AEC – Cấp độ liên kết cộng đồng chưa cao
Có nhiều cấp độ liên kết kinh tế (giữa các quốc gia hay một nhóm nước), từ cấp độ hợp tác theo dự án đến việc mở cửa từng phần hay hoàn toàn các hoạt động kinh tế trong một nhóm nước nhất định. Cấp độ cao nhất của liên kết là sự hình thành một khối hay khu vực kinh tế gồm nhiều quốc gia thành viên, trong đó có một hệ thống các quy tắc mang tính pháp lý, hoặc hệ thống pháp lý thực sự, cùng với sự thành lập các quan có quyền lực pháp lý thực sự quản trị các giao lưu kinh tế trong khối. Cấp độ liên kết cao nhất (của một khối) được cho là phải có chung một đồng tiền, do đó, phải có chung một ngân hàng trung ương.
Theo định nghĩa này, trên thực tế, hiện nay, chỉ có Cộng đồng Kinh tế châu Âu (EEC) là đạt cấp độ liên kết nói trên, mặc dù người ta cho rằng EEC vẫn còn thiếu một ngân sách và một cơ quan ngân sách chung. EEC được xem là cấp độ liên kết cao nhất với các đặc trưng: Tự do thương mại, di chuyển vốn, đầu tư, lao động trong môi trường nhất thể hóa luật pháp, tài chính, ngân hàng với một đồng tiền chung và ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) chung.
Xét theo định nghĩa này, thì AEC đang ở vào trình độ liên kết cộng đồng ở mức khá thấp. Mặc dù rút ra những bài học từ EEC, AEC vẫn không đi theo mô hình của EEC, bởi vì theo nhận thức của các nước thành viên chủ quyền của các quốc gia thành viên là không thể can thiệp.
AEC chủ yếu chỉ là sự liên kết, hợp tác giữa các chính phủ trong ASEAN trong việc mở cửa và tự do hóa nhiều hơn đối với thương mại, đầu tư và di cư lao động trong nội khối. Các quy tắc, các cơ chế vận hành chung, thống nhất, cá biệt
chưa thấy có cơ quan nào ASEAN được thành lập để chịu trách nhiệm pháp lý vận hành các quy tắc, cơ chế này. Hay cũng chưa thấy một tòa án kinh tế chung để xử lý các xung đột trong giao lưu các hoạt động kinh tế. Và còn rất xa mới có thể tiến tới một đồng tiền chung và một ngân hàng trung ương chung cho cả khối.
Các hoạt động liên kết kinh tế trên thực tế cũng cho thấy điều này. Thương mại nội khối ASEAN trong thập kỷ qua cũng chỉ chiếm 24% tổng kim ngạch thương mại của khối, kém xa mức 60% của EU. Các lĩnh vực nhạy cảm về chính trị như bảo hộ nông nghiệp, ô tô, sắt thép vẫn chưa được đề cập, giải quyết.
Đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) trong nội khối ASEAN năm 2014 cũng chỉ ở mức khiêm tốn 17,9% trong tổng mức FDI 136 tỷ USD từ các thành viên trong khối. Phần còn lại 82,1% dòng vốn FDI từ ASEAN là đi ra bên ngoài. Trong đó, năm 2014 đầu tư FDI của Việt Nam vào khối chỉ ở mức 1,5 tỷ USD, so với mức hơn 7,6 tỷ USD Việt Nam đầu tư ra ngoài khối. Mặc dù quá trình chuẩn bị thành lập AEC là 8 năm, nhưng rất nhiều doanh nghiệp (DN) trong khối vẫn chưa cảm nhận được tác động của việc hình thành AEC đối với họ. Malaysia đã khảo sát 1.000 DN vừa và nhỏ, thì có tới 60% số DN không hề biết gì về AEC.
