1. Cuộc sống gian khổ của nhân dân Cao – Bắc – Lạng và tội ác của giặc Pháp đã được diễn tả như thế nào ?
2. Nét độc đáo trong cách thể hiện niềm vui Cao – Bắc – Lạng được giải phóng qua phần đầu và phần cuối của bài thơ ?
3. Phân tích màu sắc dân tộc được biểu hiện qua cách sử dụng hình ảnh của tác giả.
Lời giải:
I. Tác giả & tác phẩm
1. Tác giả
Nông Quốc Chân (1923 – 2002), tên khai sinh là Nông Văn Quỳnh, dân tộc Tày, quê ở xã Châu Khê (nay là xã Cốc Đán), huyện Ngân Sơn, tỉnh Bắc Cạn.
Đóng góp nổi bật của ông trong lĩnh vực sáng tác là thơ. Thơ Nông Quốc Chấn mang cảm xúc chân thành, chất phác, lời thơ toát lên nét riêng biệt trong suy tư và diễn đạt của người miền núi: giản dị, tự nhiên và giàu hình ảnh.
2. Tác phẩm
Dọn về làng (1950) là bài thơ viết về quê hương tác giả trong những năm kháng chiến chống thực dân Pháp nhiều đau thương mà anh dũng. Bài thơ được trao giải Nhì tại Đại hội liên hoan thanh niên và sinh viên thế giới ở Béc – lin, sau đó được dịch đăng lên tạp chí Châu Âu.
II – Hướng dẫn soạn bài
Câu 1 – Trang 141 SGK ngữ văn 12 tập 1: Cuộc sống gian khổ của nhân dân Cao – Bắc – Lạng và tội ác của giặc Pháp đã được diễn tả như thế nào ?
Trả lời
* Cuộc sống gian khổ của nhân dân Cao – Bắc – Lạng được thể hiện qua những hình ảnh:
Mấy tháng năm qua quên tết tháng giêng, quên rằm tháng bảy
Chạy hết núi khe, cay đắng đủ mùi
….
Đường đi lại vắt bám đầy chân
…
Mẹ địu em chạy tót lên rừng
Lần đi trước, mẹ vẫy con sau lưng
Tay dắt bà, vai đeo đầy tay nải
Bà bị loà mắt không biết lối đi
→ Những chi tiết được liệt kê cho ta thấy, những gian khổ của người dân Cao – Bắc – Lạng đã diễn ra trong một thời gian kéo dài, từ năm này qua năm khác, từ ngày này qua ngày khác, họ sống trong sự nơm nớp, lo sợ, quên đi cả những ngày lễ cổ truyền quan trọng, luôn luôn phải đề phòng để đảm bảo sự sinh tồn cho chính mình. Công cuộc chạy giặc, đi sơ tán, trở thành một nếp sống mới, đi sâu vào tiềm thức của người dân, trong họ không còn sự vui tươi, bình yên, mà thay vào đó là sự sợ hãi, lo sợ trước sự truy lùng của giặc Tây
* Tội ác của giặc Pháp:
– Súng nổ, giặc Tây lại đến lùng
– Từng cái làn đốt trơ trụi
– Cha bị bắt, bị đánh chết
– Chôn cất cha; bằng khăn của mẹ; liệm bằng áo của con
– Máu đầy tay, nước tràn đầy mặt
→ Những tội ác được diễn tả rất chân thực, thể hiện thái độ căm thù của tác giả, của những người dân Cao – Bắc – Lạng trước những tội ác xấu xa mà thực dân Pháp đã mang đến. Những tội ác ấy không khỏi khiến người đọc cảm thấy xót xa, đau đớn, cho những kiếp người thời gian khổ nghèo khó ấy. Để rồi sự căm thù ấy đẩy đến đỉnh điểm với câu thơ “Mày sẽ chết, thằng giặc Pháp hung tàn băm xương thịt mày mới hả”.
Câu 2 – Trang 141 SGK ngữ văn 12 tập 1: Nét độc đáo trong cách thể hiện niềm vui Cao – Bắc – Lạng được giải phóng qua phần đầu và phần cuối của bài thơ ?
Trả lời
– Bài thơ được xây dựng theo kết cấu: hiện tại – quá khứ – hiện tại. Hai đoạn thơ đầu và cuối thể hiện niềm vui mừng, hân hoan của người dân Cao – Bắc Lạng trong khung cảnh chiến thắng dân làng được tự do, không phải sống trong cảnh nơm nớp lo sợ, mọi người nô nức dọn về làng. Mở đầu bài thơ là niềm vui hân hoan khi quê hương hoàn toàn được giải phóng, kết thúc bài thơ là cảnh nô nức, vui tươi khi người dân dọn về làng bắt đầu quay về với nhịp sống cũ.
– Niềm vui của nhân dân khi quê hương được giải phóng được thể hiện qua những hình ảnh, từ ngữ: Cười vang, người xuống làng, người nói cỏ lay, cuốc đất dọn cỏ, kêu vang tiếng ô tô, ríu rít tiếng cười con trẻ, khói bếp bay trên mái nhà lá,… Tác giả sử dụng hình ảnh và từ ngữ có yếu tố tăng dần về cảm xúc, diễn tả sự vui mừng hồ hởi, hân hoan khi quê hương hương đã trở lại cuộc sống thanh bình.
– Cách sử dụng ngôn từ và hình ảnh của tác giả rất tự nhiên, mộc mạc, đậm chất miền núi, chất phác chân thực.
– Giọng điệu thơ tươi vui, và sung sướng, đối lập với sự uất hận căm thù ở đoạn giữa, tạo nên sự cân bằng phong phú trong giọng điệu của toàn bài thơ.
Câu 3 – Trang 141 SGK ngữ văn 12 tập 1: Phân tích màu sắc dân tộc được biểu hiện qua cách sử dụng hình ảnh của tác giả.Trả lời
Tác giả sử dụng những hình ảnh rất giản dị, gần gũi với cuộc sống hằng ngày, cùng với lối diễn đạt tự nhiên, chất phát, gần như thấy gì nói nấy, không quá hoa mĩ, cầu kỳ. Dù miêu tả trực tiếp, hay gián tiếp nhưng đều thể hiện cái nhìn rất mộc mạc, giản đơn, rất gần với đồng bào thiểu số:
– Hình ảnh so sánh: Người đông như kiến, súng đầy như củi, người nói cỏ lay trong rừng rậm,…
– Từ ngữ: hàng đàn; quên tết tháng giêng, quên rằm tháng bảy; mày, tao, nó ….