Đi chợ giảm túi nilon – cách bảo vệ môi trường của phụ nữ

Thói quen này đã thay đổi khi xã hội ngày càng hiện đại, nhất là khi xuất hiện túi nilon dùng một lần.

Tính tiện dụng cao đi kèm ô nhiễm lớn

Chú thích ảnh
Mỗi ngày đi chợ nếu không sử dụng làn hoặc giỏ xách, một người sử dụng từ 6-10 túi nilon. Ảnh minh họa: Trọng Đạt/TTXVN

Túi nilon đã trở thành vật dụng khó có thể thiếu trong cuộc sống thường ngày. Nó gắn với thói quen của không ít người dân. Với ưu điểm bền, chắc, tiện dụng và giá thành thấp, túi nilon được sử dụng phổ biến và hầu như có mặt ở mọi nơi, từ cửa hàng nhỏ lẻ đến các siêu thị và những trung tâm thương mại lớn.

Mức tiện lợi tới mức, mỗi người ra chợ chỉ cần mang theo tiền, đi siêu thị, trung tâm thương mại chỉ cần có thẻ ngân hàng; lúc về túi to, túi nhỏ, chủ yếu là túi nilon mà vẫn đáp ứng đầy đủ nhu cầu đựng hàng hóa. 

Tính toán sơ bộ của chuyên gia, ước tính mỗi ngày cả nước có hàng triệu túi nilon được sử dụng và thải ra, bất chấp ô nhiễm môi trường. Mỗi ngày đi chợ nếu không sử dụng làn hoặc giỏ xách, một người sử dụng từ 6-10 túi nilon. Từ đây, một khối lượng rác thải lớn khó tiêu hủy sẽ thải ra môi trường.

Theo Tổng cục Môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường, mỗi năm, Việt Nam phát sinh 22 triệu tấn chất thải rắn sinh hoạt, trong đó 10% là chất thải nhựa. Tốc độ gia tăng lượng chất thải rắn sinh hoạt trung bình mỗi năm là 6% giai đoạn 2021-2030. Dân số và mức tiêu dùng bình quân đầu người tăng cùng với sự tăng trưởng kinh tế kéo theo sự gia tăng chất thải nhựa.

Báo cáo của Hiệp hội Nhựa Việt Nam cho thấy, với tốc tộ tăng trưởng ngành nhựa trung bình 15%/năm, đến nay, sản lượng nhựa khoảng 4 triệu tấn/năm, trong đó, sản phẩm nhựa bao bì (bao gồm các loại túi nilon, chai lọ nhựa, bao bì hàng hóa…) và nhựa đồ gia dụng đều chiếm khoảng 36%; còn 28% trong các ngành còn lại. Gần 50% sản phẩm nhựa được thiết kế, sản xuất phục vụ mục đích sử dụng một lần và sau đó thải bỏ. Chỉ có một phần rác thải nhựa được thu hồi- tái chế, một phần được xử lý bằng biện pháp thiêu đốt hoặc chôn lấp, phần còn lại không được thu gom triệt để theo dòng chảy gây ô nhiễm sông ngòi, biển và đại dương. 

Thạc sĩ Nguyễn Thành Lam, Vụ Quản lý chất thải (Tổng cục Môi trường) cho rằng, số lượng bao bì nhựa và túi nilon sử dụng nhiều dẫn đến lượng thải bỏ tăng dần theo từng năm. Túi nilon sử dụng tại các chợ và trung tâm thương mại thường là loại túi siêu mỏng, khó phân hủy và bị thải bỏ sau một lần sử dụng, loại túi này rất phổ biến ở các bãi chôn lấp vì giá trị thu hồi để tái chế thấp.

Theo Giáo sư, Tiến sĩ khoa học Phạm Ngọc Đăng, Chủ tịch Hội Môi trường xây dựng Việt Nam, ở Việt Nam, số lượng túi nilon được tập trung về bãi rác chiếm tỷ lệ không cao. Số túi nilon còn lại thường bị vứt xuống sông hồ, cống rãnh, kênh rạch… ảnh hưởng nghiêm trọng tới môi trường đất và nước. Túi nilon lẫn vào đất có thể làm chậm sự tăng trưởng của cây trồng, ngăn cản ôxy đi qua đất, gây xói mòn đất. Túi nilon nằm kẹt sâu còn làm tắc nghẽn cống rãnh, kênh rạch, gây ngập úng…

Những túi nilon được sử dụng ngoài chợ thường là đồ tái chế. Do đó, khi đựng thực phẩm đã chế biến, chúng sẽ có nguy cơ gây hại cho não, gây ung thư bằng cách truyền các kim loại nặng sang thức ăn. Không những thế, nếu đựng đồ ăn nóng ở nhiệt độ từ 70 – 80 độ C, những chất độc hại trong túi nilon sẽ phát huy tác dụng và hòa lẫn vào thức ăn. Khi thiêu hủy, các loại túi này sẽ tạo thành khí cacbonnic, mê tan và dioxin cực độc. Trường hợp chôn vùi dưới đất, phải mất tới 400-600 năm mới có thể phân hủy hết.

