Thế hệ mỗi chúng ta, ai cũng trải qua những năm tháng tuổi thơ hồn nhiênbên những trò chơi bằng lá cây làm con vật, làm kèn thổi, những chiếc vòng được sâu từ hoa của cây trứng gà, những chiếc vòng tay được quấn bởi những sợi dây tơ hồng, những sợi rơm nếp được đan tết thành những chiếc chổi nhỏ nhỏ xinh xinh… Đối với trẻ nhỏ, đồ chơi là một nhu cầu thiết yếu, không thể thiếu được trong cuộc sống hàng ngày.
Có thể nói rằng đồ chơi là nhu cầu tự nhiên, là món ăn tinh thần không thể thiếu được đối với trẻ mầm non. Để thỏa mãn hoạt động vui chơi của trẻ, bên cạnh những đồ chơi bán ngoài thị trường, chúng ta có thể cho trẻ tự làm ra đồ chơi. Đồ chơi tự tạo được làm từ các nguyên liệu thiên nhiên, phong phú, đa dạng, dễ kiếm dễ làm gần gũi với trẻ. Sự đa dạng của nguyên vật liệu thiên nhiên, đã thu hút được sự chú ý của trẻ, mang lại cho trẻ niềm say mê hứng thú. Chính những nguyên liệu đơn giản sẵn có trong cuộc sống hàng ngày là những đồ chơi có giá trị giúp trẻ phát triển tư duy, trí tưởng tượng cho trẻ. Ưu điểm nổi bật của đồ chơi từ nhiên là sẵn có, thường xuyên đổi mới, phong phú, đa dạng và đặc biệt sáng tạo.
Bên cạnh đồ chơi làm từ nguyên vật liệu thiên, trong cuộc sống sinh hoạt của mỗi gia đình chúng ta hàng ngày có rất nhiều các sản phẩm bị loại bỏ sau khi sử dụng, đó là những chai dầu gội, những vỏ hộp thuốc, vỏ hộp sữa chua, vỏ hộp bánh quy bằng sắt, những chiếc bát giấy, cốc giấy dùng 1 lần… đó là nguồn vật liệu vô cùng phong phú và đa dạng mà chúng ta có thể tận dụng để làm những đồ chơi hữu ích cho trẻ. Mỗi chúng ta có ý thức thu gom, chọn lọc từ những phế thải đó và có ý tưởng để tạo ra các đồ dùng đồ chơi không kém phần phong phú như làm cây đàn từ vỏ hộp bánh bằng sắt, vỏ hộp sữa chua làm đoàn tàu hỏa, làm con công, chai sửa tắm dầu gội làm chim cánh cụt, vỏ ngao làm đàn cá hay những vỏ quả trứng bằng nhựa làm đán cá, đàn gà, bát giấy làm thành mũ … Từ những sản phẩm đó ta có thể dùng để cho trẻ học toán, học chữ cái hay trưng bày ở các góc cho trẻ chơi trong hoạt động góc. Làm được những đồ chơi như vậy chúng ta sẽ tiết liệm được tiền mua sắm vật liệu, tạo ra nhiều đồ chơi mang tính sáng tạo, phong phú cho lớp học của mình.
Thông qua việc làn đồ dùng, đồ chơi từ các nguyên liệu phế thải nhằm tuyên truyền tới mọi người xung quanh trong đó có trẻ và phụ huynh học sinh về việc bảo vệ môi trường, giảm thiểu lượng rác thải, giảm chi phí cho việc xử lí rác thải trong vệ sinh môi trường.
Xác định được tầm quan trọng của đồ dùng, đồ chơi trong việc giáo dục trẻ, bản thân tôi luôn có ý thức sưu tầm các nguyên vật liệu thiên nhiên, các nguyên vật liệu phế liệu, học hỏi, tìm tòi và sáng tạo ra những đồ dùng đồ chơi đảm bảo tính thẩm mĩ đồng thời mang lại hiệu quả cao cho hoạt động của trẻ.
Để trẻ cũng tạo ra những sản phẩm đẹp, những đồ dùng đồ chơi có sáng tạo từ những vật liệu thiên nhiên phế thải thì giáo viên phải hướng dẫn cho trẻ cách làm thật tỉ mỉ dưới nhiều hình thức khác nhau thông qua các hoạt động của trẻ
Bên cạnh đó luôn rèn cho trẻ biết cách sắp xếp, thu dọn sản phẩm mọt cách gọn gàng ngăn lắp và biết thích thú với việc tạo ra sản phẩm, giúp trẻ tự tin, chủ động trong quá trình hoạt động và biết giữ gìn những sản phẩm mà cô và trò cùng làm ra. Dưới đây là một số hình ảnh đố dùng, đồ chơi bằng các nguyên vật liệu thiên nhiên, phế thải do cô và trò lớp A3 thực hiện:
Đồ dùng, đồ chơi là người bạn thân thiết, là món ăn tinh thần không thể thiếu được đối với trẻ Mầm non. Trẻ được say mê, hoạt động nhằm phát triển ở trẻ tư duy, trí tuệ, tình cảm và thẩm mĩ…
Làm đồ dùng, đồ chơi là một hoạt động vô cùng bổ ích và cần thiết đối với mỗi giáo viên. Để thực hiện tốt được hoạt động này theo tôi nghĩ giáo viên cần phải tích cực học hỏi, tìm tòi sáng tạo, phải thực sự hiểu được ý nghĩa và tác dụng của đồ chơi làn từ nguyên liệu thiên nhiên, phế liệu, từ đó đem kiến thức kĩ năng để dạy trẻ để trẻ tự mình sáng tạo ra sản phẩm và thành quả của trẻ.
Tác giả: Hoàng Thị Thúy