Với những ca khúc của nhạc sĩ Phạm Tuyên, người ta có nhiều cách để nói đến sức sống cùng thời gian. Ở vị trí Chủ tịch Hội Nhạc sĩ Hà Nội, người ta cũng có nhiều cách để nói, để ghi nhận công lao, tâm huyết của ông với thủ đô. Song, đối với nhiều thế hệ, nhạc sĩ Phạm Tuyên mãi là “Nhạc sĩ của tuổi thơ”.
Mấy chục năm nay, không biết bao nhiêu thế hệ thiếu nhi từng véo von câu hát Trường của cháu đây là trường mầm non, Cô và mẹ, Chiếc đèn ông sao… Ngồi trò chuyện với nhạc sĩ Phạm Tuyên trong căn phòng phần nhiều diện tích dành cho sách, trước nụ cười hồn hậu thường trực, tôi hiểu phần nào vì sao nhiều thế hệ thiếu nhi lại yêu mến ông đến thế.
“Không có voi to thì viết về voi con”
Trong gia tài đồ sộ của ông, có đến 200 bài hát viết tặng trẻ em. Cái duyên của ông với nhạc thiếu nhi có từ những năm ông 20 tuổi, những ngày ở chiến khu Việt Bắc ông đã viết: Lớp học ở rừng, Em vào thiếu sinh quân, Tiến lên đoàn viên, Chiếc đèn ông sao… Hai bài hát Tiến lên đoàn viên và Chiếc đèn ông sao với những tình cảm tươi vui, trong sáng còn vang mãi đến tận ngày nay.
Nhạc sĩ Phạm Tuyên
Rất nhiều địa phương nơi ông đến, ông đều có quà là những khúc ca xinh xắn cho thiếu nhi, Khánh Hòa có Tên em là Nha Trang, Hải Phòng có Bài ca măng non nơi đất cảng,Khăn quàng đỏ bên sông Hàn cho thiếu nhi Đà Nẵng… Nổi tiếng và được yêu mến nhất là bài hát cho thiếu nhi Đăk Lăk – Chú voi con ở Bản Đôn.
Năm 1983, ông cùng nhạc sĩ Nguyễn Đức Toàn, nhạc sĩ Hoàng Vân đi thực tế ở Đăk Lăk. Cán bộ tỉnh giới thiệu Buôn Đôn – nơi có truyền thống thuần dưỡng voi, đến khi ba nhạc sĩ lên Buôn Đôn, đàn voi lớn đi rừng làm việc hết, đi quanh bản chỉ toàn là voi con. Nhạc sĩ Phạm Tuyên dí dỏm: “Không có voi to thì viết về voi con vậy”, ai cũng ngỡ ông đùa, nhưng đến tối, ông mang Chú voi con ở Bản Đôn ra dạy cho các em thiếu nhi, giai điệu âm nhạc Êđê thân thuộc cùng với ca từ ngộ nghĩnh, đáng yêu đã chiếm trọn trái tim của cả trẻ em lẫn người lớn Buôn Đôn. Chú voi con ở Bản Đôn nhanh chóng trở thành biểu tượng của Đăk Lăk.
Không chỉ ở Đăk Lăk, Chú voi con ở Bản Đôn còn được báo Thiếu niên Tiền phong giới thiệu trên số Tết Trung Thu năm 1983, được đài THVN, đài TNVN, tổ chức dàn dựng và phát rộng rãi, Bộ GD&ĐT cũng đưa “Chú voi con” ấy vào sách giáo khoa lớp 4 (NXB Giáo dục năm 1984). Rồi cán bộ và nhân dân Đăk Lăk đã mời bằng được nhạc sĩ Phạm Tuyên vào Tây Nguyên để tỏ lòng tri ân, bức phù điêu chú voi Buôn Đôn bằng gỗ đã ngả màu thời gian, bao nhiêu năm qua vẫn được treo trang trọng trên tường. Ông nhớ: “Ngày bạn tôi từ Buôn Đôn ra bảo: Chú voi con năm nào anh viết giờ đã 20 tuổi rồi đấy”.
