Đẩy mạnh tuyên truyền phòng chống thiên tai cho người dân TP Hồ Chí Minh

Đẩy mạnh tuyên truyền phòng chống thiên tai cho người dân TP Hồ Chí Minh

Thành Phố Hồ Chí Minh đang là một trong 2 thành phố có số lượng dân cư lớn nhất Việt Nam. Thiên tai, lũ lụt, hạn hán là điều mà không ai mong muốn đối với một nước có khí hậu nhiệt đới ẩm gió mùa như Việt Nam. Việc chuẩn bị các phương án tác chiến để phòng và chống lại các thiên tai là điều cần thiết nhất là ở những thành phố lớn như Hồ Chí Minh. Cùng xem Thanh phố này đẩy mạnh tuyên truyền phòng chống thiên tai cho người dân như thế nào.

Ban Tuyên giáo Thành ủy TP.HCM vừa ban hành hướng dẫn tuyên truyền Chỉ thị số 42-CT/TW của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai.

Trước đó, ngày 27/5/2020, Ban Thường vụ Thành ủy TP.HCM đã ban hành Kế hoạch số 367-KH/TU triển khai Chỉ thị số 42-CT/TW tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai.

Theo Ban Tuyên giáo Thành ủy TP.HCM, việc triển khai Chỉ thị 42 phải tạo sự chuyển biến trong nhận thức của các cấp ủy, chính quyền, cán bộ, đảng viên và Nhân dân từ sự ứng phó sang chủ động phòng, tránh và tiến tới quản lý rủi ro thiên tai; đề cao trách nhiệm chỉ đạo và phối hợp hành động của cấp ủy, chính quyền các cấp góp phần nâng cao hiệu quả công tác phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai trong tình hình mới. Tạo được sự quan tâm của các tổ chức trong và ngoài nước, các doanh nghiệp tham gia, hỗ trợ công tác phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai.

Đặc biệt, cần thúc đẩy thay đổi hành vi tích cực, chấp hành, tuân thủ pháp luật, sự chỉ đạo của chính quyền đối với người dân trong phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai. Tăng cường tuyên truyền cho người dân các kỹ năng ứng phó trước các tình huống của thiên tai, giảm thiểu thiệt hại về người và tài sản do chủ quan, do nhận thức không đầy đủ về trách nhiệm và nghĩa vụ phải chủ động hợp tác, phối hợp với chính quyền về công tác phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai.

Đồng thời, cần thường xuyên quán triệt, tuyên truyền các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật Nhà nước về công tác phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai. Trong đó tập trung vào 6 quan điểm chỉ đạo của Chính phủ trong phòng chống thiên tai; các mục tiêu chung và mục tiêu cụ thể đến năm 2025; các giải pháp tổng thể về thể chế, chính sách, tổ chức bộ máy, cơ sở hạ tầng, thông tin truyền thông và đào tạo; nguồn lực tài chính, khoa học công nghệ, hợp tác quốc tế, giải pháp với các vùng miền và các nhiệm vụ cụ thể của cơ quan Trung ương và UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Bên cạnh đó, cần tuyên truyền, phổ biến cách tiếp cận, giải pháp mới về phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai như quản lý rủi ro lũ lụt, hạn hán; quản lý thiên tai dựa vào cộng đồng, khoa học công nghệ, các công cụ hỗ trợ, thiết bị cảnh báo sớm và phục hồi và tái thiết sau thiên tai tốt hơn; phản ánh việc triển khai giải pháp thực hiện ở các địa phương. Phát huy tinh thần tương thân tương ái và những nghĩa cử cao đẹp trong cán bộ, đảng viên và Nhân dân giúp đỡ nhau vượt qua hoạn nạn mỗi khi thiên tai xảy ra.

Bộ Tư lệnh TP Hồ Chí Minh duy trì nghiêm chế độ trực, chủ động theo dõi, nắm chắc tình hình sự cố, thiên tai trên địa bàn; chuẩn bị sẵn sàng lực lượng, tổ chức tập kết, quản lý sử dụng các phương tiện, trang thiết bị thường trực để tham gia kịp thời, có hiệu quả công tác tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ, chữa cháy, cứu sập, sơ tán dân khi xảy ra thiên tai. Các sở, ngành liên quan xử lý dứt điểm tình trạng khai thác, vận chuyển cát, sỏi lòng sông không phép, trái phép, gây sạt lở bờ sông, kênh, rạch của tuyến sông Sài Gòn, sông Ðồng Nai và vùng biển Cần Giờ. UBND các quận, huyện chịu trách nhiệm hoàn chỉnh phương án phòng, chống, ứng phó thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tương ứng với từng loại hình thiên tai, cấp độ rủi ro; tổ chức kiểm tra, đánh giá mức độ an toàn và đề xuất giải pháp xử lý đối với các nhà ở, chung cư cũ, xuống cấp…

Các quận 12, Bình Thạnh, Thủ Ðức và các huyện Nhà Bè, Bình Chánh, Hóc Môn, Củ Chi, Cần Giờ, chỉ đạo các chủ đầu tư đẩy nhanh tiến độ thi công, hoàn thành dứt điểm các công trình phòng, chống thiên tai đã có chủ trương của UBND thành phố; khẩn trương giải phóng mặt bằng để sớm triển khai và hoàn thành các dự án tiêu thoát nước, chống ngập, bảo đảm tiến độ, chất lượng công trình. Riêng huyện Cần Giờ cần nghiên cứu đề xuất chủ trương đầu tư hoàn chỉnh cơ sở hạ tầng (đường, cầu cảng, nhà quản lý, nhân sự) phục vụ công tác quản lý Khu neo đậu tàu thuyền tránh trú bão, tạo điều kiện thuận lợi cho ngư dân khi đưa tàu thuyền vào tránh trú bão; nắm chắc số lượng tàu thuyền, thuyền viên đang khai thác thủy sản trên sông, trên biển thuộc địa bàn để kịp thời hướng dẫn phòng, tránh, bảo đảm an toàn khi có bão, áp thấp nhiệt đới, thiên tai xảy ra.

Nguồn: VVC.VN

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Alternate Text Gọi ngay