Trung tâm học tập cộng đồng: Hiệu quả và những khó khăn
Trung tâm học tập cộng đồng (TTHTCĐ) được thành lập tại các xã, phường, thị trấn chính là các cơ sở giáo dục thường xuyên, hoạt động theo nguyên tắc vì dân, do dân, của dân, phục vụ nhu cầu học tập của người dân địa phương.
Thống kê của Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) cho thấy, toàn tỉnh hiện có 116 TTHTCĐ được duy trì hoạt động thường xuyên, đều khắp. Theo đánh giá mức độ hoạt động của các TTHTCĐ từ phía các cơ quan chuyên môn về bộ máy quản lý, tổ chức hoạt động, huy động sự tham gia của xã hội…trong tổng số 116 TTHTCĐ, có trên 41% trung tâm hoạt động hiệu quả, còn lại là các trung tâm hoạt động khá, không có trung tâm yếu kém.
Cũng theo đánh giá này, các TTHTCĐ trên địa bàn tỉnh hiện đã từng bước đáp ứng được nhu cầu học tập đa dạng của người dân.
Học sinh Trường THCS Lương Khánh Thiện (TP. Phủ Lý) hào hứng tham gia buổi tìm hiểu giới tính do TTHTCĐ phường phối hợp tổ chức.
Hằng năm, các TTHTCĐ đã tổ chức được nhiều hoạt động với các nội dung ngày càng đa dạng, phong phú. Hoạt động giáo dục thường xuyên tại các trung tâm cơ bản theo sát yêu cầu học tập của người học, giúp người học cập nhật kiến thức, kỹ năng, chuyển giao công nghệ với 5 chương trình cơ bản: giáo dục pháp luật, giáo dục văn hóa-xã hội, giáo dục bảo vệ môi trường, giáo dục bảo vệ sức khỏe, giáo dục phát triển kinh tế.
Bên cạnh đó, hầu hết các trung tâm đã phát huy và khai thác tốt sự phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể của địa phương xây dựng các chuyên đề phù hợp với nguyện vọng học tập của nhân dân. Trong đó, chủ yếu tập trung vào các vấn đề về kỹ thuật chăn nuôi, gieo trồng thâm canh, các buổi nói chuyện về thời sự chính trị, văn nghệ, chăm sóc sức khỏe người cao tuổi…
Hình thức, thời gian tổ chức lớp học theo chuyên đề cũng được cải tiến, tạo sự hấp dẫn, thu hút nhiều người dân tham gia. Một số TTHTCĐ ở khu vực nông thôn phát huy tích cực vai trò của mình trong việc tổ chức cho người dân địa phương học tập các chuyên đề về văn hóa, khoa học kỹ thuật nhằm tăng năng suất lao động, nâng cao chất lượng cuộc sống.
Như vậy, mỗi năm đã có hàng chục nghìn lượt người tham gia các lớp học do hệ thống TTHTCĐ trên địa bàn toàn tỉnh tổ chức. Năm học 2018-2019, trên cơ sở đánh giá đúng chất lượng hoạt động của các TTHTCĐ, Sở GD&ĐT đã chỉ đạo các phòng GD&ĐT xây dựng tại mỗi huyện, thành phố từ 2-3 mô hình TTHTCĐ điểm về hoạt động hiệu quả, phát triển bền vững. Đồng thời, chỉ đạo các TTHTCĐ huy động đội ngũ chuyên gia, giáo viên, báo cáo viên, những người có kinh nghiệm về các lĩnh vực xã hội tham gia xây dựng kế hoạch và định hướng phát triển các trung tâm.
Mặc dù chưa có đánh giá về hiệu quả của các mô hình TTHTCĐ điểm, song trên thực tế, hoạt động của nhiều TTHTCĐ đã nhận được sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền và người dân địa phương, góp phần không nhỏ trong việc nâng cao chất lượng hoạt động và nhân rộng mô hình.
Tuy nhiên, hoạt động của các TTHTCĐ trên thực tế vẫn đang gặp không ít khó khăn, nhất là về cơ sở vật chất, cơ chế và kinh phí hoạt động, đội ngũ.
Về cơ sở vật chất, 100% các TTHTCĐ đều chưa có được trụ sở riêng, việc tổ chức các hoạt động đều phải dựa vào các nhà văn hóa của xã, phường, thị trấn và đình làng tại các thôn xóm, khu dân cư. Do hạn chế về trang thiết bị, mỗi khi tổ chức các lớp tập huấn, cán bộ các trung tâm lại phải đôn đáo để huy động, mượn thêm các thiết bị cần thiết như: máy chiếu, mô hình… khiến chưa thể cải thiện được tình trạng dạy suông kém hiệu quả.
Đã có ý tưởng tổ chức dạy ngoại ngữ miễn phí cho công nhân khu công nghiệp nhưng không thực hiện được do chủ các doanh nghiệp không hợp tác vì có tâm lý ngại sự ràng buộc với chính quyền địa phương và vì điều kiện tổ chức lớp học không bảo đảm.
Theo Thông tư số 96/2008/TT-BTC ngày 27/10/2008 của Bộ Tài chính về việc hỗ trợ kinh phí từ ngân sách nhà nước cho các TTHTCĐ (tùy khu vực) từ 20-25 triệu đồng/năm/trung tâm nhưng đến nay, toàn bộ các TTHTCĐ trên địa bàn tỉnh đều chưa có được sự hỗ trợ này.
Không nằm trong hệ thống giáo dục quốc dân nên hoạt động của các TTHTCĐ cũng chưa có cơ chế đầu tư chính thống, không chủ động được việc xây dựng cơ sở vật chất hay mua sắm tài liệu và trang thiết bị. Vì vậy, hoạt động của các trung tâm rất khó khăn, chủ yếu nhờ vận động xã hội hóa để tạo nguồn kinh phí cho thực hiện các nhiệm vụ.
Về đội ngũ, cơ cấu cán bộ quản lý TTHTCĐ gồm có 1 giám đốc (là phó chủ tịch UBND xã, phường, thị trấn), 1 phó giám đốc (là hiệu trưởng hoặc hiệu phó trường THCS), 1 phó giám đốc (là chủ tịch hội khuyến học xã), 1 giáo viên trường THCS hoặc tiểu học.
Cơ cấu này được xem là tương đối gọn nhưng do đều phải làm việc theo chế độ kiêm nhiệm, hay bị thay đổi vị trí công tác, chưa được trang bị đầy đủ kiến thức quản lý nhà nước, kiến thức chuyên môn, nghiệp vụ nên bị hạn chế nhiều về năng lực, làm nảy sinh tình trạng làm việc hình thức, hời hợt, kém hiệu quả ở một bộ phận cán bộ TTHTCĐ…
Các TTHTCĐ đang rất cần sự chăm sóc tháo gỡ dần những khó khăn vất vả này để hoàn toàn có thể phát huy tốt hơn vai trò của mình trong thực tiễn.
Thanh Hà
Thanh Hà