Một bằng chứng khác cho thấy, cấp độ liên kết không cao của AEC đó là sự hình thành liên minh về hải quan, hay phải có sự thống nhất về hải quan. Liên minh hải quan phải thống nhất được các tiêu chuẩn, thủ tục hải quan giữa các thành viên. Đây được xem là điều kiện hết sức quan trọng trong khơi thông thương mại nội khối đối với bất kỳ một khối liên kết kinh tế nào. Và điều này lẽ ra phải được hoàn thành trước khi công bố chính thức sự hình thành AEC. Như vậy, sự chậm chễ đi sau sự tuyên bố hình thành AEC cho thấy, việc tuyên bố hình thành AEC này mang tính biểu tượng nhiều hơn.
Theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới, chi phí giao thương nội khối ASEAN vẫn cao do vấn đề thủ tục hải quan. Nếu so với mức thời gian chi phí cho một giao dịch xuất, nhập khẩu ở Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) trung bình là 10,7 ngày, thì chi phí này ở Campuchia là 22 ngày, Indonesia là 21 ngày, Philippine là 16 ngày và Việt Nam là 24 ngày. Và đến thời điểm này, khi AEC được công bố hình thành, thì việc thành lập Liên minh hải quan ASEAN mới bắt đầu được thảo luận.
Như vậy, có thể nói AEC đơn giản chỉ là sự liên kết giữa các quốc gia trong việc mở cửa kinh tế. Để tiến tới cộng đồng kinh tế thực sự, AEC còn rất nhiều việc phải làm. Trình độ liên kết vẫn ở mức thấp. Như vậy, mức độ tác động hay vai trò làm thay đổi phát triển kinh tế nội khối nhờ AEC khả năng sẽ là không lớn.
Một số tác động của AEC đến Việt Nam
Các nhà lãnh đạo ASEAN tuyên bố AEC bao gồm 4 mục tiêu và cũng là 4 yếu tố cấu thành AEC:
Một là, một thị trường đơn nhất và nền tảng sản xuất chung, được xây dựng thông qua: Tự do lưu chuyển hàng hoá; tự do lưu chuyển dịch vụ; tự do lưu chuyển đầu tư; tự do lưu chuyển vốn và tự do lưu chuyển lao động có kỹ năng.
Hai là, một khu vực kinh tế cạnh tranh, được xây dựng thông qua các khuôn khổ chính sách về cạnh tranh, bảo hộ người tiêu dùng, quyền sở hữu trí tuệ, phát triển cơ sở hạ tầng, thuế quan và thương mại điện tử.
Ba là, phát triển kinh tế cân bằng được thực hiện thông qua các kế hoạch phát triển doanh nghiệp vừa và nhỏ và thực hiện sáng kiến hội nhập nhằm thu hẹp khoảng cách phát triển trong ASEAN.
Bốn là, hội nhập vào nền kinh tế toàn cầu, được thực hiện thông qua việc tham vấn chặt chẽ trong đàm phán đối tác và trong tiến trình tham gia vào mạng lưới cung cấp toàn cầu của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO).
Thực chất, chỉ có mục tiêu đầu tiên là rõ ràng và mang tính hành động, thực tế. Còn các mục tiêu khác chỉ mang tính định hướng.
Do vậy, để có thể đánh giá được mức độ tác động hay vai trò của AEC, chúng ta cần xem xét tác động của AEC đối với ASEAN nói chung và đối với Việt Nam nói riệng trong ba lĩnh vực cơ bản được nêu ra trong mục tiêu đầu tiên, đó là: Thương mại, đầu tư và di cư lao động nội khối.
Đối với thương mại
Trên thực tế, thương mại nội khối chỉ chiếm khoảng 24% tổng kim ngạch của khối nói chung, kém xa mức 60% của Liên minh châu Âu (EU). Thêm vào đó, các lĩnh vực nhạy cảm như sắt thép, ô tô vẫn còn chưa được đề cập, giải quyết. Đối với Việt Nam, xuất nhập khẩu với ASEAN chỉ chiếm 10% xuất khẩu và 20% nhập khẩu của Việt Nam. Theo tính toán của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) thì Việt Nam là nước được hưởng lợi nhiều nhất nếu AEC hình thành. Vì nhờ AEC Việt Nam có thể tăng thêm xuất khẩu khoảng 16% và nhập khẩu tăng thêm khoảng 12% trong giao thương nội khối.
