng của du lịch cộng đồng ngày càng lan rộng và đang là một trong những loại hình du lịch được yêu thích trên thế giới. Trong khi thế giới đang quay cuồng với cuộc cách mạng số, con người gần như phụ thuộc hoàn toàn vào máy móc thì loại hình du lịch này như một luồng gió mới, giúp con người hòa mình trở lại vào thiên nhiên, vào cộng đồng và cho con người những phút giây trở lại với xã hội một cách nhân văn sâu sắc nhất.
Với bản sắc văn hoá dân tộc truyền thống đặc sắc, với hệ thống tài nguyên phong phú, với con người hòa đồng, thân thiện thì du lịch cộng đồng Việt Nam đang dần định hình được thị trường khách của mình. Với số lượng khách quốc tế đến hàng năm tăng dần đều trong những năm gần đây (không tính năm 2020 do ảnh hưởng Covid lên du lịch toàn thế giới) có thể nhận thấy được du lịch Việt Nam đang có những bước chuyển mình mạnh mẽ, cạnh tranh được với các quốc gia khác cùng khu vực. Năm 2019, du lịch Việt Nam đón trên 18 triệu lượt khách quốc tế, vượt qua Indonesia (khoảng 16 triệu lượt), vươn lên vị trí thứ 4 khu vực Đông Nam Á, sau Thái Lan, Malaysia và Singapore [1]. Theo Tổng cục Du lịch, đạt được kết quả trên là sự tổng hòa của nhiều điều kiện. Sản phẩm du lịch ngày càng đa dạng, phong phú với nhiều loại hình phù hợp với nhiều đối tượng khách khác nhau như du lịch biển đảo nghỉ dưỡng, sinh thái cộng đồng, mạo hiểm, đô thị, MICE… Một trong những vấn đề then chốt để du lịch Việt Nam phát triển một cách bền vững trong bối cảnh hiện này chính là làm thế nào để nâng cao nhận thức của người dân bản địa, người vừa có vai trò là đối tượng du lịch, vừa có vai trò là chủ thể của điểm đến.
II. CƠ SỞ LÝ THUYẾT
2.1. Du lịch cộng đồng là gì?
“Du lịch cộng đồng là loại hình du lịch mà ở đó cộng đồng địa phương có sự kiểm soát và tham gia chủ yếu vào sự quản lý và quản lý các hoạt động du lịch, và phần lớn lợi nhuận thu được từ hoạt động du lịch được giữ lại cho cộng đồng” [2].
Theo PGS.TS Nguyễn Văn Thanh thì “Du lịch dựa vào cộng đồng là phương thức phát triển du lịch, trong đó cộng đồng dân cư là chủ thể trực tiếp tham gia phát triển du lịch, bảo vệ tài nguyên môi trường cả về tự nhiên và nhân văn tại các điểm, khi du lịch và đồng thời được hưởng quyền lợi từ hoạt động du lịch mang lại.” [3]
Các khái niệm du lịch cộng đồng trên khác nhau về ngữ, song về nghĩa có một số đặc điểm chung khẳng định:
– Du lịch cộng đồng là “loại hình, hình thái, phương thức phát triển du lịch” có sự tham gia trực tiếp, chủ yếu của cộng đồng địa phương vào các giai đoạn, các khâu trong quá trình phát triển du lịch, nhằm bảo tồn và khai thác bền vững các nguồn tài nguyên môi trường, cộng đồng được hưởng lợi nhuận từ hoạt động hỗ trợ du lịch.
– Các khái niệm về du lịch cộng đồng nêu trên mới chú ý đến vai trò cung du lịch của cộng đồng địa phương và việc hưởng lợi ích từ du lịch của cộng đồng địa phương. Khái niệm về du lịch cộng đồng của WWF, của Nicole Hauler và của Wolfang Strasdas đã nhấn mạnh phần lớn lợi nhuận thu được từ hoạt động du lịch cộng đồng được giữ lại cho cộng đồng.
