Quần áo tái chế ngày càng được ưa chuộng.
Bài toán đau đầu
Số lượng quần áo sản xuất mới trên thế giới ngày một tăng bởi nhu cầu về thời trang của con người ngày càng lớn. Chính vì thế, trong 10 năm trở lại đây, thuật ngữ “kinh tế tuần hoàn” (circular economy) đã đi vào từ vựng của ngành thời trang, trong đó các vật liệu được thiết kế nhằm tái sử dụng và tái chế.
Kinh tế tuần hoàn là mô hình trong đó các hoạt động thiết kế, sản xuất và dịch vụ… đặt ra mục tiêu kéo dài tuổi thọ vật chất và loại bỏ tác động tiêu cực đến môi trường.
Tuy nhiên, mức độ tái chế trong lĩnh vực thời trang chưa đạt được nhiều thành tựu nổi bật như các lĩnh vực tái chế khác như nhựa. Nghiên cứu của giới khoa học chỉ ra tái chế quần áo khó hơn nhiều các sản phẩm khác.
Thực tế, hầu hết quần áo không được thiết kế để tái chế. Dù cố gắng chạy theo xu hướng này, ngành công nghiệp thời trang vẫn thiếu cơ sở hạ tầng, điều kiện cần thiết để thực sự triển khai mô hình kinh tế tuần hoàn.
Tái chế quần áo không giống như tái chế giấy, thuỷ tinh hay kim loại. Chất liệu, phong cách và mẫu mã của quần áo biến hóa vô tận và không thể đoán trước được.
Vì vậy, chúng không lý tưởng cho các công nghệ tái chế, đòi hỏi nguồn nguyên liệu ổn định và nhất quán. Ví dụ, một bộ quần áo trông có vẻ đơn giản cũng có thể chứa nhiều chất liệu vải như cotton, polyester và cotton, elestane… vô cùng cầu kỳ, tốn thời gian chọn lọc và tái chế.
Ngoài ra, các loại sợi khác nhau có khả năng tái chế khác nhau. Sợi tự nhiên như len hoặc bông có thể được tái chế cơ học. Trong quá trình này, vải được cắt nhỏ và kéo thành sợi, sau đó, sợi này được dệt hoặc dệt kim thành vải mới.
Tuy nhiên, các sợi vải bị ngắn lại trong quá trình cắt nhỏ dẫn đến chất lượng sợi và vải mới thấp hơn ban đầu. Còn bông tái chế thường được trộn với bông nguyên chất để đảm bảo chất lượng sợi tốt hơn.
Hầu hết các loại vải còn được nhuộm bằng hóa chất nên gây ảnh hưởng đến việc tái chế. Nếu vải ban đầu là hỗn hợp của nhiều màu, sợi hoặc vải mới cần phải được tẩy trắng để nhuộm thành màu mới.
Riêng sợi tổng hợp như polyester và polyamide (vải nilong) thường được tái chế qua hai hình thức là cơ học và hóa học. Về mặt hóa học, sợi tổng hợp sẽ được nấu chảy thành chất dẻo để sử dụng làm vải tái chế.
Nhưng trên thực tế, người ta thường hạn chế tái chế sợi tổng hợp thành vải do việc phân loại vải và các vật liệu khác như khuy, khóa kéo sẽ tốn công sức.
Ngoài ra, quần áo làm từ sợi tổng hợp cũng không được khuyến khích vì góp phần gây ô nhiễm vi nhựa nếu làm rụng sợi khi mặc và giặt.
Các loại quần áo phức tạp hơn như áo khoác có thể chứa 5 chất liệu khác nhau và được trang trí cầu kỳ như khuy, khóa kéo… Để đạt mục tiêu của tái chế là chất liệu mới gần như bằng với nguyên bản, trước tiên, tất cả các chất liệu, phụ kiện trong sản phẩm gốc phải được tách riêng. Điều này đòi hỏi nguồn lao động và chi phí tốn kém.
Thay đổi để đổi mới
Sau dầu mỏ, thời trang là lĩnh vực có chỉ số gây ô nhiễm môi trường lớn thứ 2. Bằng chứng là số lượng rác thải từ sản xuất và khối lượng thời trang thải ra ngoài sau khi không sử dụng tạo sức ép lớn đến môi trường. Việc tái chế vải cũng tốn nhiều công sức và thời gian.
Tuy nhiên, trong những năm gần đây, nhiều công ty thời trang như BlockTexx, Evrnu, đã phát triển quy trình tái chế sợi vải từ các loại vải pha trộn. Đơn cử, thông qua một công nghệ độc quyền, BlockTexx có thể tách hợp chất cellulose, thường có trong bông và vải lanh, và polyester khỏi quần áo cũ để sử dụng cho các sản phẩm mới.
Còn Evrnu đã thiết kế một loại vải sinh học, gọi là lyocell, được làm hoàn toàn từ chất thải dệt và quần áo đã qua sử dụng. Công ty thu hồi và phân loại tỉ mỉ từng loại chất liệu khác nhau để tạo ra sợi vải chất lượng cao qua quá trình tái chế cơ học.
Ngoài ra, nhiều công ty thời trang còn sử dụng quy trình tái chế sinh học. Ví dụ chất thải xơ từ bông được ủ thành phân bón cho một vụ bông mới. Chất thải từ sợi tự nhiên, sau khi đã loại bỏ thuốc nhuộm và hóa chất có khả năng gây độc, cũng được sử dụng cho mục đích tương tự.
Bên cạnh đó, nhằm tạo ra sợi bền vững thay thế sợi tổng hợp, các công ty khởi nghiệp như Kintra Fibers đã sản xuất loại vải Kintra với chất liệu làm từ ngô thay thế vải tổng hợp. Vải Kintra là một loại chất liệu bền vững, phải đáp ứng yêu cầu là sản xuất từ các nguồn có thể tái chế và phân huỷ sinh học.
Ngoài ra, để bảo vệ môi trường, các công ty thời trang phải chịu trách nhiệm về sản phẩm của họ vào cuối thời hạn sử dụng. Thương hiệu thời trang Mỹ, Eileen Fisher, là công ty tiên phong trên mặt trận này.
Từ năm 2009, công ty đã mua lại các sản phẩm thời trang từ khách hàng cũ. Số quần áo này được làm sạch, phân loại rồi bán lại thông qua dự án Eileen Fisher Renew (Eileen Fisher làm mới).
Những bộ quần áo quá hư hỏng không thể bán lại được giao cho một nhóm thiết kế chuyên dụng, họ thiết kế lại chúng để bán theo bộ sưu tập Eileen Fisher Resewn. Các phần thừa từ quá trình này được thu giữ và chuyển thành hàng dệt để sử dụng tiếp.
Theo Conversation/Báo Giáo dục & Thời đại