Tuy nhiên, với tỷ trọng nhỏ như đề cập ở trên, thì tác động từ AEC đối với thương mại quốc tế của Việt Nam cũng không đáng kể. Thêm vào đó, nhiều nước trong khối cũng là thành viên của WTO, nên việc mở rộng thương mại nhờ AEC cũng không tạo ra nhiều khác biệt hay đột phá lớn trong việc khuyến khích thương mại nội khối so với bối cảnh có WTO.
Trong khi đó, thương mại nội khối không đóng vai trò lớn trong phát triển kinh tế của các nước thành viên khối sau khi AEC hình thành. Hơn nữa, trên thực tế sự gia tăng này chỉ có thể đạt được nếu các cải cách thực sự về thủ tục giao thương được thực hiện và mọi rào cản khác phải được loại bỏ. Tuy nhiên, tình hình này vẫn chưa có nhiều tiến triển như trong ví dụ về sự thống nhất hải quan khu vực vẫn chưa thành hiện thực như đề cập ở trên.
Ngoài ra, Việt Nam ở trình độ kinh tế thấp hơn một số nước là đối tác thương mại quan trọng trong khối như Singapore, Malaysia, Indonesia… và lại đang áp dụng chế độ tỷ giá neo vào USD một cách cứng nhắc, kéo dài, làm cho đồng VND cao giá. Rất có thể, AEC hình thành trong bối cảnh này sẽ biến Việt Nam thành nơi tiêu thụ hàng hóa công nghiệp của nước khác, trong khi lợi ích thu về từ xuất khẩu sẽ bị thiệt hại do thiếu sức cạnh tranh.
Đối với đầu tư
Lĩnh vực đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) cũng cho thấy, đầu tư nội khối chiếm tỷ trọng rất thấp trong dòng đầu tư vốn FDI có nguồn gốc từ ASEAN. Tổng dòng vốn FDI của ASEAN (trong nội khối và ngoại khối) chỉ chiếm 17,9%. Phần còn lại 82% dòng FDI là ra bên ngoài khối. Nếu so với Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) thì dòng vốn FDI nội khối trong giai đoạn 1993-2007 ở mức trung bình là 58% tổng dòng FDI có nguồn gốc từ các nước thành viên.
Đối với Việt Nam, thì dòng vốn FDI từ ASEAN vào Việt Nam chiếm tỷ trọng lớn trong tổng FDI vào Việt Nam. Tính đến cuối năm 2014, dòng FDI từ
ASEAN vào Việt Nam chiếm 21,4% tổng FDI vào Việt Nam với mức tổng lên tới 52,34 tỷ USD. Đầu tư của Singapore chủ yếu là vào lĩnh vực khách sạn, du lịch, khu vui chơi sinh thái, khu công nghiệp Việt Nam – Singapore, trong khi FDI từ Malaysia thì chủ yếu tập trung các liên doanh với các công ty sở hữu nước ngoài hoạt động trong lĩnh vực cơ sở hạ tầng, bất động sản, giáo dục và dầu khí. Thái Lan đầu tư vào lĩnh vực bán lẻ và một phần đi vào sản xuất đồ nhựa. Điều này cho thấy, dòng vốn đầu tư FDI từ ASEAN vào Việt Nam không nhằm vào các lĩnh vực công nghiệp chế tạo mà chủ yếu là lĩnh vực bất động sản, dịch vụ.
Ngược lại, dòng vốn FDI của Việt Nam năm 2014 vào khối chỉ ở mức 1,5 tỷ USD so với mức hơn 7,6 tỷ USD ra ngoài khối. Nói cách khác, sự đột phá tạo ra sự mở rộng dòng vốn FDI trong nội bộ ASEAN nhờ thành lập AEC sẽ là không lớn. Đối với Việt Nam nói riêng, Việt Nam hưởng lợi từ đầu tư FDI vào khối là không đáng kể, trong khi dòng FDI từ trong nội khối vào Việt Nam có thể tăng đáng kể.