– Tất cả các khái niệm về du lịch cộng đồng của các tổ chức và các nhà nghiên cứu đưa ra ở trên mới chú ý đến vai trò của cộng đồng trong du lịch, thu hút cộng đồng địa phương tham gia vào du lịch và quyền lợi họ được hưởng từ hoạt động du lịch, chưa quan tâm đến cộng đồng địa phương trong vai trò cầu du lịch, quyền lợi và đặc điểm của khách du lịch sử dụng các sản phẩm du lịch của cộng đồng địa phương.
2.2. Vai trò của cộng đồng địa phương trong du lịch cộng đồng:
– Cộng đồng địa phương tại nơi diễn ra hoạt động du lịch là thành viên tham gia quan trọng hàng đầu với vai trò là chủ thể của các hoạt động bảo tồn và phát triển du lịch cụ thể như sau:
+ Sáng tạo, nuôi dưỡng, bảo tồn, tôn tạo và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống – nguồn tài nguyên, là sản phẩm du lịch độc đáo, có sức hấp dẫn du khách. Tiêu biểu cho các giá trị văn hóa truyền thống này là: nghệ thuật xây dựng, kiến trúc, trang trí nhà cửa, nghề sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ, nghệ thuật ẩm thực, văn hóa nghệ thuật, văn hóa ứng xử, phong tục tập quán, lễ hội, các giá trị văn học, thơ ca, văn hóa nghệ thuật, ngôn ngữ, chữ viết, các di tích lịch sử, trang phục truyền thống, kinh nghiệm sản xuất và bảo vệ tài nguyên tự nhiên, các hương ước, bài thuốc dân gian.
+ Bảo tồn, tôn tạo và khai thác tài nguyên môi trường du lịch tự nhiên: Cộng đồng địa phương là chủ sở hữu, bảo tồn hợp pháp các nguồn tài nguyên môi trường du lịch tự nhiên, nhiều cộng đồng địa phương có nhiều kinh nghiệm trong việc bảo tồn và khai thác các nguồn tài nguyên du lịch tự nhiên, họ biết vận dụng các giá trị văn hóa, phong tục, tập quán của địa phương, đặc biệt là vai trò của già làng, trưởng bản, vận dụng kinh nghiệm văn hóa bản địa, luật tục của địa phương vào việc bảo tồn, khai thác tài nguyên du lịch tự nhiên nhằm hiệu quả hơn. Cộng đồng địa phương thấy rõ việc bảo tồn, tôn tạo, khai thác bền vững nguồn tài nguyên là cho chính môi trường sống và cuộc sống của họ, tạo công ăn việc làm cho họ, mục tiêu bảo tồn vì thế sẽ được thực hiện có hiệu quả hơn. Cộng đồng thường tham gia vào việc tổ chức, quản lý, giám sát, ra quyết định trong các quy hoạch khai thác, bảo vệ tài nguyên, thu, bán vé thắng cảnh cho du khách, hướng dẫn cho du khách làm việc tại các trung tâm xúc tiến phát triển du lịch, quản lý nguồn thu lệ phí, tham gia bảo vệ rừng, tài nguyên du lịch, dọn vệ sinh và giữ gìn vệ sinh tại các khu, điểm du lịch, trồng rừng, xây dựng cơ sở hạ tầng du lịch.
+ Cộng đồng tham gia vào các hoạt động kinh doanh du lịch: Kinh doanh lưu trú, ăn uống từ cơ sở vật chất kỹ thuật sẵn có như nhà ở, phòng cho thuê được tu sửa, trang bị lại phù hợp với nhu cầu lưu trú của khách du lịch; kinh doanh ăn uống từ kinh nghiệm, kỹ năng về văn hóa ẩm thực truyền thống và nghiệp vụ, kỹ năng qua đào tạo; sản xuất và kinh doanh hàng thủ công mỹ nghệ, hàng lưu niệm phục vụ du khách; vận chuyển, mang vác đồ hàng hóa; thực hiện dịch vụ hướng dẫn tại địa phương cho khách du lịch; tham gia kinh doanh các dịch vụ khác như: dịch vụ tắm bằng lá thuốc, cho thuê xe đạp, biểu diễn văn nghệ, bán hàng chuyển bán…..
