Xóa bỏ bếp than tổ ong là việc không thể chần chừ

Xóa bỏ bếp than tổ ong là việc không thể chần chừ

Bếp than tổ ong thường gắn liền với nhiều kỷ niệm của người Hà Nội. Không chỉ thế, đây còn là chất đốt có giá thành rẻ hiện nay, phù hợp với nhu cầu đun nấu của nhiều gia đình. Tuy nhiên, đồng nghĩa với chi phí rẻ là những độc tố, chất thải được thải ra môi trường thì hết sức nghiêm trọng. Bởi vậy, việc xóa bỏ bếp than tổ ong là việc không thể chần chừ.

Nhiều tác hại nhưng vẫn dùng…

Biết là ảnh hưởng sức khỏe, nhưng sử dụng bếp than tổ ong trong đun nấu vẫn là thói quen khó bỏ của nhiều người dân Hà Nội. Không chỉ gây ra các căn bệnh liên quan đến đường hô hấp, tim mạch, những ai bị nhiễm độc khí than quá lâu sẽ dẫn đến nhiều căn bệnh nguy hiểm như ung thư, mất phản xạ ở vỏ não, phụ nữ có thai dễ bị sảy thai, sinh non, thai bị dị tật…

Theo khảo sát của Sở Tài nguyên và Môi trường (TN-MT) Hà Nội, hiện có khoảng 55.000 bếp than tổ ong khắp Thủ đô đốt lửa mỗi ngày. Như vậy, tính trung bình một ngày, Hà Nội tiêu thụ khoảng 528,2 tấn than, đồng thời phát thải 1.870 tấn khí CO2 tương đương vào bầu không khí. Điều này có nghĩa là mỗi ngày không khí Thủ đô phải gánh chịu lượng khí thải khổng lồ gây hiệu ứng nhà kính, dẫn đến một loạt các hệ lụy về sức khỏe và môi trường.

Bà Lưu Thị Thanh Chi, Phó Chi Cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường, Sở TN-MT Hà Nội cho biết, nhiều người dân sử dụng bếp than tổ ong theo thói quen mà không biết khi đốt, than tổ ong sẽ phát sinh ra khói, bụi mịn PM2.5 và khí thải khác như CO2, CO, SO2… Những độc tố này dù không làm người sử dụng phát bệnh ngay lập tức nhưng lại phát bệnh sau thời gian dài.

Ngoài ra, người sử dụng còn gặp nguy cơ mắc ung thư khi phơi nhiễm trực tiếp với khí CO. Theo khảo sát, có 41% mẫu phơi nhiễm với hệ số ILCR (hệ số rủi ro ung thư) vượt quá mức trung bình theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO).

Bà Nguyễn Thị Hưng, kinh doanh quán bún chả trên đường Nguyễn Văn Cừ (Long Biên) cho biết, từ 20 năm nay, bà thường xuyên sử dụng bếp than tổ ong để đun nấu, chế biến vì rẻ và khá tiện lợi. Hơn nữa, là hộ kinh doanh nhỏ, sử dụng vỉa hè nên khi dùng bếp than cũng tiện lợi trong việc di chuyển.

“Nếu đổi sang bếp điện thì lại phải kéo nguồn điện, còn bếp gas phải mang vác rất nặng và giá thành thì đắt hơn nhiều”, bà Hưng cho hay. Tuy nhiên, bà cũng thừa nhận khí than bốc lên rất khó thở, bà thường xuyên bị viêm đường hô hấp vì phải hít khói bụi trong thời gian dài.

Chị Bùi Thu Hương, chủ cửa hàng kinh doanh bánh cuốn trên phố Hàng Điếu (Hoàn Kiếm) cho biết, do giá thành rẻ nên chị thường xuyên sử dụng than tổ ong để tiết kiệm chi phí, dù vẫn biết khí than độc hại.

Không chỉ gây ô nhiễm không khí, khói bụi, việc sử dụng bếp than tổ ong trong các nhà hàng, quán ăn cũng gây mất mỹ quan đô thị. Nhiều quán hàng trên các con phố có cửa hàng dùng một bếp, thậm chí dùng ba, bốn bếp cùng một lúc trông rất nhếch nhác.

Cần nhiều biện pháp quyết liệt

Mặc dù, sử dụng bếp than tổ ong gây ô nhiễm, mất mỹ quan đô thị nhưng để thay đổi thói quen này không dễ. Theo khảo sát, người sử dụng chủ yếu là các hộ kinh doanh ăn uống, người lao động có thu nhập thấp, người nghỉ hưu. Đa số những hộ dân này đều không muốn thay đổi vì sẽ tăng chi phí.

Thời gian qua, Sở TN-MT Hà Nội đã phối hợp cùng với các đơn vị có liên quan, tiếp tục triển khai mô hình thí điểm thay thế bếp than tổ ong bằng các bếp cải tiến, thân thiện với môi trường tại một số phường trên địa bàn thành phố. Người dân được mượn bếp dùng thử để trải nghiệm bếp trước khi mua, đồng thời được hưởng mức giá ưu đãi (thấp hơn giá thị trường trong khoảng 30 – 40%).

Hoàn Kiếm là quận được TP thí điểm xóa bếp than tổ ong. Với sự tích cực trong công tác tuyên truyền, đồng thời tổ chức các ngày hội đổi bếp than lấy bếp gas và khám sức khỏe cho người sử dụng bếp than tổ ong, đến nay các hộ kinh doanh nhỏ lẻ đã không dùng loại bếp này. Theo thống kê của Phòng TN&MT quận Hoàn Kiếm, tính đến cuối năm 2017, toàn quận có 2.525 bếp than tổ ong hoạt động, thì đến nay đã xóa được 1.436 bếp.

Tại quận Ba Đình, việc vận động người dân không dùng bếp than tổ ong cũng có chuyển biến tích cực. Đầu năm 2018, toàn quận có 3.950 bếp than tổ ong, đến nay đã xóa được gần 1.600 bếp. “TP đang dự thảo Chỉ thị về lộ trình xóa bếp than tổ ong đến năm 2020 và chắc chắn khi được ban hành, các quận, huyện trên địa bàn TP sẽ thực hiện rốt ráo hơn” – chuyên viên Phòng TN&MT quận Ba Đình chia sẻ.

Dẫu vậy, thực tế việc xóa bếp than tổ ong trên địa bàn TP vẫn gặp một số khó khăn nhất định. Một trong những nguyên nhân là do giá thành thấp (chỉ mất từ 100.000 – 200.000 đồng/bếp than tổ ong), nhỏ gọn nên hộ kinh doanh nhỏ lẻ vẫn sử dụng khá phổ biến. Dạo một vòng quanh các ngõ phố, chợ dân sinh… trên một số tuyến đường như Phố Vọng (Hai Bà Trưng), Phương Mai, Đông Tác (Đống Đa), đường bờ sông Sét (Hoàng Mai…) hình ảnh người dân và hộ kinh doạnh sử dụng bếp than làm phương tiện đun nấu chủ yếu vẫn tràn lan. 

Nguồn: VVC.VN

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Alternate Text Gọi ngay