Đối với di cư lao động
Trong khối ASEAN thì Singapore, Malaysia và Thái Lan là những nước nhận nhiều lao động nước ngoài nhất (nhận thuần) trong khi các nước như Việt Nam, Phillippines, Campuchia và Lào là những nước xuất khẩu thuần lao động. Các nước Singapore, Malaysia và Thái Lan được cho là đang bước vào giai đoạn phát triển cao hơn, nhu cầu về lao động kỹ năng cao đang tăng trong khi nguồn cung lại chưa được đáp ứng. Đây là một yếu tố tốt đối với lao động ở các nước phát triển kém hơn, có thu nhập kém hơn. Tuy nhiên, việc thiếu đào tạo kỹ năng và thủ tục visa chưa thống nhất vẫn sẽ là trở ngại cho sự gia tăng di cư lao động trên thực tế.
Chẳng hạn, ở Việt Nam, nhiều ngân hàng hay công ty nước ngoài thiếu lao động kỹ năng. Trong khi họ không thể tìm được trên thị trường lao động Việt Nam và gặp rất nhiều khó khăn trong việc nhập khẩu loại lao động này từ bên ngoài vì các thủ tục nhập cư dạng này hiện vẫn rất phức tạp. Hiện tượng này vẫn được xem là khá phổ biến ở các nước khác. Vấn đề này phức tạp vì nó liên quan đến các khía cạnh chính trị, tôn giáo, văn hóa… ASEAN lại là một khu vực có rất nhiều sự khác biệt về chính trị, văn hóa, tôn giáo. Chính vì vậy, đây là một trong những trở ngại lớn cho sự liên kết nội khối của khối này.
Kết luận về vai trò và tác động của AEC
Những phân tích trên có thể rút ra kết luận về vai trò và tác động của sự hình thành AEC đối với tăng trưởng, phát triển kinh tế của các nước thành viên của khối nói chung và đối với Việt Nam nói riêng.
Thứ nhất, trình độ liên kết kinh tế AEC chưa cao trong những lĩnh vực chủ yếu như: Thương mại, đầu tư, di cư lao động. Thực chất sự liên kết cộng đồng này vẫn chỉ là hợp tác giữa các quốc gia trong khu vực. Các chính phủ mở rộng cánh cửa cho thương mại, đầu tư, di chuyển lao động tự do. Ở đây chưa hình thành các cơ quan, cơ chế, quy tắc ràng buộc pháp lý thống nhất trong toàn khối.
Thứ hai, tác động của AEC, đối với phát triển kinh tế khu vực chưa có nhiều đột phá.
Thứ ba, để thu được lợi ích từ AEC, các nước ASEAN nói chung và Việt Nam nói riêng cần phải có những hành động cụ thể hơn, cải cách mạnh mẽ hơn trên thực tế theo hướng thông thoáng, nhất thể hóa các quy tắc vận hành và phải thiết lập được cơ quan điều hành chung có quyền lực pháp lý thực sự.
Tài liệu tham khảo:
1. http://www.hindustantimes.com/india/asean-creates-new-economic-community-that-s-larger-than-eu/story-qTJN1m5frjw8DnbnqwmhqL.html
2. http://www.asean.org/images/2015/June/FDI_tables/Table%2025.pdf;
3. http://www.channelnewsasia.com/news/asiapacific/asean-leaders-to-declare/2282154.html;
4. Michael G. Plummer, Chia Siow Yue (biên tập), 2009, Realizing the ASEAN Economic Community-A Comprehensive Assessment. Institute of Southeast Asian Studies, Singapore;
5. http://www.eu-asiacentre.eu/pub_details.php?pub_id=165.
Bài đăng trên Tạp chí Tài chính kỳ I tháng 12,
Website: Tapchitaichinh.vn