Những nội dung cơ bản của Công ước về quyền phụ nữ – Viện kiểm sát tỉnh Hà Giang

Công ước về quyền phụ nữ (Commitee on the Elimination of Discrimination against Women – viết tắt là CEDAW) được Đại hội đồng Liên Hợp Quốc thông qua ngày 18/12/1979, có hiệu lực từ ngày 03/9/1981; hiện có 187 quốc gia thành viên…

Công ước về quyền phụ nữ (Commitee on the Elimination of Discrimination against Women – viết tắt là CEDAW) được Đại hội đồng Liên Hợp Quốc thông qua ngày 18/12/1979, có hiệu lực từ ngày 03/9/1981; hiện có 187 quốc gia thành viên.
Bố cục nội dung của Công ước CEDAW gồm Lời nói đầu, 6 Phần, 30 Điều. Trong Lời nói đầu của Công ước về quyền phụ nữ nêu rõ mục tiêu, ý nghĩa của Công ước bằng việc dẫn lại một trong những nguyên tắc được nêu trong Hiến chương Liên Hợp Quốc và Tuyên ngôn toàn thế giới về quyền con người, khẳng định niềm tin vào các quyền cơ bản của con người, vào nhân phẩm và giá trị của con người và các quyền bình đẳng gữa nam giới và phụ nữ; khẳng định nguyên tắc không chấp nhận sự phân biệt đối xử – mọi người sinh ra đều tự do và bình đẳng về nhân phẩm và các quyền, không có bất kỳ sự phân biệt nào, kể cả phân biệt dựa trên giới tính. Với niềm tin mãnh liệt đó, Công ước yêu cầu các quốc gia thành viên có nghĩa vụ bảo đảm các quyền bình đẳng giữa nam giới và phụ nữ trên tất cả các mặt: chính trị, kinh tế, dân sự, văn hóa, xã hội… Cũng ngay trong Lời nói đầu của CEDAW đã chỉ ra một thực trạng, đó là bất chấp những nguyên tắc được ghi nhận trong các văn kiện pháp lý quốc tế và được thừa nhận rộng rãi bởi các quốc gia thành viên, sự phân biệt đối xử sâu rộng chống lại phụ nữ vẫn tiếp tục tồn tại, vi phạm nghiêm trọng những nguyên tắc bình đẳng về các quyền và sự tôn trọng phẩm giá con người, gây trở ngại đối với việc phụ nữ tham gia bình đẳng vào đời sống chính trị, xã hội và bình đẳng ngay trong chính gia đình họ, kìm hãm sự phát triển đầy đủ những khả năng tiềm tàng của người phụ nữ trong việc phục vụ đất nước và nhân loại. Vì vậy, Công ước là sự biểu thị quyết tâm của các quốc gia thành viên, của cộng đồng thế giới, thực hiện các biện pháp cần thiết để xóa bỏ sự phân biệt đối xử dưới mọi hình thức.
Phần I của Công ước CEDAW gồm có 6 điều. Tại Điều 1, thuật ngữ “phân biệt đối xử chống lại phụ nữ” được định nghĩa, đó là bao gồm bất kỳ sự phân biệt, loại trừ hay hạn chế nào dựa trên cơ sở giới tính có tác dụng hoặc nhằm mục đích làm tổn hại hoặc vô hiệu hóa việc phụ nữ được công nhận, hưởng thụ hay thực hiện các quyền con người và những tự do cơ bản trong các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, dân sự hay bất kể lĩnh vực nào khác và trên cơ sở bình đẳng nam nữ, bất kể tình trạng hôn nhân của họ như thế nào. Điều 2 của Công ước thể hiện sự lên án mạnh mẽ của các quốc gia thành viên đối với sự phân biệt đối xử chống lại phụ nữ; ghi nhận 07 nguyên tắc cơ bản về chính sách và các biện pháp để xóa bỏ sự phân biệt đối xử chống lại phụ nữ như: Nguyên tắc bình đẳng nam nữ phải được ghi nhận trong hiến pháp và các văn bản pháp luật khác của quốc gia cũng như quy định các biện pháp, chế tài để ngăn cấm và xử lý tất cả hình thức phân biệt đối xử chống lại phụ nữ; đảm bảo việc bảo vệ các quyền của phụ nữ một cách có hiệu quả thông qua hệ thống tư pháp và đảm bảo hệ thống cơ quan công quyền khác cũng hành động tương tự; tiến hành các biện pháp thích hợp nhằm xóa bỏ sự phân biệt đối xử chống lại phụ nữ do bất kỳ cá nhân, tổ chức hoặc doanh nghiệp nào tiến hành; sửa đổi, hủy bỏ các quy định, tập quán đã tạo sự phân biệt đối xử với phụ nữ; trấn áp tất cả các hình thức buôn bán phụ nữ và bóc lột mại dâm phụ nữ…
Phần II của Công ước đề cập vấn đề bảo đảm sự bình đẳng giữa nam giới và phụ nữ trong lĩnh vực chính trị. Theo đó, các quốc gia thành viên phải tiến hành tất cả những biện pháp thích hợp nhằm xóa bỏ sự phân biệt đối xử chống lại phụ nữ trong đời sống chính trị và công cộng của đất nước. Cụ thể là đảm bảo cho phụ nữ dược bình đẳng với nam giới trong việc thực hiện các quyền cơ bản: Được bỏ phiếu trong tất cả các cuộc bầu cử, trưng cầu ý dân, được ứng cử vào tất cả các cơ quan dân cử; được tham gia trong việc xây dựng và thực hiện chính sách của chính phủ, tham gia các chức vụ và thực hiện tất cả các chức năng công cộng ở tất cả các cấp chính quyền; được tham gia những tổ chức và hiệp hội phi chính phủ liên quan đến đời sống công cộng và chính trị của đất nước. Trong phần này, Công ước CEDAW còn quy định về nghĩa vụ của các quốc gia thành viên phải dành cho phụ nữ cơ hội trở thành đại diện của chính phủ tại các tổ chức quốc tế trên cơ sở bình đẳng với nam giới; đảm bảo việc thực hiện các quyền về quốc tịch của phụ nữ và của con cái họ.