+ Tham gia trong việc lấy ý kiến, quản lý, giám sát, ra quyết định giải phóng mặt bằng, nắm quyền sử dụng đất; trong việc lập và thực hiện các quy hoạch du lịch.
+ Tham gia sản xuất các loại nông phẩm, hàng hóa cung cấp cho các hoạt động kinh doanh lưu trú, ăn uống và bán cho du khách.
+ Tham gia sản xuất đồ dùng, trang thiết bị phục vụ cho việc xây dựng và vận hành của các cơ sở kinh doanh du lịch, ví dụ như: sản xuất vật liệu, xây dựng, đồ gỗ, thảm, rèm cửa, vải phủ đệm ga, gối, đồ điện… phục vụ cho việc xây dựng và lắp đặt trang thiết bị tại các cơ sở lưu trú, ăn uống, kinh doanh lữ hành cũng như xây dựng kết cấu hạ tầng.
+ Tham gia quản lý, làm việc trong khi xây dựng cơ sở hạ tầng và cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ du lịch.
– Cộng đồng địa phương tại các vùng phụ cận: Cộng đồng địa phương tại các vùng phụ cận cũng là một thành phần thể hiện phần nào sự tham gia của mình vào hoạt động du lịch cộng đồng. Sự phối hợp của cộng đồng này góp phần tạo nên tính đa dạng và hấp dẫn cho sản phẩm của địa phương diễn ra hoạt động du lịch cộng đồng. Ví dụ: Sự hợp tác trong tạo cảnh quan chung,.. việc mở các gian hàng bán các sản phẩm đặc sản, quà lưu niệm thể hiện bản sắc của vùng miền..
III. KẾT QUẢ VÀ THẢO LUẬN
3.1. Thực trạng sinh kế của cộng đồng địa phương trong phục vụ khách du lịch
Thực tế, cộng đồng địa phương, đặc biệt là các cộng đồng nghèo sống tại những vùng có điều kiện kinh tế khó khăn, trình độ kinh tế – văn hóa hạn chế, thì nhận thức du lịch của họ thường hạn chế, chất lượng cuộc sống thấp, thiếu cơ sở vật chất kỹ thuật, vốn, chuyên môn nghiệp vụ để có thể tham gia vào các hoạt động có hiệu quả.
Đặc biệt, ở các nước đang phát triển trong đó có Việt Nam, cộng đồng dân cư địa phương tham gia vào hoạt động du lịch thường tạo ra các sản phẩm du lịch chất lượng chưa cao, đơn điệu về chủng loại, không đáp ứng được nhu cầu của khách, hiệu quả kinh doanh thấp, hoặc họ thường tham gia với tư cách là những người làm thuê, những công việc nặng nhọc, thu nhập thấp, như: sản xuất hàng thủ công, vận chuyển bằng các phương tiện thô sơ (thuyền, xe thô sơ, xe máy…), mang vác, xây dựng, phục vụ bàn, dọn buồng phòng,… những ngành nghề, vị trí việc làm không tiếp xúc trực tiếp với du khách.
Với trình độ học vấn chưa cao của một bộ phận người dân cộng đồng cũng ảnh hưởng không nhỏ đến khả năng tiếp cận, phục vụ cho khách du lịch nước ngoài. Việc hạn chế trong giao tiếp do bất đồng ngôn ngữ, do hạn chế về trình độ là một trong những điểm trừ của du lịch cộng đồng Việt Nam trong mắt du khách nước ngoài. Hầu hết mọi giao tiếp phải thông qua phiên dịch viên (hướng dẫn viên du lịch) nên sẽ hạn chế trong việc khách du lịch tiếp cận văn hoá bản địa thông qua, thẩm nhận giá trị của các tài nguyên thông qua chủ nhân của chúng.
