(QK7 Online)- Những ngày qua, đồng bào các tỉnh bắc miền Trung, nhất là hai địa phương Hà Tĩnh và Quảng Bình đang gồng mình vượt qua bao nỗi khó khăn, bởi cơn bão số 10 với sức tàn phá khủng khiếp càn quét trên vùng đất gian khó này. Sau mưa, bão, hàng chục nghìn ngôi nhà bị ngập và hư hỏng; hàng vạn héc-ta hoa màu chìm sâu trong nước; hàng vạn gia súc, gia cầm bị lũ cuốn trôi. Sau lũ, hệ thống trường học, bệnh xá bị ngập, đồ dùng giảng dạy, dụng cụ y tế bị nước cuốn trôi…
Ảnh: dantri.com.vn
Với tinh thần “tương thân tương ái”, tất cả đồng bào, đồng chí đều hướng về miền Trung bằng những hành động ý nghĩa, thiết thực nhất. Trong mưa bão, hình ảnh cán bộ, chiến sĩ các đơn vị quân đội, công an, lực lượng dân quân, tự vệ đội mưa, đội gió giúp dân chằng chống nhà cửa, đê điều…; dầm mình trong lũ khẩn trương sơ tán nhân dân đến nơi an toàn. Hình ảnh các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước kịp thời về thăm hỏi, động viên bà con vùng tâm bão; chỉ đạo cấp ủy, chính quyền địa phương và LLVT dốc sức giúp dân khắc phục hậu quả… đã giúp đồng bào vùng bão, lũ vững tin vượt qua cơn hoạn nạn.
Với truyền thống đạo lý “lá lành đùm lá rách”, trong những ngày tới, các nhóm sinh viên đến từ mọi miền quê lại tổ chức các hoạt động thiện nguyện. Những em học sinh không ngần ngại đập heo đất lấy tiền mua sách vở gửi tặng các bạn vùng bão, lũ. Cán bộ, chiến sĩ từ thành thị, nông thôn cho tới biên giới, hải đảo xa xôi lại tiếp tục tự nguyện trích những đồng lương của mình để ủng hộ đồng bào miền Trung. Hình ảnh những tăng ni, phật tử tích cực vận động quyên góp quần áo, chăn màn, nhu yếu phẩm gửi tặng bà con… sẽ góp phần làm ấm lòng người dân vùng lũ. Những việc làm nghĩa tình ấy thể hiện tinh thần đoàn kết, lòng nhân ái, tình yêu thương con người gắn với yêu quê hương, đất nước.
Có thể nói, chính sự chung tay góp sức của cả cộng đồng hướng về miền Trung với tinh thần “tương thân tương ái” sẽ góp phần giúp đồng bào vùng bão, lũ không còn cảnh thiếu gạo, thiếu mì ăn liền và nhu yếu phẩm. Nỗi lo của người dân là thiếu những đồ dùng sinh hoạt hằng ngày như chăn, màn, nồi, niêu, bếp núc… Điều khiến nhiều người dân lo nhất giờ đây là vấn đề cây giống, con giống và vật liệu xây dựng, vật tư nông, lâm nghiệp để họ có thể sớm dựng lại nhà cửa, khôi phục sản xuất, từng bước ổn định cuộc sống lâu dài.
Dẫu xa muôn trùng tình Nam nghĩa Bắc, chung một tấm lòng cùng hướng về miền Trung, những ngày tới sẽ còn rất nhiều đơn vị, doanh nghiệp và các nhà hảo tâm về vùng bão, lũ cứu trợ đồng bào. Để những món quà đến với bà con đúng đối tượng, bảo đảm sự công bằng và thực sự có ý nghĩa, các địa phương cần nắm vững và giới thiệu cho các đơn vị, tổ chức danh sách những gia đình bị thiệt hại nặng nề trong cơn bão số 10 vừa qua để kết nối, điều phối hiệu quả. Để tính đến kế sách lâu dài cho sự ổn định và phát triển đời sống, Đảng và Nhà nước cần có thêm những chính sách đặc thù hỗ trợ người dân vùng lũ. Cấp ủy, chính quyền địa phương cần lắng nghe ý kiến, đề nghị của nhân dân, biết lo cho dân như lo cho mình.
Cha ông ta có câu: “Qua cơn hoạn nạn mới hiểu tận lòng nhau”. Trong cơn khốn khó, dăm cân gạo, mươi thùng mì ăn liền, vài chục chai nước ngọt… và những đồ dùng thiết yếu khác đều đáng quý, đáng trân trọng. Thiết nghĩ, lúc này nhân dân vùng bão, lũ rất cần những thứ như: Cây giống, con giống, vật tư nông, lâm nghiệp để khôi phục sản xuất, từng bước ổn định đời sống. Hãy hướng về miền Trung với tinh thần “tương thân tương ái” và bằng những tấm lòng nhân ái, bao dung.
PHAN TIẾN DŨNG