“Ăn theo” vợ
Những bài hát nhạc sĩ Phạm Tuyên viết cho thiếu nhi, ngày càng gần hơn với những lứa tuổi riêng của các em. Ngày đầu ông viết, chỉ đơn giản là cho… thiếu nhi chứ chưa rõ ràng là cho độ tuổi nào. Nhưng rồi từ chính người vợ ông là PGS.TS Nguyễn Ánh Tuyết, ông đã hiểu hơn suy nghĩ và cách nhìn của từng lứa tuổi, bà Tuyết là chuyên gia tâm lý mầm non đầu ngành của Trường ĐH Sư Phạm HN, nên ông vẫn bảo sự nghiệp sáng tác cho thiếu nhi của ông là “ăn theo” bà.
Nhạc sĩ Phạm Tuyên và vợ PGS-TS Nguyễn Ánh Tuyết. Ảnh tư liệu
Với nhạc sĩ Phạm Tuyên, những bài hát của ông dành cho thiếu nhi lại luôn được nhìn dưới góc nhìn con trẻ. Ông vẫn khiêm tốn nhận “ăn theo” bà Tuyết, nhưng có lẽ ngoài điều đó, ngoài tình yêu đối với thiếu nhi, chỉ người mang tâm hồn nhân hậu, tươi trẻ như ông mới có được cái nhìn trẻ thơ hồn nhiên, đáng yêu đến thế. Những khúc đồng dao vui tươi, quen thuộc đã được cộng thêm giá trị khi đi vào nhạc của ông, Bà còng đi chợ trời mưa, Ba bà đi bán lợn con… đã thực sự sống cùng các em thiếu nhi trên khắp mọi miền đất nước.
Có lẽ, cũng chính bởi sự hồn hậu, cởi mở, thân thiện mà trong suốt ba nhiệm kỳ giữ cương vị Chủ tịch Hội Nhạc sĩ Hà Nội, ông đã mang đến cho Hà Nội những tình cảm thật đơn sơ mà ý nghĩa. Nhạc sĩ Phạm Tuyên tự hào: “Nhiều anh em nghiên cứu ở nước ngoài bảo không có thủ đô nào trên thế giới lại được yêu mến, lại có được nhiều bài hát hay như Hà Nội đâu”. Ngay năm 1993, ông rời nhiệm vụ ở Ban thường vụ Hội Nhạc sĩ Việt Nam, anh em nhạc sĩ tín nhiệm mời ông giữ cương vị Chủ tịch Hội Nhạc sĩ Hà Nội, ông đã hướng hội hoạt động với khẩu hiệu “Hà Nội với cả nước, cả nước với Hà Nội”. Ông vào Nam, động viên anh em nhạc sĩ miền Nam viết về thủ đô, rồi động viên các nhạc sĩ Hà Nội viết về đồng bằng sông Cửu Long.
Khi ấy nhạc sĩ Hoàng Hiệp đang là Chủ tịch Hội Nhạc sĩ TP.HCM mới nói vui: “Phạm Tuyên làm Chủ tịch Hội Nhạc sĩ ngoài Hà Nội rồi, thế thì mình ra xin kết nghĩa đi”. Nhạc sĩ Phạm Tuyên nhớ “Anh em gửi ra những bài hát về Hà Nội hay lắm, chính người Hà Nội rất thích, bài Nhớ mùa Thu Hà Nội của Trịnh Công Sơn, Hà Nội niềm tin và hy vọng của Phan Nhân… Hai hội vừa kỉ niệm 15 năm ngày kết nghĩa, xúc động lắm”. Mới đây, hội nhạc sĩ các thành phố Đà Nẵng, Cần Thơ, Hải Phòng… đã đến và kết nghĩa với Hà Nội. “Thế là tôi đã thực hiện được ước vọng “Hà Nội với cả nước, cả nước với Hà Nội” rồi”.
Đã ngoại bát thập, đã giữ cương vị chủ tịch Hội Nhạc sĩ Hà Nội 3 nhiệm kỳ, song anh em nhạc sĩ thủ đô yêu mến, trọng tình yêu của nhạc sĩ Phạm Tuyên với Hà Nội vẫn đề nghị nhạc sĩ giữ cương vị Chủ tịch danh dự của Hội. Ông bảo: “Quỹ thời gian của tôi không còn nhiều, giữa lúc các em thiếu nhi đang phải chịu biết bao áp lực, thiệt thòi, tôi càng thấy mình phải viết nhiều hơn nữa cho các em”.
Theo thethaovanhoa.vn