Chất lượng cuộc sống thấp, đặc biệt ở những nơi có các tộc người thiểu số sinh sống mới làm du lịch, với đặc điểm của nền văn hóa dễ bị xâm hại, làm tổn thương thì việc tham gia các hoạt động du lịch, cùng với tác động từ khách du lịch nếu không được quy hoạch hợp lý, đúng đắn, khoa học sẽ dễ gây các tác động tiêu cực đến tài nguyên, môi trường, KT – XH cũng như chất lượng cuộc sống của cộng đồng và cho chính hoạt động du lịch.
Tuy nhiên, quá trình phát triển du lịch cộng đồng tại Việt Nam không phải lúc nào cũng diễn ra theo kế hoạch đã lập và mong muốn. Bởi vì trong số những người dân, bên cạnh những người tốt, cởi mở, thân thiện, lịch sự, chân thật, có một số người do vô tình, do nhận thức chưa đầy đủ về các mục tiêu phát triển du lịch, hoặc do thiếu ý thức, bảo thủ, chậm đổi mới đã vô tình hay cố ý không hiểu những tác động tích cực mà hoạt động du lịch mang lại cho cộng đồng nên họ có những hành vi tiêu cực với du khách và cộng đồng như: gây gổ với du khách, gây mất đoàn kết trong cộng đồng, không ủng hộ các kế hoạch xây dựng kết cấu hạ tầng, các công trình công cộng hoặc không nhận đền bù đất đai, gây khó khăn cho việc giải phóng mặt bằng, nắm quyền sử dụng đất của các dự án quy hoạch phát triển du lịch…. Do vậy, những người tổ chức lập quy hoạch phát triển du lịch cộng đồng cần phải khảo sát, nghiên cứu kỹ lưỡng về các thành viên của cộng đồng tham gia vào hoạt động du lịch, phát hiện những người có những biểu hiện tiêu cực; không ủng hộ kế hoạch phát triển du lịch, từ đó có các giải pháp khoa học khéo léo, khắc phục những mâu thuẫn, những hạn chế do những người này gây ra bằng cả “tình” và “lý”.
3.2. Giải pháp đảm bảo sinh kế của cộng đồng địa phương trong phục vụ khách du lịch
Với vai trò của người dân bản địa trong việc phát triển du lịch cộng đồng tại các địa phương, tác giả nhận thấy việc đảm bảo sinh kế của người dân bản địa trong công tác phát triển du lịch sẽ góp phần nâng cao chất lượng phục vụ khách du lịch, hoàn thiện hình ảnh du lịch Việt Nam trong mắt bạn bè quốc tế. Việc đảm bảo sinh kế cho người dân cộng đồng cần thiện hiện trên các giải pháp được đề xuất như sau:
Thứ nhất, nhóm giải pháp đối với người dân cộng đồng. Từng bước, từng giai đoạn nâng cao trình độ học vấn của người dân cộng đồng. Tạo điều kiện thuận lợi cho cộng đồng trong việc nâng cao trình độ học vấn, nhận thức của bản thân, khuyến khích trẻ đến trường bằng nhiều hình thức như việc miễn, giảm học phí cho các đối tượng đi học; cử tuyển hay tặng học bổng cho người dân tộc thiểu số, miền núi được theo học tại các lĩnh vực phục vụ công tác quản lý du lịch cũng như dịch vụ du lịch. Với những đối tượng là cộng đồng đang nằm trong độ tuổi lao động thì thường xuyên tổ chức những chương trình tập huấn thường kỳ (dài hạn – ngắn) về du lịch, nghiệp vụ du lịch bởi các tổ chức của Chính phủ, phi Chính phủ, các tổ chức giáo dục có uy tín, trước tiên để trang bị kiến thức, nghiệp vụ cho họ đồng thời tạo giúp họ nhận thấy tầm quan trọng cũng như những hiệu quả về mặt kinh tế, xã hội khi phát triển du lịch tại địa phương. Từ đó hình thành được nhu cầu được phục vụ, cống hiến cho ngành du lịch của các đối tượng. Đây là nhóm giải pháp mang tính lâu dài, một mặt thì trạng bị thêm kiến thức, kỹ năng cho lực lượng lao động hiện thời; một mặt đầu tư phát triển lâu dài cho nhóm đối tượng là lực lượng lao động tương lai. Với nhóm đối tượng đang và sẽ phục vụ cho ngành du lịch thì cần phải được định hướng về tư tưởng, đạo đức, ý thức bảo vệ môi trường sống của mình cũng chính là đối tượng tham quan của khách du lịch. Chỉ khi mỗi cá nhân trong cộng đồng có ý thức bảo vệ tài nguyên nơi mình sinh sống thì mới tạo được một cộng đồng có ý thức vững mạnh, mới hướng tới được sự phát triển lâu dài, bền vững của cả kinh tế, xã hội, ổn định chính trị khu vực cũng như quốc gia.
