HỌC NGÀNH BÁO CHÍ & TRUYỀN THÔNG: CƠ HỘI VIỆC LÀM CAO

          Trong thế giới việc làm đa dạng như hiện nay, việc lựa chọn nghề nghiệp ngày càng trở nên khó khăn với các bạn trẻ bởi có quá nhiều lựa chọn. Tuy nhiên với một số cá nhân việc chọn nghề nghiệp không mất quá nhiều thời gian khi họ đã có sự yêu thích đặc biệt với một ngành nghề nào đó.

         Nghề làm báo là một ví dụ, các bạn trẻ tìm đến nghề với niềm đam mê trong việc tìm hiểu thông tin, phân tích sự kiện và tìm hiểu những điều mới lạ. Nhất là trong thời kỳ toàn cầu hóa hiện nay, việc truyền đạt thông tin trên mạng quốc tế ngày càng quan trọng khiến nghề làm báo trở nên “hot” hơn bao giờ hết.
Công việc làm báo
         Cho dù làm việc tại bất kỳ bộ phận nào trong một tòa soạn, từ viết bài, chỉnh sửa hay in ấn, bạn cũng cần có một khả năng xử lý công việc nhanh nhạy, có thể làm việc dưới áp lực về mặt thời gian, hạn nộp bài. Một số công việc yêu cầu bạn phải đi công tác, thậm chí trong một số lĩnh vực “nóng” như chính trị, tệ nạn xã hội, kinh tế bạn sẽ được yêu cầu đến một số nơi để thu thập thông tin xác thực nhất.


         Nghề làm báo cho bạn được đi nhiều nơi, khám phá nhiều điều mới mẻ, tiếp xúc với nhiều người và mở rộng các mối quan hệ xã hội.
         Mức lương trong ngành này khá cao. Một sinh viên báo chí mới ra trường có thu nhập trung bình từ 7- 10 triệu/tháng.
Triển vọng nghề nghiệp
         Cùng với xu hướng toàn cầu hóa như hiện nay, báo chí và truyền thông ngày càng có vị trí quan trọng trong sự phát triển của tất cả các lĩnh vực. Có thể thấy rằng các phương tiện truyền thông như báo mạng điện tử, phát thanh, truyền hình đang có những thế mạnh nhất định trong xã hội thông tin.

bao1
         Các sinh viên tốt nghiệp chuyên ngành báo chí có thể lựa chọn các vị trí việc làm khác nhau trong ngành như thu thập tin tức, phân tích sự kiện, phóng viên, biên tập viên, phóng viên bản tin, bình luận viên, người dẫn chương trình (MC), quay phim, đạo diễn truyền hình…

truyenhinh
         Tốt nghiệp ngành Báo chí, bạn có thể làm việc tại các cơ quan báo chí như thông tấn xã, các tòa soạn báo in hay báo mạng, các đài phát thanh, truyền hình tại trung ương và địa phương. Nhiều nhà báo hiện công tác tại các cơ quan quản lý nhà nước về báo chí như: Vụ báo chí các ban Tuyên giáo tỉnh ủy, thành ủy, quận ủy, huyện ủy; Cục Báo chí các Sở Văn hóa – Thông tin tỉnh, thành phố; các phòng Văn hóa Thông tin quận, huyện.

          Với chuyên môn báo chí, bạn còn có thể làm việc tại các phòng Thông tin – Báo chí của các cơ quan, các Bộ, ban, ngành, lực lượng vũ trang hoặc các tổ chức chính trị – xã hội, các công ty truyền thông hay các doanh nghiệp; các tổ chức quốc tế, tùy viên báo chí ở các Đại sứ quán trong và ngoài nước v.v… Bạn cũng có thể trở thành nhà báo tự do (tức là không phụ thuộc vào bất kì một cơ quan tổ chức nào ngoài chính bản thân bạn). Đây là mô hình rất phát triển ở các nước phương Tây.
        Bạn cũng có thể làm việc tại các nhà xuất bản, phát hành sách, làm người phát ngôn báo chí cho các tổ chức chính trị xã hội và doanh nghiệp… Nếu muốn trau dồi thêm kiến thức, bạn có thể tiếp tục học cao hơn với bậc thạc sĩ, tiến sĩ ở trong hoặc ngoài nước. Bạn cũng có thể trở thành nhà nghiên cứu báo chí – truyền thông tại các trường đại học, các viện nghiên cứu.
Các khóa học nâng cao trình độ
         Hiện nay ở nước ta có đào tạo ngành báo chí truyền thông ở cả bậc cao đẳng, đại học. Nếu tốt nghiệp cao đẳng bạn sẽ được học liên thông lên đại học. Sau khi tốt nghiệp đại học bạn có thể tham gia các khóa đào tạo thạc sĩ báo chí và tiến sĩ báo chí. Theo khảo sát của Khoa Báo chí Truyền thông, Trường CĐ Phát thanh Truyền hình I, hiện có khoảng 20% cựu sinh viên đã tốt nghiệp của khoa đang theo học các khóa đào tạo thạc sĩ và tiến sĩ báo chí ở trong và ngoài nước như Nhà báo Hà Vân (Báo Nhà báo và Công luận) đã hoàn thành chương trình học Thạc sĩ báo chí, Nhà báo Lê Ngọc Sơn (Báo Sinh viên Việt Nam) hiện đang làm Nghiên cứu sinh ngành Truyền thông tại Đức…

trường quay
         Các khóa học này là một bước tiến lớn và giúp ích rất nhiều cho bạn để phấn đấu và phát triển trong môi trường làm việc thực tế. Đây cũng là một lựa chọn lý tưởng cho các sinh viên với tấm bằng cử nhân báo chí.
Có nhiều khóa học chuyên ngành để bạn lựa chọn
          Nếu bạn thực sự yêu thích và muốn theo đuổi nghề làm báo và có tham vọng vươn xa trong sự nghiệp, có rất nhiều các khóa học chuyên ngành bạn có thể lựa chọn để rèn luyện kỹ năng nghề nghiệp, kinh nghiệm thực tế và nâng cao tay nghề. Bạn có thể chọn khóa học làm báo mạng, đạo diễn truyền hình, quay phim, dựng phim, phóng viên, biên tập viên, quan hệ công chúng PR, dẫn chương trình, tổ chức sự kiện…

thong-cong-nghet-quan-12
         Để thành công trong nghề báo bạn cần rèn luyện thêm các kỹ năng như làm việc độc lập, linh hoạt, sáng tạo, kỹ năng viết bài, nắm bắt thông tin nhanh và có đầu óc phân tích sự việc. Việc biết thêm ngoại ngữ sẽ là một lợi thế trong ngành này.
         Bạn cũng nên tìm hiểu và phát triển một số kỹ năng mềm khác như thiết kế đồ họa, sử dụng máy tính, nhiếp ảnh…
           Dù bạn muốn thử sức ở lĩnh vực nào thì việc quyết định bước chân vào ngành Báo chí – Truyền thông cũng đồng nghĩa với việc bạn đã chọn cho mình một nghề nghiệp thú vị, năng động và dễ nổi tiếng.
         Chúc các bạn đam mê nghề báo sẽ theo đuổi và đạt được ước mơ của mình trên con đường học tập và sự nghiệp!
 

Hải Bình

Bình luận

Source: https://vvc.vn
Category : Thời sự

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Alternate Text Gọi ngay