Từ xa xưa, cha ông ta đã đúc kết, khái quát vai trò của người chồng và người vợ trong gia đình qua câu tục ngữ “Đàn ông xây nhà, đàn bà xây tổ ấm”. Câu nói đơn giản, dễ hiểu nhưng đã thể hiện thiên chức, vai trò của mỗi người trong gia đình. Trải qua bao nhiêu biến động của thời gian, lịch sử xã hội, dù đã có nhiều biến đổi nhưng những giá trị cốt lõi của vai trò của người đàn ông trong gia đình vẫn còn nguyên giá trị.
Vai trò của người đàn ông trong xã hội xưa với tư tưởng nho giáo phong kiến, trọng nam:
Người đàn ông là người chủ trong gia đình, quyết định mọi việc lớn nhỏ trong gia đình. Về cơ bản thì người đàn ông phải lo việc kiếm sống, duy trì cuộc sống gia đình. Tuy nhiên đôi khi người phụ nữ phải làm cả những việc nặng nhọc, lo cuộc sống, phụng dưỡng cha mẹ, dạy bảo con cái.
Người đàn ông trong xã hội xưa trọng khoa cử, vinh quang danh vọng của dòng tộc, gia đình đều phụ thuộc vào người đàn ông.
Người phụ nữ không có tiếng nói trong gia đình, phụ thuộc hoàn toàn và chịu sự sắp đặt của cha mẹ, chồng và con trai. Do đó việc không có con trai nối dõi tông đường là bất hiếu lớn nhất.
Vai trò của người đàn ông trong gia đình thời nay
Về cơ bản vẫn giữ những giá trị tốt đẹp cốt lõi của thời xưa, có sự biến đổi phù hợp điều kiện thực tiễn ngày nay. Dù thời nào, người đàn ông vẫn là trụ cột gia đình, là nơi để vợ con dựa vào “con không cha như nhà không nóc”.
Người đàn ông vẫn giữ trách nhiệm chính trong việc làm kinh tế, đảm bảo cuộc sống vật chất của gia đình.
Chia sẻ với những người phụ nữ việc nhà, nuôi dưỡng và chăm sóc con cái. Ông và cha trong gia đình còn có trách nhiệm giáo dục, nuôi dạy con cháu. Dạy con cháu những điều hay lẽ phải, những kiến thức, kỹ năng sống. Bản thân họ cũng là tấm gương cho con cháu trong nhà noi theo. Xã hội càng phát triển hiện đại thì vai trò của người ông, người cha càng quan trọng hơn. Nghiên cứu khoa học chứng minh là cha càng dành nhiều thời gian vui chơi, dạy bảo con thì con sẽ càng thông minh, tự tin và mạnh mẽ hơn. Đây có lẽ là điểm khác biệt tiến bộ nhất so với thời trước khi mà trách nhiệm nuôi dạy con hoàn toàn thuộc về người phụ nữ “con hư tại mẹ, cháu hư tại bà”.
Những người đàn ông lớn tuổi còn có vai trò là “người phán xử”, hòa giải những mâu thuẫn giữa các thành viên trong gia đình, trong dòng tộc và cả hàng xóm láng giềng. Họ chính là nhân tố quan trọng để tăng cường các mối quan hệ tốt đẹp trong gia đình.
Người đàn ông còn có vai trò quan trọng, quyết định đến việc thực hiện phòng, chống bạo lực gia đình, bình đẳng giới trong gia đình, dân số kế hoạch hóa gia đình…
Người đàn ông còn là chỗ dựa tinh thần vững chắc, chia sẻ với vợ con những tâm tư tình cảm, những nỗi lo toan phiền muộn của cuộc sống; cùng nhau xây dựng cuộc sống gia đình hạnh phúc.
Thực tế ngày nay số các gia đình mẹ đơn thân ngày càng nhiều do nhiều nguyên nhân. Làm mẹ đơn thân, không có sự đồng hành của người đàn ông, người phụ nữ vất vả hơn bội phần.
Đánh giá của fan hâm mộ post