Thứ hai, đảm bảo được nguồn thu nhập ổn định, đáp ứng được nhu cầu tối thiểu của người dân địa phương bằng việc lôi kéo càng nhiều người tham gia vào hoạt động du lịch càng tốt. Trước hết, đây là phương án cải thiện được số lực lượng lao động dư thừa, và sau đó là cơ cấu lại công việc tại địa phương đó, hạn chế sự phụ thuộc vào thiên nhiên (như nông, lâm, ngư nghiệp v.v). Với những địa phương mới tham gia vào hoạt động du lịch cộng đồng thì cần có những chính sách hỗ trợ đặc biệt theo từng giai đoạn để giúp cho người dân làm quen sau đó chủ động được khi tham gia hoạt động du lịch. Giai đoạn đầu tiên, cộng đồng địa phương rất cần sự ổn định về số lượng khách để duy trì được tối thiểu việc vận hành cơ sở lưu trú, nhà hàng phục vụ ăn uống, dịch vụ hướng dẫn, dịch vụ bổ sung v.v bằng cách chính quyền địa phương, các doanh nghiệp du lịch hỗ trợ việc đưa khách về các cơ sở này. Sau giai đoạn này, khi cộng đồng địa phương đã làm quen và vận hành các công việc một cách thành thạo thì tiến đến giai đoạn tiếp theo là trao quyền cho doanh nghiệp du lịch và người dân địa phương chủ động thoả nhường việc đón, tiếp và trả khách. Đây là một giai đoạn khẳng định được cộng đồng địa phương có thể cạnh tranh và phát triển được hay không. Đối với những hộ gia đình không có khả năng cạnh tranh trực tiếp thì chính quyền địa phương cũng nên có những đánh giá kịp thời để quyết định nên hỗ trợ tiếp tục các hộ gia đình này làm du lịch hay chuyển đổi hình thức kinh doanh khác v.v.
Thứ ba, thành lập quỹ hỗ trợ các hoạt động cộng đồng với nguồn thu được trích trực tiếp từ hoạt động du lịch của địa phương thu trên mỗi du khách. Quỹ hỗ trợ này được chi tiêu công khai, minh bạch và được giám sát bởi người dân cộng đồng nhằm đảm bảo tiền được tiêu đúng mục đích. Quỹ sẽ được sử dụng trong việc hỗ trợ địa phương tôn tạo, bảo tồn các tài nguyên du lịch; hỗ trợ người dân trong y tế, giáo dục; hỗ trợ các khoản phúc lợi xã hội và hỗ trợ người dân cải thiện lại không gian sống và không gian phục vụ khách du lịch. Khoản thu được thu trực tiếp từ các cơ sở kinh doanh du lịch trên mỗi khách, đảm bảo thu đúng, thu đủ và sử dụng hợp lý. Quỹ được thành lập và sử dụng còn đánh dấu tính trách nhiệm của người dân với cộng đồng sinh sống. Có như vậy thì khi bất cứ hộ gia đình nào gặp khó khăn cũng nhận được sự giúp đỡ nhanh chóng nhất từ cộng đồng địa phương, đảm bảo tính cố kết cộng đồng được hình thành từ bao đời nay. Ngoài ra, quỹ còn được sử dụng trong việc hỗ trợ những hộ gia đình tập trung làm sống lại những nghề truyền thống mà không có được nguồn thu nhập ổn định. So với việc kinh doanh những sản phẩm thủ công, mỹ nghệ đại trà, nhập khẩu với số lượng lớn thì việc kinh doanh những mặt hàng truyền thống gặp nhiều khó khăn hơn do tốn nhiều thời gian sản xuất cũng như tốn nhiều công sức trong việc tạo ra sản phẩm. Vì vậy quỹ còn hỗ trợ những hộ gia đình chấp nhận kinh doanh và sản xuất những mặt hàng truyền thống đó. Việc này đảm bảo được công việc bảo tồn làng nghề truyền thống tại địa phương đồng thời đảm bảo được sinh kế cho người dân cộng đồng có nghề gia truyền.