Từ Điều 10 đến Điều 14 thuộc phần III của Công ước, là các quy định về nghĩa vụ của các quốc gia thành viên trong việc đảm bảo cho phụ nữ được bình đẳng về các quyền trong lĩnh vực giáo dục, việc làm, chăm sóc sức khỏe và trong các lĩnh vực khác của đời sống kinh tế, xã hội. Đặc biệt, tại Điều 14 Công ước lưu ý các quốc gia thành viên phải xem xét những vấn đề đặt ra đối với phụ nữ nông thôn và vai trò quan trọng của phụ nữ nông thôn trong đời sống kinh tế của gia đình họ; có biện pháp thích hợp để xóa bỏ sự phân biệt đối xử chống lại phụ nữ ở nông thôn, đảm bảo sự bình đẳng của phụ nữ với nam giới trong việc tham gia phát triển nông thôn và được hưởng lợi từ sự phát triển đó, nhất là về: Tham gia xây dựng và thực hiện những kế hoạch phát triển; được tiếp cận các cơ sở chăm sóc sức khỏe đầy đủ, kể cả thông tin, tư vấn và những dịch vụ kế hoạch hóa gia đình; được hưởng lợi từ những chương trình bảo hiểm xã hội, từ các loại hình giáo dục, đào tạo; bình đẳng về cơ hội có việc làm; được tham gia tất cả các hoạt động cộng đồng…
Phần IV của Công ước CEDAW gồm 2 điều, quy định về việc đảm bảo cho phụ nữ sự bình đẳng với nam giới trước pháp luật cả về pháp luật dân sự, trong hoạt động tố tụng, quyền tự do về đi lại, lựa chọn nơi cư trú, chỗ ở… Các quốc gia thành viên phải áp dụng tất cả những biện pháp thích hợp để xóa bỏ sự phân biệt chống lại phụ nữ trong tất cả các vấn đề liên quan đến hôn nhân, quan hệ gia đình. Đáng chú ý là tại khoản 2 Điều 16, Công ước nêu rõ: Việc hứa hôn và kết hôn trẻ em phải bị coi là không có hiệu lực pháp lý và tất cả các hành động cần thiết, kể cả luật pháp phải được tiến hành nhằm quy định tuổi tối thiểu có thể kết hôn và bắt buộc phải đăng ký kết hôn chính thức.
Phần V (từ Điều 17 đến Điều 22) Công ước quy định chi tiết về việc thiết lập và các chức năng, nhiệm vụ, hoạt động của Ủy ban về xóa bỏ phân biệt đối xử chống lại phụ nữ (Ủy ban CEDAW). Phần VI (từ Điều 23 đến Điều 30) Công ước đề cập sự cam kết của các quốc gia thành viên về việc thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ được công nhận trong Công ước; quy định về thủ tục phê chuẩn, gia nhập Công ước; về giải quyết tranh chấp giữa hai hay nhiều quốc gia xung quanh việc giải thích và áp dụng Công ước; về quyền và thủ tục đề nghị sửa đổi, bổ sung Công ước; về hiệu lực của Công ước…
Ngoài ra, còn có Nghị định thư không bắt buộc bổ sung cho Công ước CEDAW (The Optional Protocol to the CEDAW) được Đại hội đồng Liên Hợp Quốc thông qua ngày 6/10/1999 theo khuyến nghị của Hội nghị Viên (Áo) về quyền con người năm 1993 và Hội nghị phụ nữ thế giới lần thứ tư ở Bắc Kinh năm 1995. Nghị định thư này có hiệu lực từ ngày 22/12/2000 và hiện có 104 quốc gia thành viên.
Ủy ban về xóa bỏ phân biệt đối xử chống lại phụ nữ (Ủy ban CEDAW) được thành lập năm 1982, gồm có 23 ủy viên đại diện cho các quốc gia thành viên CEDAW được bầu theo nhiệm kỳ 4 năm – là cơ quan giám sát việc thực hiện Công ước CEDAW trên toàn thế giới. Ủy ban họp mỗi năm 2 lần để đánh giá sự tiến bộ của các quốc gia thành viên trong việc thực hiện CEDAW. Các quốc gia thành viên phải có báo cáo lần đầu tiên sau 1 năm trở thành thành viên CEDAW và sau đó cứ 4 năm 1 lần gửi báo cáo cho Ủy ban CEDAW. Trên cơ sở xem xét báo cáo, Ủy ban sẽ đưa ra các nhận xét kết luận và được phổ biến rộng rãi cho người dân ở quốc gia được nhận xét. Trong quá trình hoạt động từ khi thành lập đến nay, Ủy ban CEDAW cũng đã đưa ra 28 bản khuyến nghị chung tới tất cả các quốc gia thành viên, đề cập những nội dung nhằm xóa bỏ sự phân biệt đối xử chống lại phụ nữ trong những lĩnh vực mà trước đó Công ước CEDAW chưa đề cập hoặc đề cập chưa đầy đủ như vấn đề phòng chống HIV/AIDS, bạo lực với phụ nữ, vấn đề phụ nữ đi lao động ở nước ngoài./.

Source: https://vvc.vn
Category : Pháp luật

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Alternate Text Gọi ngay