Thay đổi thói quen

Chú thích ảnh
Nhiều kênh phân phối hiện đại đã từng bước sử dụng lá chuối tươi gói thực phẩm, nông sản. Ảnh: Mỹ Phương/TTXVN

Liên tục những năm gần đây, chống rác thải nhựa, hạn chế túi nilon dùng một lần liên tục được các cơ quan báo chí tuyên truyền, truyền thông rộng rãi đến công chúng từ chính sách của nhà nước, hướng dẫn, khuyến khích người dân thay đổi thói quen. 

Nhiều mô hình của phụ nữ đã được thiết lập, những cách làm sáng tạo được lan tỏa, thực hiện hiệu quả. Tên gọi có thể khác nhau nhưng đều chung một mục đích là hạn chế sử dụng túi nilon trong sinh hoạt, chống rác thải nhựa để bảo vệ môi trường. Từ nông thôn đến thành thị, hình ảnh làn nhựa, làn cỏ, túi cói, giỏ mây xuất hiện ngày càng nhiều hơn.

Gặp chị Nguyễn Thùy Dương (Thanh Xuân, Hà Nội) một sáng cuối tuần, chị chia sẻ, lần đầu mang làn cói đi chợ còn bị mọi người “soi”, đến nay, không còn những ánh mắt nhìn chị một cách lạ như vậy nữa vì đã có nhiều người dùng làn, dùng bị. Đặc biệt, một số phụ nữ lớn tuổi còn sử dụng làn để lên xe kéo bằng tay vừa mang được nhiều đồ, vừa đi xa không mỏi. Theo chị Dương, không chỉ phụ nữ mang làn cói đi chợ mà còn có người mở được cửa hàng mang tên “Làn” ở Hà Nội để bán sản phẩm làn cỏ thân thiện với môi trường với hơn 1.000 sản phẩm mỗi tháng, tạo cộng đồng những người có thói quen hạn chế sử dụng túi nilon và sống xanh bền vững.

Hàng tuần, chị Nguyễn Thị Thanh (Đan Phượng, Hà Nội) đi chợ trung tâm bằng xe đạp điện nên chị tận dụng giỏ xe để mua rau lá không cần dùng túi nilon hoặc đựng nhiều loại rau trong cùng một túi, về nhà lấy ra nhặt sạch, phân loại dùng dần. Túi nào sạch để tái sử dụng cho những mục đích khác. Mỗi lần đi chợ về, chị đều giảng giải cho con gái về những việc làm nhỏ này để nâng cao ý thức giảm thiểu rác thải nhựa ra môi trường, mong muốn thế hệ sau tiếp nối. Chị Thanh nói, tiết kiệm túi nilon là cách vừa tiết kiệm tiền cho người bán hàng vừa bảo vệ môi trường. 

Thay vì mang làn đi chợ, chị Trần Thị Lan (Cầu Giấy, Hà Nội) lại có cách giảm rác thải nhựa khi dùng túi xách hàng thân thiện mua sẵn ở siêu thị Metro. Siêu thị này không phát túi nilon nên nếu quên túi chỉ còn cách mất thêm tiền mua cái khác. Lâu dần, chị đã hình thành thói quen kiểm tra túi trước khi đi chợ và giờ lúc nào cũng có túi này trong cốp xe máy.

Đây cũng là thói quen của chị Hoàng Lệ Thủy (Nam Từ Liêm, Hà Nội). Chị Thủy cho biết, sử dụng ô tô cá nhân nên lúc nào tôi cũng có 2 túi xách hàng to mua ở siêu thị Big C. Dù siêu thị này vẫn có phát túi nilon cho khách nhưng thay vì dùng nhiều túi, tôi chỉ cần một túi to đã có thể mang hết hàng mua về nhà. Tôi cũng quan sát thấy, nhiều người đi siêu thị đã dùng dịch vụ không mất tiền đóng hàng vào thùng giấy to vận chuyển về tận nhà cũng giảm được lượng lớn túi nilon thải ra môi trường. 

Source: https://vvc.vn
Category : Vì Cộng Đồng

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Alternate Text Gọi ngay