Thứ tư, Chính quyền địa phương phải được đảm bảo đều là người dân địa phương, được Chính phủ lựa chọn để làm việc cho chính phủ mà không phải là người dân của địa phương khác. Điều này được lý giải là Chính phủ muốn người quản lý trực tiếp người dân phải am hiểu về môi trường, cuộc sống và con người nơi đây để đảm bảo họ có cái nhìn khách quan nhất về hoạt động du lịch của địa phương mình. Đặc biệt, Chính phủ muốn khơi dậy tình yêu quê hương của mỗi người dân bản địa để họ toàn tâm toàn ý vào việc phát triển hoạt động du lịch tại đây. Mỗi thành viên trong bộ máy chính quyền được nhận lương từ 2 nguồn, một nguồn là lương do Chính phủ chi trả và một nguồn là từ quỹ hỗ trợ của địa phương. Đây là một điểm vô cùng quan trọng. Vì các thành viên này có nguồn thu nhập đảm bảo cho cuộc sống của cá nhân và gia đình nên họ sẽ có sự công tâm trong công việc. Đây là điều kiện để họ có thể không để đồng tiền chi phối các hoạt động quản lý của mình.
Thứ năm, 100% hướng dẫn viên và những người phục vụ trong hoạt động du lịch tại địa phương phải là người dân bản địa. Họ sẽ được đào tạo ban đầu nhưng sau đó, mỗi cá nhân đều tự trau dồi bản thân để có thể phục vụ du khách một cách tốt nhất. Như vậy, họ có công ăn việc làm, có thu nhập nuôi sống gia đình và bản thân. Bên cạnh đó, họ tăng thêm tình yêu quê hương, đất nước và họ muốn giới thiệu vẻ đẹp của nước đến với bạn bè quốc tế.
IV. KẾT LUẬN
Du lịch cộng đồng giúp xóa đói giảm nghèo, tạo công ăn việc làm cho người dân địa phương, cải tạo và bảo vệ được môi trường, bảo tồn tôn tạo các di tích của địa phương. Đây có thể nói là sự phát triển có tính bền vững vì đảm bảo được an sinh của xã hội cũng như tính bền vững của môi trường. Khi sinh kế của người dân cộng động được đảm bảo thì người dân mới có thể yên tâm làm việc, cống hiến và sáng tạo, trong lao động – ở đây chính là hoạt động đón tiếp khách du lịch quốc tế. Khi sinh kế được đảm bảo thì mỗi người dân cộng đồng khi tham gia du lịch sẽ trở thành những sứ giả du lịch thực thụ trong lòng khách quốc tế. Sự hài lòng của khách du lịch chính là thước đo về sự phát triển của hoạt động du lịch tại mỗi địa phương, góp phần củng cố, đảm bảo và nâng tầm hình ảnh du lịch Việt Nam đối với bạn bè thế giới.
TÀI LIỆU THAM KHẢO:
1. Báo cáo của các nước tại Diễn đàn Du lịch ASEAN ATF 2020
2. Quỹ bảo tồn Thiên nhiên thế giới WWF
3. “Đào tạo du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái với bảo vệ môi trường”, Tạp chí du lịch Việt Nam số 11, 2005, tr. 21
Ths Nguyễn Ngọc Linh
Khoa Văn hóa Du lịch – Trường Đại học Văn hóa Hà Nội